Trang chủ Tin tức Hòa Thượng Bảo Nghiêm khuyến tiến Thiền sinh thực hành được hạnh...

Hòa Thượng Bảo Nghiêm khuyến tiến Thiền sinh thực hành được hạnh Bồ Tát để thế giới an lạc

368

Với lòng kính trọng của hàng hậu học, chúng con xin ghi lại bài giảng của Hòa Thượng để có hành trang cho ngày dài tu học, cũng là duyên lành chia sẻ tới các bạn Pháp lữ gần xa cùng tiến tu nhờ sự khuyến tiến của Thầy: 

Hôm nay, trong tiết trời thu chuẩn bị đón tết trung thu, chúng tôi rất hoan hỷ nhận lời mời trở về cùng chư tôn đức chứng minh cho khóa tu Bồ Tát Hạnh lần thứ II tại thiền viện Sùng Phúc.


Chúng ta thấy xưa nay có nhiều khóa tu bát quan trai, ngày tu an lạc, tu bảy ngày Phật thất nhưng khóa tu Bồ Tát Hạnh khá hiếm và có ý nghĩa rất đặc biệt.


Đầu tiên, chúng ta phải hiểu được mục đích khóa tu, chính là tên của khóa tu “Bồ Tát Hạnh”. Bồ tát có lẽ ai cũng đã biết nhưng chưa chắc đã hiểu. Theo Tiếng Phạn, nếu dịch âm đầy đủ là Bồ-đề-tát-đỏa. Bồ-đề nghĩa là giác. Tát-đỏa là hữu tình. Bồ-tát nghĩa là giác hữu tình.


Bồ Tát là từ chúng sinh mà đi lên, tu nhân hạnh rồi tiến lên thành Bồ tát, khi thành rồi thì trở lại độ hữu tình, độ chúng sinh. Bồ tát không đâu xa, quí vị ngồi đây đều là Bồ tát, vì Bồ tát là từ con người mà giác ngộ. Bồ tát có thập phương chư đại Bồ tát. Mỗi vị Bồ tát có nguyện khác nhau để độ chúng sinh.


“Nếu cõi Ta- Bà này còn chúng sinh nào kêu khổ, thì ta thề không thành Phật”, đó chính là Quán Thế Âm Bồ tát, dùng tuệ nhãn của mình để quán sát tiếng kêu khổ ở đời để độ cho mọi chúng sinh khỏi khổ đau, vì vậy Bồ tát phải hiện ra nghìn mắt để quán sát nhận ra nỗi khổ chúng sinh, nghìn tay để cứu vớt chúng sinh. Mắt là tri, tay là hành. Tri và hành hợp nhất là thành Phật. Bồ tát Quán Thế Âm bằng mắt thương yêu đời cứu chúng sinh khỏi bảy cái nạn, nhổ cho chúng sinh ba mũi tên độc.


Bồ tát Địa Tạng nguyện chúng sinh ra hết khỏi địa ngục ta mới thành Phật. Bồ tát Địa Tạng nguyện tâm từ như hạnh của đất, đất ban cuộc sống cho con người, mà con người phũ phàng nằm lên đất, đạp lên đất, ngồi lên đất, đổ nước dơ lên đất nhưng đất không hề sân hận.


Bồ tát Thường bất khinh trong kinh Pháp Hoa đi đâu cũng nhắc nhở mọi người đừng quên mất Phật tính của mình, “tôi không dám khinh các ngài, các ngài đều là Phật cả”. Nhưng chúng sinh không hiểu, cầm gạch đá ném ngài, ngài chạy để lánh nạn, vẫn không quên tôn mọi người như Bồ tát, mọi người là cao quí, rồi ngài vẫn lại quay lại để nhắc nhở mọi người đừng quên mất Phật tính của mình.


Như vậy, mỗi người đều nên lập cho mình một hạnh nguyện, hạnh nguyện này sẽ thành tên của vị Bồ tát đó. Bồ tát không phải đâu xa lạ, Bồ tát ngay ở trong chúng ta. Bồ tát Quán Thế Âm đã thành Phật từ lâu rồi, ngài đã theo hầu hàng ngàn vị Phật trong quá khứ, nhưng ngài vẫn nguyện thành Bồ tát để vào sinh ra tử độ chúng sinh. Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Phổ Hiền cũng như vậy. Các vị Phật nào cũng đã là Bồ tát trước đó.

( Thiền sinh lắng nghe lời chỉ dạy để thực hành hạnh Bồ Tát. Ảnh: Diệu Tường)


Tôi gợi ý các hành giả lập một nguyện nào đó, để hạnh đó luôn luôn bên mình, như Bồ tát đọc Kinh, Bồ tát quét sân, Bồ tát lau chùi Phật tượng. Để có thể kiên cố thực hiện được lời nguyện đã lập, quý vị cần học hạnh Bồ tát lấy tu lục độ làm đầu.

Trước nhất: Bố thí đứng đầu. Bố thí gồm tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí có nội tài (cho hết những gì trong cơ thể mình), cho hết những gì bên ngoài ta (vợ con, gia đình, tài sản ngoại thí), tâm thí, bình đẳng thí. Thực hành bố thí mới là hạnh Bồ tát. Chỗ nào khó khăn nhất thì Bồ tát đi vào nhưng không bị ảnh hưởng, như vịt đi vào trong nước, nước trong không làm lông vịt đẹp, nước đục không làm lông vịt bẩn.

Thứ hai: Bồ tát phải trì giới, phải có bốn niềm tin kiên cố: tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin Thánh giới. Đó là Tứ bất hoại tín. Bồ tát không bao giờ phạm giới, cứu chúng sinh nhưng không bao giờ bị ảnh hưởng.

Thứ ba: Là thực hành nhẫn nhục. Nhẫn nhục là phép nhất trong đạo. Ai mắng chút mà đã sân lên thì không phải Bồ tát.

Thứ tư: Là thực hành tinh tiến. Tu có ngủ gật không? Tụng Kinh có chăm chú không?

Thứ năm là Thiền.

Tiếp theo là trí tuệ.

 

Các quí vị Phật tử nhớ đặt cho mình hạnh nguyện, có vị với hạnh nguyện rửa bát, nếu chùa có Phật sự thì luôn thực hành rửa bát, hay dọn cầu tiêu mà không phàn nàn, khó chịu hay chăm sóc người bệnh hay giặt y cho các thầy. 300 người có thể chia làm 3 phần công việc: hầu Phật, hầu Tổ và tăng và phục vụ khóa tu.


Nhân đây, tôi gợi ý các vị giáo thọ nhớ dạy cho các Phật tử hạnh Bồ tát với Tứ nhiếp pháp: Bố thí, đồng sự, ái ngữ, lợi hành. Giờ nếu quý vị còn phải để các quý thầy nhắc nhở đi ngủ, đi lao tác thì chưa được. Tất cả Phật tử đều cần tự giác, đúng như một vị Bồ tát xả thân, là học trò của Bồ tát, theo được dấu chân của Bồ tát, đừng để mọi người cười chê.


“Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt, Vạn lý vô vân vạn lý thiên”. Tạm dịch: Chỗ nào có nước thì có bóng trăng soi. Bóng trăng không chừa chỗ nào. Nhưng nước có thấy mặt trăng không thì còn tùy nước. Tâm thanh tịnh thì thấy Phật, tâm đau khổ nhiễm ô thì không thấy Phật, thấy Bồ tát. Bồ tát trước hết phải độ cho mình, tự giác rồi mới giác tha, giác hành viên mãn. Đạo Phật coi phục vụ tha nhân là quan trọng, hy sinh cho đời, làm việc cho đời, không màng công danh, tiền tài, tiếng khen. Đó là hạnh Bồ tát.

Sắp tới thượng tọa trụ trì mở mang thêm thiền viện để lấy nơi tu tập cho các thiền sinh, mỗi người cúng dường một chút, đó cũng chính là thực hành Bồ tát hạnh. Bồ tát làm lợi cho chúng sinh mà không mong cầu một điều gì khác.

Trong lịch sử, sơ tổ Giác Hoàng điều ngự đã xiển dương tinh thần Bồ tát đạo. Năm 1304, sau khi xuất gia 4 năm, ngài trở về Thăng Long để truyền Bồ tát tâm địa cho con trai của mình, là Hoàng đế – đức Sơ tổ truyền Bồ tát giới cho vua Anh Tông, nhờ đó mà hoàng hậu cung tần mỹ nữ cho đến các đại thần, bách quan văn võ cũng được thọ giới Bồ tát. Sau này mãi đến thời Nguyễn, từ 1600-1945, qua 10 đời Chúa, 13 đời Vua, chỉ có Chúa Nguyễn Phúc Nguyên thọ Bồ tát giới, gọi là Chúa Sãi, là vị Chúa tin Phật. Phục vụ tha nhân, hi sinh phần mình. Tôi mong rằng tinh thần này được nhân rộng, khóa tu này giúp nâng trình độ tu tập của thiền sinh hơn một bước nữa.

Ở đây, tôi cũng muốn nói thêm để quý vị Phật tử hiểu đúng và làm đúng về việc phóng sinh. Phóng sinh là tìm mua những con vật phù hợp với túi tiền của mình ở chợ để thả, nguyện chúng sinh đó không còn trôi nổi trong sinh tử. Nhưng quý vị không được đặt hàng để phóng sinh. Quý vị nghĩ xem, bắt chỗ này thả chỗ khác thì không còn là phóng sinh nữa. Đây là sai lầm của nhiều người.

Lời cuối, tôi mong tất cả mọi người được như Bồ tát, thực hành được hạnh Bồ tát, giúp thế giới được an lạc. Nam Mô Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni!”