Thực tế đã chứng minh từ thời cổ đại, luật pháp luôn luôn là công cụ sắc bén, là ranh giới, là chuẩn mực cho mọi hoạt động của xã hội nói chung và cho các tôn giáo nói riêng. Trong Giáo – Pháp Phật, luật tạng là một trong ba tạng Thánh giáo có công năng đưa hành giả từ phàm phu lên Thánh vị tới đích giải thoát yên vui. Đạo Phật đề cao tính nghiêm minh giới Luật, được coi là kỷ cương trong Phật Pháp, là mệnh mạch Tăng già, nơi nào giới luật hoằng truyền nơi đó Phật PHáp hưng thịnh. Nếu trong chốn thiền gia chư tăng không trì luật thì tăng đâu còn xứng đáng là Tăng bảo, sứ giả của Như Lai (Thiền vô luật tắc tăng an trụ). Vấn đề giới luật được đức Phật nhấn mạnh, nêu lên tầm quan trọng như chiếc thuyền bè đưa người tu vượt biển khổ sông mê; luật như trái đất, hết thảy mọi hoạt động vật, thực vật đều nương đó phát sinh. Chính vì thế, trước khi nhập Vô dư Niết bàn, Đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni không chỉ định ai làm giáo chủ thay Ngài. Ngài dạy: “Dĩ Ba la đề mộc xoa vi sư… Tỳ ni trụ tắc Phật pháp trụ”. Đệ tử Phật nương giới luật làm thầy, hành trì giới luật để Phật pháp thường tồn trên thế gian.
Lời dạy trên của đức Phật trong kinh Di Giáo như một chân lý tối hậu khuyên dạy dàng đệ tử không kể lại tại gia hay xuất gia. Lời dạy đó được chư vị Tổ sư Tiền hiền kế tiếp kính cẩn phụng hành. Hoà thượng Pháp chủ Thích Đức Nhuận là vị tiêu biểu trong tinh thần nghiêm minh giới luật, giữ gìn uy nghi tế hạnh. Ngài là bậc Tam tạng pháp sư thời hiện đại, nhưng điểm nổi bật muốn nói lên, Ngài là bậc uyên thâm tinh tường, nghiêm trì giới luật, điều này được thể hiện qua đạo phong cốt cách của Ngài. Khi sinh thời, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi việc làm Ngài đều theo đúng luật Phật – nửa tháng, nửa tháng một kỳ Lễ Bố tát để trưởng dưỡng đạo tâm. Ngài tham gia đầy đủ cùng tăng chúng theo phép “Thuyết giới yết ma” hoặc “Đối thú Bố tát”. Hạ an cư là nghĩa vụ và trách nhiệm của tỷ khiêu để tiến tu đạo nghiệp. “An cư hình tâm nhiếp tĩnh, yếu kỳ tại trụ” chính vì thế chưa năm nào, tháng nào Ngài bỏ qua hai việc làm trên, ngay cả những năm tháng cuối cùng tuy thân tứ đại theo quy luật biến thiên có đau yếu, nhưng không cản ngăn việc trì luật của Ngài.
Tại các giới đàn, chư vị giới sư luôn luôn cung thỉnh Ngài – bậc trì luật, ứng thỉnh ngôi Yết ma A Xà Lê (giới tử đắc pháp ở Yết ma).
Trong các trường Phật học đào tạo tăng tài, Ngài luôn làm giám luật giảng dạy môn học luật học.
Nếu ai có thiện duyên được sống gần gũi bên Ngài hay mới chỉ lần đầu được yết kiến đều nhận thấy Ngài trụ tâm trong chính pháp, luôn luôn thể hiện uy nghi: ngồi ngay thẳng, đôi mắt hiền từ rủ xuống trong tư thế thiền định, dáng đi oai vệ, khoan thai đĩnh đạc như sư tử chúa. Mỗi khi giáo hoá đồ chúng, Ngài tuỳ căn cơ đối tượng tiếp xúc để ban pháp nhũ. Nếu là người mới tới cửa Thiền với đạo tâm tín ngưỡng Tam Bảo, Ngài đem giáo lý áp dụng nơi việc thế gian để minh hoạ dẫn dắt trưởng dưỡng Bồ đề tâm để rồi đưa giới luật khuyên bảo họ thụ trì 3 phép quy, 5 giới, 8 giới, và cao hơn nữa, ngõ hầu trở thành người Phật tử chân chính đầy đủ giới đức trang nghiêm. Không một người nào khi vào đỉnh lễ, yết kiến lại không được Ngài khuyến hoá đạo Pháp, giữ gìn giới luật, hộ trì các căn khi tiếp xúc trần cảnh, chú tâm tỉnh giác. Ngài thường dạy: “Hãy xả bỏ tâm kiêu mạn, đem đạo đức và lòng từ bi cảm hoá quần sinh. Đạo Phật không dùng giáo quyền để thu nạp tín đồ mà tự mình “hữu uy khả uý, hữu nghi khả kính”. Thật vậy, đạo phong của ngài đã cảm hoá nhân tâm. Ngài ở đâu là đệ tử xum họp, về nơi đó tu tập đông đúc khác nào như những con thơ dại muốn gần gũi sưởi ấm nơi tình thương trí tuệ, bác ái thấm nhuần dòng sữa pháp nơi bậc giới đức trang nghiêm, nương tựa sự che chở của cây đạo thụ cao cả. Sự nghiệp truyền pháp, hoằng luật của Ngài làm sao kể xiết. Suốt cuộc đời, gần một thế kỷ chỉ một tâm niệm: “Sự tồn tại của đạo pháp được dài hay ngắn, thịnh suy ra sao, yếu tố quyết định là đạo hạnh, nếp sống thiền gia, sự gương mẫu của tăng già nghiêm trì giới luật, sự truyền trì chính pháp, thiệu long Tam Bảo”. Mỗi lần tiếp các bậc giáo phẩm cao cấp hay tăng ni, Ngài thường nhắc nhở: “Mở trường đào tạo tăng tài có kiến thức Phật học, có phạm hạnh của người đệ tử Phật; trong chương trình giảng dạy các trường phải chú ý môn Phật luật học”… Ngài không chỉ thể hiện trong thiền gia đạo pháp; đối với pháp luật Nhà nước, Ngài cũng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo. Ngài thể hiện là người công dân mẫu mực chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, vì đức Phật dạy “bất đắc vi quốc chế”, người Phật tử hành đạo theo giới luật Phật không tách rời luật pháp Nhà nước. Ngài ở đâu cũng được nhân dân kính ngưỡng, chính quyền tôn trọng.
Phật giáo Việt Nam đã chuyển mình sang giai đoạn mới cùng dòng lịch sử dân tộc; các tông phái đã hoà hợp cùng nhau chung sức xây dựng ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng ngày càng đạt nhiều thành quả tốt đẹp trong nhiều Phật sự trọng đại, xứng đáng là tổ chức Phật giáo có tầm cỡ lớn trong nước và quốc tế. Ngài là cây “Thạch trụ” làm chỗ nương tựa cho kiến trúc ngôi nhà Phật giáo được vững chắc tồn tại, Ngài là bậc Bồ tát trì luật tái thế làm rạng rỡ tông phong Phật Tổ, xứng đáng là bậc: “Ba ly chính phái, Đạo Tuyên miêu duệ”. Ngày nay và mãi mãi về sau hương thơm đức hạnh của Ngài toả khắp nhân thiên.