Trang chủ Tin tức Phật giáo Đăk Lăk: Trăm năm mới có một lần

Phật giáo Đăk Lăk: Trăm năm mới có một lần

71

Đây là hoạt động Phật sự hy hữu, trăm năm mới có một lần của Phật giáo tỉnh nhà, nên rất ý nghĩa, trang trọng và thiêng liêng. Vì vậy, sự trông mong, lòng háo hức, chờ đợi ngày đại lễ diễn ra không chỉ có tăng ni mà còn là sự hân hoan của toàn thể chư thiện tính trong cũng như ngoài tỉnh. Trước thềm đại Phật sự lần này của Phật giáo Đăk Lăk, Ban thông tin truyền thông đã có buổi trao đổi ngắn với chư vị trong BTC đại lễ.

– Xin Thượng tọa cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tổ chức đại lễ?

TT. Thích Châu Quang, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Đắk Lắk, Trưởng BTC cho biết: Có thể nói, Đại lễ lần này là niềm vinh hạnh lớn cho tăng ni và Phật tử tỉnh nhà. Do đó, thuận lợi đầu tiên trong công tác tổ chức là nhận được sự đồng tình tuyệt đối từ chư tôn đức tăng ni và quý Phật tử. Từ sự đồng thuận này, chúng tôi nhận được sự ủng hộ cả tinh thân lẫn vật chất từ các giới như: Các tiểu ban được phân chia công tác cụ thể, rõ ràng, chư tôn đức tăng ni có tinh thần trách nhiệm cao, các Phật tử cũng một lòng hộ trì chánh pháp nên rất hăng say đóng góp tâm lực, tài lực.

Để đại lễ được diễn ra suôn sẽ trong 3 ngày, toàn BTS đã chuẩn bị trên 3 tháng cho các khâu như đón tiếp chư tôn đức khắp nơi trở về tham dự, quý Phật tử lưu trú để tham gia giới đàn Quang Huy. Ngoài sự hỗ trợ nhiệt tình là làm tròn trách nhiệm của chư tôn đức tăng ni, quý Phật tử, BTC còn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp chính quyền địa phương tại TP. Buôn Ma Thuột – tỉnh Đăk Lăk, đây là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định cho sự thành công của đại lễ

Về khó khăn: Mặc dù BTS đã rất cố gắng trong mọi khâu chuẩn bị, nhưng hiện tại BTC vẫn có một số vấn đề nhỏ khó giải quyết đó là: thời tiết mặt bằng cho việc lưu trú xe ra vào tại chùa Khải Đoan, khuôn viên khá khiêm tốn, vấn đề an ninh trật tự cũng khiến chúng tôi lo lắng làm sao để đảm bảo suốt quá trình diễn ra đại lễ. Dù chuẩn bị khá chu đáo mọi thứ nhưng vẫn lo vì điều bất ngờ luôn xảy ra bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, BTC sẽ hết sức cẩn trọng trong vấn đề thực phẩm và y tế, đảm bảo sức khỏe cho tất cả mọi người, mọi giới cũng là nguyện vọng lớn của chúng tôi. Nói chung, mọi tổ chức đều có khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để đại lễ được diễn ra thành công tốt đẹp.

– Xin Thượng tọa cho biết: Đường hướng hoạt động của Phật giáo Đắk Lắk trong thời gian qua và trong thời gian tới?

TT. Thích Châu Quang: Về đường hướng hoạt động: BTS luôn thực hiện theo hiến chương GHPGVN đề ra. Tuân thủ tuyệt đối trong công tác hành chánh của Giáo hội về các lãnh vực như: thực hiện các quy định việc bổ nhiệm trụ trì, động thổ xây dựng chùa, tạo điều kiện thuận lợi nhất để chư tăng ni xây dựng các niệm Phật đường, các chùa tại những vùng kinh tế mới, tạo điều kiện cho tăng ni Phật tử khắp nơi có cơ sở tu học và hoằng truyền chánh pháp.

Các hoạt động Phật sự sắp đến của BTS là thực hiện Đại hội các cấp từ xã, huyện, thị, cố gắng để hoàn thành tốt trong năm 2016. Trong năm tới (2017), BTS cũng đang có những kế hoạch để phát triển Phật giáo tỉnh nhà ngày một xương minh và phát triển.

–  Bạch Thượng tọa, xin thầy cho biết ý nghĩa tên Giới đàn lần này của Phật giáo Đăk Lăk?

 TT. Thích Châu Quang: Phật sự lần này nhằm vào năm thứ 23 lễ húy nhật của cố Hòa thượng đệ ngũ trú trì chùa Khải Đoan Thích Quang Huy. BTC lấy tên Quang Huy, vì chúng tôi muốn tôn vinh và tri niệm ân đức thầy tổ, cũng là vị ân sư đã gắn bó và có công đầu với Phật giáo Đăk Lăk trong suốt 30 năm khi Ngài còn tại thế.

Tên “Giới đàn Quang Huy” còn có ý nghĩa là ánh sáng chói lòa, ánh sáng chân lý, huy hoàng, rực rỡ. Hàng Phật tử tại gia tham dự Giới đàn này, lãnh thọ Thập thiện và Bồ tát giới như tìm thấy ánh sáng chân lý cho đời mình, con đường tu tập trong tương lai luôn có sự soi chiếu, không sợ lạc lối trong đêm dài vô minh, triền phược.

– Được biết trước kia Hòa thượng từng hoằng pháp tại Đắc Lắc, sau một thời gian dài xa cách, hôm nay trở lại Hòa thượng thấy Phật giáo Đắc Lắc và chùa Khải Đoan ngày nay như thế nào?

HT. Thích Quang Đạo, Thành viên HĐCMTƯ GHPGVN, trưởng Ban hoằng pháp tỉnh Đồng Nai, viện chủ chùa Phước Viên, tỉnh Đồng Nai: Đã 56 năm rồi, hồi đó thầy chỉ mới là Sa di, nhưng cũng có duyên lành được theo quý Thượng tọa đi làm Phật sự các nơi, nhất là những vùng xa xôi hẻo lánh. Phật giáo thời kỳ Ngô Đình Diệm rất khó khăn, tăng chúng lúc đó chỉ được khoảng 10 vị, đó là Thượng tọa chánh dại diện – cố ĐĐ. Thích Minh Đức, cố HT. Thích Đức Thiệu, cố ĐĐ. Thích Nguyên Thanh, ĐĐ. Thích Quán Tâm, tiếp theo là Thầy trụ trì cố HT. Thích Quang Huy, quý thầy hiệu trưởng trường Bồ Đề, một số quý Thầy giáo thọ và trong chùa thì chỉ có vài ba Điệu. Ngày đó TP. Buôn Ma Thuột không xôn xao và sầm uất như bây giờ, sinh hoạt Phật giáo chỉ gói gọn trong nội bộ, dẫu vậy, chư tôn đức cũng cố gắng tìm mọi cách để hoằng dương chánh pháp.

Quý Ngài bắt đầu mở trường Bồ đề, sau đó thành lập các hội từ thiện và tiếp tục đẩy mạnh phong trào giáo dục cho tăng ni và Phật tử khắp nơi. Chùa Khải Đoan ngày đó vẫn còn khá khiêm tốn. Sau hơn 50 năm trở lại, chùa bây giờ đã xây dựng nghiêm trang, cũng là nhờ hồng ân Tam bảo gia hộ, sự hộ niệm của chư tôn đức tăng ni, sự gia hộ của các đời trụ trì đã qua, đặc biệt là sự cố gắng không ngừng của vị Thượng tọa trụ trì đương nhiệm. Thế hệ tăng trẻ như thầy Hải Thông và tăng chúng tại bổn tự cũng có công đóng góp rất lớn cho sự thành tựu tại ngôi chùa này. Tất cả cùng đồng tâm khởi niệm, đến nay đã thành tựu mỹ mãn, đánh dấu một giai đoạn trưởng thành vượt bực của chùa Khải Đoan nói riêng và của GHPG tỉnh Đăk Lăk nói chung.

– Hòa thượng muốn nhắn nhũ điều gì cho thế hệ trẻ, những người kế thừa Phật giáo tỉnh nhà mai sau?

HT. Thích Quang Đạo: Đối với một tu sĩ Phật giáo, đặc biệt là những người giữ trọng trách trong giáo hội, quý vị nên có trách nhiệm của người kế thừa. Sự kế thừa này, thứ nhất là để bảo tồn Phật pháp, vì đạo Phật luôn gắn với tinh thần hộ quốc an dân. Thứ nữa là quý vị phải vừa phát triển cơ sở tự viện, vừa hoằng dương chánh pháp để giáo dục cho bách gia bá tánh mỗi ngày một hiểu biết về giáo lý của đức Phật.

Muốn làm được như vậy thì theo ý tôi, những người kế thừa sau này phải dựa trên Kinh, Luật, Luận của đức Phật dạy để phát triển, vì chỉ có dựa theo tinh thần giáo lý của đức Phật mới kế thừa một cách bền vững.

– Đầu tiên là tinh thần tùy duyên bất biến, trong Kinh Đại Bát Niết Bàn đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy nương vào chánh pháp để làm hải đảo, hãy nương tựa một cách vững chắc nhất và không có chỗ nào khác để cho mình nương tựa ngoài chánh pháp”, đó là tinh thần tùy duyên bất biến. Nghĩa là sử dụng giáo lý của đức Phật tùy từng thời điểm, từng đối tượng, miễn làm sao cho Phật pháp xương minh, chứ không nên theo một quy cũ cứng nhắc nào.

– Thứ 2 là tinh thần hòa hợp, trong Kinh Đại Bát Niết Bàn đức Phật dạy: “Khi nào chúng Tỳ kheo hội họp trong niệm đoàn kết, chia tay trong niệm đoàn kết, làm việc tăng sự trong niệm đoàn kết, thì chúng Tỳ kheo sẽ được trường thịnh”. Bên cạnh đó, phải dùng 7 pháp bất hối, đó là: “Này các Tỳ kheo, hãy thường xuyên hội họp đông đảo để học và thảo luận về chánh pháp, hội họp trong niệm đoàn kết và giải tán trong niệm đoàn kết. Hãy thực hiện những pháp và luật khi đã được ban hành. Hãy cung kính và vâng lời những bậc trưởng thượng có kinh nghiệm về việc tu học cũng như hoằng thiện”. Nếu làm được như vậy chúng ta mới có được sức mạnh. Đó là tính hòa hợp.

 – Thứ 3 là tính chân thật, Làm việc Phật sự, hoằng truyền chánh pháp của đức Phật là phải dựa trên đức lý chứ không phải dựa vào thế quyền. Đạo lý này được phát xuất từ đại chúng, nếu nhà lãnh đạo có đức độ, có thực tu thực học thì dễ quy phục lòng người. Đức Phật dạy trong Kinh Tiểu Bộ như sau: “Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì làm gì nói vậy, nói gì làm vậy nên gọi là Như Lai”. Tóm lại, ba tính chất trên đây rất cần cho một tăng sĩ Phật giáo trong thời hội nhập. Áp dụng được tinh thần tùy duyên bất biến, áp dụng được tính hòa hợp, tính chân thật, thì chúng ta sẽ kế thừa được sự nghiệp của các bậc tiền nhân vậy.

– Xin Đại đức cho biết quá trình hình thành và phát triển chùa Khải Đoan?

ĐĐ. Thích Hải Thông: Từ những năm 1932, tín đồ Phật tử Tây Nguyên tha thiết có ngôi nhà tâm linh để hướng về và tu học, tổng hội Phật giáo Trung phần lúc bấy giờ cũng có hướng phát triển Phật giáo tại đây. Tuy nhiên, mãi đến năm 1950-1951, thân mẫu vua Bảo Đại là bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu mới phát tâm hiến cúng đất để xây dựng Tam bảo. Đây là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Tây nguyên, cũng là trung tâm tu học của chư tăng, tín đồ Phật tử và là cơ sở văn hóa Phật giáo lớn nhất tỉnh Đăk Lăk. Chùa Khải Đoan là trụ sở hành chánh đứng đầu của Phật giáo Tây nguyên, là bộ mặt của Phật giáo Đăk Lăk. Hai từ “Sắc tứ” được gọi một cách trang trọng cũng từ sự phát tâm thành kính của bà Hoàng Thái Hậu Đoan Huy vậy.

Về quá trình phát triển triển: nhà hậu tổ được kiến thiết và xây dựng từ những năm 1950-1955. Từ năm 1955-1960 khu vực chánh điện được thiết kế sàn gỗ Sau năm 1963, ĐĐ. Thích Nguyên Thanh xây dựng thêm một số hạng mục khác. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cố HT. Thích Quang Huy xây dựng thêm nhà tăng và một số công trình quan trọng khác. Đây là thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh mẻ cả về cơ sở vật chất lẫn con đường hoằng pháp lợi sanh của cố Hòa thượng trưởng ban lúc bấy giờ. Chùa Khải Đoan đi vào hoạt động từ đó đến năm 2012 mới đại trùng tu toàn bộ các hạng mục. Tuy xây dựng mới nhưng những nét cổ kính của chùa Khải Đoan xưa vẫn giữ lại như thời bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Đây là cơ hội để chúng ta gợi nhớ đến ân đức người hiến cúng, cũng như ghi nhớ công ơn các bậc tiền bối hữu công, vì Phật pháp, vì quần chúng tại mảnh đất thiêng liêng này mà một đời dấn thân phụng sự.

– Là người đã hộ trì Tam bảo tại chùa Khải Đoan trên 40 năm, với tâm huyết của một Phật tử thuần thành, cô mong ước Phật giáo tỉnh nhà mai sau sẽ phát triển như thế nào?

Phật tử Hồng Y: Con được trở thành con của Phật và là Phật tử tại chùa Khải Đoan này trên 40 năm, thời gian đó không quá dài nhưng đủ để con nhìn thấy hết sự hình thành và phát triển không ngừng của Phật giáo tỉnh nhà, nhìn thấy được hết tâm lực, nguyện lực của chư tôn đức tăng ni đã hết lòng vì hàng Phật tử chúng con mà không ngừng nổ lực hoằng dương chánh pháp. Chúng con rất cảm kích, rất tự hào vì được là một trong những cá nhân của Phật giáo Đăk Lăk, của chùa Khải Đoan.

Tuy nhiên, chúng con vẫn còn tham lam lắm, ước muốn lớn nhất của hàng Phật tử chúng con là mong Giáo hội tỉnh nhà lên kế hoạch, tổ chức các lớp học giáo lý, thuyết giảng chánh pháp, mở các khóa tu cho người già và trẻ em tại các chùa, tự viện hàng tuần, hàng tháng để hàng Phật tử chúng con mở mang trí tuệ, có chánh kiến, sống đạo đức, xứng đáng là đệ tử của đức Phật, là những nhà ngoại hộ đắc lực cho Phật pháp hôm nay và mãi mãi.

– Xin chú cho biết cảm xúc của mình khi được làm giới tử của Giới đàn Quang Huy?

Phật tử Trừng Tiềm: Là một Phật tử được may mắn tham dự Giới đàn Quang Huy, sau bao nhiêu năm chờ đợi, hôm nay được thọ giới con thật sự rất vui mừng, rất hạnh phúc và xúc động khi chính thức được thọ lãnh Thập thiện – Bồ tát giới. Đối với một Phật tử như con, việc được thọ thêm giới pháp để phát triển trên con đường tu học là cơ hội để rèn luyện đạo đức, nhân cách sống cho chính mình, cho xã hội và đạo pháp.

Điều làm con hoan hỷ hơn nữa là ngôi chùa Khải Đoan của Phật giáo Đăk Lăk đã hoàn thành viên mãn, sừng sửng uy nghiêm giữa TP. Buôn Ma Thuột lộng gió này. Con đã chờ đợi ngày này từ hơn 4 năm trước, từ ngày chùa khởi công đặt viên đá đầu tiên. Con cảm thấy tự hào, vinh hạnh vì cũng là một trong những Phật tử của ngôi chùa Khải Đoan thân thương này.

Chúng con không biết nói gì hơn, xin thành kính tri niệm ân đức to lớn của chư tôn đức tăng ni, quý Phật tử ngoại hộ, đã cho chúng con có cơ hội để hoàn thiện chính mình. Kính chúc quý Ngài thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành, kính chúc quý Phật tử luôn mạnh khỏe, bình an dưới ánh hào quang từ bi và trí tuệ của Phật.

Thay mặt Ban truyền thông, chúng con thành kính niệm ân chư vị tôn đức, quý Phật tử đã dành thời gian cho bài phỏng vấn nhanh này. Nguyện cầu mười phương chư Phật luôn thùy từ gia bị, để Đại lễ lần này của BTS được thành tựu mỹ mãn.