Trang chủ Tin tức Cư sĩ Tăng Quang – nguyên Tổng thư ký Hội Phật học...

Cư sĩ Tăng Quang – nguyên Tổng thư ký Hội Phật học Nam Việt từ trần

187

Cư sĩ Tăng Quang, pháp  danh Minh Chiếu, sinh  ngày 30-11 năm Canh  Ngọ (1930) tại ấp Song Thanh, xã Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.


Bà nội của cư sĩ được vua Khải Định sắc phong “Tiết hạnh khả phong”, bác ruột được vua Bảo Đại sắc phong “Hiếu hạnh khả gia”.


Từ năm 1925, cư sĩ được gia đình gửi ra tỉnh Quảng Ngãi cho đi học quốc ngữ tại Trường Trung học Bình Dân. Trường này do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Hiệu trưởng danh dự.


Cư sĩ học hết cấp trung học tú tài thì diễn ra cuộc Cách Mạng Tháng 8 năm 1945, cư sĩ tham gia chính quyền cách mạng, làm đến chức vụ Chánh lục sự Tòa án Liên Khu 5 Trung Bộ.


Năm 1954, đất nước bị chia đôi, cư sĩ ở lại miền Nam và lập gia đình với bà Trương Thị Tuyết Nhung rồi trở vào Sài Gòn sinh sống, nối truyền nghề nghiệp của gia đình. Ông bà có tất cả 8 người con, gồm 6 trai và 2 gái.


Năm 1964, sau một thời gian lui tới chùa Xá Lợi lạy Phật tụng kinh, cư sĩ đã phát tâm quy y đầu Phật, do HT.Thích Hành Trụ làm bổn sư truyền giới và được ban pháp danh là Minh Chiếu, đồng thời gia nhập làm hội viên của chùa, do cố cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền làm Hội trưởng.


Năm 1965, cư sĩ bị chính quyền Sài Gòn bắt giam và xử án 5 năm tù giam với tội trạng làm kinh tài, tiếp tế cho lực lượng cách mạng. Sau khi ra tù, cư sĩ trở về tiếp tục phát huy cơ nghiệp của gia đình.


Năm 1979, cư sĩ Tăng Quang được cư sĩ Lê Ngọc Diệp, Tổng Thư ký tiền nhiệm đề cử kế thừa chức Tổng Thư ký Hội Phật học Nam Việt. Trong thời gian này, cư sĩ đã cùng với cư sĩ Tống Hồ Cầm vận dụng khả năng, tùy cơ uyển chuyển lèo lái con thuyền Hội Phật học Nam Việt tiếp tục hoạt động trong hoàn cảnh đất nước.


Bên cạnh công tác của Giáo hội, cư sĩ là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 8 từ năm 1980 cho đến cuối đời. Từ năm 1988 đến năm 1998, cư sĩ tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh.


Năm 1981, cư sĩ là đại biểu, Trưởng đoàn Hội Phật học Nam Việt, một trong 9 tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội. Tại Đại hội, cư sĩ đã được cử làm Ủy viên Tài chánh trong Ban Thường trực HĐTS nhiệm kỳ I đến nhiệm kỳ II (1981-1992).


Năm 1989 đến năm 1999 liên tiếp hai khóa 6 và 7, cư sĩ là đại biểu HĐND quận 8 và Cố vấn Ban Bảo trợ Hội Chữ thập đỏ và Hội Khuyến học quận 8.


Năm 1992, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 3, nhiệm kỳ (1992-1997), cư sĩ được cử làm Ủy viên Thường trực, đảm nhận chức vụ Phó Trưởng ban Kinh tế-Tài chánh T.Ư GHPGVN cho đến ngày mãn phần.


Năm 1996 cho đến năm 2001, cư sĩ là Ủy viên BCH T.Ư Hội Chữ thập đỏ và là Ủy viên BCH Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM.


Ngoài công việc Phật sự của chùa Phật học Xá Lợi, đối với sinh hoạt thanh thiếu niên Phật giáo cư sĩ cũng rất quan tâm, vì thế cư sĩ đã được Ban Hướng dẫn GĐPT T.Ư và thành phố cũng như các huynh trưởng mời làm gia trưởng GĐPT chùa Xá Lợi.


Sự nhiệt tình và công lao đóng góp của cư sĩ đã được Giáo hội, xã hội các cấp từ T.Ư, thành phố, quận, phường… đánh giá cao và được khen thưởng qua những thành tích sau:


– Năm 1991, được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân” của UBMTTQ Việt Nam;


– Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất;


– Bằng khen của nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười;


– Kỷ niệm chương “Góp phần vào thắng lợi giải phóng dân tộc”;


– Huy hiệu TP.Hồ Chí Minh, Huy hiệu Lực lượng vũ trang nhân dân.


Về mặt xã hội, cư sĩ luôn được biểu dương gương Người tốt việc tốt cấp thành phố, quận, phường.


Về mặt Giáo hội, cư sĩ được tặng Bằng Tuyên dương công đức.


Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007), cư sĩ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích đóng góp xây dựng và phát triển xã hội, đất nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.