Trang chủ Nghiên cứu Tiếng gầm Sư Tử của Tôn giả Xá Lợi Phất (Kinh Tăng...

Tiếng gầm Sư Tử của Tôn giả Xá Lợi Phất (Kinh Tăng Chi Bộ)

574

Vào một thời Đức Phật ở thành Xá Vệ (Sāvatthī), vườn Kỳ Đà (Jeta’s Grove), tu viện của cư sĩ Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika). Lúc đó, Tôn Giả (cũng gọi là Đại Đức, Thượng Tọa = Venerable) Xá Lợi Phất (Sariputta) đến gần Đức Thế Tôn. Tôn Giả đảnh lễ ngài, rồi ngồi xuống một bên và nói:

“Bạch Thế Tôn, chúng con vừa trải qua một mùa an cư kiết hạ tại thành Xá Vệ, và nay con muốn đi khắp nước để hoằng hóa.”

“Nầy Xá Lợi Phất, ông cứ đi khi nào ông muốn.” lúc ấy Đức Thế Tôn ngồi bên phía tay phải của Tôn Giả, từ chỗ ngồi, Tôn Giả đứng lên chắp tay chào Đức Thế Tôn, rồi ra đi.

Ngay khi Tôn Giả Xá Lợi Phất vừa đi khỏi, một tăng sĩ nói với Đức Thế Tôn: “Ông Xá Lợi Phất đã đánh con, rồi ông ra đi mà không có một lời xin lỗi.” [6]

Thế nên, Đức Thế Tôn cho gọi một tăng sĩ vào rồi nói: “Nầy Tỳ Kheo, ông đi gọi Xá Lợi Phất, và nói rằng, ‘Thầy muốn Xá Lợi Phất trở về.'” [7] Tăng sĩ vâng lời, chạy đi, gặp Xá Lợi Phất, rồi Tôn Giả trả lời: “Tôi sẽ về ngay.”

Lúc sau đó, Tôn Giả Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna) và Tôn Giả A Nan (Ānanda), cầm chìa khóa, đi đến tất cả chỗ ở của các tăng sĩ và nói: “Hãy nghe đây, nầy quý Thầy, hãy nghe đây! hôm nay chúng ta hãy cùng đi nghe Tôn Giả Xá Lợi Phất, nói [lên những lời trầm hùng, vang dội] như tiếng gầm của sư tử, trước mặt Đức Thế Tôn.”

Tôn Giả Xá Lợi Phất đến gần Đức Thế Tôn, đảnh lễ ngài, rồi ngồi xuống một bên. Khi Tôn Giả an tọa, Đức Thế Tôn nói: “Một trong những tăng sĩ ở đây đã phàn nàn rằng Tôn Giả đã đánh ông ta và khi Tôn Giả ra đi, đã không để lại một lời xin lỗi.”

“Bạch Thế Tôn, người mà không có chánh niệm về thân, có thể đánh một tăng sĩ cùng chùa, và không để lại một lời xin lỗi.

“Bạch Thế Tôn, giống như những người vất lên mặt đất những thứ trong sạch và những thứ không trong sạch, như phân, nước tiểu, nước bọt, mủ và máu, tuy nhiên, mặt đất đón nhận mọi thứ mà không chán ghét, nôn mửa, hay thù hận; Bạch Thế Tôn, cũng như thế, quả tim con giống như đất, rộng lớn, cao quý, không thể đo lường, không có kẻ thù, và không có ý xấu xa. Người mà không có chánh niệm về thân, có thể đánh một tăng sĩ cùng chùa, và không để lại lời xin lỗi, tuy nhiên, người mà có chánh niệm về thân, thì không bao giờ làm như thế.


“Bạch Thế Tôn, giống như những người dùng nước để giặt giũ những thứ trong sạch và những thứ không trong sạch, những thứ mà bị dính bởi phân, nước tiểu, nước bọt, mủ và máu, tuy nhiên, nước đón nhận mọi thứ mà không chán ghét, nôn mửa, hay thù hận; Bạch Thế Tôn, cũng như thế, quả tim con giống như nước, rộng lớn, cao quý, không thể đo lường, không có kẻ thù, và không có ý xấu xa. Người mà không có chánh niệm về thân, có thể đánh một tăng sĩ cùng chùa, và không để lại lời xin lỗi, tuy nhiên, người mà có chánh niệm về thân, thì không bao giờ làm như thế.

“Bạch Thế Tôn, giống như ngọn lửa đốt sạch những thứ trong sạch và những thứ không trong sạch, những thứ mà bị dính bởi phân, nước tiểu, nước bọt, mủ và máu, tuy nhiên, ngọn lửa đón nhận mọi thứ mà không chán ghét, nôn mửa, hay thù hận; Bạch Thế Tôn, cũng như thế, quả tim con giống như ngọn lửa, rộng lớn, cao quý, không thể đo lường, không có kẻ thù, và không có ý xấu xa. Người mà không có chánh niệm về thân, có thể đánh một tăng sĩ cùng chùa, và không để lại lời xin lỗi, tuy nhiên, người mà có chánh niệm về thân, thì không bao giờ làm như thế.

“Bạch Thế Tôn, giống như ngọn gió thổi sạch những thứ trong sạch và những thứ không trong sạch, như phân, nước tiểu, nước bọt, mủ và máu, tuy nhiên, ngọn gió đón nhận mọi thứ mà không chán ghét, nôn mửa, hay thù hận; Bạch Thế Tôn, cũng như thế, quả tim con giống như gió, rộng lớn, cao quý, không thể đo lường, không có kẻ thù, và không có ý xấu xa. Người mà không có chánh niệm về thân, có thể đánh một tăng sĩ cùng chùa, và không để lại lời xin lỗi, tuy nhiên, người mà có chánh niệm về thân, thì không bao giờ làm như thế.

“Bạch Thế Tôn, giống như tấm giẻ lau những thứ trong sạch và những thứ không trong sạch, những thứ mà bị dính bởi phân, nước tiểu, nước bọt, mủ và máu, tuy nhiên, tấm giẻ đón nhận mọi thứ mà không chán ghét, nôn mửa, hay thù hận; Bạch Thế Tôn, cũng như thế, quả tim con giống như tấm giẻ lau, rộng lớn, cao quý, không thể đo lường, không có kẻ thù, và không có ý xấu xa. Người mà không có chánh niệm về thân, có thể đánh một tăng sĩ cùng chùa, và không để lại lời xin lỗi, tuy nhiên, người mà có chánh niệm về thân, thì không bao giờ làm như thế.

“Bạch Thế Tôn, giống như một cậu bé hoặc một cô bé bị ruồng bỏ, không có gia đình, cầm hộp đi ăn xin, quần áo mặc như giẻ rách đi vào làng, ra phố chợ với một quả tim khiêm tốn; Bạch Thế Tôn, cũng như thế, quả tim con giống như quả tim của đứa bé không có gia đình kia, quả tim mà rộng lớn, cao quý, không thể đo lường, không có kẻ thù, và không có ý xấu xa. Người mà không có chánh niệm về thân, có thể đánh một tăng sĩ cùng chùa, và không để lại lời xin lỗi, tuy nhiên, người mà có chánh niệm về thân, thì không bao giờ làm như thế.

“Bạch Thế Tôn, giống như một con bò đực có hai sừng bị cắt, hiền lành, thuần hóa, dễ huấn luyện, đi lang thang hết đường nầy đến đường kia, hết khu nầy đến khu kia, và không làm tổn thương bất cứ ai; Bạch Thế Tôn, cũng như thế, con như con bò đực có hai sừng bị cắt, có quả tim rộng lớn, cao quý, không thể đo lường, không có kẻ thù, và không có ý xấu xa. Người mà không có chánh niệm về thân, có thể đánh một tăng sĩ cùng chùa, và không để lại lời xin lỗi, tuy nhiên, người mà có chánh niệm về thân, thì không bao giờ làm như thế.

“Bạch Thế Tôn, giống như một người phụ nữ hoặc một người đàn ông, còn trẻ, khỏe mạnh, ưa thích đồ trang sức hoặc đồ trang trí, người nầy vừa gội đầu xong, nhưng rồi tâm trí họ bị phủ đầy với sự chán ghét, nôn mửa, hay thù hận, như thể họ bị xác chết của một con rắn, hoặc xác chết của một con chó hoặc xác chết của một con người quấn vòng quanh cổ; Bạch Thế Tôn, cũng như thế, tâm trí con bị phủ đầy với sự chán ghét, nôn mửa, hay thù hận vì chính tấm thân hôi thối của con. Người mà không có chánh niệm về thân, có thể đánh một tăng sĩ cùng chùa, và không để lại lời xin lỗi, tuy nhiên, người mà có chánh niệm về thân, thì không bao giờ làm như thế.

“Bạch Thế Tôn, giống như người bưng theo một bát mỡ, lỏng như nước có đầy lỗ và các kẽ hở, rỉ ra ngoài, rồi chảy nhỏ giọt; Bạch Thế Tôn, cũng như thế, thân thể con có đầy lỗ và các kẽ hở, rỉ ra ngoài, rồi chảy nhỏ giọt. Người mà không có chánh niệm về thân, có thể đánh một tăng sĩ cùng chùa, và không để lại lời xin lỗi, tuy nhiên, người mà có chánh niệm về thân, thì không bao giờ làm như thế.

Sau đó, vị tăng buộc tội Tôn Giả đã đứng lên từ chỗ đang ngồi, rồi ông chỉnh lại y áo qua một bên vai, cúi đầu xuống lạy, nơi bàn chân của Đức Thế Tôn, và nói rằng: “Bạch Thế Tôn, con đã phạm tội vì con quá dại dột, ngu ngốc và không khéo léo, vì con đã buộc tội Tôn Giả Xá Lợi Phất, vì con đã nói sai, nói không đúng và nói không thật. Xin Đức Thế Tôn ưng thuận sự nhận tội của con, xin tha thứ cho con, và con hứa sẽ luyện tập kềm chế trong tương lai.”

“Nầy Tỳ Kheo, ông đã phạm tội khi ông đã quá dại dột, ngu ngốc và không khéo léo vì ông đã buộc tội Tôn Giả Xá Lợi Phất, vì ông đã nói sai, nói không đúng và nói không thật. Nhưng khi ông đã nhìn nhận tội lỗi, và hứa sẽ sửa đổi chúng đúng theo giới luật, Tăng Đoàn nay tha thứ cho ông. Đây là một chuyện làm đúng đắn, để phát triển Giới Luật của Như Lai, dành cho bất cứ ai nhìn nhận tội lỗi, hứa sẽ sửa đổi chúng đúng theo giới luật, và trong tương lai hứa sẽ luyện tập sự kềm chế.”

Đức Thế Tôn sau đó, quay sang Tôn Giả Xá Lợi Phất và nói: “Nầy, Xá Lợi Phất, hãy tha thứ cho người đàn ông ngu ngốc nầy, trước khi đầu của ông ta bị bể nứt ra thành bẩy mảnh, ngay tại đây.”

“Bạch Thế Tôn, con tha thứ cho ông ta, nếu vị tăng sĩ đáng kính này yêu cầu con tha thứ. Và cũng như thế, mong ông ta tha thứ cho con.”

[6] Tăng sĩ nầy đã cảm thấy Tôn Giả Xá Lợi Phất bỏ mặc, không nhìn đến ông, nên ông sinh ra mối hận thù chống lại Tôn Giả, ông nghĩ rằng: “Ta sẽ gây ra trở ngại cho Tôn Giả, lúc ông ấy ra đi.” Khi đi hoằng hóa, và ngay khi Tôn Giả bước ngang qua mặt một số tăng sĩ, tình cờ, lúc đó có một luồng gió đã thổi mép y áo của Tôn Giả, đập vào mặt của tăng sĩ nầy. Đây chính là cái cớ, mà Tăng sĩ nầy dùng để khiếu nại.

[7] Đức Phật đã biết rõ ràng là Tôn Giả Xá Lợi Phất chưa bao giờ làm tổn thương bất cứ ai, nhưng ngài đã cho triệu tập mọi người, để xóa đi sự sỉ nhục không công bình cho Tôn Giả.