Mở đầu bài giảng, Hòa thượng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc với sự nghiệp Hoằng pháp dành cho giới trẻ “Mặc dù bận khóa tu tại A lưới, huyện giáp biên giới Việt Lào, song Thầy vẫn dành thời gian để về chùa Bằng giảng trong khóa tu thứ năm với chủ đề hướng tới tương lai này. Vì đây là nhân duyên và cũng là lới hứa với Hòa thượng trụ trì chùa Bằng. Dù lớn tuổi và công việc Phật sự bận rộn, song Hòa thượng trụ trì cũng như Thầy hết sức quan tâm đến tuổi thanh niên, quan tâm đến sinh viên, vì thầy cũng qua thời kì sinh viên nên hiểu rõ tâm tư và nguyện vọng của sinh viên. Và hôm nay, thầy giảng về đề tài hướng tới tương lai. Một đề tài rộng lớn như biển cả. Tuy nhiên với kinh nghiệm, thầy cho rằng dù môi trường nào, hoàn cảnh nào, thời đại nào đi nữa thì tri thức và đạo đức đều hết sức cần thiết, nên thầy sẽ trích dẫn những lời dạy của Đức Phật, cũng như các vị tổ sư để tùy theo hoàn cảnh mà chúng ta định hướng tương lai cho chính mình“.
Hòa thượng chia sẻ: “Trong chúng ta ai cũng có ước mơ, hoài bão, cho nên việc đạt được mục đích chỉ là thời gian mà thôi. Trong Phật giáo có vị thiện tài đồng tử là vị đã trải qua nhiều cửa, nhiều nơi để cầu học, giống như các sinh sinh viên học từ cha mẹ, thầy cô và bạn bè. Việc học đòi hỏi chúng ta tự nghiên cứu, tìm tòi từ nhiều nguồn khác nhau, bằng khả năng, quyết tâm của mình để đạt được kiến thức cũng như đạt được trình độ cao hơn. Và hôm nay các vị vào dự khóa tu này, chúng ta cũng sẽ học từ nhiều vị pháp sư, nhiều vị giảng sư, nhất là Hòa thượng trụ trì chùa Bằng, để bồi bổ kiến thức cũng như sự tu tập rèn luyện tâm chí của các vị. Đó là điều cần thiết của một con người sống giữa cuộc đời. Chính đều này khiến chúng ta tin tưởng vào tương lai sáng của chính mình.”
Hòa thượng nhấn mạnh, thứ nhất, các sinh viên phải nỗ lực, quyết tâm để thực hiện lý tưởng, phải từ lý thuyết đến thực hành, từ hiện tượng đền bản thể thì mới đạt được định hướng được tương lai. Phải giữ vững niêm tin đối với Tam Bảo, đối với chính bản thân mình để đi đến đích, khẳng định lập trường, sở thích. Đó là con người trí tuệ, đạo đức.
Và thứ hai là trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và dân tộc. Bởi ai cũng có mong muốn, có nhận thức về quê hương dân tộc. “Chúng ta là sinh viên, chúng ta phải làm gì để xây dựng tương lai cho mình và dân tộc. Chúng ta không thể ngồi nhắm mắt để tương lai đến với mình mà trong giây phút hiện tại chúng ta phải nắm bắt một cách chắc chắn tương lai tốt đẹp của mình. Đó là điều mà chúng ta không thể viển vông, không thể mơ hồ. Bởi vì, nếu quý vị có một đám đất mà không trồng gì, bỏ hoang thì cỏ mọc um tùm, còn nếu quý vị trồng một loại cây, làm cây tốt thì ngăn chặn cỏ mọc, đồng thời bón phân, chăm sóc hằng ngày. Đồng thời tìm hiểu mảnh đất chúng ta đang có thích hợp với lại cây nào để chúng ta đạt kết quả.”
Thứ ba, phải nuôi dưỡng tình thương, hiếu thảo với cha mẹ, báo ân Tam Bảo, với Thầy tổ, ông bà tổ tiên. Nếu là người có tu thì phải luôn luôn hiếu kính đối với cha mẹ. Ở nhà hiếu kính cha mẹ thì vào trường phải ngoan ngoãn với thầy cô. Ra ngoài xã hội luôn luôn tương kính tương ái. Bảo vệ, giữ gìn, nâng đỡ anh em bằng tình thương chân thật, bằng huyết thống gia đình.
Thứ tư, cần chuyển hóa thay đổi cách nhìn của mình. Thay đổi những cái nhìn hẹp hòi, bảo thủ, tà kiến, biên kiến. Đức Phật dạy “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tạo tác” nên phải lưu ý tâm của mình đang nghĩ gì. Do đó, phải ngăn chặn từ trong tâm thức chúng ta chứ không phải ngăn chặn từ hành động. Vì thế, chỉ cần thay đổi cách nhìn cũng đã làm cuộc sống nhẹ nhàng và an vui hơn.
Qua đó, Hòa thượng mong rằng các bạn sinh viên tham dự khóa tu, nếu muốn hướng tới tương lai thì phải xây dựng ngay từ trong giây phút hiện tại, bằng chính khả năng, trí tuệ của chính mình.
Cuối bài giảng, Hòa thượng cũng đã dành thời gian để lắng nghe những chia sẻ, tâm tư và giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên về Đạo Phật và cuộc sống, giúp các bạn có thêm kiến thức, hành trang hiểu biết để tự tin bước vào đời.