“Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”
Theo Kinh pháp cú 183.
Thánh hội Tăng già là một sự kiện đặc biệt, xảy ra chỉ một lần lúc đức Phật ở Trúc Lâm tịnh xá, tại thành phố Ràjagaha. Vào ngày rằm tháng Giêng, 1250 vị thánh Tăng tự tập trung về ngồi chung quanh đức Phật lắng nghe bài kinh Giải Thoát Giáo. Ngày đức Phật tuyên bố đạo tròn duyên mãn: Sau khi chứng đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ đề, đức Phật đã dành 45 năm đi nhiều nơi thuyết pháp, ở tuổi 80 Ngài quyết định chọn thị trấn nhỏ Kusinara nhập diệt.…
Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam đến nay đã trên hai mươi thế kỷ, rằm tháng Giêng ở Việt Nam trở thành một trong ba ngày Rằm lớn của dân tộc: Lễ Thượng nguyên (rằm tháng Giêng), Lễ Trung nguyên (Rằm tháng Bảy) và Lễ Hạ nguyên (Rằm tháng Mười).
Ngày rằm tháng Giêng, các chùa lập đàn Thất châu Dược sư, khai kinh và tụng kinh Dược Sư khuyên các Phật tử cùng tụng niệm hồi hướng công đức để quốc thái dân an, thế giới được an lành, chúng sinh an lạc.
Cùng với ngày Phật Bảo (đại lễ Phật đản Rằm tháng Tư), ngày Tăng Bảo (Lễ Kathina tháng Mười.) và ngày Pháp Bảo (rằm tháng Giêng). Bởi vì nội dung kinh Giải Thoát được xem là tôn chỉ của giáo Pháp nên lễ rằm tháng Giêng được gọi là Ngày Pháp Bảo
Ngày xưa, thời phong kiến, rằm tháng Giêng, chính là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà vua mở hội họp các Trạng Nguyên để thết tiệc và mời vào Thượng Uyển ngắm hoa, thưởng ngoạn cảnh, làm thơ…
Theo truyền thuyết, tết Nguyên Tiêu có từ đời nhà Hán. Vua Hán Văn lên ngôi sau khi “dẹp yên cuộc rối ren do gia tộc họ Lã ” gây ra, chính ngày đó là ngày rằm tháng Giêng, theo thường lệ, mỗi năm vào ngày rằm tháng Giêng, vua Hán Văn ra khỏi cung vua dạo chơi “chung vui với dân”. Chữ “Dạ” trong cổ ngữ Trung Quốc được gọi là “Tiêu”, cho nên vua Hán Văn đã lấy ngày rằm tháng Giêng làm ngày tết Nguyên Tiêu.
Về cội nguồn của tết Nguyên Tiêu, theo truyền thuyết dân gian có rất nhiều cách giải thích. Tết Nguyên Tiêu có từ thời vua Hán Vũ. Hồi đó, các cung nữ sau tết Nguyên Tiêu, đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ, nhưng cung vua canh phòng cẩn mật, làm thế nào để ra gặp mặt cha mẹ? Đông Phương Sóc nhiều trí thông minh khi nghe được tin này, bày tỏ sự đồng tình, tìm cách giúp các cung nữ thực hiện nguyện vọng gặp mặt cha mẹ. Bước đầu tiên của Đông Phương Sóc tung tin, hỏa Thần sẽ cử người đến thiêu hủy thành Trường An, khiến trong nội thành hoang mang khiếp sợ. Sau đó Đông Phương Sóc hiến kế với vua Hán Vũ, tối ngày Rằm mọi người trong cung phải đi lánh nạn ở ngoài cùng Vua, các đường to ngõ hẻm, trước nhà sau sân trong nội thành đều treo đèn lồng đỏ, tạo nên cảnh giả thành Trường An lửa cháy hừng hực, nhờ đó đánh lừa Hỏa Thần. Vua Hán Vũ đã đồng ý phương án này của Đông Phương Sóc, thế là các cung nữ nhân Tết Nguyên Tiêu thực hiện nguyện vọng gặp mặt người thân. Từ đó, cứ đến ngày rằm tháng Giêng mỗi năm đều phải treo đèn lồng.
Còn có truyền thuyết cho rằng , Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian . Trước sau ngày rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, đến tối ngày rằm tháng Giêng , bà con nông dân ra đồng ruộng tập trung cây cỏ lá khô, châm lửa thiêu hủy để diệt sâu bọ.
Đêm rằm tháng Giêng Âm lịch là Tết Nguyên Tiêu cổ truyền của người dân Châu Á, còn gọi là “Tết Hoa Đăng “. Theo tập tục đêm Rằm tháng Giêng ở thành thị hay nông thôn , đâu đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ…
Tết Nguyên tiêu chính là mùa Valentine phương Đông. Trong đêm Nguyên tiêu có tập tục đốt đèn, chơi lồng đèn và sau này là hội hoa đăng đêm Nguyên tiêu. Lồng đèn bên trong xưa kia là đèn cầy, sau này có đèn điện. Đốt hết đèn cầy, người ta xem nhựa sáp kết dính thành hình thù gì, nếu giống cây lúa thì năm tới lúa sẽ được mùa, nếu giống đại mạch thì năm tới loại cây nông nghiệp này sẽ bội thu, nếu giống hoa quả thì trái cây mùa tới sẽ tươi tốt, nếu giống cây bông thì mùa sau cây bông sẽ xum xuê.
Ngày nay, rằm tháng Giêng đã trở thành ngày hội sinh hoạt của các Hội thơ, Câu lạc bộ thơ… ngày sinh hoạt Văn hóa truyền thống của dân tộc thấm đẩm chất nhân văn…Ngày Thơ Việt Nam là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng âm lịch hàng năm theo quyết định của Hội nhà văn Việt Nam, dưới sự đồng ý và chỉ đạo của Ban tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam. Lần đầu tiên, Ngày Thơ Việt Nam vào năm Quý Mùi (tức năm 2003) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Vào rằm tháng Giêng năm 2003 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức long trọng. Mở đầu bằng lễ kéo Lá cờ Thơ, rồi ngâm đọc bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh. Sau đó là các chương trình giao lưu thơ với công chúng, đọc những bài thơ hay nhất của đất nước, ngâm thơ, bình thơ v.v.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác một bài thơ tựa đề Rằm tháng Giêng nhân ngày Tết Nguyên tiêu năm Mậu Tý 1948, tại chiến khu Việt Bắc.
Nguyên tiêu 元宵 • Rằm tháng riêng
元宵
今夜元宵月正圓
春江春水接春天
煙波深處談軍事
夜半歸來月滿船
Nguyên tiêu
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Dịch nghĩa
Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn,
Nước sông xuân tiếp liền với màu trời xuân.
Giữa nơi khói sóng thăm thẳm, bàn bạc việc quân,
Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng.
(Tháng 2 năm 1948)
Bản dịch của Xuân Thủy
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.