Đúng 9h00, tiếng niệm Phật được cất cao cung nghinh chư tôn đức cùng quý vị quan khách quang lâm lễ đài. Nghệ nhân Trần Văn Sen, thay mặt cho ban tổ chức phát biểu khai mạc. Trong lời phát biểu, ông ôn lại khí phách Đại Việt, hào khí Đông A cách đây hơn 8 thế kỷ. Khi đó, Phật giáo là quốc giáo trong thời Trần. Ông nhấn mạnh ý nghĩa của ba ngày đại lễ là tưởng nhớ công đức của tổ tiên, anh hùng liệt sỹ, cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Sau đó, TT.Thích Thanh Định phát biểu chào mừng quý tôn túc, quan khách về dự Đại lễ. Thượng tọa nhấn mạnh sự gắn bó giữa đạo với đời, giữa trang sử Việt và trang sử Phật trong thời Trần và ý nghĩa của sự cầu an, cầu siêu, đồng thời khuyến tấn quý thiện tín hành trì pháp môn niệm Phật.
Cũng trong sáng 28/2, sau lễ khai mạc, TT.Thích Thường Tín đã có quang lâm đạo tràng và có thời pháp với chủ đề “Ý nghĩa cầu an, cầu siêu” tới quý Phật tử. Theo đó, Thượng tọa khẳng định: cầu siêu, cầu an là để tưởng nhớ bốn ơn lớn (ơn Tam Bảo, ơn cha mẹ, ơn quốc gia xã hội, ơn vạn loại chúng sinh). Đại lễ còn nhằm mục đích xây dựng nhân sinh quan Phật giáo, xây dựng xã hội văn hóa, xây dựng con người làm tròn trách nhiệm công dân. Thượng tọa mong muốn quý Phật tử nên tu theo pháp môn niệm Phật và cần Phật giáo hóa gia đình để mỗi gia đình đều là gia đình văn hóa, mỗi làng xã đều là làng xã văn hóa. Thượng tọa cũng tán thán công đức của nghệ nhân Trần Văn Sen đã phát tâm tổ chức, cúng dường và hộ trì Phật pháp để Đại lễ được diễn ra trang nghiêm, thanh tịnh.
Chiều cùng ngày, ĐĐ.Thích Thanh Ân, trụ trì chùa Đại Bi (Tân Hòa, Vũ Thư) đã quang lâm đạo tràng và có thời pháp thoại “Vài nét về pháp môn Tịnh độ (niệm Phật)”.
Theo đó, niệm Phật có bốn khía cạnh: trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thật tướng niệm Phật. Khi trì danh “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” có nghĩa là nương tựa về, tưởng nhớ công hạnh đức Phật A Di Đà. Khi quán tượng niệm Phật có nghĩa là nhìn vào hình tướng bên ngoài của đức Phật để tâm chúng ta thanh tịnh, lắng đọng. Phương pháp quán tưởng niệm là nhớ nghĩ đến công đức, trí tuệ của Phật A Di Đà. Ngài có vô lượng công đức, vô lượng quang, vô lượng trí tuệ, vô lượng từ bi để chúng ta noi theo công hạnh của Ngài. Phương pháp thứ tư là phương pháp khó nhất. Thực tướng niệm Phật là niệm thường, ngã, tịnh để thấy rằng tâm ta là tâm Phật. Pháp môn niệm Phật cần có ba món tư lương: tín, hạnh và nguyện. Tín là tin Phật, tin vào hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà, tin mình sẽ thành Phật. Hạnh là sự hành trì, tưởng niệm, nhớ nghĩ đến Phật. Nguyện là ước nguyện, ước muốn được sinh về cõi Cực Lạc. Nếu tu pháp môn niệm Phật đầy đủ tín, hạnh và nguyện thì nhanh chóng và chắc chắn thành tựu. Qua đó, Đại đức giảng sư sách tấn quý Phật tử cần tinh tiến, hành trì, tu học nhằm xây dựng xã hội an lạc và ngày sau được sinh về cõi nước Phật A Di Đà.
Trang nhà xin giới thiệu chùm ảnh: