Trang chủ Diễn đàn Trăn trở: Phóng sinh thêm phúc hay thêm tội?

Trăn trở: Phóng sinh thêm phúc hay thêm tội?

151

Theo quan niệm thông thường, hiếu sinh, phóng sinh được coi là việc thiện, tạo nghiệp thiện, gây quả phúc, đáng được tán thán và khuyến khích. Ngược lại, hiếu sát, bắt giết bị coi là việc ác, tạo tai họa, đáng bị chê trách và ngăn trở.

Tuy nhiên, sâu sắc hơn khi có quan niệm, làm việc thiện mà chủ tâm, rắp tâm thì không đáng được khen, ít phúc; làm việc ác mà vô tâm, vô ý thì không đáng bị phạt, ít họa.

Khi còn nói, còn nghĩ, còn làm phóng sinh hay sát sinh, thiện hay ác là bởi vì chúng ta còn đang sống trong vòng đắp đổi vần xoay điên đảo, nhị phân không lối thoát, tư tưởng còn tham cầu động loạn.

Kinh Bát nhã viết: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, “Viễn ly nhất thiết điên đảo mộng tưởng = cứu cánh niết bàn”, phải chăng cảnh tỉnh: Thiện đấy mà ác đấy, phóng sinh đấy mà sát sinh cũng là đấy!

Nay hao tâm tổn trí, tốn của mệt người kêu gọi phóng sinh, “người người phóng sinh, nhà nhà phóng sinh”, tôm cá thả về nước, chim bướm thả về rừng qua tay người bắt – người buôn – người mua – người thả… 
Dềnh rang nào lưới nào câu, nào xe nào lồng, nào cầu nào tàu, nào lễ nào bái, nào hương hoa nào kinh kệ… không biết bao nhiêu thứ, bao nhiêu khâu đoạn, người thì mệt thân loạn tâm; chim cá cũng mệt nhoài, xác xơ lông, chầy chợt vảy. Hết đợt này đến đợt khác.

Không biết Phật tổ Thích Ca hay Phật bà Quan Âm mà thị hiện trong các cuộc lễ phóng sinh đó thì có vui vẻ, tán thán không?

Loài người văn minh, vì môi trường và bảo tồn sinh học cũng đôi khi làm chuyện phóng sinh, như cứu cá voi bị mắc cạn, cứu hộ động vật hoang dã quý hiếm bị săn bắt trái phép, cứu vớt thú rừng bị ngập lụt bởi đắp đập chặn nước của các thủy điện tại các nước kém phát triển, v,v. Đồng thời trách phạt, trừng trị các loại tội phạm đó. Những nhà “phóng sinh” đó được gọi là các nhà hoạt động môi trường, được nhân loại vinh danh và tri ân.

Ở nước ta, theo chỗ tôi được biết, cũng có nhiều Pháp hội phóng sinh rất trớ trêu, cười ra nước mắt, và nơm nớp mắc tội như: Cá nước ngọt đem thả ra biển, cá nuôi công nghiệp đem thả ra sông tự nhiên, thả ra rồi lại bắt ngay để bán lại, đặt hàng để người ta săn bắt tàn sát tích cực hơn, coi phóng sinh là một hoạt động kinh doanh trục lợi, đày đọa giam nhốt động vật rồi mới thả, v,v.

Do vậy, chưa nói chuyện phúc – tội, hãy nói chuyện tu hành và khoa học trong việc phóng sinh. Nhà tổ chức và người phóng sinh, đương nhiên nhiệt tình và điều kiện là quan trọng, song cốt yếu hơn là nhất thiết phải có, dù một ít, vô tâm, TỪ BI và tri thức về môi trường.

Hãy coi phóng sinh là một phép tu, một lẽ sống, trong đó nghĩ, nói, làm tương ưng, thấy hoạn nạn thì cứu giúp, thấy khổ thì làm cho vui, thấy bị giạm cầm thì giải thoát, thấy bị bắt thì thả…

Một Thầy và một trò cùng đứng trên cầu xem đàn cá bơi lượn nhởn nhơ dưới sông. Trò bảo: Thầy ơi! Đàn cá đang vui đó. – Thầy bảo: Con có phải là cá đâu mà con biết là cá đang vui? – Trò bật lại: Thầy có phải là con đâu mà Thầy biết được là con có biết hay không biết là cá vui? [phóng tác theo Nam Hoa kinh]

Phải chăng, chúng ta nên thận trọng và nhất tâm TỪ BI trong việc phóng sinh!

theo: https://www.facebook.com/hueminh.leminhnghia