Trang chủ Diễn đàn Truyền thông Đại lễ Phật đản qua hoa vô ưu và Bố...

Truyền thông Đại lễ Phật đản qua hoa vô ưu và Bố Đại Hòa Thượng

131

Phật giáo và Ki-tô giáo cũng có những biểu tượng tương đương của riêng mình về Phật đản và giáng sinh.

Mỗi lần thấy biểu tượng ông già tuyết, còn gọi là ông già Noel, người ta liên tưởng đến lễ Giáng sinh, tuy ông già Noel không xuất hiện đồng thời với Chúa Hài đồng. Ông già Tuyết xuất hiện vào thế kỷ thứ 3 tại Thổ Nhỉ Kỳ, do Nikolaus, nhà giàu có, đem tài sản giúp kẻ nghèo và mua quà bánh cho trẻ con, từ đó có huyền thọai mỗi mùa Giáng sinh, ông già Noel chui từ ống khói xuống tặng quà cho trẻ em nào ngoan ngoãn! Ông giả Noel đã trở thành một biểu tượng tôn giáo vào mùa Giáng sinh.

Chẳng những thế, cây Thông cũng có mặt để trang trí cho mùa lễ mà khi Jesus xuất hiện tại Betlehem, nơi máng cỏ, không hề có cây thông đó! Do biết cách phổ biến và kết hợp với nghệ thuật, ông già tuyết và cây thông trở thành biểu tượng cho mùa Giáng sinh, truyền thống lễ hội Kitô giáo trên 17 thế kỷ!

Trong Phật giáo, cây Bồ Đề biểu tượng cho Đạo Phật, Bồ Đề gắn liền với lịch sử tồn tại của một Đức Phật lịch sử, thế nhưng, Phật giáo không phổ biến biểu tượng đó vào đời sống tín ngưỡng. Thậm chí, một vài chùa đã lầm lẫn khi làm cảnh Lâm Tỳ Ni có cây Bồ Đề. Thực chất cây Bồ Đề biểu tượng cho Phật Giáo, cho đấng Đại giác, nhưng cây Bồ Đề không thể gắn liền với ngày Đản sinh.

Đức Phật Thích Ca, khi còn là Thái tử, ngài thị hiện ra dưới cây Vô Ưu; như vậy cuộc đời đức Thế tôn gắn liền với môi trường thiên nhiên: đản sinh dưới cây Vô Ưu, Đắc đạo dưới cây Bồ Đề, Nhập diệt dưới tàng Sa La. Lễ Tam Hợp có nghĩa cùng với sự hiện diện của môi trường xanh.

Nhưng riêng Việt Nam, Vesak từ lâu chỉ dành cho sự Đản sinh của Thái tử Sĩ Đạt Ta, nếu vậy, cây hoa Vô Ưu mới là biểu tượng cho Phật giáo vào mùa lễ Vesak.

Riêng Bố Đại Hòa Thượng, một thiền sư Bồ Tát hoá thân vào thế kỷ thứ 10, Bố Đại ở Phụng Hoá Minh Châu, triều Lương, đời Ngũ Đại, ngài tự xưng là Khế Thử; hình dạng mập mạp, vui vẻ tự tại, hành động khác thường, ăn ngũ tuỳ tiện, thường lân la gần gủi dân nghèo, giúp đỡ mọi người, phát quà cho trẻ con. Vai luôn mang một bao bố.

Hành trạng của ngài giúp cho người dân đoán trước được thời tiết, ví dụ ngài nằm ngủ ngoài đường, dân biết là trời nắng, khi ngài mang giày dép, nằm nơi có có mái che, biết trời sắp mưa. Ai hỏi điều gì, ngài thường biểu lộ những động tác nghịch đời như các thiền sư chứng ngộ, người đời xem ngài là vị cuồng thiền.

Đến khi ngài sắp tịch, báo trước cửa Đông, ngài lại qua phía Tây, báo cửa Bắc, ngài lại qua cửa Nam, dân chúng không muốn theo ngài nữa, thế là Ngài an nhiên thị tịch khi đó không có một người dân nào lai vãng, ngài lưu lại bài kệ cho biết ngài là hiện thân của Bồ Tát Di Lạc.

Nhân mùa Vesak, Việt Nam đăng cai, Nhà nước chịu trách nhiệm về mặt biểu dương văn hoá của một nhân vật lịch sử mà Liên Hiệp Quốc tôn vinh; về mặt tín ngưỡng, Phật giáo, ngoài nghi lễ, còn thể hiện nhiều mặt mang tính học thuật, văn nghệ, từ thiện…nhưng sẽ thiếu sót khi thiết lập lễ đài thiếu cây hoa Vô Ưu và hình ảnh một Bố Đại Hoà Thượng hoạt động trong suốt mùa Vesak.

Chúng ta có đủ những yếu tố hoà nhập vào xã hội nhân mùa Vesak, tại sao chúng ta không có một Bố Đại Hoà Thượng phát quà cho trẻ em, chuyển quà và thiệp chúc mừng nhau trong mùa Vesak? Tại sao trong công tác từ thiện vào mùa Đản sinh không thể hiện hình dạng một Bố Đại Hoà Thượng?

Mỗi chùa đều có thể đóng vai một vài Bố Đại Hoà Thượng do Phật tử hoặc các em Gia Đình Phật Tử đảm trách, đi vào các thôn xóm, vừa tạo vui mắt cho quần chúng, vừa tạo thành truyền thống qua hình ảnh quen thuộc.

Về trang phục, không đòi hỏi quá rườm rá, một chiếc áo Tràng cũ, một mũ len và một mặt nạ với gương mặt hoan hỷ, vai quảy một túi xách có bánh kẹo, hoa và thiệp mừng. Mỗi chùa chịu khó lập thành đội Bố Đại Hoà Thượng như thế, thì thời gian không bao lâu, xã hội sẽ quen thuộc hình ảnh đó, mỗi lần Bố Đại Hòa Thượng xuất hiện là người dân biết mùa Đản sinh đến.

Chúng ta có đủ dữ kiện để biến thành sinh hoạt văn hoá và nghệ thuật trong quần chúng, nhưng hầu hết, quý thầy nặng về vô tướng vô tác nên Phật giáo bị lãng quên trong cuộc sống bình dân.

Vesak năm nay, có lẽ Giáo Hội không đủ thời gian lưu tâm đến vấn đề nầy, nhưng một thông tư đến các am tự viện để họ tuỳ nghi thực hiện và thể hiện không phải là khó.

Sáng chủ nhật 16/3/08 tại nhà Bùi Hiến (cháu Bùi Giáng), anh chị em nghệ sĩ Phật tử đã họp mặt góp ý thiết lập một Bố Đại Hoà Thượng cho một Vesak năm nay.

Mong Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm để Đại Lễ Vesak thêm đa dạng sắc màu. Sự cố gắng của một vài nơi Phật tử âm thầm đóng góp đã nói lên nhiệt tâm của tín đồ đối với Đạo Phật.  

Thiết nghĩ cây hoa Vô Ưu và Bố Đại Hoà Thượng là hình ảnh cần thiết, biểu tượng cho mùa Đản sinh hằng năm.

Nếu quý vị có ý kiến về vấn đề bài viết này nêu ra, xin bấm vào đây, hoặc gửi thư về địa chỉ [email protected]