Chùa có tên chữ là Diên Quang tự, nhưng ít ai biết đến tên gọi này. Hiện nay biển chỉ dẫn đường và người dân đã quen gọi tên chùa là chùa Am, một danh lam giữa phong cảnh thiên nhiên kỳ tú, lưng dựa vào núi Am, lấy Trà sơn làm tiền án, sông Ngàn Sâu làm minh đường. Chùa do hoàng hậu Bạch Ngọc, đời vua Trần Duệ Tông (1373-1377) sáng lập.
CHÙA AM, NƠI TU HÀNH CỦA BA VỊ NỮ CHÚA
Theo “Tiền triều phả hệ ngữ lục” do Trần Cao Vân dịch, được trích chép trong Địa dư Hà Tĩnh 1938, hoàng hậu Bạch Ngọc có tên là Trần Thị Ngọc Hoà, con gái ông Trần Công Thiệu, quê làng Tri Bản, xã Thổ Hoàng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Bà được vua Trần Duệ Tông lập làm hoàng hậu. Năm vua 41 tuổi, trong một chuyến đem quân chinh phạt Chiêm Thành, vua không may bị tử trận tại thành Đồ Bàn. Chẳng bao lâu Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, đất nước lâm vào biến loạn.
Bà và con gái là Trần Thị Ngọc Hiên (công chúa Huy Chân) cải trang thành người xuất gia cùng 572 gia nhân khác rời khỏi kinh thành lánh về quê cha. Cuộc hành trình gần 50 ngày đêm đầy gian khổ, nhiều người chết rơi rớt dọc đường. Khi đến nơi chỉ còn lại 172 người, trong đó có hai gia thần và hai cung nhân rất mực trung thành.
Bà cho dựng trại trên núi Vua (tên núi do nhân dân đặt về sau để tỏ lòng ghi ơn bà), một vùng thâm sơn cùng cốc thuộc dãy Trà sơn, một vùng thâm sơn nước độc. bà chiêu mộ được gần 3.000 người nghèo khổ rồi cùng họ tiến hành công cuộc phá núi, san đồi, khai hoang, mở đất…
Khai hoang đến đâu, bà cho lập làng đến đó. Kết quả có 45 xã thôn, trang ấp được thiết lập trên địa bàn 6 tổng của 4 huyện Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc (Hà Tĩnh) với 3.965 mẫu ruộng cùng nhiều kho lẫm dự trữ lương thực.
Cũng trên vùng đất này, bà đã cho dựng hai chùa Diên Quang (chùa Am) và Tiên Lữ (chùa Lã). Ngày nay những tên đất, tên làng còn đó như núi Vua, Trà Sơn, Am Sơn, Lâm Thao, Nhân Thi, Cận Kỵ, Thượng Bồng, Hạ Bồng, Thường Nga, Lai Thạch… hầu hết các làng này đều lập đền thờ bà. Trong số đó, có hai ngôi đền tiêu biểu là đền Ngũ Long ở núi Vua (xã Đức Lạc) và đền Cả nằm trước bàu Mỹ Xuyên (xã Đức Lập).
Năm Ất Tỵ (1425), khi nghĩa quân Lam Sơn từ Nghệ An tiến vào vùng đất này, biết bà đang khai hoang ở đây, Lê Lợi đã cho đón tiếp bà theo nghi lễ của một bà hoàng. Sau lần gặp gỡ ấy, bà xin hiến lương thực, thực phẩm đã dự trữ bấy lâu cùng nhiều ruộng đất vào công cuộc kháng chiến chống quân Minh đang trong giai đoạn kết và gả công chúa Huy Chân cho Bình Định vương.
Lán trại của bà trên núi Vua được nghĩa quân xây dựng thành điện Ngũ Long. Dưới chân núi Phượng, lầu Phượng Hoàng cũng được cất lên cho công chúa Huy Chân ở. Huy Chân đã sinh hạ được một người con gái, đặt tên là Trang Từ.
Sau khi hoà bình lập lại, hoàng hậu Bạch Ngọc vào chùa Am xuất gia tu tập. Ít lâu sau công chúa Huy Chân cũng về đây tu hành với mẹ. Còn Trang Từ, khi lớn lên được vua Lê Thái Tổ gả cho Bùi Ban, con trai của tướng Bùi Bị.
Về sau Bùi Ban hy sinh trong trận chiến với quân Chiêm Thành, Trang từ tái giá với Khôi quận công Trần Hồng được 5 năm rồi cũng xin về chùa Am tu với mẹ và bà ngoại.
Hiện sử sách chỉ cho biết ngày mất của hoàng hậu Bạch Ngọc là 22-6 âm lịch; công chúa Huy Chân là 22-3 âm lịch, năm mất không rõ, nhưng có lẽ đều vào khoảng niên hiệu Hồng Đức (1460-1497). Trang Từ công chúa mất vào ngày 05 tháng 2 âm lịch, niên hiệu Cảnh Thống (1497-1504).
CHÙA AM NGÀY NAY
Hiện nay, nhiều du khách đến thăm đã rất ngạc nhiên khi chùa Am vẫn còn giữ được kiểu kiến trúc xưa theo lối chữ “Công” với sườn bằng gỗ, tường xây, mái ngói lợp âm dương – kiểu kiến trúc đặc thù của vùng Thanh-Nghệ vào cuối thế kỷ XIX.
Những đường nét uốn cong của mái mang âm hưởng nhẹ nhàng lối kiến trúc miền Bắc càng tôn thêm vẻ đẹp của ngôi chùa. Toàn ngôi chính điện được dựng bằng 60 cột gỗ mít, trong đó có 14 cột được thay mới; từ ngoài nhìn vào, là kết cấu liền khối được chia làm ba gian với tổng thể cù giao đan bện vào nhau rất chặt.
Nếu nhìn từ hai bên tả hữu hoặc đằng sau, các mái ngói của chính điện được lợp thành nhiều tầng; phần giữa hơi chùng xuống và hai đầu uốn cong dần lên, tổng thể khối nhà như con thuyền đang lướt sóng. Nhiều người đã ví kiến trúc của chính điện chùa Am là con thuyền Bát nhã.
Nền chùa được lót bằng đá Thanh. Chính điện thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà và các vị Bồ tát khác. Phía trước có toà cửu long được chạm trổ rất công phu. Bên phải thờ các vị thổ thần và bên trái thờ hoàng hậu Bạch Ngọc.
Lúc chúng tôi đến, không có người trông coi thường xuyên nên bụi bặm và màng nhện giăng đầy khiến chúng tôi không khỏi u hoài. Phía trước, ngay lối đi vào còn có quả chuông chu vi chừng 0,5m, do nằm ở vị trí không được thuận lợi nên chúng tôi không đọc được chữ chạm khắc trên đó; ngoài ra còn một chiếc thuyền bằng gỗ cùng nhiều đồ tế khí khác. Chùa không có bắc môn thông ra đằng sau như thường thấy trong kiến trúc ở các ngôi chùa khác.
Từ hành lang chính điện nhìn ra phía trước một khoảng sân rộng là bức bình phong được các nghệ nhân đắp vẽ rất mỹ thuật; trải qua thời gian lâu ngày, các hoa văn đã bị phai nhạt, không còn rõ nét. Phía trước bình phong là hai hình tượng con Khái (hổ) bằng đá được đặt trên bệ lò thiêu hương.
Ở chính giữa sân, còn có hai cái bể đựng nước bằng xi măng nhưng lại có hoa văn được chạm trổ rất mỹ thuật. Một bể có nắp đậy được đặt nằm sâu ở bên trong, gần thành của bức bình phong, cái còn lại được đặt ra bên ngoài, trước mặt có khắc một bài thơ bằng chữ Hán; đáng tiếc là do bị rong rêu phủ kín, nhiều chữ bị khuất lấp không đọc được.
Nằm gần bình phong, bên cạnh các cấp lên xuống chính điện chùa là hai ngôi tháp mộ. Có tất cả bảy ngôi tháp như vậy, mà theo người dân địa phương, đây là nơi chôn cất các vị sư đã từng trú trì chùa trước đây. Hầu hết các ngôi tháp mộ này, ngoài các câu đối, không thấy có văn bia nên rất khó xác định được danh tính.
Chỉ có tháp mộ của Hoà thượng Thích Trí Liễn ở phía trước bên trái gần lối đi vào chùa là còn ghi rõ niên đại và danh tánh. Hoà thượng có thế danh là Nguyễn Tất Tố, sinh năm 1868, mất năm 1936. Trước khi xuất gia, cụ có người con trai tên là Nguyễn Tất Toán, từng tham gia hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên cộng sản năm 1930-1931, sinh hoạt ở chi bộ Đồng Công, sau cũng về chùa tu cùng với cha.
Ngoài ra, đối diện về phía bên trái vườn chùa, một ngôi tháp khác có tên là “An Tập tháp”, lạc khoản khắc bên trên lòng cổ của tháp cho biết, dưới triều Khải Định, Sa di Thanh Liễn, người trú trì tại chùa đã xây xong 3 ngôi tháp vào ngày lành tháng tốt năm Quý Hợi (Khải Định Quý Hợi niên, hỷ nguyệt cát nhật, trú trì bổn tự Sa-di tự Thanh Liễn trùng tu tam tháp viên thành).
Từ tam quan đến chính điện chùa, du khách đi qua nhiều tầng bậc cấp trải dài thoai thoải theo triền dốc. Người đến chùa lần lượt đi qua hai ngôi tháp mộ, một am thờ thổ thần và một dãy nhà ở bên phải. Leo lên thêm vài chục bậc cấp nữa thì đến một khoảnh sân rộng. Cứ vài chục bậc cấp thì có một khoảnh sân như vậy, có ý nghĩa như một sự nối kết, tạo sự hài hoà cân xứng cho tổng thể kiến trúc chùa Am, làm điểm dừng nghỉ để tinh thần được lắng dịu trước khi vào lễ Phật.
Phía sau chính điện, một con đường mòn dẫn lên núi có nhiều phiến đá giống hình người đang lạy nên được người dân ở đây gọi là “Bái Phật tảng” hay “Đá thần đồng”. Ngoài ra, sân vườn chùa còn có nhiều cây cổ thụ quanh năm cho bóng mát, đặc biệt là những cây đại vài trăm tuổi đến nay vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt. Nằm thấp thoáng dưới những rặng cây cổ thụ với nhiều bậc cấp như thế, chùa Am càng mang nhiều nét cổ kính.
Nếu leo lên Am sơn, đứng giữa rừng thông xanh bạt ngàn nhìn xuống chùa trông ra sông Ngàn Sâu, ta mới thấy phong cảnh nơi đây cẩm tú đến nhường nào. Có thể nói, chùa Am là một ngôi cổ tự có lịch sử lâu đời, có phong cảnh và kiến trúc vào loại hiếm ở nước ta.
Chùa hiện hữu gần 600 năm, nhưng kể từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, chùa Am nói riêng cùng số phận của nhiều chùa ở Hà Tĩnh nói chung, bị lãng quên, trở nên hoang phế. Mặc dù đã được trùng tu nhiều lần (lần cuối cùng vào năm 1909 dưới thời nhà Nguyễn) và được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia vào năm 1995, nhưng chùa vẫn đang xuống cấp trầm trọng do nhiều năm trải qua phong sương tuế nguyệt của vùng khí hậu khắc nghiệt miền Trung.
“Ở quê hương Đức Thọ chúng tôi hiện nay có rất nhiều gia đình vốn có truyền thống theo Phật từ lâu đời. Tuy nhiên đã hơn 30 năm nay, do chùa chiền bị lãng quên, không có Tăng Ni hướng dẫn, nên một số người đã làm không đúng với tinh thần Phật dạy. Rất may là trong năm qua, Ban Đại diện Phật giáo Hà Tĩnh đã được thành lập. Hiện đông đảo Phật tử trong vùng rất khao khát có một vị Tăng về trú trì tại chùa để cho Phật tử được có cơ duyên tu học và trau dồi đạo đức.
Vì vậy, chúng tôi mong Giáo hội và các cấp lãnh đạo chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong việc trùng tu, tôn tạo chùa Am, thỉnh sư tăng về trú trì tại chùa để xứng đáng với vai trò mà chùa đã đóng góp cho lịch sử dân tộc, đặc biệt là về lĩnh vực tâm linh, văn hoá” – ông Đoàn Văn Hiếu, 80 tuổi, nguyên cán bộ huyện uỷ Đức Thọ, hiện là Trưởng ban Quản lý Di tích chùa Am, nói.
Mong sao trong những năm tới chùa Am sẽ xứng đáng với tầm vóc của một ngôi cổ tự mang đậm nhiều dấu ấn lịch sử gần 600 năm qua.