Trang chủ Tin tức Thượng tọa Thích Chiếu Tạng giảng về "Tư tưởng kinh Pháp Hoa."

Thượng tọa Thích Chiếu Tạng giảng về "Tư tưởng kinh Pháp Hoa."

176

Trong bài giảng Thượng tọa đã nhấn mạnh : Kinh Pháp Hoa được xem là kinh cao quý nhất thuyết vào thời cuối trước khi đức Phật nhập diệt là một trong những bộ kinh lớn của hệ thống Kinh tạng Đại thừa Phật giáo.


 

Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật muốn khai mở, chỉ bày, làm tỏ ngộ và thâm nhập (khai, thị, ngộ, nhập) cho chúng ta cái thấy biết của Phật (tri kiến Phật). Với câu “đều đã thành Phật đạo”, kinh muốn giới thiệu cho chúng ta phần nào cái thấy biết đó của Phật, cái thấy biết của Pháp Hoa. Bởi thế, sau khi nghe (Văn), chúng ta phải tư duy (Tư) và thiền định (Tu) để cảm nhận phần nào cái thấy biết Pháp Hoa đó.


Kinh Pháp Hoa nói về hoa sen, mà gần gũi nhất là hoa sen nơi chính mình. Bí quyết của người đọc tụng, giải nói Pháp Hoa là khai, thị, ngộ, nhập hoa sen Phật tánh ấy nơi mình. Hành giả Pháp Hoa là người sống như hoa sen ấy nơi mình, càng lúc càng làm nó nở lớn hơn, tỏa hương hơn và hỗ trợ làm nở hoa sen nơi người khác.

Khi thấy người khác là hoa sen, dù còn nằm trong bùn, tin được lời Phật dạy “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”, chúng ta không thể sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối…


 Tư tưởng của Pháp Hoa nhằm ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta phải nên nhớ trước khi nói kinh Pháp Hoa, đức Phật đã nói kinh Vô Lượng Nghĩa và nhập định Vô Lượng Nghĩa Xứ. Như vậy là kinh Pháp Hoa có vô lượng nghĩa như pháp giới có vô lượng nghĩa. Những tư tưởng ấy  được khai triển trong những bước đầu tiên. Sự thâm nhập Pháp Hoa tùy thuộc vào mức độ nở lớn của hoa sen nơi chính mình. Đó là công trình của mỗi cá nhân với sự gia hộ của chư Phật chư Bồ tát.


Thượng tọa cũng giới thiệu về Kinh Pháp Hoa bao gồm có 28 phẩm : Giới thiệu kinh qua chủ đề “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” : Phẩm Tựa trình bày tổng quát hiện tượng và bản thể của vũ trụ pháp giới. Phẩm 2 đến phẩm 10 mở bày cái thấy biết của Phật. Phẩm 11 đến 22 chỉ cho thấy chỗ thâm áo của Phật tri kiến. Phẩm 23 đến 28 nói về thể nhập Phật tri kiến.

Giới thiệu kinh qua khái niệm về Tích môn và Bổn môn của tông Thiên Thai. Kinh Pháp Hoa chia làm 2 phần : 14 phẩm đầu thuộc Tích môn, 14 phẩm sau thuộc Bổn môn.
Phần Tích môn chia làm 3 phần : Dẫn nhập, chánh tông và kết luận. Phẩm 1 là dẫn nhập, phẩm 2 đến phẩm 9 là chánh tông, phẩm 10 đến 14 là kết.

Phần Bổn môn cũng chia làm 3 phần như trên. Nửa đầu phảm 15 là phần dẫn nhập (có nơi cho rằng phẩm 1 là phần dẫn nhập cho cả 2 môn). Nửa phần sau của phẩm 15 đến phẩm 16 và nửa đầu phẩm 17 là phần chánh tông, nửa sau của phẩm 17 cho đến phẩm 28 là phần kết.

Phần Tích môn là phần giáo lý của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có sinh ra, lớn lên, xuất gia, thành đạo, nhập diệt, dạy giáo lý thoát khổ ở cõi thế gian này. Trong kinh, phần nào thuyết pháp ở núi Linh Thứu thì thuộc về Tích môn, còn gọi là Chân lý tương đối.

Phần Bổn môn là phần gốc, là nền tảng của Tích môn. Nghĩa là Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp. Phật hiện hữu suốt chiều dài của thời gian và phổ biến cả không gian. Chân lý của Bổn môn là tuyệt đối. Nhờ giáo lý Bổn môn mà lý giải tất cả chúng sinh đều thành Phật, vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Đây là điểm đặc thù của Pháp Hoa.


Thượng tọa cũng đã nhấn mạnh về giáo lý “Thập như thị” trong kinh Pháp Hoa như một công thức chuẩn mực giải trình mọi hiện tượng hiện hữu. Đây là chìa khóa giúp cho con người nhận thức về nhân sinh và vũ trụ.

Thập như thị là nguyên lý tồn tại của tất cả Pháp, đó là: Như thị tướng, Như thị tính, Như thị thể, Như thị lực, Như thị tác, Như thị nhân, Như thị duyên, Như thị quả, Như thị báo, Như thị bổn mạt cứu cánh.

Cuối cùng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa không chỉ là “vua của các kinh”. Tư tưởng Kinh Pháp Hoa đóng một vai trò quan trọng là giá trị của mọi đường lối tu tập và nhất là giá trị tâm thức hướng thiện, hướng thượng của mọi chúng sinh.  Với một đường lối dung hòa, với tư tưởng pháp chân không siêu thoát, Kinh Pháp Hoa đã đạt được mục đích của mình là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.