Chùa cổ Hoa Tiên nằm ở ngoại ô thành phố Nha Trang, thuộc địa phận thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Chùa nằm cách “linh mộc” và cũng là đại mộc cây dầu đôi khoảng 1.000 bước chân, cách thành cổ Diên Khánh hơn 2km.
“Hoa khai kiến Phật Quan Âm chí
Tiên đắc chơn truyền Quảng Đức tâm”
Chùa Hoa Tiên tọa lạc đường Phân Bội Châu, thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (ngày xưa là ấp Phật tỉnh, nhân đào giếng được tượng Phật mà ấp có tên là Phật Tỉnh). Theo thi sĩ Quách Tấn, tác giả Xứ Trầm Hương, chùa Hoa Tiên vốn là quan tự, do tỉnh lập năm Gia Long thứ 10 (1811). Chùa ngày xưa thờ Quan Thánh đời Tam quốc, ở gian giữa, thờ bà Thiên Y A Na ở bên hữu, thờ Phật ở bên tả.
Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tỉnh giao chùa cho làng. Lúc còn thuộc quyền tỉnh cũng như lúc đã giao cho làng, mỗi năm đến ngày 13 tháng Giêng Âm lịch, đều phải tổ chức hát bội tại chùa, tục gọi là “hát vía Ông”. Do đó, chùa trở thành địa chỉ tâm linh quan trọng ở Diên Khánh, và ngày 13 tháng Giêng trở thành ngày hội vui hàng năm của người địa phương. Đến triều Bảo Đại (1924-1945) hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo, làng bèn đổi chùa thờ Thánh thành chùa thờ Phật. Ban đầu có một số hào mục không chịu. Vị tiên chỉ mới nghĩ ra một kế là cầu Quan Thánh thẩm định. Quan Thánh giáng cơ, phán rằng: việc dùng chùa ngài thờ Phật là việc chính đáng, bởi Phật là đấng chí tôn. Huống hồ Ngài cũng đã Quy y Tam Bảo. Thánh đã dạy thì còn ai không dám tuân.
Làng bèn thỉnh tượng Phật vào thờ gian giữa, rước tượng Thánh sang thờ gian tả. Còn gian hữu vẫn thờ bà Thiên Y A Na. Kế đến quốc biến. Chùa cũng không tránh khỏi nghiệp chung. Cảnh vật phải chịu khá nhiều biến cải. Đến năm Kỷ Hợi (1959) chùa được trùng tu. Quy mô rộng lớn, kiến trúc tân thời nhưng vẫn giữ được vẻ Á Đông cổ kính. Chùa hướng về Tây Bắc. Trước mặt, con sông Cái nước chảy từ Tây xuống Đông, mở vọng cảnh của chùa thêm rộng.Vườn chùa cũng khá rộng, lại nhiều cây, nhiều cây cao rậm. Nên quang cảnh cũng như ngoài đều đượm khí vị thiền lâm.
Nhưng đáng lưu ý nhất là Cây Cốc và Ba tượng thần bằng đá của Chiêm Thành để lại . Cây Cốc là một “vị cổ lão” chắc là bạn đồng canh cùng cây Dầu Đôi ngoài quốc lộ. Gốc lớn có đến 10 ôm, hô hê hốc hỉu. Thân cao có đến bốn chục thước. Cành tua tủa trông giống đầu con nai chà Châu Phi. Truyền rằng dưới gốc cây có vàng. Ban đêm, người quanh vùng thường thấy “vàng đi ăn”, ánh vàng sáng rực. Thời Pháp thuộc, công sứ Bréda đòi đào gốc cây để tìm vàng. Người trong làng sợ tai họa xảy đến, nên nhiệt liệt phản đối. “Phép vua thua lệ làng”, viên công sứ đành thối nhượng. Gần đây nổi lên phong trào tìm vàng. Nhiều nơi cổ tích bị đào phá. Có mấy người Hời ở Phan Rang tìm đến chùa, trưng giấy tờ của ông bà để lại và xin được phép bới gốc cây cốc để tìm của. Chùa nhất định từ khước. Nhờ vậy mà cây cốc còn cao cội sum cành, và chùa còn giữ được một bảo vật vừa kỳ vừa cổ. Tượng thần cũng vừa kỳ vừa cổ, nhất là tượng bà Thiên Y A Na thờ trong chùa. Tượng nầy là một phiến đá xanh hình khối chữ nhật. Cao chừng năm sáu tấc, dày chừng một tấc rưỡi, rộng chừng một tấc rưỡi hai tấc. Không biết là một tác phẩm điêu khắc bị bỏ dỡ, hay là hình tướng một vị quái thần của Bà La Môn. Tượng chỉ khắc có nửa thân phía trước: Mặt có đủ mắt mũi miệng, hai tay chấp nơi ngực, đầu đội chiếc mũ nhọn như ngọn tháp Cao Miên. Còn phía sau lưng và khúc mình thì để nguyên dạng đá. Người trong ấp đã tìm được khi đào giếng xây chùa. Trông thấy nét mặt đàn bà, đồng bào cho là tượng bà Thiên Y A Na bèn đem vào chùa thờ phụng. Và nhân việc đào giếng được tượng, nên ấp lấy tên là Phật Tỉnh vì tin rằng bà Thiên Y cũng là một vị Bồ Tát như đức Quán Thế Âm.
Còn hai tượng nữa thì ở dưới gốc cây cốc lồi lên. Hai tượng này xưa lắm. Nét chạm khắc đã mòn hết, lại bị hư hỏng nhiều chỗ. Một tượng cao chừng 6 tấc, một tượng cao chừng 5 tấc. Tượng mới lồi lên chừng bốn năm mươi năm nay. Cho là vật linh thiêng, vị trụ trì đem vào chùa thờ. Nhưng nửa đêm tự nhiên rớt xuống đất. Vị trụ trì sợ, liền đem ra thờ dưới gốc cây cốc, nơi tượng đã trồi lên. Hiện nay vẫn còn, song chiếc đầu gãy không biết ai đã lấy mất. Một điểm hay nữa là Phú Ân Nam có hai ngôi chùa là Thiên Lộc và Hoa Tiên, mà cả hai đều đi ngõ hậu. Khách đàn việt đến viếng cửa thiền chắc nhiều vị thuộc chuyện Tây Du. Khi bước vào ngõ, chợt nhớ chuyện Tề Thiên Đại Thánh nhờ đi ngõ hậu lúc canh ba vào phòng Tổ sư mà được truyền thọ thất thập nhị huyền công, thì hẳn có người sanh hy vọng rằng mình sẽ được vị trụ trì mật truyền tâm ấn. Đó cũng là một hứng thú.
Xứ Trầm hương có rất nhiều ngôi cổ tự nhuốm đầy những huyền tích ly kỳ mỗi nơi một chuyện. Chùa Hoa Tiên, đến nay vẫn còn được nhiều người lưu truyền về sự hiện diện của những pho tượng Phật lồi đầy bí ẩn. Cùng “kho vàng Hời” ẩn dưới gốc cây cốc đại thụ với thân bằng vòng ôm của hơn chục người. Kho vàng này từng bị một vị công sứ người Pháp “dòm ngó” nhưng thâm ý bất thành. Người bảo vì bị những hồn ma giữ của trù ếm theo lời nguyền nên vị công sứ hoảng sợ. Kẻ khẳng định chính những pho tượng lồi huyền linh kia đã báo mộng nếu xâm hại kho vàng sẽ bị vật chết nên vị công sứ Pháp thối chí! Những lời nguyền và đồn đãi truyền đời ấy đã đưa d khách đến ngôi cổ tự Hoa Tiên và không khỏi ngỡ ngàng khi phát hiện những gì mà thiên hạ lâu nay râm ran… không phải là chuyện phịa!
Thế rồi, ngày qua ngày, vào một chiều quý hạ, không chờ lại đến, lúc 20 giờ ngày 26/6 Bính Thân (29/7/2016) như hết dầu đèn tắt, Đại lão HT.Thích Thiện Danh- Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, nguyên Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh, Chứng minh BTS GHPGVN huyện Diên Khánh, nguyên Chánh Đại diện GHPGVN huyện Diên Khánh – trú trì chùa cổ Hoa Tiên đã thuận thế vô thường an tường quãy dép quy Tây, trụ thế 87 năm, 67 hạ lạp.
Hởi ơi!
Dép cỏ lối về còn lưu dấu
Hoa đàm tuy rụng vẫn ngát hương
Một mai thân xác quy Tây
Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời
Pháp thân lồng lộng sáng ngời
Chiếu soi pháp giới rạng ngời chân như
Trí Bửu – Tháng 8/2016