Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Họa sĩ Trịnh Yên: Tín ngưỡng Phật giáo đã ngấm sâu vào...

Họa sĩ Trịnh Yên: Tín ngưỡng Phật giáo đã ngấm sâu vào tôi

75

. Phóng viên: Thưa họa sĩ Trịnh Yên, từ đâu ông có ý tưởng trưng bày một triển lãm chuyên đề về đạo Phật như vậy?


Họa sĩ Trịnh Yên: Ý tưởng này tôi đã nung nấu từ cách đây 20 năm rồi. Tôi đã có hơn 40 năm nghiên cứu về tôn giáo, chuyên về Phật giáo. Một thời gian dài, tôi đi phục chế các bức tượng trong chùa, vì thế tín ngưỡng Phật giáo đã ngấm sâu vào tôi. Tôi đã vẽ khoảng 110 bức vẽ chủ đề đạo Phật, tôi sẽ chọn khoảng 30 đến 36 bức từ con số này trưng bày trong triển lãm sắp tới. Tất cả đều bắt nguồn từ mặc cảm: Đi tất cả các đình, đền, chùa của ta đều thấy treo tranh Trung Quốc. Tôi đã phải nhịn ăn để đầu tư những bộ khung gỗ đắt tiền có giá từ 4,5 triệu đến 5 triệu đồng/khung đấy. Tôi muốn nhấn mạnh trong những tác phẩm của mình: Mọi tôn giáo vào Việt Nam đều khởi sự từ tín ngưỡng Việt.


. Tín ngưỡng Việt được thể hiện như thế nào trong các tác phẩm của ông?


– Có rất nhiều người bất ngờ, thích thú với những nét Việt trong tranh Phật giáo của tôi. Mỗi bức vẽ đều được kết cấu bằng điển tích của tín ngưỡng Việt. Chẳng hạn bức chân dung Trần Nhân Tông, người từ giã ngai vàng để đi tu, tôi vẽ trong tình trạng ngồi thiền và cảm nhận người như cách của các nhà ngoại cảm. Hay tôi vẽ Phật Thích Ca là một hài nhi trong tâm nguyện của hòa bình thế giới với rất nhiều bồ câu trắng, xa xa là bản đồ của Việt Nam. Bức tranh có cái tên dài kỷ lục Đức Phật Adiđà cùng các chư Phật Bồ Tát, các thánh thần tiên hoằng pháp về thế giới cực lạc gồm 1.000 nhân vật quen thuộc với người Việt. Tác phẩm này tôi phải mất 3 năm mới hoàn thành.


. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông sau 40 năm cầm cọ. Ông có thực sự tâm đắc với những đứa con tinh thần của mình sau một thời gian dài “im lặng để tự xét mình”?


– Tôi muốn tranh của mình phải thật sự chín trước khi triển lãm. Có lẽ đây cũng là ảnh hưởng từ đạo Phật. Nhưng thật sự đến bây giờ tôi cũng chưa hài lòng với tác phẩm của mình, vẽ xong rồi nhìn lại vẫn thấy cần phải sửa nữa. Có lẽ chữ tâm đắc nên dành cho triển lãm sau. Nhưng ở triển lãm này, tôi thỏa mãn một điều: Từ nay, tín ngưỡng Việt sẽ tự hoàn thiện phần của mình, trong đó có đạo Phật.


. Ông có gặp khó khăn gì khi phải một mình loay hoay với gần 40 bức tranh to lớn như thế?


– Những bức tranh của tôi được hoàn thiện và đóng khung ở ba địa điểm: một ở quận Long Biên, một ở nhà tôi – quận Cầu Giấy và một ở Nam Định với các họa công giúp việc. Vì thế, tôi phải chạy đi chạy lại để giám sát, thấy họ sai chỗ nào mình còn sửa. Sở dĩ tôi phải đưa xuống tận Nam Định là vì ở đó khung tranh rẻ và tốt hơn. Nhưng có lẽ tôi là người đầu tiên thực hiện theo phương pháp vẽ phác thảo rồi đưa họa công làm. Mình chỉ là người sáng tạo, còn họa công có khi khéo tay hơn mình nhiều. Tôi cũng sử dụng sức mạnh của vi tính trong việc sắp xếp và xử lý thiết kế vì thế tiết kiệm được sức lao động và tăng số lượng sản phẩm.


. Ông không hề được đào tạo mỹ thuật một cách bài bản, bí quyết gì khiến ông sáng tác được nhiều tranh, tượng ở các đề tài?


– Tôi học hội họa từ bé, sau này đang học mỹ thuật thì đi bộ đội. Hơn 10 năm quay lại đã quá tuổi học rồi. Nhưng tôi tự học, tự nghiên cứu rất nghiêm túc. Tính sơ sơ, tranh tôi có hàng trăm bức, tượng cũng khoảng chục pho về cả tôn giáo, danh nhân và lịch sử. Cũng may là ở Trung tâm UNESCO chỗ tôi làm có rất nhiều họa sĩ nên tôi tranh thủ học tập ở họ. Sau triển lãm này, tôi sẽ đưa ra một loạt phác thảo tượng các danh nhân Việt Nam từ Lý Công Uẩn đến Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.