Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Liên hệ quá nhiều với cư sĩ

Liên hệ quá nhiều với cư sĩ

102

Một thời, Tôn giả Ananda trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda sống quá bận rộn bởi nhiều liên hệ với cư sĩ.


Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy thương xót Tôn giả Ananda, muốn hạnh, muốn cảnh giác, liền đi đến Tôn giả Ananda.


Sau khi đi đến, vị ấy nói lên bài kệ với Tôn giả Ananda: Ông đã quyết lựa chọn/Đời sống dưới gốc cây/Tâm ông quyết nhập một/Với mục đích Niết bàn/Cù-đàm, hãy thiền tư/ Và sống chớ phóng dật/Đối với ông, ích gì/Tạp thoại vô vị ấy.


Tôn giả Ananda được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức  xúc động.


(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Ananda, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.438)


LỜI BÀN:


Đành rằng mối liên hệ giữa bốn chúng đệ tử Phật vốn hòa hợp như nước với sữa, luôn khắng khít và không thể tách rời. Thế nhưng, quá bận rộn bởi các liên hệ với cư sĩ chưa phải là điều hay đối với người xuất gia, vì duyên trần sẽ quấy đảo an tịnh nội tâm, làm chướng ngại thiền định.


Như Tôn giả Ananda, thị giả của Thế Tôn, bẩm tính thông minh, có trí nhớ phi thường lại rất dễ thương và hòa ái nên được hàng cư sĩ đặc biệt mến mộ. Và do đặc điểm của công việc thị giả cho Đức Phật nên phải xử lý vô số công việc đồng thời phải tiếp xúc, gặp gỡ rất nhiều hạng người.


Từ đó, Tôn giả Ananda còn rất ít thời gian cho thiền định nhằm thanh lọc và thăng hoa tâm.


Vì thế, một vị Trời ở trong trụ xứ của Tôn giả Ananda đã trợ duyên, cảnh tỉnh với Tôn giả rằng sự bận rộn ấy tuy là Phật sự (có phước báo) nhưng đối với mục tiêu giải thoát Niết bàn thì chỉ là “phóng dật, tạp thoại vô vị”.


Đây cũng là một bài học cho chúng ta suy gẫm, nhằm tránh bỏ gốc để chạy theo ngọn, nhận ra những việc cốt tủy mà hàng xuất gia cần phải làm.


Đồng thời, điều này giải thích lý do tại sao mỗi năm, vào mùa kiết hạ chư Tăng phải tạm gác tất cả Phật sự để nhập chúng thực hiện phận sự an cư.


Đối với người xuất gia, hai mục tiêu tự lợi và lợi tha cần phải thực hiện song hành. Tuy vậy, khi nội tâm chưa thực sự vững chãi trước những thách thức và cám dỗ của ngoại cảnh thì tự lợi, tức sự tu học cá nhân cần được ưu tiên hơn.


Khi nội tâm chưa thực sự an tịnh và vững vàng mà chuyên lo lợi tha và quên mất phần tự lợi thì có khi mất cả chì lẫn chài. Tôn giả Ananda thông tuệ đến thế mà đến khi Thế Tôn nhập Niết bàn vẫn chưa chứng đắc Thánh quả A la hán là điều đáng suy ngẫm cho tất cả chúng ta.