“Trước trí tuệ siêu việt thì ta cúi đầu bái phục
Trước lòng tốt cao thượng thì ta quỳ gối tôn thờ”.
(Victor Hugo)
Đài truyền hình Việt Nam (kênh VTV1) phát sóng sau 12 giờ ngày thứ ba, 06/05/2008 đưa tin về những sinh hoạt Phật sự trang trọng và sinh động, chuẩn bị cho tuần lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại cố đô Huế thật phong phú và đa dạng, để lại nhiều ấn tượng sâu lắng trong lòng người xem.
Trong khoảnh khắc quý giá, những hình ảnh về cảnh quang mới và thông thoáng của đài kỷ niệm Thánh tử đạo ở bờ nam bên chân cầu Trường Tiền Huế được chiếu trên màn hình sắc nét, có tác động thấm sâu vào lòng người xem truyền hình. Thật là xúc động, biết bao nỗi lòng:
“Thương ai, thương hủy thương hoài,
Thương thầm, thương kín, thương dài, thương dông”
(Ca dao, Trăm Thương)
Cả một niềm thương chung nhân mùa sen nở giữa lòng phố thị náo nức đón mừng ngày đản sinh của Đức Thế Tôn. Thương nhiều, không có tâm phân biệt theo những định kiến. Có từ bi hỷ xả, thì mọi sự thông suốt, mọi việc đều thanh thoát, nhẹ nhàng. Và nói đến những kỷ niệm một thời thì lại gợi nhớ, gợi thương, xuất phát từ lòng tin yêu, độ lượng, hóa giải của giáo lý Từ bi, gắn kết hòa nhập chung cùng với những tinh anh của đạo lý truyền thống của một dân tộc có nền văn hiến lâu đời.
Nhớ chư anh linh những đến tám đoàn sinh Phật tử, còn phơi phới tuổi xuân, đã anh dũng hi sinh vì đạo cả nhiệm mầu, vì đại nghĩa dân tộc tại khuôn viên Đài Phát thanh Huế cũ thời Pháp nạn năm 1963, cách đây vừa tròn 45 năm.
Tám dòng máu thánh thiện đã làm rung chuyển cả hoàn vũ, thức tỉnh lương tri nhân loại khắp năm châu. Tác giả Minh Không, trong sách Sáu tháng Pháp nạn là vị thức giả, từng giữ trọng trách lớn nhất trong ngành ngoại giao thời bấy giờ, đã trích chọn thông tin quốc tế bằng cách trưng dẫn tờ Le Croix, ra ngày 13/6/1963, cơ quan ngôn luận của Thiên chúa giáo, để cầu nguyện cho các anh linh tử vì đạo vào đêm mùng tám, rạng ngày mùng 9 tháng 5 năm 1963, tức đêm rằm tháng 4, PL. 2507 tại đài Phát thanh Huế cũ (nay là trung tâm điều hành Lễ hội Festival Huế), tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng. Một ngày giỗ lớn chư anh linh Thánh Tử Đạo lại về giữa mùa sen nở khắp nơi nơi, kể cả giữa dòng sông Hương và trên đường phố tấp nập đủ sắc màu từ muôn nơi đổ về.
Thương mãi, thương hoài chư anh linh Thánh tử đạo cho đến tận ngàn sau. Toát lên từ lời trích “Văn tế chư anh linh tử vì đạo” kể từ Lễ Phật đản PL. 2507 (8.5.1963) tại lễ cầu siêu vào lúc 9 giờ sáng ngày 28.4 âm lịch tại chùa Từ Đàm lịch sử, gợi lên tình yêu quê hương, dân tộc:
“Phận dưới liên đài,
Tình trong đạo niệm”.
Và một cảm xúc dào dạt đạo tình:
“Là Phật tử hết lòng hộ pháp, dẫu trăm cay ngàn đắng vẫn không từ;
Phận làm con vì đạo bỏ mình, càng áp bức lại càng thêm dũng khí”.
Lịch sử đông tây xưa nay đã chỉ ra rằng, lập Thánh đài để tưởng nhớ, để kỷ niệm, để những ai khi đến tham quan đền đài đều tự soi lại chính mình, xem mình đã làm gì để biết hỗ thẹn, sám hối và tri ân.
Năm nay, Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản PL. 2552 tại Thừa Thiên Huế đã cho dựng Phật đài trang trọng ở công viên Thương Bạc, nằm đối chân với đài Thánh Tử đạo, có ý nghĩa rất sâu xa. Vì đó là ý nghĩa biểu trưng cho con đường giải thoát, lấy phương châm “duy tuệ thị nghiệp” làm ánh sáng soi đường: chúng sinh là Phật sẽ thành như lời Thế Tôn đã dạy.
Có trí tuệ, giàu tình thương thì mới giác ngộ. Quay đầu là bến. Người giác ngộ nhận chân được quy luật của sự biến động thì đối với chuyện sinh tử vẫn thản nhiên, xem như hoa đốm giữa hư không. Sinh tử thuận theo lẽ biến động ấy là một sự sinh tử siêu thế gian – sinh tử của các thánh giả. Chỉ có những bậc uy dũng, đại trí, đại chí, đại hạnh, như những con chim đại bàng mới vỗ cánh, vươn mình đến tuyệt đỉnh của vô cùng.
Trong bản tin trưa về tuần lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008, PL. 2552, Đài truyền hình Việt Nam chiếu hình ảnh đài Thánh Tử đạo, đã làm cho tôi xúc động. Chiều hôm ấy tôi đã trở lại thăm đài và thắp hương tưởng niệm. Tôi thầm ước mong chư Thánh tử đạo thị hiện về giữa đêm rằm vằng vặc trăng sao, hòa cùng hương thơm của sông Hương núi Ngự và chư Tăng Ni, Phật tử Cố đô, đón mừng ngày Đản sinh của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni.
“Ta từ sinh tử về chơi
Ngồi trên chóp đỉnh mỉm cười với trăng”
(Huyền Không)
Huế, mùa sen nở PL. 2552