Trang chủ Tin tức Tìm về chốn Tổ sắc tứ Tịnh Quang (Quảng Trị)

Tìm về chốn Tổ sắc tứ Tịnh Quang (Quảng Trị)

510

Tổ sư Phước Huệ-húy thượng Ngộ hạ Tánh, tự Hưng Long- đời thứ 39 dòng Lâm Tế Chánh Tông- khai sơn Tổ đình sắc tứ Hải Đức (Huế) …

Ngày Giỗ Tổ khai sơn Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang 18-2 hằng năm là ngày môn đồ đệ tử Tông phong pháp phái  Lâm Tế tim về chốn Tổ thiền Tông. Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang tọa lạc tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, do Tổ Tu Pháp – Chí Khả khai sơn kiến lập vào năm 1739 – đời vua Lê Ý Tông (năm thứ hai đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát) với tên là chùa Tịnh Nghiệp.

Lúc đầu ngài đến chốn thâm sơn này dựng một thảo am gọi là am Tịnh Độ, từ những ngày đầu tiên chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp. Có thể nói sắc tứ Tinh Quang là một trong những ngôi tổ đình có mặt sớm nhất và có ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo và văn hóa của xứ Đàng Trong. Qua các đời trụ trì tiếp nối như Thiền sư Tuyết Phong và Thiền sư Bảo Châu, am Tịnh Độ ngày càng được quan tâm đầu tư, xây dựng, chỉnh trang để ngày một khang trang, hoàn thiện hơn.

Đến năm 1739 Năm Kỷ Sửu, tức là năm Vĩnh Hựu thứ 5 vua Lê Ý Tông (1739), Chúa Nguyễn Phúc Khoát trong một dịp ngự giá ra Quảng Trị, có ghé vào thăm chùa, đảnh lễ Phật cảm khái với cảnh trí chốn Phật đường và tiếng tăm của chùa trong dân chúng, Chúa  thân hành ngự bút viết năm chữ “Sắc tứ Tịnh Quang tự“, cho làm bảng sơn son thếp vàng để tặng cho chùa. Từ đó am Tịnh Độ đổi thành chùa Sắc tứ Tịnh Quang và trở thành danh thắng.


Một số nhà nghiên cứu còn cho biết, ngôi chùa Tịnh Quang đã xuất hiện trước năm 1558, đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm tại Ái Tử thì đã tồn tại. Đến khoảng những năm 1600-1650, đã có nhiều vị thiền sư nổi tiếng đến trụ trì ở đây, mà hiện nay chỉ biết tên hai vị là Lục Hồ Viên Cảnh, bổn sư của Thiền sư Minh Châu Hương Hải và Đại Thâm Viên Quang, vị thầy đã dạy về thiền lý cho Minh Châu Hương Hải.


Đến đời Vua Gia Long, vua ban tên gọi là Tịnh Quang. Chùa được trùng tu năm Minh Mạng thứ 21 (1941). Đến năm 1972, chùa bị hỏng hoàn toàn do chiến tranh. Năm Đồng Khánh thứ 2 (1890) chùa lại được trùng tu và ông Trần Chính Tịnh pháp danh Thông Quảng được chọn làm Hội trưởng. Thành Thái năm thứ 6 (1886) cho cải tạo lại chùa, dựng thêm nhà Tăng khang trang, rực rỡ, rồi mời Tiến sĩ Hoàng Bính viết bia vào năm Thành Thái thứ 7 (1895). Ngày 15 tháng 11 năm 1991, Nhà nước Việt Nam đã chính thức xếp hạng chùa là di tích cấp quốc gia hạng A1 theo Quyết định số 2009/QĐ – BVHTT ngày 15/11/1991 của Bộ Văn hóa Thông tin.


Hiện nay, HT.Thích Trí Hải- thành viên Hội đồng chứng minh GHPGVN, trụ trì, hàng tháng tại đây đều có tổ chức các khóa tu Bát quan trai cho đông đảo Phật tử đến tu học và tham vấn giáo lý. Điện Phật tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang được tôn trí trang nghiêm. Điện chính giữa thờ Tam Thế Phật. Chùa có pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng nặng 2700 kg, đúc năm 1997 và chiếc trống lớn bằng da trâu, đường kính mặt trống là 165 cm.

Chùa đã qua 9 lần đại trùng tu. Năm 1997 là lần trùng tu lớn nhất với kinh phí gần 2 tỷ đồng do HT.Thích Chánh Liêm làm Trưởng ban Tái thiết. Lễ đặt đá trùng tu được cử hành vào ngày 26-3-1997. Ngôi chùa hiện nay có chiều sâu 31m, rộng 27m, cao gần 15m, đã tổ chức khánh thành trang nghiêm trọng thể vào ngày 12-3-2001 (18-2 năm Tân Tỵ.


Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sắc tứ Tịnh Quang vẫn là một ngôi tổ đình danh tiếng của Phật giáo xứ Đàng Trong, là một nơi từng bồi dưỡng và đào tạo nhiều danh tăng thạc đức như Tổ sư Nhất Định, khai sơn chùa Từ Hiếu, (Huế). Tổ sư Phước Huệ-húy thượng Ngộ hạ Tánh, tự Hưng Long- đời thứ 39 dòng Lâm Tế Chánh Tông- khai sơn Tổ đình sắc tứ Hải Đức (Huế) hay Hải Nhu, vốn là người xuất gia tu học ở chùa này sau đó vào năm 1844 ông đã cho đại trùng tu ngôi chùa Quảng Tế, chú tạo nhiều tượng Phật và HT. Thích Bích Lâm – Phó Viện trưởng Viện Hoằng Đạo GHPG Cổ truyền Việt Nam- Tông trưởng Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương  cũng từng có thời gian gắn bó tại đây, Ngài đã thọ tam đàn cụ túc tại đại giới đàn tổ đình sắc tứ Tịnh Quang, do Tăng cang Hòa thượng Phước Huệ Đàng đầu truyền giới. Gần đây nhất, đã có Chư Tôn giáo phẩm lãnh đaok giáo hội xuất thân từ Quảng Trị như Đức Đệ nhị Tăng thống, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên (chùa Thiền Tôn), cố Hòa thượng Thích Giác Hạnh (chùa Vạn Phước, Huế). cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu (chùa Linh Mụ). cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ – Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN (chùa Báo Quốc, Huế và Già Lam, thành phố Hồ Chí Minh)…


Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang cũng đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đặc thù như các buổi lễ cầu siêu, lễ thắp nến cầu nguyện Quốc thái dân an. Điển hình là  lễ thắp nến cầu nguyện nhân lễ giổ Tổ và khánh thành tháp Tổ tại tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang vào tối ngày 01 tháng 04 năm 2010 (17 tháng 02 năm Canh Dần) với sự tham dự của Đại diện chính quyền địa phương và hơn 3000 Huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử. Ngoài ra trong dịp Đại lễ Phật Đản Vesak 2008 (Phật lịch 2552) Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam, chùa cũng đã tổ chức trang nghiêm trọng thể đại lễ này, kết hợp các buổi lễ cầu siêu, cầu nguyện… qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Đại lễ Vesak đến với đông đảo công chúng. Ngoài ra tổ đình cũng tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội  được chính quyền địa phương ghi nhận đánh giá cao.


Gần đây Quảng Trị còn xuất hiện thêm loại hình lễ hội mới như: Lễ hội “thống nhất non sông“, lễ hội “thả đèn trên sông Thạch Hãn“, lễ hội “cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn“…Những lễ hội này đều có dấu ấn của tổ đình sắc tứ Tịnh Quang trong việc tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, công tác tổ chức, bố trí nhân sự tham gia vào các buổi lễ cầu siêu, tụng kinh…góp phần cho lễ hội thành tựu viên mãn.


Hàng năm cứ đến ngày 18 tháng 2 Âm lịch– ngày Giỗ Tổ khai sơn, những người con Phật  trên đất Quảng Trị dù ở các địa phương khác nhau đều nhớ trở về thăm viếng Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang lễ Phật, tưởng nhớ chư Tôn  Cao Tăng thạc đức đã gây dựng  và đem giáo lý Phật Đà truyền bá đến mảnh đất này.

Thật đúng là:

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ Tông.