Trang chủ PGVN GHPGVN Diễn văn Đại lễ Phật đản PL.2559 của Hòa thượng Chủ tịch...

Diễn văn Đại lễ Phật đản PL.2559 của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN

194





GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

————————–

DIỄN VĂN PHẬT ĐẢN PL.2559 – DL.2015

CỦA HÒA THƯỢNG CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch: Chư tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức tăng ni!

Kính thưa: Quý vị cư sĩ, phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài!

Thưa quý liệt vị! 

Ngày trăng tròn tháng 4 Âm lịch, tháng Vesakha thiêng liêng đối với hàng triệu triệu tín đồ phật tử trên toàn thế giới. Ngày đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại của chư Thiên và nhân loại, đó là ngày đức Phật đản sinh.

Ngày ra đời của đấng Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi, một bậc Đại Giác Ngộ với bức thông điệp về hòa bình và tình thương từ cách đây hơn 2600 năm vẫn còn nguyên giá trị, đó là thông điệp về lòng từ bi và trí tuệ, thông điệp về sự tỉnh thức để từ đó nhận biết bản thân, hành động của mình, nhận biết về thế giới xung quanh, xua tan màn vô minh, tràn ngập tình thương yêu bảo tồn sự sống, để thăng hoa những giá trị chân-thiện-mỹ thánh thiện của cuộc sống được thắp sáng và hiện thực đến với mỗi con người, cho từng gia đình, mỗi quốc gia xã hội, mà rộng hơn là cả pháp giới chúng sinh đều thấm nhuần chân hạnh phúc và an lạc đích thực.

Trong Kinh Trường bộ phần nói về đức Phật khi đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc Ấn Độ cổ đại, xứ Nepal ngày nay như sau: “Này các Tỳ kheo, pháp nhĩ là như vậy. Vị Bồ tát khi sinh ra, Ngài không đụng đến đất. Có bốn Thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa rằng: Hoàng hậu hãy hoan hỷ. Hoàng hậu đã sinh ra một bậc vĩ nhân! Vị Bồ tát sinh ra, Ngài đứng vững thăng bằng hai chân, mặt hướng về phía Bắc, bước đi bảy bước trên những bông sen, một lọng trắng được che trên đầu. Ngài nhìn khắp cả bốn phương, cất lên tiếng nói như Sư tử rống và tuyên bố dõng dạc như sau: Ta là bậc tối thượng ở trên đời!”

Ngài là một vị Thái tử, là bậc Đạo sư, là một con người lịch sử đã hội đủ những tinh hoa của vũ trụ, nhận chân được thật tướng của cuộc đời là Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã và đã giác ngộ nơi cội cây bồ đề tại Bodh Gaya, vùng Đông Bắc Ấn Độ để trở thành đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã thắp lên ngọn đuốc dẫn dắt chúng sinh đau khổ vượt qua nghiệp quả của cõi nhân sinh, tiến đến hạnh phúc an lạc nơi cõi Niết Bàn Tịnh độ.

Tưởng niệm ngày đức Phật đản sinh PL.2559 trong bối cảnh thế giới vẫn xảy ra những xung đột, chiến tranh, hận thù, môi trường sinh thái khủng hoảng dẫn đến động đất, sóng thần, môi trường văn hóa xa rời tính nhân bản xuất phát từ lòng tham, sự sân hận, tâm si mê, thì hơn lúc nào hết chúng ta phải cùng nhau đi trên con đường cao thượng nhất là Bát Chánh Đạo, dưới ánh sáng cao thượng nhất là Tứ Diệu Đế mà trong bài pháp đầu tiên Kinh Chuyển Pháp luân đức Phật đã chỉ ra: “Từ bỏ hai cực đoan, Như Lai đã chứng ngộ Trung Đạo, là con đường đem lại nhãn quan, tri kiến, đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết Bàn, đó là Bát Chánh Đạo”.

Đó là con đường đưa đến Niết Bàn, và Niết Bàn không phải được tạo nên mà phải được đạt đến, được thành tựu ngay trong đời sống của chúng ta nếu mỗi người tự nỗ lực thực hành pháp Tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Tính thực tiễn của giáo lý Phật giáo đã được Liên Hợp Quốc và các nhà lãnh đạo thế giới đặt nhiều niềm tin vào việc ứng dụng Phật pháp trong việc tìm ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết các cuộc xung đột, khủng hoảng, và các vấn nạn toàn cầu mà loài người đang phải đối diện.

Qua đó chúng ta càng khẳng định những giáo lý trong sáng và toàn bích, những lời dạy của vị Đạo sư Giác Ngộ – Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng triệu triệu người trên thế giới.

Trong dư âm sự thành công của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2014 tổ chức tại Bái Đính – Ninh Bình đã để lại ấn tượng vô cùng đẹp đẽ kỷ niệm về cuộc đời đức Phật, về nền văn hóa Phật giáo Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO đánh giá cao và Tổ chức kỷ lục đề cử vào Guinness Phật giáo thế giới. Năm nay, tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô cùng phấn khởi kính mừng Đại lễ Phật đản trong niềm vui chung của cả nước chào mừng 40 năm ngày thống nhất đất nước, hình ảnh của Việt Nam ngày nay là một đất nước Việt Nam hòa bình, là bạn bè, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới; chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế. Niềm vui được nhân lên gấp đôi khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực mà nổi bật nhất là việc chúng ta đã hoàn thành việc thành lập tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đó chính là thành quả của phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội.

Thưa Quý liệt vị!

Phát huy những thành quả đã đạt được, nhân dịp kính mừng ngày Đản sinh của Đức Từ Phụ năm nay, tôi mong muốn toàn thể Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước, cũng như ở nước ngoài hãy tinh tấn tu học, nỗ lực trong tu tập pháp hành, trau dồi Giới – Định – Tuệ để thực sự là bậc phạm hạnh; thực hiện lời dạy của đức Phật theo con đường Trung Đạo, xóa bỏ cực đoan, đoàn kết hòa hợp vì Phật sự chung, vì lợi ích của dân tộc và sự nghiệp phục vụ chúng sinh có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc.

Nhân đây tôi cũng kêu gọi tăng ni, phật tử hãy nhất tâm cầu nguyện và chia sẻ với các nạn nhân và nhân dân Nepal do thảm họa của trận động đất tại khu vực Kathmandu vừa qua. Đó chính là hành động thiết thực trong thực hành giáo lý từ bi và hóa thân trong hạnh nguyện cứu khổ của đức Bồ Tát Quán Thế Âm, tiền thân của đức Phật Bản Sư Thích Ca Mâu Ni.

Kính chúc Quý liệt vị một mùa Phật đản vô lượng cát tường, thành tựu viên mãn các phật sự trên mọi lĩnh vực hoạt động của người con Phật.

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.