Tiêu Sơn tự (còn có các tên: Chùa Thiên Tâm, Lục Tổ), tọa lạc trên núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh. Sử cũ ghi: “Chùa là một thiền viện, đào tạo các bậc cao tăng và cung cấp kinh sách cho nhiều chùa trong nước”.
Những bậc dẫn lên chùa mát rượi bóng cây cổ thụ, ngỡ như đang đưa du khách đến chốn Bồng lai. Có thể nói không ngoa rằng, đây là nơi đã khai sinh ra triều đại nhà Lý, bởi Lý Công Uẩn được nuôi dưỡng và hun đúc tài năng tại đây, nhờ trí tuệ và tâm huyết của Thiền sư Vạn Hạnh. Trên cột nhà bia còn lưu câu đối chữ Hán:
Lý gia linh tích tồn bi kỷ
Tiêu lĩnh danh kha đắc sử truyền
(Dấu thiêng nhà Lý còn bia tạc
Danh thắng non tiên có sử truyền)
Những công trình còn lại của chùa Tiêu hiện nay là sản phẩm kiến trúc nghệ thuật thời Lê – Nguyễn. Chùa còn lưu giữ nhiều tư liệu, di vật quý giá: Tượng Thiền Sư Vạn Hạnh bằng đồng thờ trong nhà Tổ, bia đá “Lý gia linh thạch” cung cấp tư liệu về lịch sử triều Lý, nhiều hoành phi, câu đối, chuông đồng… Chùa Tiêu xưa từng là nơi lưu giữ ván in sách Thiền uyển tập anh, tác phẩm văn học giá trị nhiều mặt: Văn học, sử học, triết học ghi chép các vị danh sư Việt Nam.
Chùa Tiêu không chỉ là di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật được Nhà nước công nhận, mà còn là một danh lam với cảnh đẹp u nhã, thiên nhiên “sơn thủy hữu tình”.
Cao tăng Vạn Hạnh với chùa Tiêu
Tiêu Sơn là nơi “linh địa” của bậc cao tăng trí giả thâm thúy đã hành trì và khởi dựng vận mệnh quốc gia Thiền Sư Vạn Hạnh: Ngôi chùa trên đỉnh Tiêu Sơn đóng vai trò “vọng sơn đài”, từ đây nhìn bao quát một vùng đất rộng lớn của miền Quan họ, từng được nhà Hán đặt làm thủ phủ Long Biên.
Thiền Sư Vạn Hạnh sinh ra trong một đại thế tộc ở làng Đình Bảng, cách núi Tiêu 3km. Từ nhỏ Ngài đã thông minh xuất chúng, thông hiểu “bách gia chư tử”, “tam giáo” (Phật, Lão, Nho). Năm 21 tuổi, Ngài xuất gia trở thành học trò xuất sắc nhất của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, được vua Lê Đại Hành vô cùng tôn kính. Với kiến thức sâu rộng, đặc biệt thông hiểu kinh Bảo Vương Tam Muội (Tổng trì Tam ma địa), nên mỗi lời Ngài nói ra đều được nhân dân coi là sấm truyền.
Thuở còn trẻ thơ, Lý Công Uẩn (Thái tổ triều Lý) được gửi vào chùa Lục Tổ (tức chùa Tiêu) theo học Thiền Sư Vạn Hạnh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vạn Hạnh bảo Lý Công Uẩn rằng: “Mới rồi tôi trông thấy lời sấm kỳ dị, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng ông là người khoan từ nhân thứ, lại được lòng dân chúng mà nắm binh quyền trong tay, người đứng đầu muôn dân, chẳng phải ông thì còn ai đương đổi nữa!”.
Không chỉ là người có công kiến tạo triều Lý, Thiền Sư Vạn Hạnh còn là một trong những người đã khai sinh ra nền văn học viết của nước ta, với 3 thể loại văn học đầu tiên: Sấm ký, khuyến, kệ. Ngay sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi Vua vào năm 1010, đã tôn vinh Vạn Hạnh làm quốc sư.
Cao tăng Vạn Hạnh mất ngày 15.5 năm Thuận Thiên thứ 9 (1018). Dân gian lưu truyền rằng, đương thời không ít người nói Sư là thân sinh của Lý Công Uẩn. Sư không nói gì mà chỉ tay vào con hổ đất bên bàn thờ rồi nói to: “Thân này, tâm này đã tu hành không vọng tưởng gì nữa, nhược bằng không thanh tịnh, mắc tội tà dâm thì xin trời trừng phạt và con hổ kia vẫn là con hổ đất, vẫn còn giữ phép giới siêu thoát thì hổ đất sẽ biến thành hổ thật”. Kỳ lạ, con hổ đất bỗng rùng mình biến thành hổ thật để Vạn Hạnh cưỡi. Người đời sau đã dựa vào tích đó để tạc tượng Ngài.
Pho tượng cổ tạc Ngài được đặt trong một khám thờ, bài vị khắc: “Lý triều nhập nội, Quốc công Tể tướng Thiền Sư Vạn Hạnh” Tượng cao 50cm mô tả chân dung Ngài rất sinh động, ngồi uy nghiêm trên con hổ màu xám, một tau ôm lấy đầu hổ, bàn tay kia đặt lên đầu gối, mặt ngẩng cao, đôi mắt dõi vào cõi xa xăm.
Mới đây nhân dân Tiêu Sơn đã xây dựng phiên bản pho tượng Vạn Hạnh cưỡi hổ, kích thước lớn gấp hàng chục lần, đặt trên đỉnh Tiêu Sơn để du khách thập phương chiêm bái.
Thiền sư Như Trí với chùa Tiêu
Thiền sư Như Trí trụ trì chùa Tiêu vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, là đệ tử nối pháp của Thiền sư Chân Nguyên (trụ trì chùa Long Động ở Yên Tử). Ngài có công phục hưng Thiền phái Trúc Lâm, giữ gìn nhiều tư liệu quý báu của thiền phái, cùng nhiều chư Tăng đương thời sưu tập, khắc in rất nhiều sách. Sách Thiền uyển tập anh được Ngài khắc in năm 1715 tại chùa Tiêu, là bộ sử giá trị của nền Phật giáo nước nhà. Rất nhiều cuốn sách do Ngài sưu tầm biên soạn đã được các đệ tử khắc in: Kế đăng lục, Khóa hư lục, Thánh đăng lục, Thượng sĩ ngữ lục…
Thiền sư Như Trí viên tịch năm Bảo Thái thứ tư, đời Vua Lê Dụ Tông (1723), để lại nhục thân xá lợi. Đệ tử tiếp nối tông phong là Tĩnh Phong cùng hàng môn nhân xây bảo tháp Viên Tuệ để thờ Ngài.
Trên tháp Viên Tuệ có ghi “Nhục thân Bồ tát Như Trí hiệu Tính Không” và “Lê triều Bảo Thái đệ tứ niên” (Quý Mão, 1723). Những thông tin này từ lâu đã gây sự chú ý đặc biệt cho du khách đến vãn cảnh chùa. Ngày 5.3.2004, tháp cổ được mở trước sự chứng kiến của chính quyền sở tại, các Tăng Ni đến từ thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, đại diện Bảo tàng Bắc Ninh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và đông đảo nhân dân địa phương. Hết thảy đều vui mừng khi thấy nhục thân của Thiền sư Như Trí còn tương đối nguyên vẹn.
Ngày 13.3.2004, nhục thân Thiền sư Như Trí được đưa về chùa Duệ Khánh để tu bổ. Dự án tu bổ do Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt – Yên Tử làm chủ đầu tư, Sở VH–TT Bắc Ninh thiết kế và thi công, PGs, Ts Nguyễn Lân Cường, họa sỹ sơn mài Đào Ngọc Hân thực hiện. Ngoài ra, còn có sự tham gia tư vấn, giám sát của các cơ quan: Viện 69 Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Các nhà khoa học đã tiến hành diệt khuẩn, nấm mốc, côn trùng. Các quy trình bọc vải, bó, hom, lót, thí được thực hiện thận trọng với 13 lớp sơn và thếp bạc. Pho tượng sau khi tu bổ nặng 34kg, chiều cao ngồi 78,5cm. Tượng được đưa về nhà Tổ của chùa Tiêu, đặt trong một khám sơn son thếp vàng có hộp kính dày 1cm, chứa đầy khí nitơ để bảo vệ. Một phiên bản khác bằng composite được đặt trong tháp của Thiền sư. Nhục thân Thiền sư Như Trí là pho tượng thứ 4 theo kiểu tượng táng được tìm thấy ở Việt Nam.