Lời của Bậc Tuệ Giác không đến không đi:
Đệ tử Gotama
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm
Thường tưởng niệm Phật Đà.
Ở đời, nếu ai chưa hiểu gì nhiều, chỉ có lòng mong an lạc cho mình, cho người, thì niệm danh hiệu của Ngài. Danh hiệu Phật có nội dung thương yêu hiểu biết. Niệm là niệm nội dung ấy. Nghĩa là “nhớ”, cho phép thân tâm mình thư thái, nhẹ nhàng khi niệm danh hiệu. Như vậy niệm là “nhớ” thương mình, thương người thân kẻ sơ, mọi loài và thiên nhiên.
Thương cái gì là giúp đỡ, bảo hộ, làm cho cái đó hạnh phúc an vui. Thế là cái đó là mình, cái đó nuôi mình. Như vậy, niệm Phật là làm lành lánh dữ cho bản thân, cho tất cả.
Có thể có người hiểu ra rằng, “niệm” là “nhớ”, là tỉnh thức là không quên, không mê muội với đối tượng mà mình đang tiếp xúc. Tỉnh thức với thân thể như đi đứng, co duỗi; với tâm ý như buồn vui; với cảm giác như khổ lạc, với việc làm như ăn, chơi, nói năng, im lặng, đánh răng, rửa mặt, học hành v.v.
Tỉnh thức là trí tuệ, là niệm Phật, là niệm (chính niệm) mà không chỉ là đọc hay không đọc, nghĩ hay không nghĩ đến danh hiệu của Ngài.
Mê là tham, giận, là thói hư tật xấu. Bất an, hiểm nguy, tai hoạ là đây. Tỉnh là không vướng mắc, ràng buộc, tham giận không khống chế, thói hư tật xấu không lôi cuốn được. An ninh, tự do, hạnh phúc ở đó. Hiện tại, có người chưa hạnh phúc thật sự. Nghĩa là chưa tự chủ trước lòng tham, cơn giận, chưa thoát ra sự khống chế của si muội, mê mờ.
Vì sao? Vì chúng ta: Chưa học, chưa hiểu rõ lẽ thực và chưa áp dụng lẽ thực vào cuộc sống.
Vậy lẽ thực là gì? Tạm ví dụ thế này. Đống lúa gồm nhiều hạt lúa. Nhặt lên hết các hạt lúa thì ta không thấy đống lúa nữa. Như vậy, đống lúa có (biểu hiện) là tuỳ thuộc (nhờ vào) các hạt lúa. Nó có trong tương quan. Không thể tự có, không do một cái gì sinh ra. Khi đống lúa chưa biểu hiện thì nó đã ở nơi hạt lúa, nơi khoảng không gian, nơi đất v.v. Mỗi hạt lúa biểu hiện cũng nhờ đất, nước, ánh nắng, tư duy của con người…
Cứ như thế mà nhìn, thì đống lúa hay mỗi hạt lúa biểu hiện là nhờ tương quan với mọi thứ. Nó chứa nhau, chứa cả cuộc đời, cả vật chất lẫn tinh thần. Chúng hiến tặng, nâng đỡ nhau trọn vẹn, trong đó vắng mặt sự ràng buộc, vướng mắc, lãnh đạo.
Chúng ta cũng vậy. Làm nên nhau, có trong nhau, chính là nhau. Ở đây chỉ có phụng hiến (yêu thương) trọn vẹn mà ai cũng tự do (hiểu biết) hoàn toàn.
Đây là lý thuyết về lẽ thực.
Áp dụng lý thuyết này vào cuộc sống, thì chúng ta nghĩ, nói và làm là cho nhau hạnh phúc, chuyển hoá khổ đau và thật có tự do bình đẳng. Đó là nếp sống có Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng; luôn nhớ để thực tập trong mọi sinh hoạt đó là Chính tinh tấn, Chính niệm và Chính định. Đây là lẽ thực về sự sống.
Sở dĩ được gọi là lẽ thực là do có công năng chuyển hoá khổ đau, phát triển an lạc giải thoát lập tức, làm biểu hiện cái thâm sâu tuyệt diệu nơi mọi sự biểu hiện ở đời.
Nội dung thâm sâu tuyệt diệu này gọi là Phật, niệm Phật, Tịnh độ hay cảnh Thiền.
Đức Thế Tôn đã cho chúng ta các dụng cụ, các phương pháp thực tập. Ví dụ, lúc giận chúng ta làm gì?
Chúng ta im lặng. Mỉm cười nhẹ, để ý tới hơi thở vào và hơi thở ra rõ rệt, tinh tường, biết (ý thức, thấy, cảm nhận) cơn giận đang có ở nơi mình. Có thể, ta đi bộ, ngắm thiên nhiên, nằm buông thư, ngồi thiền, hay nghe chuông v.v. để hỗ trợ thêm.
Có bài kệ hướng dẫn:
“Cái giận làm tôi xấu
Biết vậy tôi mỉm cười
Quay về thủ hộ ý
Từ quán không buông lời”.
Lúc giận mà ta thực hành cái phương pháp trên là tập quán Từ bi, là thủ hộ ý. Ta thấy và hiểu ta. Thương ta, bảo hộ cả thân tâm. Đó là niệm Phật, là sống Thiền, là cầu an, cầu siêu cho ta, cho mọi người, mọi loài, trong đó có những người ta nguyện thương yêu suốt đời. Bấy giờ, tâm ý ta là hơi thở, là cái biết mình giận, là an trú, là không buông lơi. Đây là quê hương, là biết sống một mình, là bây giờ và ở đây.
Cơn giận được chuyển hoá hay còn đó ít nhiều, thì nó cũng không chi phối, sai sử ta như lúc bình thường chưa tu được nữa. Ta tự do, giải thoát khỏi cơn giận, an lạc có mặt tức thì. Đây là đới nghiệp vãng sinh hồi nhập ta bà, là đạt cảnh giới thiền trong sinh hoạt thường ngày mà chẳng hề đi đâu cả. Tu là tu cho mọi người, cho mọi loài và cho cả thiên nhiên. Đây là lẽ thực của cuộc sống. Ở đây ta không còn thắc mắc cõi Phật có hay không, nơi này hay ở đâu.
Bình thường, ta đã chịu niệm Phật. Lúc lâm nguy ta lại rất cần niệm Phật. Giận, tham, vội vã, thấy thân tâm mình là của riêng mình, đó là mối nguy lớn hơn siêu bão, chiến tranh hạt nhân hay những căn bệnh thế kỷ hiểm nghèo như AIDS…
Hạt lúa chứa đống lúa, chứa cuộc đời, nên dù nó ở trong đống lúa hay ở trong diều con chim mà đã biến thành máu, thành năng lượng, thì lúc ấy hạt lúa vẫn tương quan trọn vẹn với đống lúa, không hề tách khỏi đống lúa. Ý niệm còn ở hay tách rời là cái biết của giác quan, của thiếu trí tuệ, của nhị nguyên. Hạt lúa luôn luôn biến đổi, nhưng chẳng hề biến mất, chẳng có ở lại hay ra đi.
Cũng vậy, ta là cha mẹ, là vợ (hay chồng), là con cháu… Do thế, dù đoàn tụ hay chia ly, còn sống hay đã chết thì chẳng có gì gọi là được, mất, gần, xa. Trong hoàn cảnh nào ta cũng sống hết lòng với lẽ thực, tức là hết lòng với người thân, chẳng vướng mắc gì đến với sự kiện sống, chết, gần gũi hay cách xa. Sống được như vậy, gọi là niệm Phật vượt thoát sinh tử khổ đau.
Khi sống với lẽ thực, thì lý thuyết về lẽ thực bị đốt cháy. Nếu ta lầm lý thuyết về lẽ thực chính là sự sống, thì đó cũng là nỗi khổ lớn của con người.
Niệm Phật làm thay đổi thân tâm, thì những sự kiện hiểm nguy chung quanh phải thay đổi.
“Nơi nào La hán trú
Đất ấy thật khả ái”.
Theo lẽ thực, thì mặt đất, sông núi là thân tâm của chúng ta. Ta phải nhớ (niệm) lẽ thực (Phật) ấy.
Về khía cạnh chất thải, “nhớ” sống thì không xả chất thải một cách tuỳ tiện, dù chỉ là một mảnh giấy kẹo mà thôi.
“Nhớ” là xử lý chất thải đúng cách tối đa, như đi thu gom rác, phân loại, xử lý theo phương tiện đang có một cách tốt nhất. “Nhớ” thì luôn biết cách hạn chế để chất thải ít thải ra, như đi chợ là xách giỏ đựng thức ăn, tránh dùng nhiều bao nilon; hạn chế đi xe gắn máy. “Nhớ” thì nếu có dịp là khích lệ mọi người hiểu rõ nội dung và cùng cộng tác tham gia. Ta làm hết lòng, nếu có những gì còn tồn đọng của vấn đề chất thải, ta đón nhận chúng với lòng thương kính lưu tâm mà tự do. Bởi nội dung thâm sâu của “nhớ” là vượt thoát hay không bị ràng buộc bởi tư duy. Nếu có tư duy thì chỉ là tư duy có tuệ giác mà thôi.
Thu gom rác thải, chúng ta có thể không mấy an lạc, nhiều khi lại khốn khổ. Chúng ta ngại dơ, ngại bị biếm nhẽ, ngại vì “việc ai chẳng phải việc mình”. Ngại là của tư duy chấp thủ, do không chín muồi nội dung lẽ thực rằng, không có gì riêng biệt của ta, mà ta là tất cả những gì chẳng phải ta. Vậy nhặt rác với nội dung thực, biết rõ ràng về những gì xảy ra nơi tâm, nơi thân, nơi cảnh vật…, thì tư duy chấp thủ được chuyển hoá, an lạc có mặt.
Ta có đủ khả năng chấp nhận thân tâm mình, người và môi trường trong mọi tình huống: sạch, dơ, đẹp, xấu, an, nguy, sống, chết. Đó là thiền tập rất sâu sắc, thâm diệu qua việc làm hết sức bình thường. Người công nhân quét dọn đường phố, bệnh viện… thực tập thiền này sẽ trở thành những vị hạnh phúc, an lạc, là những bậc thức giả thánh thiện ở đời.
Chúng ta làm như vậy trong việc tuân thủ luật lệ giao thông, nhặt đá gạch rơi vãi giữa đường, ngăn chặn, tránh xa các loại tiêu thụ trác táng, hận thù…
Xã hội chúng ta rất cần mọi người hiểu và làm như thế. Đây cũng là nội dung đi chùa, đi tu, xây dựng trang nghiêm chốn thiền môn. Đó là một cách niệm Phật, tu Thiền.
Niệm Phật như trên qua mọi sinh hoạt nơi cá nhân, cộng đồng là một đóng góp cần thiết. Sự tỉnh thức (niệm Phật) cộng đồng mới đủ sức cứu vãn và phát triển sự sống từ khổ đau thành an lạc tự do. Ta rất cần nhau, cùng nhau thực hiện. Mọi người, mọi loài… là ruột thịt anh em.
Hơi thở, nụ cười, sự tỉnh thức về đối tượng tiếp xúc như thân, tâm, cảnh vật sẽ cho con người khả năng tự chủ, bình an để phục vụ và thảnh thơi. Ở đây không thể nói là tôn giáo hay không tôn giáo, thuộc duy tâm hay duy vật, là của ai hay không phải của ai gì cả.
Xin biết ơn và chúc lành cho nhau trong sự thông cảm và tha thứ những gì còn vụng về thiếu sót ở nơi đây, để cùng nhau hành trì pháp môn niệm Phật kỳ diệu nhiệm mầu.