Trang chủ Thời đại Xã hội Tinh thần hòa hợp của Phật giáo Việt Nam và ngày Vesak...

Tinh thần hòa hợp của Phật giáo Việt Nam và ngày Vesak Liên Hợp Quốc 2008

108

HÀNH TRANG QUÁ KHỨ


Phật giáo ra đời tại Ấn Độ có chiều dài lịch sử hơn 2500 năm trước, đã lan tỏa sang nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Với những yếu tố tích cực và đã đóng góp vào đời sống hàng ngày trong dân chúng nhiều nước, Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam hơn 2000 năm. Phật giáo đã đóng góp vào nền văn hóa dân tộc ngang ngửa với thời gian du nhập và đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm qua nhiều thời đại. Bi – Trí – Dũng đã in sâu vào tâm hồn của người Phật tử Việt Nam.


Phật giáo là một tổ chức giáo dục nhân bản sớm có mặt ở Việt Nam. Khi Phật giáo truyển từ Ấn Độ sang Việt Nam không mang theo sắc thái vật chất nào, trừ mấy quyển kinh Phật và một bầu nhiệt huyết cùng một trái tim yêu thương và một khối óc có trí tuệ tinh thông và mẫn cán. Tựu chung, đó là vốn liếng của dưỡng tử Như Lai có được mà ngày nay Phật giáo Việt Nam đã hoằng dương chính pháp, đem Phật pháp vào xã hội Việt Nam.


Phật giáo Việt Nam cùng với vận nước nổi trôi, với những thách đố nghiệt ngã trong quá khứ đầy biến động và ác nghiệt. Phật giáo Việt Nam đã bước song hành với vận mệnh của dân tộc và như lời đức Thế Tôn từng nói: “Hãy tự thắp đuốc mà đi”. Thực hành theo lời dạy của đức Phật, nên Phật giáo Việt Nam đã vượt qua được nhiều khó khăn trở ngại gian nguy. Nhất là vào năm 1963 ở miền Nam Việt Nam, chế độ Ngô Đình Diệm đã đàn áp Phật giáo một cách dã man, tưởng chừng Phật giáo sẽ tiêu tan lúc bấy giờ. Nhưng không ai ngờ được, Phật giáo Việt Nam vẫn vững như bàn thạch và vẫn trường tồn. Đó là nhờ Duyên Khởi mà đức Phật chứng ngộ dưới cội Bồ Đề đã lý giải điều đó.


Dù với bất cứ ý niệm nào, kể cả thời gian – không gian, quá khứ – hiện tại – tương lai; PGVN đã bước vào bối cảnh của thiên niên kỷ mới với hành trang của quá khứ, gồm cả giới xuất gia và tại gia đủ mọi tông phái, trên địa bàn trải rộng trong nước và hải ngoại, tất cả đang đối diện với câu hỏi: “Sau khi Việt Nam là thành viên của WTO, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng gì? Phật giáo Việt Nam nghĩ gì về sự hội nhập này”?


Có người cho rằng Phật giáo phải độc lập, không liên quan gì đến sự kiện Việt Nam gia nhập WTO. Người khác lại cho rằng sinh hoạt Phật giáo luôn luôn gắn liền với con người, với xã hội đương thời. Vì con người và xã hội Việt Nam là đối tượng giáo dục của Phật giáo. Một khi xã hội Việt Nam thay đổi thì Phật giáo cũng phải thay đổi, để thích nghi với hoàn cảnh xã hội. Và đó cũng là nhân tố tốt và quan trọng để Phật giáo gắn liền với quần chúng, hầu thúc đấy xã hội, vì đó là biểu tượng của từ bi hỷ xả, là nơi chúng sinh đau khổ. Nơi nào chúng sinh khổ đau, nơi ấy người con Phật xuất hiện.


BƯỚC VÀO THỜI ĐẠI MỚI


Ngày nay, nước Việt Nam đã được Độc lập và thống nhất hơn 30 năm qua. Đất nước Việt Nam đang có dấu hiệu khởi sắc ở thế kỷ 21. Phật giáo Thế giới và Phật giáo Việt Nam đang bước vào vận hội mới. Riêng Phật giáo Việt Nam đã hình thành một tổ chức được gọi là Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Sự hình thành này là một cơ duyên đưa tới đoàn kết, thống nhất, hòa hợp; tạo thành sức mạnh để phát huy tinh túy và đạo lý của đức Phật.


Hiện nay, những phát minh về khoa học, công nghệ thông tin phát triển cao độ. Những mạng thông tin của Phật giáo được mở ra hầu hết các nơi trên thế giới để tiếp cận với Phật tử, quần chúng ở khắp mọi nơi chặt chẽ hơn. Đồng thời hội nhập với các nước Phật giáo khắp thế giới trên cơ sở hòa hợp. Đặc biệt với các nước Phật giáo châu Á với những lần Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB), Đại hội Liên hữu Thanh Niên Phật giáo Thế giới (WFBY) và Hội Đồng Phật giáo Thế giới đã mang lại cho Phật giáo Việt Nam một tinh thần hợp tác mới vì thịnh vượng chung.


TỔNG KẾT KINH NGHIỆM ĐỂ ĐI VÀO THỜI ĐẠI MỚI


Tấm gương sáng của đức Phật đối với Phật tử chúng ta với tình thương bao la có tính thuyết phục đầy ấn tượng. Kể từ khi đức Phật nhập Niết Bàn, chúng ta có lệ tự sám hối hằng năm vào dịp lễ Vu-Lan cũng là dịp để PGVN và chư tăng kiểm điểm những việc làm năm trước để tổng kết rút kinh nghiệm trong việc thi hành giới luật, hành trì và tu học để nâng cao tinh thần tam bảo Phật giáo.


Chúng ta cần tổng kết kinh nghiệm để rút tỉa ưu khuyết điểm, rút ra những bài học để xây dựng PGVN, xây dựng Gia Đình Phật Tử để có một tổ chức thống nhất hữu hiệu và  khoa học. Và tập kết, rút tỉa kinh nghiệm 70 năm phát triển PGVN để mạnh bước vào thiên niên kỷ mới.


Đặc biệt, PGVN sẽ tìm mọi cách tiến tới bắt tay với Phật giáo Việt Nam hải ngoại để Phật giáo được thống nhất toàn diện.


VAI TRÒ PGVN HIỆN TẠI


Tóm lại, hôm nay là một cơ may và cũng là một vinh dự cho Phật giáo Việt Nam được hân hạnh đứng ra tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại thủ đô Hà Nội. Việc chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc là một khẳng định vai trò của Phật giáo Việt Nam trước thế giới.


Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc là một dịp tốt, tạo cơ hội hội tụ cộng đồng Phật giáo Thế giới, các nhà lãnh đạo xã hội và các quan sát viên. Sự kiện nầy nói lên tinh thần yêu chuộng hòa bình của Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.


Đại lễ Vesak mang tính chất văn hóa và nhân văn được xem là ngày tôn vinh văn hoá của LHQ. Ngày này cũng là ngày thiêng liêng trọng đại, trong tinh thần từ bi cho tất cả chúng sinh khắp thế giới không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp.


Đại lễ Vesak là cơ duyên để  PGVN và nhân dân Việt Nam chia sẻ niềm hân hoan, là cơ hội lớn trong mối tương giao và giới thiệu văn hóa PGVN với bạn bè thế giới.


Không những vậy, đi xa hơn, toàn thể nhân dân cùng Phật tử Việt Nam muốn chia sẻ cũng như muốn gióng lên tiếng nói của mình trong trùng trùng duyên khởi để góp phần vào việc giải quyết những khủng hoảng và xung đột của thế giới hiện nay, cùng góp phần bảo tồn giá trị tinh thần trong đời sống gia đình và trật tự xã hội hiện thời.


Trong tinh thần từ bi và giải thoát đau khổ cúa chúng sinh, trong tình thương yêu bao la của đức Phật. Để hòa nhịp niềm vui chung ngày đản sinh thứ 2551 và  để tưởng niệm ngày nầy, chúng ta  hãy đến với nhau bằng trái tim, hãy xiết tay nhau cất cao tiếng niệm: Nam mo A-Di-Đà Phật, cầu cho thế giới an lạc hòa bình.


Kính chúc Đại lễ Vesak LHQ thành công viên mãn.
                                    
California, ngày 27 tháng 03 năm 2008.