Đạo Phật vào nước ta và định hình rất sớm ở vùng đồng bằng sông Hồng. Từ ấy, nếp chùa đã trở thành một không gian tâm linh dân tộc và bộ phận cấu thành của làng xóm Việt. Cảnh chùa, dáng tháp, ao sen, tiếng mõ tiếng chuông… luôn nằm trong tâm thức của bao thế hệ con dân Việt khắp các vùng đất nước cũng như ở xứ người.
Hòa tan vào lòng đời, lòng người Tôi không sinh ra trên đất Bắc, nhưng mỗi khi nhìn cảnh chùa ở vùng đồng bằng sông Hồng, lòng vẫn nao nao như đang trở lại chốn quê nhà thật gần gũi, thân thương. Cảnh chùa, làng quê như đã ghi dấu ấn tự bao giờ trong lòng tôi.
Nếp chùa Việt là một phức hợp kiến trúc gồm nhiều công trình, đặt ở những vị trí cảnh quan đẹp nhất. Truyền thống bố cục mang tính mở, đại chúng với sân rộng, hành lang lớn hai bên phải trái (Đông lang, Tây lang) đón khách thập phương.
Chùa Phật rất khác với đền miếu Khổng giáo, Đạo giáo vì có tháp, gác chuông và cả nơi ở, tu tập của Tăng Ni lẫn nhà khách. Bảo tháp làm đài kỷ niệm hoặc lưu trữ xá lợi và các di vật lễ bái. Tháp đặt ở phía trước có nhiều tầng, xung quanh có đường chạy đàn (vừa tụng niệm vừa kinh hành) vòng quanh tháp. Tháp mộ thì đặt tự do ở phía sau, gìn giữ tro cốt tu sĩ.
Điện thờ là trung tâm chùa, thường gồm ba phần: tiền đường (nơi vân tập thiện nam tín nữ), tòa thiêu hương hay bái đường (nơi hành lễ) và thượng điện hay chánh điện (nơi thiết trí tượng Phật).
Công trình chùa luôn gắn bó hài hòa với cảnh quan bao quanh, bố cục cân xứng và thoáng mở, sắp xếp theo phương vị ngang, chỉ có tháp là vươn cao, nhấn mạnh toàn khu thờ tự theo phương vị đứng, có thể nhìn thấy từ xa.
Nếp chùa Việt truyền thống cơ bản vẫn là một ngôi nhà gỗ lớn với hệ vì kèo chồng rường-giá chiên đỡ giàn mái lợp ngói mũi hài lớn và nặng, đầu đao cong vút. Nhưng nếp chùa vẫn khiêm tốn, ẩn mình trong một vùng cây cảnh, sông nước và hòa tan vào lòng đời, lòng người vùng đồng bằng lúa nước.
Gây ấn tượng nhất đối với tôi là tổng thể cảnh quan chùa Hương. Các nếp chùa như ẩn hiện trong suốt một vùng non nước, lẫn vào trùng điệp núi đá rừng cây.
Chùa Hương
Khu chùa Thầy nằm gần thủ đô trong một khu cảnh quan núi hồ. Đó là một phức hợp các nếp chùa, cái thì nhô lên khỏi mặt nước, cái nép mình bên sườn đồi, núi đá, rừng cây.
Chùa Thầy
Chùa Bút Tháp nằm giữa lòng đồng bằng sông Hồng, bố trí trên một trục xuyên suốt từ cổng tam quan, lớp lớp trước sau nào sân vườn, hành lang, đền điện cho đến lô xô các tháp to nhỏ, nổi bật lên ngọn bút tháp bằng đá, giữa một vùng đồng ruộng xanh tươi.
Chùa Bút Tháp
Cứ mỗi lần quay lại đất Bắc là tôi tìm cách ghé chùa Tây Phương chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc gỗ tuyệt vời của mấy mươi pho tượng La hán, Phật nghìn tay nghìn mắt. Đến thủ đô Hà Nội thì không thể không thăm lại ngôi chùa Một Cột, quy mô tuy không mấy lớn nhưng hình tượng búp sen nở như đã nằm sâu trong tiềm thức mọi con dân Việt, dù ở xa tận bốn phương trời.
Chùa Tây Phương
Suốt theo chiều dài đất nước
Chưa có một vùng đất nào trên đất nước ta lại có mật độ chùa chiền cao như Huế. Cố đô trông giống như một khu vườn lớn, trong đó có những khoảng không gian uy nghi, quan cách của cung điện, đền đài, có những khoảng êm đềm, ấm cúng của những nếp nhà vườn và cũng có những khoảng tĩnh tại, thanh thoát, lặng lẽ của những cảnh chùa.
Nếp chùa Huế về cơ bản vẫn tiếp nối truyền thống ngôi chùa Việt, nhưng tinh tế, không đồ sộ, khoa trương, ít rườm rà, không nhiều gian. Đó cũng là ngôi nhà rường bình dị, thân thiết, gần gũi dân gian. Chánh điện chỉ có 3 – 5 gian, 2 chái, cắt mái 2 tầng nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn mái chùa nặng nề miền Bắc. Tiếp theo chánh điện là chiếc sân trong bao quanh bởi thiền đường, tăng xá. Sau vườn là khu canh tác, trồng hoa màu.
Từ chùa Huế cũng phát xuất ra các món ăn chay khá phong phú. Nghề đúc chuông ở đây cũng độc đáo, cung cấp cho nhiều vùng và cả chùa người mình ở nước ngoài.
Chùa Thiên Mụ nổi tiếng với tháp Phước Duyên vươn lên trên dòng sông Hương từ lâu đã là biểu tượng xứ Huế. Thực ra tháp chỉ là một phần của cả một tổng thể chùa tháp, tọa lạc trên một khu đồi lớn.
Các chùa Báo Quốc, Thuyền Tôn, Từ Hiếu, Từ Đàm… đều là những ngôi chùa xây dựng từ thời các chúa và triều đình nhà Nguyễn vào giai đoạn dân tộc ta mở đất vào xứ Đàng Trong.
Tiến vào vùng đất mới Nam Bộ, ngôi chùa của người di dân đã không còn được chăm chút tẩn mẩn, kiểu cách như ở Đàng Ngoài. Nếp chùa nay mộc mạc, giản dị nhưng thích nghi với thời tiết khí hậu nhiệt đới. Ngôi nhà chính kiểu tứ trụ vừa mang hình ảnh ngôi nhà rường vùng Ngũ Quảng miền Trung vừa lai tạo nét chùa vùng Hoa Nam (Trung Quốc) lẫn nét chùa Khmer.
Một không gian tâm linh mới đã hình thành trong thực tế cuộc sống vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Nếp chùa cần thông thoáng, mái lớn lợp ngói âm dương thô mộc kết hợp với hàng ba rộng rãi che chắn nắng mưa. Bố cục ngôi chùa cũng giản lược đi, ít khi xây cửa tam quan, tháp không mấy lớn, mà chỉ còn lại chánh điện với nhà tăng, sân vườn phía sau.
Đó là các ngôi chùa mang tên Giác Lâm, Giác Viên, Phụng Sơn… xuất hiện sớm nhất ở vùng đất mới Gia Định.
Góc tâm linh và văn hóa dân tộc
Mấy mươi năm trở lại đây xuất hiện những công trình thiền viện mang tính cách tân, thể hiện được nét truyền thống lẫn hiện đại. Đó là những thiền viện ở cả trong lẫn ngoài nước: quy mô lớn có Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt), trung tâm Vạn Hạnh mới xây cất ở thành phố Hồ Chí Minh, khu phức hợp công trình thiền viện cải tạo và xây mới trên vùng núi Yên Tử (Quảng Ninh), quy mô vừa hoặc nhỏ như Trúc Lâm Thiền viện nằm gần Paris, Trung tâm Văn hóa-Xã hội Huyền Không ở Montréal, Canada.
Với đường lối trở về cội nguồn, kế thừa tinh hoa văn hóa của tổ tiên, phái Thiền tông đã chủ trương xây dựng công trình với thanh quy nghiêm túc, khoa học, đậm đà tính Phật giáo dân tộc để làm nơi giáo dưỡng cho Tăng Ni, Phật tử hâm mộ tu Thiền cả nước. Nếp chùa Thiền có đường nét thanh thoát, hài hòa, mô-típ trang trí giản dị, không rườm rà, diêm dúa. Trang trí nội thất khu thờ tự chỉ tập trung vào một hình tượng Đức Phật.
Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt không chỉ đơn giản là một ngôi chùa đơn lẻ mà là cả một quần thể kiến trúc tôn giáo hoành tráng và nên thơ, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng nhìn xuống hồ Tuyền Lâm giữa rừng thông bạt ngàn. Bao bọc chung quanh ngôi chánh điện là vườn tổ, hồ tĩnh tâm, tháp chuông lầu trống, nhà truyền thống, nhà khách… Tách biệt ra là khu nội viện có thiền đường chư Tăng, chư Ni, trên một trăm vị hành thiền nghiêm mật.
Thiền viện mang cùng tên Trúc Lâm tọa lạc ở vùng Villebon/Yvette cách trung tâm Paris 25km là một ngôi chùa của bà con Việt kiều vừa là điểm giao lưu văn hóa Việt Nam với bạn bè nước ngoài. Công trình chùa là một sự dung hợp hài hòa giữa truyền thống Việt và tính hiện đại phương Tây. Trên một cuộc đất chỉ 600m2 mà vẫn bố trí được cả chánh điện, giảng đường, thư viện, thiền đường, thiền thất và nhà thập phương. Đặc biệt mỗi độ xuân về, hoa mai lại nở rộ trong vườn chùa.
Bà con người Việt ở Canada giữa trung tâm phố thị náo nhiệt của thành phố Montréal vẫn tạo dựng được một nếp chùa độc đáo: Trung tâm Phật giáo Huyền Không. Nơi đây không có chỗ để mở ra bên ngoài cho nên mọi sinh hoạt đều quay vào bên trong, thanh tịnh nghiêm mật nhưng vẫn thanh thoát giản dị. Nét sáng tạo là vòm kính nóc lấy ánh sáng các đêm trăng rằm vào khu điện thờ gây ấn tượng độc đáo khó quên.
Nếp chùa Việt như một góc tâm linh và văn hóa dân tộc, bước vào thế kỷ XXI ở trong lẫn ngoài nước cũng đang biến chuyển và được quan niệm lại cho phù hợp với lớp Phật tử trẻ và đà tiến lên của nhân dân Việt Nam trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.