Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Về việc giữ nguyên hay dịch ra tiếng Việt các từ và...

Về việc giữ nguyên hay dịch ra tiếng Việt các từ và tên riêng từ tiếng nước ngoài?

163

Gần đây trên trang web của báo có đăng bài “Chùa ông Hổ ở Thái Lan” của tác giả Trần Thái Hoà và bài “Di tích Phật giáo Đông Nam Á” của tác giả Kiêm Đạt, với tư cách là một giảng viên ngôn ngữ và văn hoá tại Thái Lan gần 10 năm tôi xin có một vài ý kiến nhỏ về hai bài viết này như sau:


1. Trước hết về bài “Chùa ông Hổ ở Thái Lan” theo tôi được biết thì chùa này ở làng Sỉnh (Sinha), huyện Saiyok, tỉnh Kanchanaburi thuộc miền trung Thái Lan cách thủ đô Băng Cốc khoảng 200km chứ không phải là ở miền Bắc Thái Lan như trong bài viêt.


2. Tên chính thức của chùa là “Wat Pa Luong Ta Bua” (đọc theo tiếng Việt là Wắt Pà Luổng Tà Bùa có nghĩa là Chùa Sư ông Sen), không phải là “Mo lang da bu” như tác giả viết. Chùa này ngoài nuôi hổ ra còn nuôi nhiều súc vật và gia cầm khác như: trâu, dê, bò, khỉ, gà…. Và hiện nay là 1 điểm du lịch của tỉnh Kanchanaburi. Giá vé vào tham quan chùa là 300bạt (tương đương với khoảng 9usd) đối với người nước ngoài và “tuỳ tâm” đối với người Thái. Tôi đã có dịp đến tham quan ngôi chùa này vào năm 2006.


3. Về bài “ Di tích Phật giáo Đông Nam Á” phần nói về phật giáo Thái Lan, tác giả viết “Băng Cốc nằm ở vùng châu thổ con sông Ménam” thực ra Ménam theo tiếng Thái có nghĩa là “sông” và ngày nay ai đã từng đi du lịch đến Băng Cốc đều biết rằng con sông này chính là con sông Chaophaya nổi tiếng hay tiếng Thái gọi là “Me nám Chaophaya”. Việc hiểu nhầm này bắt nguồn từ sách của 1 số nhà nghiên cứu nước ngoài trước kia khi viết về Băng Cốc nhưng lại không hiểu về ngôn ngữ Thái Lan nên khi thấy người Thái gọi là “Me nám” thì cho là đó là tên của dòng sông này. Cũng như nếu có người nước ngoài nào đó gọi sông Hồng hoặc sông Sài Gòn chỉ đơn giản là “Sông River” hoặc “Giang River” thì chắc là người Việt Nam phải đính chính lại thôi.


4. Tương tự khi nói đến chùa tác giả cũng vẫn để nguyên từ Vạt (thực ra đọc la Wắt) có nghĩa là “chùa” trong tiếng Việt. Vì vậy khi đã để từ Wat rồi thì nên bỏ chữ “chùa” đi hoặc nếu để “chùa” thì không nên có “Wat” nữa.


5. Còn từ “Chedi” có nghĩa là “Tháp” và “Viharn” có nghĩa là “Điện”, và một số từ tiếng Thái hoặc tên riêng các ngôi chùa và di tích trong bài được viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Bali không đúng. Vì vậy theo tôi, nếu chưa rõ nghĩa của từ thì nên giữ nguyên chữ ban đầu (hoặc dịch ra nghĩa tiếng Việt thì hay hơn và cũng dễ cho bạn đọc nào muốn quan tâm tra cứu làm tư liệu tham khảo) không nên thêm từ tiếng Việt dùng cùng với tiếng Thái. Vì theo kinh nghiệm bản thân, không ít lần khi biết được 1 số thông tin về chủ đề mà mình quan tâm qua báo hoặc website nhưng khi đi hỏi cụ thể thì do tên viết sai nên đôi khi dẫn đến sự hiểu nhầm.


Vài ý kiến nhỏ xin đóng góp với Ban biên tập. Chúc Ban biên tập báo điện tử “Phật tử Việt Nam” mạnh khoẻ, an lạc và ngày càng phát triển.
Kính thư
Tiwaree Kosittanakiat (Đỗ Hà)
Băng Cốc, Thái Lan.