Trang chủ Tuổi trẻ Tăng Ni sinh Cảm niệm của TT. Thích Trí Chơn đến cố HT. Thích Chơn...

Cảm niệm của TT. Thích Trí Chơn đến cố HT. Thích Chơn Thiện

489

Chiều hôm sau, máy bay vừa đáp xuống sân bay Nội Bài, tôi đi thẳng vào bệnh viện Vinmec thăm Hoà thượng. Đi cùng có chị Nguyên Giới ở Hà Nội và hai chị Diệu Vân, An Huệ ở Cộng hoà Séc – vùng Đông Âu mà Hoà thượng đã 3 lần đến hành đạo.

Trên tầng 07, phòng Presidence, tôi bước vào thì thấy có Hoà thượng Giác Toàn cùng quí tôn đức trong Ban Giáo dục Tăng Ni TW đang có mặt. Thầy Hương Yên – thị giả, đưa tôi vào gian phòng phía bên trái để viếng. Trước mắt tôi là một thân thể gầy guộc đến khó tả, vẫn với bộ đồ nhựt bình màu vàng nhạt quen thuộc,,Hoà thượng nằm trên chiếc giường trải drap trắng. Tôi bàng hoàng, xúc động nắm lấy tay người. Thầy Hương Yên thưa: “Bạch Ôn có Thượng tọa Trí Chơn đến thăm”. Khoảnh khắc ấy, những ngón tay yếu ớt của Ngài cố nắm lấy bàn tay tôi. Mắt nhoà đi, tôi ngước lên trần nhà để che dấu những giọt buồn không cầm được trong phút giây tử biệt. “Bạch Thầy, con Trí Chơn đến thăm Thầy”, tôi thưa. Đôi mắt Ngài cố nhướng lên, đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì đó mà không ra lời. “Con đang có mặt cho thầy và con vẫn đang có ở trong thầy. Kính mong thầy luôn bình an”. . . Miệng tuy thưa vậy, tâm thì rất dao động, không đủ năng lượng vững chãi, để có được tâm bình an thật sự cho Ngài. . . 

 

Thầy Trò ngày ra Trường 01-1997

Ngày 08/11/2016, về lại Sài Gòn, lúc sắp đến giờ cơm trưa, tôi nhận được điện thoại từ Thầy Huệ Trọng, nhưng khi “Alo” thì Hoà thượng Huệ Phước lên tiếng: “Huệ Phước đây thầy TC ơi. Ôn Tường Vân đi rồi, thầy ra Huế sớm nhé!”. Nghe xong, tôi “Vâng” mà lòng nghẹn ngào, cố giữ sự bình thản, ngồi bất động không làm gì, chỉ quán sâu từng hơi thở vào ra của mình. Lại có thêm điện thoại: “Thầy Trí Chơn ơi, Chiều ra Huế nhé, HT. Chơn Thiện tịch rồi!” – Tiếng Hoà thượng Giác Toàn.

 

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng mời cơm tại Budapest, Hungary, 2009

Tôi không chút nghi ngờ sự ra đi của Ngài, vì hôm đến  bệnh viện, tôi đã nghĩ đến cái “giây phút phải đến” này, nhưng sao lòng cảm thấy bàng hoàng. Dù cố giữ sự tĩnh lặng nhưng tâm dao động đến khó tả. Bao hình ảnh của quá khứ lại ùa về. Những kỷ niệm của hơn hai mươi năm trước, khi Ngài làm Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Cao cấp Phật học, còn tôi đang là một học tăng. Khi đó làm Lớp Phó, nên tôi thường xuyên liên lạc với Ban Giám hiệu về việc trường, việc lớp mà trực tiếp là với Hoà thượng, nên từ đó thầy trò gắn bó nhiều hơn, gần gũi nhau hơn. Có ai hạnh phúc hơn tôi, đi học, trời mưa không về được, Hoà thượng ra gọi vào, ngồi uống trà, trò chuyện rồi ăn cơm cùng Ngài. Có ai may mắn hơn tôi, năm cuối làm luận văn tốt nghiệp, Hoà thượng là người hướng dẫn. Nhưng, không như những huynh đệ khác, Hoà thượng yêu cầu tôi phải mang đến từng chương một để Ngài xem và góp ý, chỉnh sửa. Ngài chỉnh sửa rất kỹ, từng câu, từng chữ. Có khi viết chưa hết chương Hoà thượng nói cứ đưa đến Ngài xem. Thế là, một, hai ngày, tôi lại đến trình bản thảo. Tôi nghĩ bản luận văn không chỉ mang tính thời sự – Phât giáo Việt Nam trong thế kỷ 20 và về GHPGVN – khiến Hoà thượng quan tâm, mà chính tình thương đặc biệt của Ngài dành cho, nên thầy trò gặp nhau gần như mỗi ngày.  Từ việc học, nội dung luận văn lại trở thành câu chuyện  mỗi khi thầy trò gặp gỡ suốt hơn hai tháng.

 

Tại Chùa Giác Nguyện, Brno, CH. Séc 2009

Trước ngày tốt nghiệp, tôi lên văn phòng nhận tập luận văn, chị Trang, chị Thuỷ – nhân viên văn thư của Trường –  nói: “Những bản luận văn khác, Hoà thượng đọc xong, viết chữ “Duyệt” rồi cho tụi con đóng dấu. Luận văn của Thầy (TC), Hoà thượng . . . “cho” luôn 2 trang. Phần Giáo sư hướng dẫn, Ngài viết nguyên 1 trang và phần chấp thuận của nhà trường Ngài . . . làm thêm trang nữa”. Thực ra, tôi đã biết điều này nhưng vẫn tỏ ra thân thiện, vui mừng và nhìn các chị mỉm cười hạnh phúc.

Thế rồi, tôi ra trường tham gia một số Phật sự được Giáo hội phân công, Hoà thượng thì về cố đô để lãnh đạo Học viện PG Huế; đồng thời, trụ trì ngôi cổ tự mà gần nữa thế kỷ trước Ngài đã tu ở đây.Thỉnh thoảng, tôi được hầu chuyện với Ngài hoặc ở Tường Vân, hoặc ở Vạn Hạnh, có khi ở nhà khách Quốc Hội trên phố Trần Hưng Đạo – Hà Nội. 

Hai năm 2008 – 2009, Trung ương Giáo hội có chuyến hoằng pháp châu Âu gồm các nước Ba Lan, Đức, Hungary, Nga, Pháp, Séc và Ukraina, cả 2 lần đều do Hoà thượng làm Trưởng đoàn. Và, năm 2010 tôi thỉnh Hoà thượng sang chứng minh lễ Lạc thành chùa Giác Đạo, CH. Séc, ngôi chùa tôi nhận trách nhiệm trụ trì. Đó là khoảng thời gian 3 năm liền tôi được gần gũi, lân mẫn Ngài nhiều nhất. Có những lúc trên chuyến bay dài thâu đêm, có những khi trên cung đường quanh co dọc ngang xứ tuyết, thầy trò nói chuyện cùng nhau; Hòa thượng say sưa với những khám phá mới của mình về Tam học, Tứ đế, Duyên khởi . . .  Rồi, những câu chuyện về thời cuộc, có những tiếng cười giòn tan và có cả những ưu tư với nhiều dấu chấm than(!), chấm lững( . . .).

 

Tu viện Vô Lượng Thọ, Đức quốc, 05/2010

 Rồi, những câu chuyện về Phật giáo ngày hôm qua giúp tôi hiểu được nhiều hơn về các bậc thượng tôn, như: Đức Tăng thống Tịnh Khiết, HT. Giác Nhiên, HT. Tâm Châu, HT. Mật Nguyện, Thiền sư Nhứt Hạnh, Thượng nhân Trí Quang, Sư bà Diệu Không, Cư sĩ Lê Đình Thám . . . Rồi, những câu chuyện thời sự về Phật giáo hôm nay để tôi hiểu được sự dấn thân của các bậc trưởng lão như, HT. Trí Thủ, HT. Mật Hiển, HT. Đôn Hậu, HT. Trí Tịnh, HT. Minh Châu, HT. Thiện Siêu, HT. Quang Thể …. Thậm chí, Ngài còn dự báo cho Phật giáo ngày mai, một ngôi nhà chung có nhiều cửa và, có rất nhiều người được quyền nắm giữ chìa khoá ..

 

TP. Dresden, Đức quốc,  05/2010

.Cuối năm 2015, Hoà thượng vào Sài Gòn dự Hội nghị tổng kết cuối năm của Giáo hội. Ngài chỉ dự có buổi sáng, chiều tôi đến Thiền viện Vạn Hạnh vấn an. Bước vào, gặp mấy vị khách đến từ Hà Nội, tôi định thoái lui thì Hoà thượng lên tiếng: “Thầy Trí Chơn vào đây chơi”.

 

Lễ Lạc thành Chùa Giác Đạo, CH. Séc, 2010

Rồi như để tạo niềm tin với khách, Hoà thượng cầm tay tôi nói: “Thượng tọa Trí Chơn là người nhà”. Thế là tôi được ngồi nghe . . .  “việc nhà” – Nhà nước, và có cả việc nhà chùa. Những tưởng, tình thầy trò tiếp tục sum họp, nghĩa Linh Sơn gắng kết duyên chung, để có thêm cơ hội được học hỏi từ Ngài, lấy sự chỉ bảo của Ngài làm tư lương hành đạo mà đền ơn giáo huấn. Nào ngờ, trời Thăng Long nói lời từ biệt,  đất Cố đô mở lối đón về.

 

Thăm chùa Giác Đạo, CH. Séc, trong lúc đang thi công 2010

 

Tặng sách tại Chùa Tường Vân, Huế, 2014

 

Bên chén trà 2014

Thầy ơi … 

Viện Vạn Hạnh từ nay chỉ còn trong di ảnh, Chùa Tường Vân sương lạnh phủ tháp mờ!

Báo thân Ngài về với bốn đại nhưng tuệ thân của Ngài đã ban khắp trong mỗi Tăng, Ni trẻ hôm nay.

Sài Gòn, 11/11/2016

 Trí Chơn