Theo quan niệm Phật giáo, thế giới cõi âm có vô vàn cô hồn không nơi nương tựa, lập đàn thí thực để thể hiện uy linh Phật pháp và tinh thần từ bi hỷ xả cứu độ chúng sinh, cứu vớt cô hồn tại chốn Phật đường. Đây là hình thức chạy đàn là nét đẹp văn hóa Phật giáo, hàm cả hai khía cạnh văn chương và triết lý, gần như tất cả tinh hoa của tư tưởng và văn học Phật Giáo Đại thừa Mật Tông được gói trọn vào đây.
Việc cúng Mông Sơn thí thực tại chùa hay bạt độ chẩn tế cô hồn khởi đầu từ đời nhà Tống tại núi Mông “Mông Sơn”, Tứ Xuyên, nên trong khoa nghi mệnh danh là “MÔNG SƠN THÍ THỰC”, hiện nay ở các tự viện thường có bàn thờ đức Hộ Pháp Bồ Tát, ngụ ý là vọng bái các vị thiện thần, hàng phục tà ngụy, hộ trì chánh pháp lợi lạc sinh linh, đối diện với án thờ ngài Tiêu Diện Đại Sĩ, thống lĩnh chư âm linh cô hồn văn kinh thính pháp thọ cam lồ vị vào mỗi buổi chiều, là giờ ăn của ma quân ngạ quỷ, hay là sau những tiết lễ long trọng có phần Mông Sơn Thí Thực trước khi hoàn mãn, nhất là trong tiết Thu lá rụng mưa ngâu, mùa rét lạnh đến… người ta dễ chạnh lòng tưởng nhớ đến các cô hồn còn phảng phất bên chân trời góc biển mù khơi mà lập đàn tiến bạt cầu siêu, với chân tâm thành ý.
Theo đó, Trường hạ chùa Phù Liễn Thái Nguyên sau 3 ngày hành đạo, tối ngày 12 tháng 8 năm Ất mùi (24/9/2015) lập đàn Mông sơn thí thực chẩn tế thập nhị loại cô hồn. Ngưỡng nguyện cầu Phật pháp xương minh, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, đồng thời phổ thí pháp giới hữu tình đồng chiêm lợi lạc.