Trang chủ Blog chùa Trọng thể Đại lễ Phật thành đạo tại chùa Phật Quang

Trọng thể Đại lễ Phật thành đạo tại chùa Phật Quang

145

Trong hai ngày diễn ra Đại lễ,  một ngôi chùa nằm ở bên thung lũng núi Dinh với cả một khuôn viên rộng lớn bỗng hẹp trở lại, vì số lượng người trở về quá tải. Mọi người đến đây không phải để chiêm nghiệm về mình nữa mà thực sự là họ trở về ngôi nhà tâm linh của chính mình – nơi đó có người Thầy với lòng từ bi thênh thang luôn đón nhận mọi thứ (buồn, vui, vinh, nhục) của cuộc đời một cách bình thản. Và từ sức mạnh nội tâm lòng từ của vị ấy đã lan tỏa trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, để lại những dấu ấn riêng về việc tiếp độ giảng dạy cho mọi người vững bước trên con đường tu học giải thoát. Ai đã một lần được đảnh lễ Người, được nghe những Pháp âm vi diệu xuất phát từ kim khẩu của Người thì trái tim họ không thể không mềm đi, và quyết tìm con đường để quay về nẻo thiện. 

Có những người mới lần đầu đến chùa Phật Quang, nhưng họ rất hoan hỷ vì sự đón tiếp ân cần, lễ phép của chư Tăng Ni và các em sinh viên trong Ban Hướng Dẫn và Ban Tri Khách… Tất cả đã đem đến cho họ cái cảm giác được yêu thương, được tôn trọng. Dù một buổi lễ lớn với hàng vạn con người cùng sinh hoạt chung dưới một mái chùa mà vẫn giữ được nề nếp, trật tự từ đầu đến cuối. Cho nên, ai nhìn vào cũng tán thán mô hình tổ chức Lễ hội của Thiền Tôn Phật Quang mang tính cộng đồng rất cao. Theo đó, người đi Hội cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và tu học, giải trí trong một môi trường tuy rất đông người và thiếu tiện nghi, nhưng tuyệt đối an toàn về sức khỏe, rất bình an. 

Đặc biệt, khi đến với Lễ hội nơi này, đạo tâm của mỗi người được nuôi lớn qua những bài kinh tụng, sám văn đã được việt hóa rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, với nội dung hàm chứa trong đó thật gần gũi với cuộc sống. Tụng kinh cũng chính là sám hối sửa đổi những sai lầm của mình và phát nguyện làm các việc thiện, để hoàn thiện đời sống đạo đức … Vì vậy, Thiền Tôn Phật Quang có sức hút mạnh mẽ với đông đảo đồng bào phật tử khắp nơi về chiêm bái, tham dự Lễ hội và những ngày tết là thế!

Lại nữa, chương trình của Đại lễ Phật thành đạo rất đa dạng, phong phú nên được sự đón nhận của hầu hết người tham dự một cách trang trọng và hoan hỷ. Chương trình ngày mùng 07 diễn ra với các hoạt động như sau:

Đúng 9h00” sáng, quý Thầy nơi Bổn tự hướng dẫn phật tử tụng kinh, lạy Phật sám hối, cúng thí thực, tổ chức quy y cho trên 800 phật tử mới. 

Đặc biệt vào lúc 14h00”, tại Lễ đài diễn ra buổi nói chuyện với các phật tử của vị khách mời là ông Bùi Hữu Dược –  Vụ trưởng Vụ Phật giáo – Ban Tôn giáo Chính phủ, và MC Thu Quỳnh. 

Được biết, như đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến ngày Phật thành đạo, chùa Phật Quang lại mời một vị khách có nhiều cống hiến, đóng góp cho xã hội đến để giao lưu, nói chuyện với các phật tử. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa, góp phần tôn vinh những tấm gương sáng trên cả nước. Đồng thời, góp phần giáo dục trực tiếp đến các thế hệ trong xã hội, nhất là thế hệ trẻ. 

Vị khách mời đặc biệt năm nay là ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo – Ban Tôn giáo Chính phủ . Ông đã có rất nhiều bài phát biểu quan trọng, mang tính định hướng cao cho đạo Phật trong các cuộc họp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, ông cũng nhiều lần đến giao lưu với các Tăng Ni tại các khóa An cư Kiết hạ. Dù sống và làm việc trong thời bình nhưng ông như một người lính, chiến đấu hết mình để cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng một Phật giáo Việt Nam hòa hợp, ổn định và phát triển. Cả cuộc đời ông là tấm gương sáng cho các phật tử, nhất là thế hệ thanh niên học tập và noi theo.

Tại buổi giao lưu, còn có vị khách mời rất đặc biệt là HT Thích Viên Giác – Giảng viên Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Tp.HCM, Trụ trì chùa Từ Tân. Tất cả mọi thắc mắc sẽ được 02 vị khách mời trên giải đáp trong buổi giao lưu trực tuyến này. Và Thu Quỳnh rất duyên dáng, khéo léo trong vai trò MC của mình, nên buổi nói chuyện diễn ra trong không khí thật thân mật, cởi mở với những trao đổi hai chiều giữa đại diện phật tử và khách mời. 

Chứng minh và tham dự buổi giao lưu có: TT Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang, cùng sự hiện diện của chư tôn đức Tăng Ni tại Bổn tự, chư tôn đức Tăng Ni Trụ trì các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất trong và ngoài tỉnh BR-VT. 

Đồng thời còn có sự hiện diện của Anh hùng LLVTND, Trung tướng Châu Văn Mẫn cùng nhiều vị khác đã từng được đất nước tôn vinh là những người có công với dân tộc, với đất nước. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các vị Doanh nhân thành đạt, các chính trị gia… 

Tại buổi giao lưu, rất nhiều câu hỏi đã được gửi đến ngài Vụ trưởng. Mỗi câu hỏi có một nội dung khác nhau, nhưng đều xoay quanh chủ đề Phật giáo. Câu hỏi nào cũng được ông trả lời một cách ngắn gọn, đầy đủ, khiến các phật tử tham dự rất thỏa lòng.

Đầu tiên, ông cho rằng ngày thành đạo là một trong ba sự kiện quan trọng bậc nhất của cuộc đời Đức Phật. Đây là dịp để chúng ta tôn vinh những giá trị tâm chứng vĩ đại của Ngài – một đấng tối cao, tối thượng và tối giác. Nhờ Ngài mà thế giới có nguồn đạo Phật minh triết, có tư tưởng hòa bình, an lạc, hợp tác cùng phát triển; và chúng ta có cơ hội ngồi bên nhau để nghe những giáo lí cao đẹp nhất.

Khi được hỏi về những điều tích cực và tiêu cực trong Phật giáo hiện nay, ông Bùi Hữu Dược cho rằng: Vạn vật trong vũ trụ đều có tính hai mặt, tôn giáo cũng vậy, cũng có hai mặt. Đó là mặt tích cực và hạn chế. Tuy nhiên, về căn bản, đạo Phật chỉ có tính cực, bởi bản chất của Phật giáo là khoa học, mà là khoa học hướng thượng, luôn đi tìm chân lý như thật. Hơn nữa, Phật giáo đã giúp con người biết diệt trừ tham, sân, si… đi đến sự hiểu biết và giải thoát tuyệt đối, luôn bình an và hạnh phúc. Nên Phật giáo chỉ có tốt chứ không có xấu. 

Tuy nhiên, có trường hợp vì chưa hiểu sâu đạo lý, do tu sai đường… mà người ta đã phạm những sai lầm. Chẳng hạn, có những người dù chưa hiểu về đạo Phật, nhưng lại nói rất nhiều về đạo Phật, làm cho cả Phật giáo bị hiểu lầm. Đó cũng là một hạn chế. Thế nhưng, chúng ta biết rằng dù mây che mất mặt trăng, che mất mặt trời thì mây vẫn không phải là mặt trăng, không phải mặt trời. 

Với câu hỏi, xã hội nhìn nhận Phật giáo như thế nào, đặc biệt là thế hệ trẻ thanh niên hiện nay. Dịp này, ông chia sẻ: Liên hợp quốc mang tầm nhìn của nhiều quốc gia khá nhau, của các nhà chính trị, xã hội và đặc biệt là những lãnh tụ của các quốc gia. Và trên thế giới hiện nay có hàng trăm nghìn tôn giáo, tôn giáo nào cũng ít nhiều có những giá trị tích cực. Vậy mà cách đây 10 năm, Liên Hợp Quốc đã ban hành một nghị quyết khẳng định lấy Phật giáo làm tôn giáo điển hình của nhân loại. 

– Bởi trước tiên, Phật giáo là một tôn giáo rất gần với khoa học, không có gì trong đạo lý Phật dạy mà trái với khoa học, chỉ có một số điều khoa học vẫn chưa đủ sức chứng minh được mà thôi. 

– Thứ hai, Phật giáo là một tôn giáo đưa con người tới những giá trị đạo đức căn bản nhất và tốt đẹp nhất, không bao giờ gây chiến tranh, không gây thù hận oán ghét, đề cao sự bình đẳng không phân biệt như Đức Phật đã từng nói: Tất cả chúng sinh từ cây cỏ đến thú vật đều có Phật tánh, hoặc giữa con người với nhau thì “máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”, tức bình đẳng như nhau. Như vậy, Phật giáo mang lại cho xã hội những giá trị tích cực nhất mà biết bao nhiêu thế hệ con người hằng mơ ước. Đó là lý do mà Liên Hiệp Quốc khẳng định Phật giáo là tôn giáo điển hình cho nhân loại.  

Chúng ta may mắn là những người đệ tử Phật, vì vậy dù trí tuệ hay sức lực chúng ta còn hạn chế thì mỗi người cũng hãy cố gắng làm từng điều thiện nhỏ, để làm sáng tỏ đạo lý Phật dạy trong gia đình, trong xã hội, trong mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Một câu hỏi khác được đặt ra: Trong sự giao lưu, hội nhập quốc tế, nhiều nền văn hóa đang du nhập vào Việt Nam. Bên cạnh những cái tốt, có cả những cái xấu. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng khiến những cái xấu có cơ hội phát triển và lan truyền nhanh chóng, khiến việc kiểm soát rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, phương tiện trong quản lí Phật giáo nói riêng và của xã hội nói chung có thể giải quyết được những vấn đề này không?

Trả lời cho câu hỏi này, ông khẳng định: Thực sự, xã hội đang chịu sự tác động từ nhiều nguồn văn hóa đa dạng, phức tạp khác nhau. Việc tiếp cận với những cái mới trong văn hóa, đạo đức, lối sống của giới trẻ cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đây là một thử thách lớn đối với những nhà quản lí, lãnh đạo các tôn giáo, bởi nếu không có bản lĩnh cũng như sự hiểu biết đúng đắn thì không thể có những chính sách hợp lí, sáng suốt. Thậm chí, còn bị lệch hướng, nhầm đường khiến đạo đức con người bị xuống cấp trầm trọng. Ngày nay chúng ta nghe không ít câu chuyện đau lòng về sự xuống cấp, bại hoại đạo đức của con người, từ lớp thanh niên cho đến lớp người lớn tuổi.

Để đưa con người trở lại với nhân tâm, đạo đức, lối sống trong sáng, sự tu tập trong đạo Phật chính là giải pháp hết sức quan trọng. Tu tập giúp ta thanh lọc tâm hồn, biết buông bỏ những hành động xấu, trở thành người có đạo đức, biết cống hiến, phụng sự cho xã hội, cho đất nước. Nên mỗi một người tu hành, mỗi một người có đạo đức là một chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận đấu tranh với cái xấu, cái ác. Chiến sĩ đó sẽ góp phần vào việc bảo vệ hòa bình, bảo vệ an ninh trật tự từ làng quê cho đến cả đất nước này. 

Lại nữa, khi nhắc đến những bài thơ ông sáng tác về tôn giáo và các vấn đề xã hội, ông khiêm tốn cho biết mình chưa bao giờ đăng bài thơ nào lên tạp chí hoặc tập hợp in thành sách. Theo ông, tâm hồn, trái tim mình cảm nhận sao thì diễn đạt như vậy, còn việc cho chúng là văn hay thơ là tùy vào cảm nhận của người đọc.

Với cách đối đáp chân thật mà uyên bác, thâm thúy mà giản đơn của ông đã được HT Thích Viên Giác đánh giá ngoài việc thể hiện tầm nhìn của mình về Phật giáo, thì hiểu biết của ông về vấn đề tâm linh, sự tu tập của ông cũng rất sâu sắc. 

Một thú vị khác, khi được hỏi ông là người hoạt động trong công tác Phật giáo khá lâu năm, ông hãy chia sẻ một kỉ niệm đáng nhớ của mình. 

Điều bất ngờ khi ông cho rằng: Trong hai mươi năm hoạt động, ông có khá nhiều kỉ niệm liên quan đến Phật giáo trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hôm nay  lần đầu tiên bước đến chùa Phật Quang và đến vùng đất này, điều làm cho ông ấn tượng nhất là ngoài những cây cột để dựng mái che thì cây rừng vẫn còn được bảo tồn và giữ nguyên. Chùa được xây dựng nhưng mà cảnh quan thì không hề bị phá hủy.

Thuở xưa, những nhà tư tưởng Phật giáo thời Trần có nói rằng: “Tu làm sao để  từ thành thị tới thôn quê, từ nông thôn tới miền núi, cây vẫn còn, đá vẫn nguyên, để sự linh thiêng của cây, đá trở thành kẻ thù của quân giặc”. Nhìn vào đây, ông thấy tư tưởng đó đang hiện diện trong chùa Phật Quang này. Chùa có mái che để che mưa che nắng, nhưng cũng chính là tâm lành, tâm Phật che chở cho sự sống. Hoặc chùa có những tảng đá nguyên sơ được giữ lại (trong khi đáng lẽ bị đập đi để rộng đường hơn.

Điều này làm cho ông nhớ về một kỉ niệm thật xúc động với cố Hòa thượng Pháp chủ, trong đó Người căn dặn: “Tu làm sao mà giữ cây; Tu làm sao mà giữ đá; tu để loài người cùng hiểu và bảo vệ môi trường, cuộc sống, bảo vệ màu xanh, sự trong lành đẹp đẽ cho cả thế giới này”.

Một lần nữa, HT Thích Viên Giác tán thán những câu trả lời của ông Bùi Hữu Dược đều là đạo lý quý giá của Phật giáo mà bất cứ ai là phật tử thì cần phải nhớ và hành trì. Với các phật tử ngồi đây, mặc dù đã lui tới chùa Phật Quang nhiều lần, nhưng đôi khi không nhận ra được những giá trị thiêng liêng, cùng những ý nghĩa sâu sắc về cái tâm linh hiện bày trước mắt chúng ta. Tức từng cái cây, từng hòn núi, đất đá qua cảm nhận của ông Vụ trưởng đã mang những giá trị thật sâu sắc. 

Trên cương vị là Vụ trưởng Vụ Phật giáo, ông khẳng định: Việc xây dựng, đóng góp cho một Giáo hội Phật giáo Việt Nam hòa hợp, ổn định và phát triển là trách nhiệm của tất cả các phật tử. Mỗi phật tử là một tế bào của Phật giáo, tế bào có tốt thì cơ thể mới khỏe mạnh. Nghĩa là phật tử có tốt thì đạo Phật mới hưng long. Trên hết, chính là sự tu tập và cái đức của mỗi người.

Ngoài việc xây dựng Phật giáo, các phật tử còn phải biết tôn trọng, yêu thương người của tôn giáo khác. Chúng ta vừa phải âm thầm khiêm cung, vừa phải nỗ lực tu hành, phụng sự để mọi người thấy rằng ai đã có đạo lí Phật dạy rồi thì đều biết yêu thương, tử tế, giúp đỡ người khác. Tất cả mọi người đều suy nghĩ và làm được vậy thì đất nước ta mới thanh bình, đẹp đẽ.

Hiện tại, đất nước chúng ta có trên 17.200 ngôi chùa. Ta phải làm sao để mỗi ngôi chùa trở thành một trung tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho con người; là lá bùa bảo vệ sự bình an, hạnh phúc cho xã hội.

Và  chùa Phật Quang đã phát huy được tinh thần này khi quy tụ, đoàn kết được phật tử trên cả nước, từ Bắc chí Nam về đây, cùng chia sẻ tình cảm, trách nhiệm, sự hiểu biết cũng như tình yêu của mình đối với Phật giáo thông qua ngày Phật thành đạo. Sau hôm nay, mọi người có thêm năng lượng, sức mạnh để loại bỏ những điều xấu, điều ác ra khỏi tâm hồn mình. Chỉ vậy thôi đã thấy công đức của Thượng tọa Thích Chân Quang – trụ trì Thiền tôn Phật Quang thật lớn. 

Tóm lại, với cách đặt câu hỏi mở, hỏi người khác về kiến thức, quan điểm hoặc là cảm nhận của họ để có được những câu trả lời hữu ích, đây là sự khéo léo, thông minh của người hỏi và người đáp, nhờ vậy mới thu hút sự chú ý của người nghe. Qua đó, mỗi phật tử thêm hiểu hơn về đạo Phật cũng như ý nghĩa của ngày Phật thành đạo. Ngoài việc nhận được những giáo lí tốt đẹp, đây cũng là cơ hội để các phật tử thể hiện tình cảm của mình với Đức Phật – đấng cha lành của khắp chúng sinh. Vậy nên, ai cũng đều hoan hỉ, an lạc. 

Xen kẽ chương trình là các tiết mục văn nghệ do các ca sĩ và chúng thanh niên Phật tử Phật Quang thực hiện dâng lên cúng dường Tam Bảo và Hội chúng.

Tiếp theo, đúng 18h30” cùng ngày, Đại lễ Phật thành đạo bắt đầu. Trong không khí trang nghiêm và thành kính nhất, ĐĐ.Thích Tánh Khoan đại diện cho BTC đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể phật tử ngồi thiền 30 phút. 

Kế đến, nhằm củng cố những kiến thức cơ bản nhất cho phật tử về đạo Phật cũng như ý nghĩa của ngày Phật thành đạo, Thượng tọa Trụ trì đã chia sẻ bài Pháp thoại có tựa đề: THỰC TẾ – TỬ TẾ – TINH TẾ. Đây là một trong những hoạt động chào mừng ngày thành đạo của Đức Phật.  

Đầu tiên là THỰC TẾ, tức không mơ hồ, không ảo huyền, bởi toàn bộ giáo lý Phật giáo được đặt trên nền tảng của “sự thật”. Chúng ta nhìn mọi người,  hiểu mọi người trên sự thật, mặc dù sự thật đôi khi khó hiểu, đôi khi bẽ bàng ngang trái, nhưng chúng ta vẫn phải đối diện. Có như vậy tâm mình mới bình an, mới giác ngộ được.

Ví dụ dù người nào cũng yêu cái thân của mình, nhưng Phật giáo lại nêu ra một sự thật: thân xác là vô thường, sẽ già bệnh chết, hay còn gọi là vô thường. Đó là sự thật mà Phật buộc chúng ta phải đối diện. Mà người nào đối diện với cái già, bệnh, chết đó thì tâm sẽ bình an. Tâm bình an là thế nào? Ví dụ bình thường ta buồn khổ, đua đòi, mong ước, phiền não… Ta cứ bám cái tâm mình để diệt phiền não  nhưng không được. Nó vẫn sân, vẫn tham như thường. Nhưng nếu thường tự nhắc mình rằng thân là vô thường thì đến lúc gặp việc ta bớt sân, bớt tham, nó tự nhiên như vậy. 

Hoặc nếu biết sự thật về Luật Nhân Quả thì trước những tai nạn, thất bại, mất mát đến với cuộc đời mình chúng ta không buồn khổ, vì biết rằng đó là cái nghiệp mình đã gây tạo từ kiếp trước. Kiếp trước ta đã phạm cái lỗi gì đó nên phải gánh cái nạn này; hoặc làm phước nửa chừng rồi bỏ ngang nên kiếp này thành công nửa chừng rồi thất bại; hoặc ta tôn kính bậc Thánh nửa chừng rồi không tôn kính nữa nên quyền chức kiếp này ngang đây phải dừng lại…  Hiểu được nhân quả như thế, và biết sự thật, biết bản chất của cuộc đời thì tâm ta bình an. Và đạo Phật là như vậy, rất thực tế chứ không có mơ hồ, huyễn hoặc. 

Đạo Phật thực tế từ miếng ăn miếng mặc mà người xưa thường nói “Có thực mới vực được đạo”, có vật chất rồi mới tiến đến tinh thần tâm linh. Ví dụ trong một buổi lễ, khi phật tử đến chùa thì phải được ăn uống đầy đủ, hoặc có nhà vệ sinh tiện nghi, có chỗ nghỉ ngơi thoải mái… Hoặc khi nói “Chùa là nơi yêu thương” thì cũng là chưa thực tế, cái thực tế là gì? Trước tiên người xuất gia trong chùa phải đoàn kết yêu mến nhau, sau đó mới dạy cho phật tử thương nhau. Được như vậy thì chùa mới thật sự là mái ấm yêu thương. Tình yêu thương trong đó vô hình mà đậm đà, bắt nguồn từ trái tim của Tăng Ni trước.

Rồi ta yêu thương mọi người một cách rất thực tế, trong đó ta lo lắng cho con người từ việc nhỏ nhất. Ví dụ phật tử giúp nhau thì giúp cái gì? Giúp nhau sinh kế trước, tức là giúp nhau làm ăn, có được chánh mạng. Đạo Phật mạnh lên cũng nhờ đó, mà chúng ta gắn bó với nhau, quý mến nhau, gieo duyên lành với nhau cũng từ đó. 

Hoặc khi gặp nhau chúng ta biết chắp tay chào lễ phép, nói với nhau những lời ái ngữ, hướng dẫn nhau lo việc trong chùa cho đàng hoàng chu đáo, đó cũng là thực tế. Mà từ những việc thực tế nho nhỏ trong chùa đó ta mới ứng dụng vào cuộc sống. Trong cuộc sống, khi một người nào đó đến với mình, nhìn họ chúng ta hiểu họ cần cái gì. Khi biết người khác cần gì rồi thì ta biết cách chăm sóc cho họ. Đây là điều quan trọng, là một bước tiến thêm, gọi là TỬ TẾ. Tu làm sao không biết, không cần gượng ép nhưng mà ngày nào trong đầu mình tự hỏi người khác đang cần điều gì thì ta hiểu rằng mình đã bước qua giai đoạn tử tế. 

Ví dụ khi phật tử đến chùa, chúng ta nghĩ phật tử cần gì? Cần được ăn uống, cần nhà vệ sinh, cần chỗ ngã lưng. Rồi vào buổi lễ thì cần hiểu được nghi thức tụng niệm, cần có được cảm xúc trong buổi lễ. Tổ chức một buổi lễ tốn bao nhiêu tiền, bao nhiêu công sức không biết, nhưng cái lãi thu được là sự hân hoan thương mến, cái đạo tâm của mọi người khi rời buổi lễ. Đó là nhu cầu về tâm linh, nhu cầu này còn cao hơn ăn uống. 

Tóm lại, tử tế là đoán được nhu cầu của người khác để mà đáp ứng, giúp đỡ. Sống được một đời vị tha tử tế thì bỗng nhiên chúng ta sẽ tìm thấy một hạnh phúc bao la hơn, mênh mông và bền vững hơn những niềm vui tạm bợ nào giờ. Từ đó, phước lành cứ mãi tăng thêm. Ngược lại, nếu chỉ sống cho mình, vì mình thì ta mau hết phước, mà hết phước rồi thì chỉ còn đau khổ. 

Và chúng ta cũng hãy nhớ rằng sống tử tế thì phải chấp nhận tốn tiền, tốn công sức và thời gian. Không bao giờ có một đời sống tử tế mà an nhàn được. Người đạo đức, tử tế là một người cực kì bận rộn và cực nhọc.

Như vậy một ẩn sĩ nhập thất không làm gì thì có được gọi là tử tế không ? Nếu người đó đang nhiếp tâm thanh tịnh, mong cầu đắc đạo để hóa độ chúng sinh, thì việc ở một mình trong thất vắng vẫn gọi là tử tế. Còn nếu họ sống nhàn nhã cho qua ngày đoạn tháng, không mang hạnh nguyện độ sinh thì chưa được gọi là tử tế. 

Cuối cùng, khi đã thực tế, tử tế rồi thì nhân quả đưa chúng ta tới một đỉnh cao là TINH TẾ. Đó là lúc mà trí tuệ mở ra, nhìn vào cuộc đời chúng ta thấy được những điều sâu sắc, chi li, kĩ lưỡng, thấy những điều mà người khác chưa thấy được và có thể làm thầy người khác được rồi. Ví dụ khi nói về nhân quả, ta nói được những nhân quả mà người khác không lường nổi. Hoặc với những diễn biến của tâm cực kì phức tạp của chính mình và của người khác, khi thì tham, khi thì sân, khi thì đố kị… bỗng nhiên ta hiểu thăm thẳm trong tầng sâu của nó, nên ta có thể gỡ được khúc mắc, phiền não, đau khổ cho tha nhân.

Chẳng hạn, khi có người đến than thở rằng họ quá cô đơn, không biết làm sao cho người khác thương mình. Chúng ta nói ngay được rằng: Bạn đặt vấn đề sai rồi, phải đặt vấn đề ngược lại là sống làm sao để mình thương được mọi người mới đúng. Đó mới là đi đúng nhân quả, ta biết mở lòng thương người thì tự nhiên được thương mến lại. Còn nếu chỉ muốn kẻ khác thương mình thì chúng ta sẽ vĩnh viễn cô đơn.

Tóm lại, ba chữ tế: Thực tế – tử tế – tinh tế là ba chân kiềng giữ cho tâm hồn, cho sự tu hành của chúng ta được cân bằng. Nếu thực tế mà không tử tế thì ta là con người thực dụng, xem trọng vật chất. Còn tử tế mà không thực tế thì trở thành người cảm tính, dễ thương yêu sướt mướt mà không biết người khác ra sao, dễ bị dụ dỗ lừa gạt. Nếu tử tế, thực tế mà thiếu tinh tế thì sự tu hành sẽ không hoàn hảo, ta không tiến xa được. 

Đây là những kiến thức cơ bản, chuẩn xác, tránh sự mơ hồ, hiểu nhầm, hiểu sai trong quá trình tu học đã được Thượng tọa chia sẻ rất khúc chiết, ý nghĩa rất uyên thâm, luận về chữ “tế”. Song không phải ai bước chân vào cửa đạo cũng ý thức được hết. Với lòng bi mẫn và trí tuệ  sâu xa, cứ mỗi bài giảng là một thông điệp, Thượng tọa muốn hướng dẫn phật tử các giới tu học đúng chánh pháp và tiến bộ trên con đường tâm linh.Vì vậy, chúng ta phải xác định điều này để định hướng cho sự tu hành của mình đang đi và sẽ đi, đồng thời đi mãi từ bây giờ đến cùng tột đời vị lai trên lộ trình tu học đạo giác ngộ.

Ngày hôm sau, 4h sáng ngày mùng 8 tháng chạp, khi sương còn phủ kín núi rừng thì nơi Thiền Tôn Phật Quang đang diễn ra nghi thức lễ Phật thành đạo thật trang nghiêm, thật lắng đọng. Ai nấy đều thành tâm hướng Phật cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, đều phát nguyện dũng mảnh, tiến bước theo con đường giải thoát của Phật vạch ra.

Ấn tượng và xúc động nhất trong buổi Lễ là những lời cảm niệm thành đạo được Chư tôn đức và cả đại chúng phát nguyện trước Phật.

Sau cùng, đại lễ Phật thành đạo hoàn mãn bằng nghi thức toàn thể đại chúng tụng bài Sám Thành Đạo và dâng hoa cúng dường. 

Tuy mọi người trở lại với cuộc sống đời thường, nhưng dư âm như mãi còn vang đọng trong tâm hồn của những ai khi nhớ nghĩ về Phật, về Thiền Tôn Phật Quang./.