Một là, bản thân Phật giáo Việt Nam phải phát huy nội lực, đòi hỏi phải kiên cố đạo tâm, ra sức tăng cường đạo lực để thực hiện một cuộc vận động chấn hưng mới cả về tu học và hành trì.
Về hoằng pháp, hoàn thiện Giáo hội của Tứ chúng (Tăng, Ni, thiện nam, tín nữ) và thiệp thế lợi sinh.
Về tu tập và phụng sự khế hợp Phật pháp với xã hội, đất nước và thời đại.
Thực tế khách quan như thế đòi hỏi Phật giáo tất yếu phải tiến hành cuộc vận động chấn hưng mới, chủ yếu do tự thân và với sự hỗ trợ cần thiết của ngoại duyên.
Thực chất vận động chấn hưng là tuân thủ nguyên lý khế kinh, bao gồm hai mặt gắn bó biện chứng: khế lý và khế cơ. Một mặt phải chuyên tâm, nghiêm chỉnh lĩnh hội và thể nghiệm những nguyên lý kinh điển của Phật pháp, đồng thời vận dụng thích ứng vào mọi hoàn cảnh, thời gian, đối tượng, yêu cầu.
Giác ngộ lời Phật dạy là hiểu và ứng dụng đúng đắn các nguyên lý Phật pháp trong từng phương sở, thời điểm cụ thể. Khắc phục tình hình nhận thức, giảng giải kinh điển một cách sai lầm, phiến diện, thô thiển hoặc vận dụng, triển khai tùy tiện, lệch lạc – thậm chí xa lìa thực tế, thần bí bế tắc hoặc mê tín hư ngụy, buôn thần bán thánh.
Để phát huy nội lực, ngoài việc tăng cường rèn luyện hạnh tu cho tứ chúng, Phật giáo Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục trong hệ thống các Học viện Phật giáo, các Trường Sơ – Trung cấp Phật học và ở các chùa trên cả nước, để nâng cao trình độ nhận thức trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại ngữ, vi tính, chứ không chỉ riêng Phật pháp cho Tăng Ni, Phật tử để đáp ứng theo kịp thời đại, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay của đất nước.
Hai là, khắc phục tình trạng rời rạc, chia rẽ, thậm chí phân hóa, phân liệt hoặc đối lập vô ích tồn tại trong một số cá nhân và bộ phận Phật giáo Việt Nam.
Nghiêm túc, chân thành thực hiện đại hòa hợp “Tứ chúng đồng tu” bao gồm các tông phái, chốn tổ, sơn môn, xu hướng, phương sở – bao gồm cả trong và ngoài nước, trên nguyên tắc lục hòa và tôn trọng biệt truyền.
Thực hiện nguyên lý thống nhất Phật giáo thực chất là hòa hợp và đại hòa hợp, không phải chỉ là một sự tập trung thống nhất duy nhất, máy móc, hình thức và quan liêu.
Phân biệt và khắc phục, loại trừ những ngoại duyên phi Phật giáo hoặc trái nguyên tắc lục hòa và giới luật đang tác động ảnh hưởng, thậm chí chi phối, lũng đoạn, gây chia rẽ nội bộ Phật giáo Việt Nam, nhất là những tác nhân chính trị phi nghĩa hoặc tư lợi bất chính.
Ba là, phát huy vai trò Phật giáo dân tộc để làm nòng cốt và chủ đạo cho đời sống tín ngưỡng tôn giáo và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc anh em Việt Nam bao gồm nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, theo phương châm và chính sách “Tín ngưỡng tự do – lương giáo đoàn kết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở khẳng định Phật giáo là bản sắc, bản chất và truyền thống của tín ngưỡng tâm linh Việt Nam, đồng thời chân thành đoàn kết và tôn trọng tự do tín ngưỡng cùng những giá trị nhân văn, hướng thiện của các tín ngưỡng tôn giáo khác.
Bốn là, xiển dương và phát huy mạnh mẽ tôn chỉ “hoằng pháp lợi sinh” của Phật giáo và truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam. Hàng Phật tử tại gia, các Tăng Ni xuất gia và tổ chức Giáo hội Phật giáo nên tăng cường tham gia vào những hoạt động văn hóa và xã hội (bao gồm giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo…) thiết thực.
Khuyến khích nam nữ Phật tử các lứa tuổi, nghề nghiệp, thành phần xã hội… tích cực và gương mẫu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tự giác tham gia các hoạt động góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu Nước mạnh Xã hội công bằng – dân chủ – văn minh”, góp phần khắc phục và bài trừ các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tham nhũng, lạc hậu và phạm pháp.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và quốc tế Phật giáo như một bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại và quốc tế nhân dân phù hợp với đường lối của Nhà nước và lợi ích chính đáng của Phật giáo. Phật giáo Việt Nam vốn có những đặc điểm và lợi thế tương đối nổi trội:
a) Là nước tiếp nhận Phật pháp tương đối sớm ở Đông Á và qua 20 thế kỷ lưu truyền đã hòa hợp sâu sắc với tín ngưỡng dân gian trở thành đời sống tín ngưỡng tâm linh và đời sống văn hóa tinh thần cơ bản của đa số nhân dân, đóng góp quan trọng hình thành bản sắc tinh hoa dân tộc.
b) Phật giáo Việt Nam đã trở thành lực lượng văn hóa tinh thần và lực lượng xã hội dân tộc, liên tục góp phần vào sự nghiệp cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.
c/ Phật giáo Việt Nam hòa hợp đầy đủ các truyền thống Nguyên thủy và Đại thừa, Bắc truyền và Nam truyền.
d) Người Phật tử Việt Nam không chỉ trong dân tộc đa số (Kinh) mà trong cả các dân tộc thiểu số khắp nước và ngày càng tăng trưởng về số lượng, nâng cao về trình độ tu học, hành trì, theo xu thế chung của thế giới và thời đại.
e) Phật giáo Việt Nam bước đầu xây dựng được và đang phát triển một đội ngũ Tăng Ni và cư sĩ có thực lực về tu học và về khả năng hoạt động Giáo hội, hoạt động xã hội cũng như hoạt động đối ngoại có hiệu quả và uy tín.
g) Phật giáo Việt Nam có lực lượng Tăng Ni Phật tử người Việt Nam ở nước ngoài tương đối đông, tuy tạm thời còn một số trở ngại, nhưng nói chung, có tinh thần dân tộc và tinh thần đồng đạo, hướng về ủng hộ đất nước và Phật giáo nước nhà ngày càng tăng thêm về số lượng và chất lượng.
Ngày nay, Châu Á là địa bàn của Phật giáo. Phật giáo lại rõ rệt đang có uy tín và có xu thế phát triển ở các châu lục, nhất là ở Tây Âu và Bắc Mỹ – lãnh địa cũ của các tôn giáo khác.
Với những đặc điểm và lợi thế tương đối nổi trội nói trên, Việt Nam cũng có nhiều khả năng phát huy vai trò ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực này. Và do đó, công tác đối ngoại và quốc tế Phật giáo cần được chuẩn bị tốt về lực lượng và điều kiện hoạt động, nhằm chủ động đáp ứng đòi hỏi tình hình ngày càng cao và nhanh chóng mở rộng.
Năm nhiệm vụ khách quan đề ra trên đây, thực chất là năm phương hướng phấn đấu của cuộc vận động chấn hưng đáp ứng đòi hỏi cơ bản, thiết thực của Đạo pháp và dân tộc trong tình hình mới, sáng tỏ tốt đẹp như đóa hoa sen năm cánh cúng dường đức Phật nhân ngày Đại Lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008. Những nhiệm vụ ấy vừa chỉ rõ yêu cầu khách quan, vừa nói lên nội lực vốn có, phấn đấu vươn lên của Phật giáo Việt Nam.
Cũng như mọi thời, việc tu học và hoằng pháp lợi sinh của mỗi người Phật tử cũng như của Tăng đoàn và Giáo hội Phật giáo luôn gắn bó với vận mệnh của quốc độ, với sự thăng tiến của đất nước. Thoát khỏi hàng trăm năm bị áp bức, chìm đắm trong vòng nô lệ, nghèo nàn và lạc hậu, nhân dân ta khẳng định quyết tâm vươn lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Những đặc điểm cơ bản của xã hội dân sự là mọi quyền lực và lợi ích đều thuộc về nhân dân. Mọi quan hệ xã hội được thiết lập, vận hành, điều chỉnh, bảo hộ bằng pháp luật nghiêm minh, công bằng, vững chắc. Mọi cơ quan, nhân sự và định chế quản lý cũng như hướng dẫn xã hội phải thực sự “của dân do dân vì dân”.
Yêu cầu, định mức tăng trưởng và phát triển của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bao gồm “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” của chúng ta là phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hiện đại và đứng vào hàng ngũ các nước tiên tiến trên thế giới. Đó là một xã hội công bằng theo nghĩa hài hòa hợp lý về quyền lực và lợi ích, về các quan hệ sở hữu, quản lý và phân phối, về cơ hội tồn tại và phát triển của các thành phần, đối tượng xã hội, của mọi công dân, một xã hội dân chủ và văn minh theo tiêu chuẩn phổ biến của thế giới đồng thời phù hợp với đặc thù và thang giá trị của Việt Nam.
Do những thuộc tính của Phật giáo như đề cao vai trò con người với đầy đủ giá trị, trách nhiệm về trí tuệ, không ngừng khắc phục vô minh và hành vi tự giác, tự chủ, tinh tiến và hướng thiện vô lượng của con người, kiên trì hòa hợp và hòa bình thương lượng, do đặc điểm bản chất và truyền thống tốt đẹp của Phật giáo nước nhà, do sức mạnh và hiệu lực của công cuộc vận động Chấn hưng giai đoạn mới, nhất định Phật giáo Việt Nam sẽ đóng góp có hiệu quả và xứng đáng vào mục tiêu phấn đấu lịch sử của nhân dân cả nước. Và phải chăng chính đó là ý nghĩa thiết thực cụ thể của phương châm Đạo pháp và Dân tộc trong thời đại mới – thời đại nền Phật giáo dân tộc của một nước Việt Nam tiên tiến, hội nhập đa diện đa phương với thế giới hữu nghị và hòa bình.
(*) Tham luận tại Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008