Nguồn cơn xảy ra những vụ việc tiêu cực trong giới tu hành được Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư Phật giáo Việt Nam (T.ƯGHPG VN) trả lời PV Báo Thanh tra.
– Bạch Hòa thượng, gần đây chưa hết lình xình về việc sư trụ trì ăn tiết canh, đánh đập người gây nhiều bức xúc, báo chí tiếp tục phanh phui vụ sư dụ trai quan hệ đồng tình tại chùa. Hòa thượng nghĩ sao ạ?
– Về việc sư Thích Minh Huân, trụ trì chùa An Phú (Ứng Hòa, Hà Nội) dụ trai quan hệ đồng tính (như PV hỏi), tôi chưa được biết, chưa đọc báo và chưa được nghe báo cáo. Nếu có việc đó xảy ra, thì vị sư ấy phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Với tư cách nhà tu hành, họ phải hành xử đúng Hiến chương Phật giáo. Tôi sẽ kiểm tra sự việc báo chí và các trang mạng xã hội vừa nêu. Và, tôi xin khẳng định, chúng tôi cũng sẽ xử lý nghiêm nếu có tình trạng đó xảy ra.
Về vấn đề này ban trị sự của các tỉnh, thành, nơi các nhà sư trụ trì xem xử lý trước như thế nào và phải chờ cho địa phương họ xử lý trước, sau đó GHPGVN sẽ xem xét.
Về vấn đề xử lý theo Luật Phật chế, thì mình là người tu hành phải giữ từ bi làm căn bản, còn nếu như mình đã là người xuất gia, tu hành mà còn có những cử chỉ và hành động chưa đúng, hay gây ảnh hưởng đến uy tín giáo hội, của phật tử hay hình ảnh của phật giáo thì đương nhiên về mặt giáo hội cũng sẽ xử lý. Nếu phạm vào trong 4 giới trọng không – đó là: Sát sinh, tức là giết người, trộm cắp hay là tà dâm và làm những gì đó nặng nề – thì phải rời khỏi giới tu hành.
– Thưa Hòa thượng, trách nhiệm của vị trụ trì ra sao, khi để xảy ra nhiều câu chuyện đáng buồn như vậy trong giới tu hành?
– Trong quy định của Hiến chương giáo hội không đề ra quy định cụ thể một vị sư được trụ trì bao nhiêu ngôi chùa. Thực tế hiện nay, có những vị trụ trì quản lý hàng chục ngôi chùa và độ cho hàng chục tăng, ni. Điều đó, dẫn đến việc khó sát sao, bao quát hết tất cả công việc trong chùa. Điều đáng nói, là việc thụ giới cho tăng, ni, nếu tùy tiện, không gắt gao, dẫn đến chất lượng đầu vào không được kiểm tra sát sao, thì hậu quả sẽ không lường. Trong giới luật, khi một người muốn xuất gia, họ phải trải qua quá trình thử thách, rèn luyện bản thân rất khắc nghiệt từ biệt ái ly thân và phải tinh tấn tu tập… thì mới cho thụ giới.
Các vị sư trụ trì chủ yếu là do sự tín nhiệm của chính quyền và người dân suy tôn. Cho nên, nhiều vị không đủ thời gian, sức khỏe, để quản lý được các tăng, ni trên địa bàn. Tôi cho rằng, vị trụ trì phải chịu trách nhiệm với Giáo hội trước những sự việc do đệ tử của mình gây ra.
– Là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự T.ƯGHPG VN, Hòa thượng có ý kiến gì khi gần đây, báo chí đã thẳng thắn đề cập nhiều sự việc tiêu cực liên quan đến giới tu hành? Và, biện pháp khắc phục của Giáo hội trong thời gian tới?
– Trước hết, rất cảm ơn các bạn, là những PV đã phản ánh các hiện tượng tiêu cực, sai trái đưa ra ánh sáng, góp phần chấn chỉnh đạo đức cộng đồng. Phê bình để chấn chỉnh lối sống trái giáo lý, giáo luật của một số ít nhà tu hành sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn những điều tốt, điều thiện của tôn giáo mà họ là thành viên, góp phần xây dựng lối sống “tốt đời đẹp đạo”.
Giáo hội cảm ơn và ghi nhận những góp ý từ các bài viết trên các báo. Hiện nay, công tác rà soát, kiểm tra, yêu cầu cơ sở báo cáo đang được gấp rút tiến hành. Cái quan trọng là từ các “con sâu” đôi khi cá biệt đó, chúng ta sẽ có biện pháp góp ý, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp, những cống hiến cao quý của giới tu hành trong cả nước suốt dọc dài lịch sử.
Thời gian tới, khi có Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng ra đời, Giáo hội sẽ cùng với các ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai đến các chư tăng, ni trên toàn quốc. Khi mọi thứ đã được quy định bởi Luật thì chúng tôi sẽ rất dễ xử lý. Cùng với đó, Giáo hội sẽ xem xét, bổ sung vào Hiến chương Phật giáo những quy định cụ thể, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống hiện nay. Từ đó, góp phần hạn chế những sự việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua.
– Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!