Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Thực tập chữa cơn giận

Thực tập chữa cơn giận

74

Mỗi khi bắt đầu giận thì phải nhớ rút nó ra, đọc ba câu đó, rồi sẽ biết mình phải làm gì để đừng nói và đừng làm những chuyện có thể làm tan vỡ tất cả.


Mình có thể giận chồng, mình có thể giận vợ, mình có thể giận người yêu, mình có thể giận con, mình có thể giận cha.


Đây là phương pháp thực tập để bảo hộ mình, đừng để cho cái giận đốt cháy mình và xô đẩy mình gây nên sự đổ vỡ. Ví dụ như bà đang giận ông, ông vừa nói hoặc làm cái gì đó làm cho bà giận quá đi. Nguyên tắc là bà không nói gì hết, không làm gì hết mà phải trở về với hơi thở, phải buông thư, phải quán chiếu.


Bà hỏi tại sao ông nói một câu như vậy, ông có chuyện gì bức xúc, hay là hôm nay bị ông chủ la rầy, chắc có nguyên do gì đó khiến cho ông nói một cái câu như vậy với mình, có nguyên do chứ không phải không.


Tôi đã nói nhiều về phương pháp hộ trì thân tâm khi cái giận phát hiện. Cái giận là năng lượng số một và chính niệm là năng lượng số hai. Năng lượng thứ hai nhận diện ôm ấp làm vơi bớt cái cường độ của cái giận. Chuyện phải làm đầu tiên là mình không nói gì hết, không làm gì hết.


Mình trở về với hơi thở, buông thư, quán chiếu. Thì nội trong vài giờ đồng hồ là mình bớt khổ. Đôi khi mình tìm ra là tại mình hiểu lầm, chứ người kia không có mục đích, không có ý làm khổ mình. Nếu gần tới hai mươi bốn giờ đồng hồ rồi mà mình vẫn chưa hết giận, mình đã tu, đã đi thiền hành, đã quán chiếu mà chưa thành công bây giờ mới cần tới ba câu đó.


Câu đầu là ‘Anh ơi, em đang giận anh và em muốn anh biết điều đó’. Đó là lời người vợ nói với chồng, lời người yêu nói với người yêu. Khi mình đang giận người thương của mình, mình phải công nhận sự thật là mình đang giận và mình đang đau khổ.


Thông thường, khi người thương nói ‘Sao cái mặt em vậy, giận anh hả?’. Mình nói ‘Đâu có, tại sao tôi phải giận, tại sao phải giận cho khổ cái thân tôi’. Tức là mình giận, mình khô đau, nhưng mình không công nhận là mình đang khổ đau, đang giận. Còn ở đây làm ngược lại. Anh ơi em đang đau khổ, em đang giận anh và em muốn anh biết điều này.


Câu này mình có thể nói trực tiếp với ổng nhưng mà phải nói bằng ái ngữ. Tại vì mình thương nhau, mình cam kết với nhau là mình phải chia sẻ với nhau những ngọt bùi, cay đắng. Thì nói câu đó là trung thành với lời cam kết ngày xưa. Nếu ông giận bà thì ông cũng không nên có tự ái, ông nói: ‘Em ơi, anh đang khổ lắm, anh đang giận em, anh muốn em phải biết điều này’. Có nghĩa là em hãy cắt nghĩa cho anh tại sao em đã nói một câu như vậy, em đã làm điều đó.


Câu thứ hai là ‘Em đang cố gắng với tất cả sức của em đây’. Có nghĩa là em đang thực tập theo lời thầy dạy. Em đã không nói những lời lên án, chỉ trích, buộc tội, em không làm gì hết. Em chỉ trở về với hơi thở, thực tập và ôm ấp cái nỗi khổ niềm đau của em để làm cho nó vơi bớt, em là người có tu.


Câu đó có nghĩa là mỗi khi em giận em không làm như người khác, em không nói năng, không chửi mắng, không trách móc, em biết trở về với hơi thở, biết đi thiền hành, biết ngồi quán chiếu tìm ra gốc rễ của nỗi khổ niềm đau của em. Câu thứ hai còn có nghĩa là anh có biết là em đang thực tập hay không.


Khi nghe, đọc câu thứ nhất thì người kia sẽ phản ứng như thế nào. Trường hợp mình chưa đủ bình tĩnh, không thể tới nói trực tiếp với người đó được hoặc sợ mình nói lời ái ngữ chưa được thì có thể viết xuống mảnh giấy câu đó và để trên bàn giấy của anh ta hay là mình gởi bằng e-mail. Câu thứ nhất ‘em đang giận anh, em đang khổ và em muốn anh biết điều đó’. Thì phản ứng của người kia: chà mình làm cái gì, mình nói cái gì để cho bả giận như vậy. Tự nhiên có sự quán chiếu, sự trở về để đặt câu hỏi. Và chàng cũng bắt đầu thực tập.


Câu thứ hai rất hay, ‘em đang cố gắng với tất cả sức em đây’, nghĩa là em đang tu đó, em là người có tu chứ không phải là người thường, em đã được học với thầy. Em đang đi thiền hành, em đang thở, em đang ôm ấp nỗi khổ niềm đau của em, em nhìn coi thử gốc rễ của nó như thế nào. Thì người kia sẽ tự hào về mình, à mình có một bà vợ biết tu, khi nổi cơn giận lên biết trở về với hơi thở, biết đi thiền hành, biết quán chiếu. Người chồng đó sẽ hãnh diện về mình.


Câu đó cũng có nghĩa là mời người chồng cùng quán chiếu. Tại sao mình làm cho vợ mình, người yêu của mình đau khổ. Mình nói cái gì, vụng về chỗ nào, đã làm cái gì khiến cho người đó đau khổ tới như vậy. Người đó sau khi đọc câu thứ hai cũng suy nghĩ, cũng quán chiếu. Đó là một lời mời mọc cho người kia cũng thực tập như mình. Nó gián tiếp nhưng đích thực đó là một lời mời mọc, em đang cố gắng hết sức em đây.


Và câu thứ ba ‘Anh giúp em đi’. Đơn sơ như vậy đó. Có thể em thực tập chưa thành công hay không thành công. Có thể em thành công và em sẽ hết giận anh nhưng lần này nó khó lắm, thành anh phải giúp em đi. Tức là mình bắt người kia phải sử dụng lương tâm, quán chiếu lại coi, đã nói cái gì, đã làm gì gây ra cái khổ đau đó.


Thường thường một người làm cho mình khổ đau mà là người dưng nước lã, thì mình không khổ nhiều. Nhưng ở đây người mình thương nhất trên đời mà nói câu đó, làm cái đó thì mình quá đau khổ và mình chịu đựng không nổi. Thông thường mình muốn tỏ rằng mình không cần người đó. Anh làm tôi khổ, tôi không cần anh.


Mình muốn chứng tỏ cho người đó biết một cách gián tiếp rằng không có anh tôi cũng sống được, bởi vì tư ái quá lớn. Mà phần lớn chúng ta đều có cái thái độ như vậy với tự ái rất lớn. Cho nên câu thứ ba này mình làm ngược lại, mình nói anh giúp em đi. Khi viết xuống được câu đó hay nói ra được câu đó thì nó đỡ giận rất nhiều rồi.


Tôi cam đoan là có hiệu quả. Nói ra được câu thứ nhất là đỡ khổ rồi: Anh ơi em đang giận anh, em đang khổ và anh phải biết điều đó. Em đang thực tập hết với tất cả cái sức của em. Anh giúp em đi. Nếu bà viết xuống được ba câu đó thì tự nhiên cái đau khổ, buồn khổ của bà đã bớt tới sáu mươi phần trăm rồi. Nó rất hay và không biết bao nhiêu thiền sinh theo học ở Làng Mai đang thực tập như vậy.


Nếu trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ mà mình giải quyết được, mình hết giận thì tốt. Nếu gần hết hai mươi bốn giờ mà chưa hết giận thì mình phải đưa cái tối hậu thơ đó, đưa cho anh chàng mảnh giấy có ba câu đó. Khi biết rằng người kia đọc được cái đó thì mình đỡ khổ rồi và mình tiếp tục thực tập. Nếu trong khi thực tập, mình tìm ra đó là tri giác sai lầm của mình thì phải vội vàng điện thoại cho anh chàng, anh ơi, em hết giận rồi, tại vì em hiểu lầm. Chứ đừng để cho anh chàng tiêp tục đau khổ mà tội.


Còn nếu mình là anh chàng, khi nhận được thông điệp với ba câu đó mình phải tự hỏi: Chà, mình làm cái gì, mình nói cái gì khiến cho người kia đau khổ như vậy. Mình mới hồi tưởng lại, trời ơi mình hơi vụng về khi nói câu đó. Khi mình thấy được điều đó thì mình phải gửi e-mail hay phải gọi điện thoại về xin lỗi liền lập tức, đừng để cho người kia khổ thêm một phút nào nữa.


Bà thực tập như vậy, ông cũng thực tập như vậy va con cháu cũng có quyền thực tập như vậy. Nếu anh là con trai, chị là con gái, mà nếu anh hoặc chị giận ba thì anh hay chị cũng có thể viết ba câu đó: ‘Ba ơi, con đang khổ con đang giận ba đây và con đang thực tập theo lời thầy dạy nhưng có thể con thực tập không thành công, vì vậy ba giúp con đi’. Nếu người con trai viết được cho ba mấy câu đó thì con trai sẽ bớt khổ rất nhiều. Người con gái cũng vậy, nếu viết được cho ba hay cho mẹ ba câu đó thì người con gái sẽ bớt khổ rất nhiều. Tại vì có sự truyền thông, có sự tin tưởng lẫn nhau. Cứ về làm đi, tôi bảo đảm sự thành công. Vì mình tin nhau mình mới nói được với nhau những lời như vậy.


Nếu mình là người cha, mình giận con trai của mình thì mình cũng có thể nói như vậy ‘Con ơi ba đang khổ, ba đang giận con và ba muốn con biết điều đó’. Mình không nên tự ái, vì đó là con của mình. Mình đừng nói nó là con mình chứ đâu phải ông nội của mình mà phai nói như vậy. Không nên nói như vậy. Nó là con trai của mình, nó là người thương của mình.


Thành ra ông viết cho con trai, ông nói ‘con ơi ba đang giận con, ba đang khổ lắm, ba không biết tại sao con đã làm như vậy, đã nói như vây, ba đang thực tập đây, ba đang cố gắng hết sức để thực tập đây. Ba đã học được cái phương pháp này ở khóa tu, con giúp ba đi’.


Khi đứa con trai nhận được cái thông điệp đó mà không có đáp ứng, không có cảm động thì không phải là đứa con trai nữa. Khi ba mình nói với mình những lời tâm huyết như vậy thì mình sẽ tự tỉnh. Mình sẽ hỏi ‘trời đất ơi, mình làm gì cho ba mình đau khổ như vậy, mình đã nói gì, đã làm gì. Nếu mình không biết thì mình hỏi ba, ba ơi con đã nói gì khiến cho ba buồn như vậy, con đã làm gì khiến cho ba khổ như vậy, ba cho con biết đi’. Tình trạng lúc đó rất là dễ.


Tôi xin quý vị hãy học thuộc ba câu này. Nếu quý vị sợ quên, quý vị viết ba câu đó trên một mảnh giấy lớn bằng cái card visite thôi. Mỗi khi buồn khổ lấy ra. Đây là phương pháp của Bụt dạy. Tôi có những người đệ tử thực tập điều này rất giỏi và tôi rất biết ơn người đệ tử đó, họ thực tập thành công, họ đem lại hạnh phúc, hòa khí trong gia đình. Có những người đệ tử rất trẻ, về làm hòa được với cha, với mẹ và giúp cho cha mẹ làm hòa được với nhau, tôi rất hãnh diện về những người đệ tử trẻ đó.


Tôi xin lập lại: Câu thứ nhất ‘Anh đang giận em, anh đang khổ và anh muốn em biết điều đó’. Câu thứ hai ‘Anh đang thực tập với tất cả con người của anh’ . Câu thứ ba ‘Em giúp anh đi’.


Các câu nói đó có thể được sử dụng cho người chồng, người vợ, người cha, người con hay người mẹ. Nếu mình đem hết tất cả tâm tư vào sự thực tập thì chắc chắn sẽ có kết quả. Thành công được một lần mình sẽ có niềm tin thành công trong những lần kế tiếp. Đó là sự chiến thắng của đạo pháp, của tình thương.


Năm giới đã vạch cho mình một con đường đi. Đức Thế Tôn có dạy rằng người không biết đường đi, là người đau khổ, sợ hãi, không biết mình đi về đâu. Nhưng mình đã có Đức Thế Tôn làm Thầy, Ngài đã chỉ cho mình một con đường, con đường đó là con đường thực tập năm giới, sáng như gương. Mình chỉ cần bám sát con đường đó là mình không còn lo lắng sợ hãi.


Cho nên có câu: “Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ”. Lo sợ khi mình không có con đường, bây giờ mình đã có con đường rồi thì mình đâu cần phải lo sợ. Quý vị tiếp nhận năm giới là quý vị có con đường, phải tin vào con đường đó, đó là con đường thoát của cá nhân, của gia đình, của thế giới và của nhân loại.