Trong bài giảng, đại chúng đã được nghe Đại đức Thích Chiếu Tuệ chia sẻ về Hiến chương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, mà đầu tiên là thiết chế của Giáo hội bởi “Nếu chúng ta không hiểu thì chúng ta khó có thể thực hiện được tất cả bổn phận của người Phật tử là thành viên của GHPGVN”.
Mở đầu, Đại đức chia sẻ với các cư sĩ Phật tử trong khóa tập huấn về bối cảnh lịch sử và sự hình thành của GHPGVN. Hiến chương GHPGVN có một lịch sử hình thành gắn liền với lịch sử của dân tộc vào cuối thập kỷ 70 của thế kỉ 20. Căn cứ vào điều kiện lịch sử của đất nước khi hòa bình lập lại (Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975) thì chúng ta có thể phân tích lịch sử thành lập GHPGVN qua các giai đoạn lịch sử để chúng ta có thể nghiên cứu tổng thể Hiến chương của GHPGVN.
Cho đến thời điểm Thống nhất Việt Nam năm 1975, tại miền Bắc và miền Nam có nhiều tổ chức Phật giáo hoạt động. Với mục đích thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo tại Việt Nam dưới một tổ chức duy nhất, cuộc Vận động thống nhất Phật giáo được tiến hành. Năm 1980,Ban vận động thống nhất Phật giáo ra đời, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm trưởng ban.
Năm 1981, Đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Một tổ chức mới ra đời, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là hợp nhất của 9 tổ chức:
- Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ở miền Bắc
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở miền Nam
- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ở miền Nam
- Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam ở miền Nam
- Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước ở miền Nam
- Giáo hội Thiên thai giáo Quán Tông ở miền Nam
- Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam ở miền Nam
- Hội đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tây Nam Bộ
- Hội Phật học Nam Việt.
Sau 8 lần hiệp thương, từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đại biểu thống nhất Việt Nam với sự tham dự của 165 đại biểu đại diện cho 9 tổ chức hệ phái Phật giáo, thành lập và cái tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được ra đời để “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đây là một tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni Phật Tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài”.
Đại hội đã thông qua Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng thời suy tôn, suy cử giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng Minh và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ I (1981 – 1986) bao gồm:
- Pháp chủ là Hòa thượng Thích Đức Nhuận (nguyên Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam)
- Đệ nhất Phó pháp chủ kiêm Giám luật là Hòa thượng Thích Đôn Hậu (nguyên Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất)
- Chủ tịch Hội đồng Trị sự là Hòa thượng Thích Trí Thủ (nguyên Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất)
- Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự là Hòa thượng Thích Trí Tịnh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất).