Tuy trời đã xế chiều mà vẫn còn có đoàn Phật tử từ xa đến. Riêng vào ngày rằm đầu tiên của năm mới, Phật tử đến chùa cũng rất đông, khoảng trên 5 nghìn người để tham dự lễ Cầu an, thính Pháp và dự tiệc buffet miển phí với trên 60 món ăn chay do các sư cô Thiền Tôn Phật Quang và Tổng Đạo Tràng Phật Quang phụ trách.
Đối với nhiều người, việc đi chùa vào những ngày tết, vào dịp rằm lớn không còn là của riêng các Phật tử mà đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay rằm tháng giêng lại rơi vào thời điểm mọi người đi làm việc,cho nên lượng khách thập phương đến viếng những ngôi chùa nằm cách xa thành phố có hạn chế một chút.
Những ngày của tháng đầu tiên trong năm mới là thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành, mong mọi việc trôi chảy cho cả năm. Trên tinh thần đó, đúng 8h00” nhà chùa tổ chức lễ cầu an. Cầu cho một năm mới – mọi người, mọi nhà đều an lành, chúng sanh được giác ngộ đạo mầu và đất nước thanh bình an vui.
Tiếp đến, TT Thích Chân Quang tản man về chuyện đời, chuyện tu có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Nói về chuyện đời, Thượng toạ giải thích tại sao chúng ta thường cầu an đầu năm vào ngày rằm tháng giêng. Đó là ta tin rằng: Hễ lễ được ngày rằm thì ảnh hưởng được cả năm. Có một số chùa còn bị ảnh hưởng bởi khoa thuật của tín ngưỡng dân gian là cúng sao giải hạn. Cái khoa nghi này không phải là đạo Phật, nhưng nhiều chùa cũng tùy thuận với dân tình rồi cũng làm lễ cúng sao, nhưng sau này do Giáo hội có nhắc nhở, nên quý thầy bỏ bớt dần dần việc cúng sao giải hạn và chuyển qua rằm tháng giêng tụng cầu an. Sự thật, cầu an cũng chính là giải hạn rồi, nhưng lại có đạo lý hơn. Nếu nói trên luật Nhân quả Nghiệp báo, để có thể cầu nguyện sự bình an cho suốt một năm thì ta phải có cái giá phải trả. Phải đánh đổi bằng cái gì đó, chứ không chỉ lời cầu nguyện mà ta được bình an.
Lời cầu nguyện cũng có giá trị khi ta thành tâm, cũng đóng góp một phần chứ không phải không, nhưng kèm theo đó phải làm rất nhiều điều thiện để ta xứng đáng được sự may mắn bình an suốt cả năm. Còn ai đầu năm không đi chùa thì suốt cả năm cứ lận đận. Cho nên, ngày đầu năm là ngày của nghĩa tình, của văn hóa, của tâm linh, mà ta dành cái nghĩa tình văn hóa tâm linh đó để đi chùa. Do đó, ta được phước là vậy.
Sự cầu nguyện của toàn dân hoặc là phần đông của những người dân có tâm thành cầu cho đất nước được bình yên thì lời cầu đó trở thành một sức mạnh bảo vệ dân tộc. Đây là điều có thật và Thượng toạ nêu ra nhiều ví dụ để chứng minh cho quan điểm này.
Tương tự, trong đầu năm mà với lòng thành của rất nhiều con người cùng cầu nguyện cho đất nước được bình an thì biến thành một sức mạnh tâm linh bảo vệ đất nước. Để hiểu rõ điều này, Thượng toạ đã giải thích việc bảo vệ đất nước ta là gì, trong đó nhấn mạnh: Chỉ trong Phật giáo – những người yêu đạo rồi thì yêu cả quê hương đất nước của mình, nên khi họ cùng quỳ trước Phật đài cầu nguyện sự bình yên cho đất nước, đó là cả tấm lòng chân thành của họ. Và sự chân thành đó sẽ được Phật trời chứng giám, tạo thành một vầng hào quang vô hình tâm linh để che chở bảo vệ đất nước ta.
Cho nên, để bảo vệ sự bình yên cho đất nước, chúng ta là những thường dân, đôi tay mình nhỏ bé không biết làm gì, nhưng nếu tất cả chúng ta cùng cầu nguyện chân thành thì tự nhiên những người chiến sĩ đặc vụ của ta sẽ được may mắn bất ngờ và có thêm sức mạnh để làm nhiệm vụ thay ta. Như vậy, bằng lời cầu nguyện, bằng sự tu tập tinh tấn, bằng cách ta cố gắng làm phước, đồng thời ta góp phần xây dựng đạo đức lối sống cho con người Việt Nam, đó là ta góp phần tạo nên sức mạnh “Thần thánh” của một dân tộc. Nếu toàn dân có phước lên hết thì cả dân tộc này có sức mạnh có thể chống lại ngoại xâm.
Cho nên, dù chúng ta không có làm được cái việc thực tế – nhưng lại làm một công việc của tâm linh – thì cũng là một hành vi yêu nước, giữ nước, dựng nước rất là hay. Do vậy, những ngày đầu xuân, ấm áp nghĩa tình mà ta đến chùa tụng một thời kinh, đọc một bài sám hướng về đất nước, hướng về thế giới này, tức cũng góp vào cho thế giới, cho đất nước một sức mạnh. Nếu một con người thì không làm gì được, nhưng nhiều con người cùng thành tâm cầu nguyện thì cũng thành một sự biến đổi kỳ diệu, có thể xoay chuyển mọi tình huống đến bất ngờ. Đó là ta nói chuyện tổng thể.
Còn với cá nhân của mình thì trong lời cầu nguyện cho đất nước, cho thế giới sẽ trở thành cái phước đi ngược trở lại cuộc đời của ta. Ngay đó cũng là sự tu hành, là ta đang mở lòng mình ra, là diệt trừ cái ích kỷ hẹp hòi trong lòng mình, là mình bước lên một đẳng cấp mới, đẳng cấp của những con người biết sống yêu thương, sống vị tha, biết sống vì tất cả. Chứ người mà chỉ tha thiết lâm râm khấn vái cho mình, cho gia đình mình thì người đó Phật cũng thương tình gia hộ đó, nhưng phước rất ít (không đáng kể), còn cái đức thì mất dần vì tâm ích kỷ chỉ lo cho mình. Cho nên, chúng ta cầu cho thiên hạ không cầu cho mình nữa, vậy mà từ đó trên mỗi bước đường đi của mình đều được trời Phật che chở.
Nói về chuyện tu: Phật dạy: “Một người đệ tử Phật chân chính là người biết tu hành; không làm khổ mình; không làm khổ người”. Đây là tiêu chuẩn về cuộc sống tu hành mà Phật đã dạy. Câu này nghe đơn giản, nhưng nếu ta thấm thía thì đây chính là con đường, là nền tảng để ta tu tập. Việc ta không làm khổ mình, không làm khổ người là sự cầu an vĩ đại, vì ta có cái tật hay tự làm khổ mình và làm khổ người. Mà nhiều khi cái khổ của ta còn làm lây lan cho người khác; hoặc một cái ác của ta thôi mà làm khổ bao nhiêu người đi theo. Cho nên, sống theo kiểu vừa làm khổ mình vừa làm khổ người thì đó là bất an. Và bất an thì sửa lại bằng cách cầu an. Ta sống sai lầm rồi cầu an bù lại ai cho. Chúng ta phải sửa lại lối sống đừng làm khổ mình, đừng làm khổ người thì đó là cái phước để trở nên bình an. Và đây mới là một lời đại cầu an. Còn như mình chỉ mới có lời cầu nguyện thôi thì chỉ là lời tiểu cầu an.
Tuy nhiên, thế nào là khổ? Thượng toạ tạm phân ra làm hai loại: Khổ thân và khổ tâm. Khổ thân là bị đau đớn vì bệnh tật, bị thương tật. Nói chung là bệnh hoạn, tai nạn, đau cái thân gọi là khổ thân. Còn khổ tâm là bức rức, lo lắng, sợ hãi, buồn rầu thất vọng, v.v… Chúng ta sống làm sao để chính mình đừng bị hai cái khổ đó và cũng giữ đừng để ai bị khổ thân hay khổ tâm. Cái giữ cho mình đừng bị khổ thân cũng chính là giữ cho những người xung quanh mình. Câu nói “Không làm khổ người, không làm khổ mình”, thật ra hai cái đó là một, mình cũng chính là người, mình giữ sự bình an cho mình cũng chính là giữ sự bình an cho gia đình mình.
Tuy nhiên, có những trường hợp vì đại nghĩa thì ta chấp nhận hy sinh thân mình nếu chuyện đó có ý nghĩa. Còn bình thường ta phải cẩn thận giữ gìn thân mình để phục vụ, cống hiến, làm phước. Nếu một sự cố làm gãy chân gãy tay thôi cũng làm mình đau, cũng ảnh hưởng đến gia đình mình, có khi ảnh hưởng tới cả cộng đồng.
Nói đừng để khổ tâm tức là đừng để những bức rức, lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, thất vọng chi phối mình, hãy giữ lòng mình bình thản, vì tâm bình thản, thứ nhất đó là biểu hiện căn bản của sự tu hành giải thoát; thứ hai mình giữ bình yên cho mình là giữ bình yên cho mọi người chung quanh; thứ ba tâm mình bình tĩnh được thì mới đủ sáng suốt để sắp xếp công việc hiệu quả hơn, mới tu được. Ví dụ mình là người chủ trong gia đình mà mình buồn rầu khổ sở thì người thân của mình sẽ mất điểm tựa, mất hướng liền. Bất cứ vai trò nào cũng vậy, chúng ta giữ được lòng mình bình an thì mọi người xung quanh sẽ bình an theo. Tuy nhiên, với người có vai trò Lãnh đạo – có trách nhiệm với bao nhiêu con người thì phải biết lo, vì cái lo đó có tính cao thượng thì đáng để lo và càng lo càng có phước, càng dễ tu… càng lo thì khi chết càng thanh thản. Còn bình thường, nếu ta lo lắng bâng quơ, lo buồn khổ, ích kỷ, lo hưởng thụ thì đó là sai.
Nhân đây, Thượng toạ gợi mở nhiều phương pháp để giúp mọi người làm sao tránh được cái khổ thân, khổ tâm và làm cách nào dừng lại để không làm khổ mình và làm khổ người. Theo đó, biết bao nhiêu đạo lý được Thượng toạ liệt kê để nâng sự nhận thức, hiểu biết của từng người đối với việc “Đừng làm khổ người, đừng làm khổ tâm người khác, hãy tìm sự an toàn bình an cho mọi người, đó chính là lời đại cầu an đầu năm. Không chỉ suốt năm mà suốt đời luôn, đó là bảo vệ cuộc sống, bảo hộ tâm hồn của nhau bằng đạo lý. Sở dĩ người ta khổ tâm chỉ vì con người ta không biết tu tập, không có đạo lý, nên người ta tham – sân – si – ái – mạn – nghi – ích kỷ – hẹp hòi đủ thứ. Vì vậy chúng ta cố gắng đem đạo lý cho mọi người để bảo hộ sự bình an trong tâm hồn của họ.
Dịp này, Thượng toạ cũng chia sẻ về những phương pháp đem đạo lý đến cho mọi người, giúp mọi người hiểu Phật pháp nhiều hơn, thay đổi tâm hồn tốt hơn, sống vị tha nhân ái hơn, v.v…Tất cả sự vất vả của ta để đến với chúng sinh cũng là vì đem đạo lý đến cho họ, vậy cái nhân quả của một người khi mình bảo hộ sự bình an trong tâm hồn của rất nhiều người rồi thì mình được gì, cũng được Thượng toạ triển khai nghĩa lý rất kỹ, khiến mọi người được học hỏi rất nhiều điều trong cuộc sống, lẫn tâm phục khẩu phục.
Tóm lại, bằng những ngôn từ hết sức ngắn gọn, dễ hiểu, cách nói dí dỏm, cộng với kinh nghiệm và trí tuệ của mình, Thượng tọa đã đem đến cho các Phật tử một bài Pháp thoại vô cùng ý nghĩa, để các Phật tử thấy được cái quan điểm “Không làm khổ mình, không làm khổ người” đó là lời cầu an đẹp nhất, và còn là lời đại cầu an. Đồng thời, người thực hiện được điều này thì sống bình an, chết bình an, về cõi bình an và cuối cùng đi tìm được sự bình an tuyệt đối, tức sự giác ngộ giải thoát. Đó là nhân quả.
Sau thời thuyết Pháp là lễ Quy y Tam bảo cho hơn 100 hành giả phát tâm thọ Tam quy – Ngũ giới, chính thức trở thành một Phật tử chân chính tu hành trong đạo Phật./.
Những hình ảnh an vui ngày rằm tháng giêng tại thiền tôn Phật Quang: