Đó là một cổ bản kinh Kim Cương thêu trên lụa có từ thời Tây Sơn và hai hiện vật gốm thời Lê mà giá trị văn hóa lịch sử thuộc hàng quốc bảo.
Cổ bản thêu kinh Kim Cương (Cang) được xem là hiện vật thời Nguyễn Tây Sơn đang được đặt ở trước bàn thờ Phật tổ, ngay giữa chính điện.
Bản kinh khoảng 7.000 chữ Hán được thêu bằng chỉ ngũ sắc: đỏ, vàng, xanh, trắng, lục cách đều và liên tục, trên nền gấm vàng có viền và lớp lót bằng vải điều, dài 2,47m, khổ 23,4cm. Nội dung gồm ba phần: phần đầu có hai bản tựa, tiếp đến là toàn văn kinh Kim Cương và lời bạt cuối cùng.
Lời tựa đại ý ca tụng sự thâm sâu của giáo lý Phật giáo được thực hiện trong bản kinh Kim Cương, và cho rằng kinh Kim Cương là một trong những bản kinh Phật nói chuyện nhà Phật lấy lòng từ bi và dùng trí huệ soi sáng thế gian, làm thế nào để thế nhân thoát khỏi bể trầm luân, thoát khỏi cõi u minh để đi đến giải thoát. Với ý nghĩa đó, hai nhân vật được nhắc tên trong bài tựa thấy bản kinh rất hay và cũng muốn thực hiện như vậy trong việc cai trị đất nước của mình. Bài tựa thứ nhất với câu mở đầu “Thái thượng hoàng đế ngự chế…”, và bài sau là “Cảnh Thịnh…”.
Thời gian hoàn thành việc thêu cũng được ghi rất rõ là “Cảnh Thịnh bát niên thập nhất nguyệt sơ nhất nhật” – ngày 1-11 năm Cảnh Thịnh thứ tám (tức ngày 16-12-1800). Do đó xưa nay giới nghiên cứu cho rằng bài tựa thứ nhất là của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ và bài tựa thứ hai là của vua Cảnh Thịnh – Quang Toản. Nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng và khẳng định được điều này thì bản kinh càng có giá trị về mặt văn hóa lịch sử, khi mà những hiện vật văn hóa thời Tây Sơn phần lớn đã bị tàn phá sau biến cố thay đổi triều đại.
Ở lời bạt nằm cuối cùng bản thêu nói về việc thực hiện bản kinh thêu của ni sư Diệu Tâm, trụ trì chùa Sài Sơn thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây, thêu với mục đích cúng dường đức Phật, cầu cho tổ tiên, ông bà siêu thoát. Lời bạt này cũng nói đến việc hễ thêu xong một chữ là ni sư niệm mười tiếng trong bộ kinh mình đang thêu như là sự gửi gắm ước nguyện lớn lao trong lòng.
Trước khi đến chùa Trúc Lâm, bản kinh cũng có đoạn đường đi ly kỳ: đoàn quân họ Nguyễn Phước khi ra Bắc tiêu diệt nhà Nguyễn Tây Sơn vào năm 1801 đã phát hiện bản kinh và tịch thu đem về Huế, thờ trong Khương Ninh các, một hình thức am/chùa nằm trong khu vực cung Diên Thọ – hoàng thành Huế và bị thất lạc trong dân gian một thời gian sau đó.
Vào thời Khải Định (1916-1924), khi ra kinh đô Huế dạy Phật pháp, hòa thượng Phước Huệ – chùa Thập Tháp (Bình Định) nghe câu chuyện về bản kinh đã nhận định đây là một pháp bảo, truyền các đệ tử truy tìm. Sư bà Diệu Không – chùa Hồng Ân (Huế) đã lần ra tung tích bản kinh trong nhà một người dân và nhà chùa đã chấp nhận mua lại với giá cao tương đương bảy lượng vàng đương thời, chủ yếu là giá của hộp gỗ được chạm trổ công phu, bởi chủ sở hữu lúc đó quí hộp gỗ hơn bản kinh…
Ban đầu hòa thượng Giác Nhiên – chùa Tây Thiên (Huế) – nhận bảo quản bản kinh nhưng đến năm 1943, khi chùa Tây Thiên bị mất cắp một số đồ vật, bản kinh do đó được chuyển về cho hòa thượng Thích Mật Hiển ở chùa Trúc Lâm và nằm tại đây đến ngày nay. Bản kinh nhìn chung còn nguyên vẹn và được bảo quản tốt, nhưng trải qua thời gian hơn 200 năm hiện trạng của bảo vật đang xuống cấp: chỉ thêu xuống màu, gấm vàng nhiều chỗ nứt rách và lớp lót nhiễu điều lỗ chỗ vết mục do thời gian tàn phá…
Không chỉ bản kinh, chùa Trúc Lâm hiện còn lưu giữ hai tự khí là những hiện vật gốm đặc biệt quí giá. Vật thứ nhất là lư đốt trầm gắn liền với phần đế bên dưới, nhiều chỗ đắp nổi, có minh văn theo phong cách gốm sứ thời Mạc được cho là tráng men Tam Thái (ngà, trắng và xanh), cao khoảng 32cm, đường kính 22cm.
Những minh văn còn ghi rõ chiếc lư được sản xuất vào thời Lê niên hiệu Chính Hòa (1680-1704), là tự khí của chùa Bảo Sơn, phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngạn, Bắc Ninh. Nhiều tài liệu cho biết lư trầm này được thượng thư Hồ Đắc Trung, ba của sư bà Diệu Không, đem từ Thanh Hóa vào dâng cúng nhà chùa.
Đặc biệt hơn cả có lẽ là bình bát bằng chu sa được xem là của dâng tặng hòa thượng Thạch Liêm – Thích Đại Sán, tác giả cuốn sách Hải ngoại ký sự nổi tiếng. Sư ông Đại Sán, người Giang Tây, Trung Quốc, được chúa Nguyễn Phúc Chu mời từ Quảng Đông về giúp nhà chúa xây dựng triều đình rất hợp lòng dân và bình bát này là một trong những vật nhà chúa tặng với lòng thành.