Sau Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lớn nhất từ trước tới nay tại đất cố đô, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh TT. Huế đã để lại các công trình nghệ thuật để phục vụ festival như bảy vòm hoa sen lớn trên đường Lê Lợi, hệ thống hoa sen gắn kết trên hàng ngàn cây xanh thuộc nhiều đường phố, tháp hoa đăng tại công viên An Hòa ở cửa ngõ phía bắc của TP, tác phẩm sắp đặt – chiếu sáng trên sông Hương “Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh”, 40 tác phẩm ảnh panorama VN – danh lam thắng cảnh trưng bày trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu…
Đặc biệt, chùa Thiên Mụ được chọn là một trong 18 điểm nhấn của chương trình “Huyền thoại sông Hương”, khởi đầu trên sông từ bến đò lăng Minh Mạng và cập bến Nghinh Lương Đình với tổng chiều dài 15km.
Tại chùa Thiên Mụ, sau khi đoàn thuyền cung đình cập bến chùa, hoạt cảnh chúa Nguyễn Hoàng cùng binh lính trong cuộc hành trình dài mang gươm đi mở cõi, gặp bà Tiên chỉ cho một vùng đất sơn thủy đắc địa để dựng đô, lập nghiệp đã diễn ra trong sự theo dõi của đông đảo người dân.
Trên các bậc đá của chùa Thiên Mụ, 70 nhà sư trong lễ phục vàng đeo những chuỗi hạt tụng kinh cầu cho quốc thái dân an. 70 nhà sư kết tụ thành bảy đài hoa như bảy bước chân huyền diệu của đức Phật, dang tay đón du khách.
Trong dịp này, tại chùa Thiền Lâm, nguyên xưa là nhà ở và nơi làm việc của Bùi Đắc Tuyên, Thái sư triều Tây Sơn, nhà chùa dành hẳn một ngôi nhà rường 3 gian cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trưng bày mối quan hệ của chùa Thiền Lâm và Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung qua thư tịch cổ và hiện vật điền dã.
Bên cạnh các tài liệu văn bản học là những khối đá, nhiều loại đá táng cột, các tấm bia bị mài nhẵn hết chữ hoặc bị đục phá, và gạch vồ được tìm thấy dưới lòng đất vườn chùa Thiền Lâm mà ông Nguyễn Đắc Xuân chứng minh là những vật liệu của một trong những kiến trúc thuộc Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung đã bị nhà Nguyễn hủy hoại, chôn sâu dưới đất hồi đầu thế kỷ XIX.
Những gì trưng bày ở chùa Thiền Lâm – theo ông Nguyễn Đắc Xuân- chỉ là một phần nhỏ đối với những thư tịch và hiện vật điền dã có liên quan đến Cung điện Đan Dương đã được tìm thấy ở các chùa Vạn Phước, chùa Diệu Đức, nhà ông Nguyễn Hữu Oánh gần đó.
Tại “phòng trưng bày” ông Nguyễn Đắc Xuân trực tiếp giới thiệu với khách tham quan kết quả công việc đi tìm Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Vua Quang Trung mà ông đã thực hiện trong hơn 20 năm qua.
Sau Festival các hiện vật này vẫn được nhà sư trụ trì cho lưu giữ tại đây như là một phòng trưng bày thường xuyên.
Như vậy, du khách trong và ngoài nước đến dự festival Huế năm nay có thể cảm nhận những sắc màu và giá trị văn hóa Phật giáo gắn liền với lịch sử và đời sống của đất thành kinh một thời.
Thuyền cung đình cập bến chùa Thiên Mụ
Các nhà sư hành lễ tại chùa Thiên Mụ trong chương trình Huyền thoại sông Hương
Các nhà sư hành lễ
Tháp Phước Duyên
Bến chùa Thiên Mụ
Sông Hương
Biểu diễn điệu múa cổ Bài Bông có từ thời Trần tại festival Huế 2008
Người dân Huế và du khách thắp hoa đăng