Khái niệm “Phật giáo dấn thân” được Thích Nhất Hạnh, một thiền sư người Việt đưa ra những năm 1960 và đã được hàng triệu tín đồ đạo Phật ủng hộ, cố gắng cống hiến hết sức nhằm đáp ứng những nhu cầu về kinh tế, xã hội, chính trị, môi trường cũng như tâm linh của con người hiện đại.
Ví dụ ở Đông Nam Á, hàng ngàn nhà sư đã kết hợp với hàng trăm ngàn tình nguyện viên để gây dựng lại cuộc sống tốt đẹp trong các ngôi làng. Ở Ấn Độ, hàng triệu người dân nghèo khổ đã được giải phóng.
Ở Tây Á, tín đồ Phật Giáo đã phát động các phong trào chăm sóc đời sống nhân dân thu hút hàng triệu người tham gia. Và ở toàn bộ các nước Châu Á, các ni cô đang cố gắng kết hợp với các địa phương để tổ chức tốt các dịch vụ xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Người phương Tây cũng thay đổi cái nhìn về đạo Phật hiện đại Châu Á nhờ vào hai sự kiện: Thứ nhất là một cuộc hội nghị quốc tế về “đạo Phật và đạo Cơ Đốc dấn thân” được chủ trì bởi trường Đại học DePaul ở Chicago từ ngày 27 tháng 7 đến ngày 3 tháng 8 năm 1996.
Hội nghị quốc tế lần thứ 5 bao gồm các nghiên cứu về Thiên chúa giáo này có các nhà lãnh đạo Phật giáo Châu Á như Dalai Lama đến từ Tây Tạng, Ven. Maha Ghosananda đến từ Campuchia, Sulak Sivaraksa đến từ Thái Lan, và A. T. Ariyaratne đến từ Sri Lanka cũng như các nhà lãnh đạo Phật giáo đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sự kiện thứ hai gần đây đã góp phần giới thiệu đạo Phật với phương Tây là sự xuất bản của quyển sách “Phật giáo nhập thế”: Các phong trào giải phóng của các tín đồ Phật giáo ở Châu Á. Các biên tập viên của quyển sách quan trọng này là Christopher S. Queen và Sallie B. King đã sưu tập các bài viết có giá trị và có chiều sâu trong những nghiên cứu toàn diện về đạo Phật trên những mảnh đất được xem là nguồn gốc của nó.
Các phong trào được đề cập trong quyển sách này không chỉ là các hình thức mới phát triển của đạo Phật mà là các phong trào rất có ý nghĩa đối với lịch sử loài người: Xác định bản chất và vai trò của đạo Phật trong thế giới hiện đại, và qua đó thấy được tương lai của đạo Phật.
Phật giáo truyền thống từ lúc hình thành cho đến ngày nay đã phải trải qua biết bao cuộc đấu tranh cam go để gìn giữ giá trị và phát triển, trải qua 2500 năm và đã tìm được chỗ đứng trong trái tim của những người sùng đạo. Hiện nay số người theo đạo Phật là 350 triệu người.
Xã hội luôn tác động vào tình cảm của con người theo hai mặt, một mặt theo chiều hướng tích cực và một mặt theo chiều ngược lại. Nhưng đối với những nhà sư hay những tín đồ đạo Phật thì những niềm tin, giá trị tâm linh được xem là một phương tiện để giải phóng con người từ những yếu tố có hại và tiêu cực trong xã hội.
Có một điều gì đó mới trong tư tưởng của đạo Phật hiện đại chăng? Cả Sallie King và Christopher Queen đã nghiên cứu những câu trả lời khác nhau – kể cả những câu trả lời ủng hộ hoặc phản đối. Câu trả lời của chính bản thân tôi là – đạo Phật hiện đại không có gì mới hơn về tư tưởng.
Ví dụ đức Phật dạy rằng một ông vua phải trừ diệt tội ác không phải bằng các hình phạt mà bằng cách triệt trừ tận gốc những nguyên nhân dẫn đến tội ác thông qua việc cung cấp những điều kiện thuận lợi cho nông dân, vốn cho những nhà kinh doanh, mức lương xứng đáng cho những người công nhân, giảm thuế cho người nghèo.
Vua Asoka, người đã lãnh đạo Ấn Độ từ 268—233 trước công nguyên đã thể hiện mình là một ông vua cai trị dựa trên đạo Phật, luôn đặt lợi ích của con người lên làm đầu. Một nhà triết học lớn nhất người Ấn Độ, Nagarjuna đã khuyên một ông vua phải cai trị vương quốc dựa trên tình thương dân bao gồm việc giáo dục cho mọi người, phải trả công xứng đáng cho các vị lương y chăm sóc sức khỏe cho mọi người và thu thuế thấp.
Đến thế kỉ XIX, các nhà sư ở Sri Lanka vẫn nắm giữ những vai trò cố vấn quan trọng trong chính phủ cũng như các vị trí cao trong hệ thống giáo dục và hệ thống luật pháp, nhưng sau đó các vai trò này đã bị thực dân Châu Âu xóa bỏ và tất cả mọi sự quan tâm về chính trị, giáo dục và xã hội dành hết cho đạo Thiên Chúa.
Tuy nhiên Phật giáo vẫn giữ được vị trí trong lòng những người sùng đạo và kết luận của riêng tôi là những phong trào Phật giáo gần đây làm thay đổi về chính trị ở Châu Á, những gì chúng ta thấy được ngày nay một lần nữa khẳng định đạo Phật ngày càng phát triển mạnh.
Sallie King cho rằng sự thật là các phong trào này cũng bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng ở Châu Á trong suốt thế kỉ này. Bà xem những cuộc khủng hoảng này như là sự kết nối với các thế lực kinh tế, chính trị, xã hội trên phạm vi toàn cầu, và các tín đồ đạo Phật nhận ra rằng số phận của Châu Á phụ thuộc vào số phận của thế giới.
Chúng ta là các phần tử trong một trang web kết nối các mối quan hệ chính trị và kinh tế xuyên quốc gia. Nhận định này đã dẫn dắt đạo Phật đến với những gì được Christopher Queen gọi là “phiên bản của một thế giới mới”.
Rất nhiều tín đồ đạo Phật cống hiến không chỉ cho sự cải thiện đời sống của các tín đồ đạo Phật ở Châu Á mà còn góp phần khôi phục thế giới loài người. Đạo Phật truyền thống nhấn mạnh cái nhìn sâu sắc đối với bản chất con người.
Các tín đồ đạo Phật nhận ra sự quan trọng của chủ trương chung của đạo Phật: Xây dựng một thế giới hòa bình, đoàn kết, đa tôn giáo, không sử dụng bạo lực và cộng tác giữa các tôn giáo khác nhau trên toàn thế giới để biến thế giới thành một thế giới hòa bình và tôi tin rằng quan điểm này sẽ làm cho đạo Phật trong tương lai sẽ phát triển hơn nữa.
Ví dụ, Ariyaratne đã nói với tôi rằng trong cuộc đổi mới làng của ông, có những giá trị cơ bản của con người vẫn đuợc ưu tiên hơn cả các giá trị của giáo phái.
Mặc dù ông là một tín đồ đạo Phật, nhưng khi ông đến các ngôi làng để thuyết pháp, ông cũng dựa trên nền tảng đạo đức xã hội, các giá trị chung và riêng giữa các đạo Thiên Chúa giáo, đạo Hindu và đạo Hồi. Ở đây, chúng ta có thể thấy được tôn trọng, hợp tác các tôn giáo để cố gắng tạo nên một thế giới đoàn kết và hòa bình.
Như vậy, những đặc trưng riêng nào của đạo Phật khiến cho nó luôn theo đuổi mục đích là làm thay đổi, cải cách hệ thống đạo đức và xây dựng “một thế giới mới tốt đẹp”? Tôi sẽ nhấn mạnh vào ba điểm: Sự thay đổi của xã hội, hệ thống đạo đức và sự biến chuyển toàn cầu.
Thứ nhất, những nhà lãnh đạo Phật giáo cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của con người, của các cuộc khủng hoảng ở Châu Á thế kỉ XX. Sự thay đổi này giúp họ chịu đựng và vượt qua được các điều kiện khắc nghiệt của con người và hiểu biết hơn với các vấn đề xã hội.
Họ đọc lại kinh sách và khám phá ra trong đó một khái niệm của sự giải phóng bao gồm sự tự do “trong khuôn khổ” trên toàn thế giới về xã hội, kinh tế, chính trị, tình dục, chủng tộc.
Thứ hai, những khái niệm này của đạo Phật không phải chỉ dành riêng cho các nhà sư hay không phải “lấy thầy tu làm trung tâm”, như trong quá khứ mà còn bao gồm cả những người trần tục.
Các thành viên của đạo Phật không chỉ là các thầy tu mà còn là những con người với đời sống thực trong các công ty, văn phòng, trường học và ở các gia đình. Do đó, điều quan trọng ở đạo Phật là nó chứa những ưu điểm của lòng thương người, tình yêu, sự tốt bụng, niềm vui và sự thanh thản.
Thứ ba, đạo Phật cũng đã và đang phát triển ở khắp mọi nơi. Kể từ khi gia nhập vào thế giới hiện đại đa tôn giáo của loài người thì các hình thức mới trong đời sống của các tín đồ đạo Phật cũng được phát triển hơn bao gồm cả các mối quan hệ tích cực với các thành viên trong các tôn giáo khác.
Điều này dẫn đến một điều là đạo Phật phải tìm cách để vừa phát triển chủ trương của chính mình vừa phải tìm cách để hợp tác hòa bình với các tôn giáo khác để cùng tồn tại trong một gia đình mới của loài người. Có nhiều hoạt động đã diễn ra nhằm xây dựng “thế giới chung tốt đẹp” này:
Ở Đông Á, tín đồ Fo Kuang Shan ở Đài Loan luôn tìm cách khuyến khích đạo Phật phát triển trên toàn thế giới – họ thường tổ chức các cuộc họp của các lãnh đạo đạo Phật vòng quanh thế giới. Họ cũng tổ chức các họat động chung cho các tôn giáo trên toàn cầu.
Các phong trào đạo Phật ở Hàn Quốc đã kết hợp với các tôn giáo khác nhằm tạo nên một thế giới với sự chia sẻ, cảm thông của các tôn giáo, giá trị tôn giáo khác nhau. Để thực hiện được điều này, các Phật tử đã thành lập các trung tâm Phật giáo vòng quanh thế giới và họat động như những Hội nghị thế giới các tôn giáo về hòa bình (WCRP).
Phong trào Rissho Kosei-kai của người Nhật được tổ chức bởi Nikkyo Niwano, người đọat giải Templeton về sự phát triển tiến bộ trong tôn giáo. Phong trào này quan tâm đến vấn đề “làm thế nào để có một thế giới hòa bình?”.
Các thành viên đã sáng lập ra giải hòa bình Niwano tại Liên Hợp Quốc, và chính Niwano là người đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một tổ chức liên hợp hiệu quả ngày nay. Các hoạt động của ông bao gồm nhiều hình thức như cùng làm việc với các tổ chức của Thiên chúa giáo ở Đông Phi.
Từ những điều trên, ta có thể thấy rằng đạo Phật không chỉ góp phần cải tạo về mặt xã hội mà nó còn đóng góp một điều gì đó rất quan trọng và có y nghĩa cho thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển của đạo Phật cũng tạo ra nhiều thách thức cho thế giới hiện đại, nó tạo điều kiện để tăng sự đoàn kết của các tôn giáo khác nhau trên thế giới và góp phần củng cố, xây dựng một thế giới nhân bản, hòa bình trong tương lai.
Hạ Anh (dịch)