Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Huyền Không Sơn thượng

Huyền Không Sơn thượng

61

Từ trung tâm thành phố, đi ngược lên vùng ngoại ô Kim Long, ngang chùa Thiên Mụ rồi vòng qua một ngôi làng nhỏ với những hàng thông rậm rạp, qua những con đường đất gập ghềnh và những vườn rau xanh tươi, những cánh đồng lúa dập dờn, bạn sẽ đến núi Chằm.


Một con đường đất đỏ dẫn lên núi, nơi có ngôi chùa, nằm giữa những hàng thông rậm rạp cao vút và ríu rít tiếng chim.


Khuôn viên chùa là một khu vườn xanh ngắt với những cảnh quan kỳ ảo, đẹp như trong chuyện cổ tích. Một cây cầu gỗ bắc qua dòng suối nhỏ nở đầy bông súng tím ngát đưa khách bước vào Thanh tâm viên, sân trước toà Phật điện.


Những giò hoa phong lan quí hiếm, được chọn trong 500 giò lan quý nuôi trồng ở vườn dưới sân chùa, thay đổi mỗi ngày, với đủ sắc màu rực rỡ, đang thi nhau đua sắc, khoe hương. Những cây sứ, thiên tuế, tùng, bách… cổ thụ hàng trăm năm tuổi, điềm đạm xòe những tán lá rậm rạp, ung dung che chở nắng gió cho những khoảng sân và lối đi lát gạch bát tràng màu nâu đỏ.


Đây đó, dưới bóng những cây tre ngà lao xao hay trong khu rừng trúc um tùm là những bộ bàn ghế giả gỗ để khách ngồi nghỉ, tận hưởng sự yên ả thanh bình nơi cửa Phật.


Yên Hà Các nằm bên phải Phật điện, với những đường nét kiến trúc uyển chuyển, là nơi đón khách. Mái ngói, cột trụ, nội thất đều có màu cánh gián của phong cách Nhật Bản, giản dị nhưng sang trọng.


Bộ bàn ghế thấp, cái phích, bình trà mới pha nghi ngút hơi và những cái chén nhỏ sạch sẽ, tạo nên một không gian giản dị mà đầm ấm. Chợt thấy như mình vừa trở về nhà sau một chặng đường dài.


Băng qua khu vườn trúc, khách sẽ đến am Mây Tía. Đây là nơi những người yêu thích văn chương thi phú tìm đến để đàm đạo, bình thơ, ngắm gió trăng mây núi, là nơi các nhà thư pháp tập họp để luyện bút, phô chữ…


Vì lẽ đó, thư pháp hiện diện khắp nơi, khắc trên đá trong vườn, chạm trên gỗ, trang trọng treo trên tường, ghi trên cột cổng tam quan… Đó là những lời Phật dạy, những điều hay lẽ phải răn đời và răn người, là những cảm xúc bất chợt của các cây bút, là những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng.


Con đường nhỏ phía sau tăng xá (nhà ở) dẫn đến một khu rừng thông cổ thụ rậm rạp trên ốc đảo giữa hồ Hàm Nguyệt Trì. Đây là nơi diễn ra những cuộc triển lãm thư pháp. Trên mỗi cây thông có gắn một cái giá bằng gốc tre.


Đêm đêm, những chiếc đèn dầu đặt trên đó tỏa ánh sáng mờ ảo, hư hư thực thực, đầy quyến rũ. Bên kia hồ, ngôi nhà thư pháp lợp tranh nằm dưới chân núi, trầm tư soi bóng xuống mặt hồ quanh năm thơm ngát hương sen.


Mặt trước nhà thư pháp có một chữ “Thiện” bằng gốc tre – sản phẩm hết sức tinh xảo của một nghệ nhân Huế, giản dị mà cao sang, lạ mắt và rất đẹp.


Bên trái ốc đảo là hồ Lãm thượng, tím ngát hoa bèo tây. Khách thường đi trên Lãm thượng kiều (cầu Lãm thượng) để ra ốc đảo giữa hồ, nơi có cái chòi tranh nho nhỏ, để vừa ngắm những bông sen đang e ấp nở, vừa trải tầm mắt nhìn sang những cái am nhỏ lưng chừng núi.


Khi ngắm chữ Phật bằng thư pháp khắc trên phiến đá phía bờ đối diện, bay bổng và trang nghiêm, chợt thấy tâm hồn bình an kỳ lạ.