Trang chủ Diễn đàn Thư trao đổi gửi ngài Nguyễn Văn Sang – Giám mục Thái...

Thư trao đổi gửi ngài Nguyễn Văn Sang – Giám mục Thái Bình

102

Thưa ngài!


Trong thời gian hơn 2 tháng nay, trên một vài website và blog Công giáo, chúng tôi có “vinh hạnh” được đọc một số thư, bài, nhật kí của ngài viết về vụ “Tòa Khâm sứ” Hà Nội. Đặc biệt gần đây nhất, chúng tôi có đọc bài “Sự thực về đất đai tòa Khâm sứ, nhà thờ lớn Hà Nội và chùa Báo Thiên” của ngài viết tại Thái Bình ngày 24/02/2008.


Chúng tôi thấy cần phải trao đổi và xác quyết với các ngài chí ít là hai vấn đề mà chúng tôi cho rằng ở đó ngài có sự “hồ đồ, mập mờ đánh lận, tiền hậu bất nhất”.


Vấn đề thứ nhất, vị trí của khu vực chùa Báo Thiên trước khi Pháp đánh chiếm Hà Nội với vị trí của khu vực nhà thờ Lớn và khu vực tòa Khâm sứ Hà Nội ngày nay.


Ngài viết: “Tôi không là nhà sử học, lẫn địa dư học, song tôi có bộ óc hoài niệm và suy nghĩ. Tôi đã vâng lời Đức Tổng Giám mục Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt, đã viết một số bài liên quan tới khu đất 40 Phố Nhà Chung”.


Cứ cho là, ngài thành thực biết mình ở trình độ nào, như ngài tự nhận, thì sao ngài lại viết tên bài là “Sự thực về đất đai tòa Khâm sứ, nhà thờ lớn Hà Nội và chùa Báo Thiên”. Sao ngài lại đi xác quyết, khẳng định các vấn đề mà ngài không rõ, chỉ ước chừng, phỏng đoán? Chúng thôi thật sự lấy làm tiếc cho ngài về sự cẩu thả về mọi mặt trong các bài viết gần đây, phải chăng ngài coi thường và xúc phạm độc giả? Hay ngài nghĩ đã là linh mục thì nói điều gì cũng đúng, giống như lời Chúa thì không thể sai?


Còn nếu đó chỉ là thái độ nhún nhường, khiêm tốn của người cầm bút, thì chúng tôi xin trao đổi và cùng với ngài đi đến làm rõ và cùng xác quyết lại vấn đề vị trí của khu vực chùa Báo Thiên trước khi Pháp đánh chiếm Hà Nội với vị trí của khu vực nhà thờ Lớn và khu vực tòa Khâm sứ Hà Nội ngày nay.


Chúng tôi được biết, ngài là một người Việt Nam, sống lâu dài và liên tục ở trong nước, thế nhưng ngài đã lẫn lộn (cố tình hay vô ý) khái niệm chùa và tháp Báo Thiên khi ngài ngây ngô viết: “Chúng ta thử tưởng tượng tháp trên gò đất đó, nền bằng đá, mà chân nó rộng, dài 2km, thì tháp đó vĩ đại thế nào, trong thời kỳ nước ta vào năm 1054 có đủ kỹ thuật để xây dựng chăng, mặc dù theo sử tháp đó cao tới 30 tầng!!!”


Không biết vì lý do gì, ngài đã “không” biết hay cố tình lờ tảng, là tháp chỉ là một bộ phận của chùa, thuộc về chùa.


Ngài viết: “Song tôi xin đặt vấn đề thực tế hơn: Chùa và rõ hơn Tháp Báo Thiên gồm khu đất nào? Rộng bao nhiêu? Dài bao nhiêu? …Có người nói [chùa Báo Thiên] ở chỗ nhà Bưu điện hiện nay, có người nói ở Nhà Báo Nhân dân bây giờ.”


Ngài dẫn tiếp: “Ông Nguyễn Đình Tư [?] cho biết rõ hơn: “Thiết nghĩ… chính quyền Hà Nội nên cho phục chế ngôi tháp Báo Thiên đã bị quân Minh phá hủy (chứ không phải thừa sai Công giáo v.v.) trong khuôn viên khu đền thờ Vua Lê


Ngài tạm kết luận: “Như vậy, có thể đoán được rằng: khu Chùa và Tháp Báo Thiên cũ là ở phía bên này hồ Hoàn Kiếm, trong khu đất Tam giác, nơi có Hội Trí Đức cũ, và đầu kia là cơ sở của Báo Nhân Dân đứng trên mảnh đất nhà binh Pháp cũ”.


Còn đất Tòa Khâm Sứ cũ và đất cả Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội có phải là đất Chùa và Tháp Báo Thiên không, thì xem bản đồ Hồng Đức 1406 càng xa địa điểm giả định của Tháp Báo Thiên bên hồ Hoàn Kiếm như trên đã nói. Thế thì đất Khâm Sứ cũ nằm trong đất Tòa Tổng Giám Mục, đâu có nằm trên khu đất của chùa Báo Thiên, mà là đất giữa Tràng Thi và chùa Báo Thiên cũ, rõ ràng không phải là đối tượng cho một số Phật tử đòi phải trả lại (!!!)”


Trong đoạn trên, ngài có dụng tâm muốn đi đến khẳng định: khu vực nhà thờ Lớn và tòa Khâm sứ ngày nay không (hoặc ít) liên quan đến khu vực di sản chùa tháp Báo Thiên. Đó là 2 khu vực khác nhau, nên chư vị nào bàn bạc đến vấn đề chùa tháp Báo Thiên thì cứ bàn nhưng điều đó không (hoặc ít) liên quan đến vấn đề nhà thờ Lớn và tòa Khâm sứ, còn chúng tôi thì vô can. Chư vị có đòi hỏi hay thắc mắc gì thì sang khu đất “tam giác” mà tôi chỉ ra đó.


Nếu không có lịch sử, các nhân chứng, vật chứng, thư tịch khách quan, đáng tin cậy và những người ngài nói cho nghe không có đầu óc lý tính thì tuyệt chiêu của ngài quả thật là đắc thủ. Nhưng rất tiếc cho ngài là sự thật lại lên tiếng theo hướng khác.


Xin thưa với ngài, rồi đây rất có thể một hội nghị khoa học cấp quốc gia sẽ được mở ra và xác quyết (chuyện này đâu có khó khăn gì ở nước ta hiện nay) làm rõ các vấn đề:


1. Diện tích chùa Báo Thiên, trong đó có tháp Báo Thiên nằm ở vị trí nào và có quy mô, giới hạn như thế nào trong quan hệ với nhà thờ lớn và khu 42 Nhà Chung ngày nay (cũng như nhà thờ Lớn)?


2. Trước khi xuất hiện nhà thờ Lớn và tòa Khâm sứ, tình trạng của chùa tháp đó như thế nào?


3. Việc khu chùa tháp đó biến thành nhà thờ và tòa khâm đã diễn ra như thế nào, những ai là chủ thể của quá trình đó?


Thiết tưởng, đây cũng là dịp để các ngài bộc lộ, giãi bầy, khẳng định lịch sử, tâm nguyện, vị trí, vai trò và thực chất của đạo Công giáo ở Việt Nam với dân tộc và nhân dân trong lịch sử và hiện tại.


Với tất cả sự thật hiện đang có đủ để các nhà nghiên cứu khách quan có thể phác họa để ngài thấy những nét chính, căn bản như sau:


Hồ Gươm bây giờ bé hơn rất nhiều (khoảng bằng 1/3) so với hồ Gươm khi xây Tháp và chùa Báo Thiên, và cả so với thời điểm trước khi xây nhà thờ Lớn. Riêng đoạn bờ hồ phía tây thì ăn sâu vào, men từ ngã 5 Hàng Đào xuôi theo Hàng Trống, áp sát chùa Bà Đá, kéo dài qua đường Tràng Thi. Bờ hồ phía đông thì ra đến khu Ngô Quyền, Hàng Chuối… Chùa Lý Triều Quốc Sư vốn là một ngôi đền nhỏ thờ Quốc sư Minh Không trong khuôn viên chùa Báo Thiên, dựng đời nhà Lý. Chùa Bà Đá cũng thuộc khuôn viên chùa Báo Thiên, dựng đời Lê Thánh Tông khi phát hiện ra pho tượng đá cổ, khi đó tháp Báo Thiên thời Lý – Trần đã bị phá một phần sau 20 năm thuộc nhà Minh. Vì thế nói tháp Báo Thiên soi bóng xuống Hồ Gươm cũng là chuyện bình thường. Nếu nói như ngài phỏng đoán về vị trí chùa và tháp Báo Thiên thì hẳn khi vua Lý xây chùa và tháp thì nó phải ở gần giữa hồ Gươm!!!


Như vậy, trung tâm của chùa Báo Thiên ban đầu thời không phải nằm ở cái khu Tam giác mà ngài đã chỉ, mà nó là một khu rộng lớn mà trung tâm là khu vực nhà thờ Lớn, nhà Chung và tòa Khâm sứ bây giờ. Dĩ nhiên, trong quá trình tồn tại gần 1.000 năm của mình thì một số khu ngoại vi có thể đã được sử dụng vào việc khác, trong đó có cả khu dân cư của đồng bào Công giáo, nhưng khu vực Trung tâm của chùa Báo Thiên ở khu vực nhà thờ Lớn và tòa Khâm sứ bây giờ thì vẫn được duy trì và hoạt động đến năm 1883. Sự thật của vấn đề đó chắc chắn, nhân dịp các ngài khơi sự này, sẽ được xác quyết để toàn thể dân tộc Việt Nam biết rõ và đúng đắn hơn.


Vấn đề thứ 2, quá trình tồn tại của chùa tháp Báo Thiên và thực trạng của nó trước khi xây nhà thờ lớn.


Tuy cố gắng phỏng đoán “khu Chùa và Tháp Báo Thiên cũ là ở phía bên này hồ Hoàn Kiếm, trong khu đất Tam giác, nơi có Hội Trí Đức cũ, và đầu kia là cơ sở của báo Nhân Dân đứng trên mảnh đất nhà binh Pháp cũ” để làm cho khu vực nhà thờ Lớn và tòa Khâm “không phải là đối tượng cho một số Phật tử đòi phải trả lại”, nhưng ngài cũng cố gắng vớt vát minh chứng tiếp là: nếu sự thật có đúng là nhà thờ Lớn và tòa Khâm được xây dựng trên khu đất trung tâm của chùa tháp Báo Thiên thì cũng là vào thời điểm khu đó là vô chủ và không còn tồn tại với tư cách là chùa tháp nữa.


Ngài nhắc lại lời linh mục Kim Linh rằng: “Ảnh hưởng của đạo Phật trong cách điều khiển đất nước của các vua quan đời Lý lúc đó, đã đem lại rất nhiều tệ nạn, làm suy nhược đất nước. Điều này rất phù hợp với nội dung của cuốn tiểu thuyết Hồ Quí Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh”.


Câu văn này chẳng liên quan đến chuyện tháp, chùa Báo Thiên, nhưng ngài cũng đưa vào thì chúng tôi xin thưa. Vua Lý Thánh Tông, người cho xây chùa, tháp Báo Thiên được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư như thế này:  “Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: Thương xót hình ngục, yêu thương nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tôn lo rằng tù giam trong ngục, hoặc có kẻ không có tội, nhân đói rét mà đến chết, thì cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi cho sống; lo rằng quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, thì cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn, để nhà được giàu đủ; lo rằng nhân dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông; lo rằng năm đại hạn đói kém thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo; trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ pháp độ, văn sự bên trong tiến mau chóng; phía Nam bình nước Chiêm; phía Bắc đánh nước Tống, uy vũ bên ngoài hiển hách rõ ràng. Tuy có việc lầm lỗi nhỏ khác, cũng vẫn là bậc vua hiền. Hoặc có người bảo là vua nhân nhu có thừa mà cương đoán không đủ, ngụ ý chưa cho là phải”.


Phải chăng lãnh đạo đất nước theo tư tưởng Phật giáo như thế là sai, là nhu nhược, là đưa đất nước đến chỗ suy vi? Đưa đất nước đến chỗ suy vi hay như Lý Thường Kiệt cho quân vượt biên giới sang Trung Quốc đánh phủ đầu quân Tống? Hay như nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên Mông?


Chúng tôi đoan chắc ngài và linh mục Linh chưa từng đọc tiểu thuyết Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhưng lại dám nói năng hồ đồ. Vì tiểu thuyết Hồ Quý Ly viết về giai đoạn cuối nhà Trần, đầu nhà Hồ, giai đoạn mà vua quan hướng nhiều đến Nho học hơn Phật giáo? Ngài có biết vì sao Hồ Quý Ly không được lòng dân và để đất nước rơi vào tay nhà Minh không? Ngài và các linh mục nên đọc kỹ tiểu thuyết Hồ Quý Ly và lịch sử Việt Nam, hơn là lịch sử Vatican. Ngài cũng nên đọc kỹ tiểu thuyết Mẫu Thượng ngàn để biết giám mục Puginier và giáo dân Công giáo tiếp tay cho Pháp xâm lược Hà Nội và Bắc kỳ như thế nào.


Cái tâm của ngài còn “sáng” hơn nữa khi viết thêm “Có thể nói, đất đai chùa chiền chiếm phần lớn đất của quốc gia. Dân thì “trốn việc quan đi ở chùa” làm thành phần sư sãi đông gấp bội…”


Việc bôi nhọ Phật giáo của một số Nho sĩ dạng như câu trên đã có nhiều người nói, chúng tôi không muốn bàn thêm, nhưng cũng cần nói thêm với ngài rằng nếu có chuyện “trốn việc quan đi ở chùa”, nhưng khi đất nước gặp nạn ngoại xâm thì sẵn sàng “cởi áo cà sa khoác chiến bào” chứ không nối giáo cho giặc làm tay sai bán nước như một số giáo sĩ và giáo dân Công giáo trước và trong thời Pháp thuộc.


Ngài viết “Sang đến đời Trần và các đời sau, đạo Phật bị mất ảnh hưởng nơi các triều đại kế tiếp, chùa chiền vắng bóng các sư coi sóc, để hoang phí dột nát, kể cả chùa Báo Thiên, lẫn tháp bị quân Minh năm 1426 phá sập, triều Lê cho đắp mú đất phủ lên nền cũ. Cuối thế kỷ XVIII, nơi sân chùa thì họp chợ, núi (gò) dùng làm nơi xử chém những tội nhân bị kết án tử hình. Vậy thì còn đâu là Chùa, là Tháp để cho các Thừa Sai hoặc những người Công giáo năm 1883 đập phá, rỡ bỏ nơi cơ sở văn hóa như một số người đã phát biểu.”


Tạm chưa nói đến việc ngài xuyên tạc và làm phiến diện lịch sử, phải khẳng định chắc chắn với ngài rằng cho tới cuối thế kỷ XIX, chùa Báo Thiên, mặc dù có lúc bị hư hại theo lẽ vô thường của thời gian nhưng luôn được trùng tu bảo tồn, là nơi cử hành các nghi lễ Phật giáo cầu cho quốc thái dân an mưa thuận gió hoà.


Đó là sự thực không thể chối bỏ, bởi vì dưới thời vua Tự Đức, Tổng đốc Hà Nội là Tôn Thất Bật đã cho trùng tu lại chùa Báo Thiên. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Hòa Thượng Phúc Điền (1784-1863) về trụ trì chùa Báo Thiên. Trong Kế đăng lục in năm Tự Đức thứ 12 (1857) viết: Lúc đó tại chùa Báo Thiên đang khắc ván bộ Phật Tổ thống kỷ. Sau khi Hòa thượng Phúc Điền qua đời, chùa Báo Thiên vẫn còn lại cho đến ngày thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 (1882).


Còn việc bảo cố tình bảo rằng ngôi chùa đó là vô chủ và hoang phế thì, xin mời ngài hãy nghe lại chính lời ông Bonnal, công sứ Pháp tại Hà Nội kể lại chuyện tay sai Nguyễn Hữu Độ phá chùa dâng đất cho giám mục Puginier: “Ông chỉ thị cho các thân hào trong khu vực, được chọn, như thể tình cờ, trong các giáo dân bản xứ, để xét xem mức độ chắc chắn của ngôi chùa thế nào, và các ông nầy chẳng ngần ngại gì mà tuyên bố rằng: do hư nát, ngôi chùa khi sụp đổ có thể gây nguy hại cho những ai đi ngang qua.


Vậy là, bây giờ mọi việc đều đã đúng luật lệ. Cho phá hủy ngôi chùa, sung công thửa đất vô chủ… theo tập quán Việt Nam, là những biện pháp chính đáng, không thể gây nên một sự phản đối nào. Ông Tổng đốc đã xử lý theo cách đó. Ông còn nhận trách nhiệm nhượng lại miễn phí cho nhà chung công giáo thửa đất đã sung công, và tôi đã vui lòng trao cho vị giám mục văn bản chính thức chuyển giao cho ngài quyền sở hữu trọn vẹn”.


Trước đó, vào năm 1873, Francis Garnier đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất, giao toàn bộ ngôi chùa này cho Giám mục Puginier làm nơi ở và làm việc tạm thời khi giám mục về Hà Nội trực tiếp làm thông ngôn và cố vấn cho Garnier. Lúc đó, giám mục Puginier dựng mấy ngôi nhà gỗ trong vườn chùa để ở và làm việc cho gần Garrnier đóng quân tại Trường Thi gần đó, còn Tòa Giám mục (khi đó gọi là Tòa Giám mục Tây Đàng ngoài) thì vẫn đóng ở Kẻ Sở (nay là vùng ngã tư Sở).


Năm 1882, Henry Riviere đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai. Năm 1883, theo yêu cầu của Công sứ Bonnal, kinh lược Bắc Kỳ là tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã giao khu chùa này cho Giám mục Puginier phá đi để kiến tạo Nhà thờ chính toà Hà Nội. Năm 1887, khi Pháp đã đặt vững nền cai trị ở Bắc Kỳ, giám mục Puginier mới cho xây dựng mới Nhà thờ Lớn và các toà nhà khác của Nhà Chung bằng những vật liệu kiên cố rồi dời Toà Giám mục Hà Nội về đây.


Di tích còn lại của chùa Sùng Chính Báo Thiên (Chùa báo Thiên) là ngôi giếng đá cổ. Giếng đá này nằm trong ngõ của một nhà dân ở phố Nhà Chung, thuộc phần đất nhà thờ cho giáo dân cư trú. Năm 2002 giếng đá đã bị người dân cho đổ đất, cát lấp đầy. Việc này được phát hiện và báo chí đưa tin. Sau khi báo đưa tin các vị thẩm quyền của nhà thờ chính toà Hà Nội đã cho khai quật giếng cổ ấy lên, di chuyển vào đặt trước hang đá bên trong khuôn viên nhà thờ.


Và sau cùng, thưa ngài, ngài đã đưa ra cách giải quyết xuề xòa để trục lợi. Ngài viết: “Nói tóm lại, theo thiện ý của tôi, đứng về phương diện nào đi nữa, mảnh đất mang số 42 cũng dứt khoát là thuộc sở hữu của Tòa Giám Mục Hà Nội, vấn đề trả lại là hợp tình hợp lý. Còn những lý do cao cả đem lại sự đoàn kết, an bình cho nhân dân cả hai tôn giáo: Công giáo và Phật giáo, là bạn với nhau trong việc xây dựng đất nước, thì không còn vì một mảnh đất cỏn con, hoặc sỹ diện của một vài cá nhân mà làm mất đi nghĩa lớn của tổ quốc.”


Sau đó, Ngài nhắc lại lời ông Lê Tuấn Huy: “Nhà nước “mất” về tay các giáo phận một vài toà nhà hay khu đất mà trong quá khứ không lâu đã là của họ, chẳng tốt hơn là mất đi khối đoàn kết dân tộc và sự bình yên trước viễn cảnh xung đột tôn giáo sao? Về phía (những người lấy danh nghĩa) Phật giáo, đã mấy trăm nay mất những chùa chiền nào đó, nay nếu tiếp tục “mất” thì có tăng thêm chút mất mát nào không, thay vì lại “tự nguyện” nhảy vào thế chân Nhà nước trong cuộc tranh chấp này, để mất đi cả căn tính vốn có của đạo Phật? Nếu những tài sản mà phía Công giáo chứng minh được sở hữu có về với họ, thì cũng chỉ là thêm cho một bộ phận con dân nước Việt được có được những cơ sở vật chất mới phục vụ cho đời sống tâm linh, cho việc giáo dục, giải trí, hay làm từ thiện…, không phải là điều Nhà nước ta cũng chủ trương hay sao? Và thêm một bộ phận chúng sanh có được niềm hoan hỉ như thế, nào có khác chăng với tinh thần nhà Phật?”


Thật không hiểu nổi khi ngài cho rằng: “không còn vì một mảnh đất cỏn con, hoặc sỹ diện của một vài cá nhân mà làm mất đi nghĩa lớn của tổ quốc” thế mà các ngài lại làm việc động trời, tụ tập, kêu gọi hàng nghìn giáo dân, hàng tháng trời để đòi lấy được cái “mảnh đất cỏn con” đó. Thậm chí một vài website và nhân vật Công giáo tại hải ngoại còn té nước theo mưa, hô hào đòi làm cách mạng “cầu nguyện” tương tự cách mạng nhung, cách mạng hoa hồng… Phải chăng đó chỉ là một nguyên cớ nhỏ để các ngài thăm dò và hướng tới một mục tiêu “to tát, vĩ đại và dài hơi hơn” trong cái chiến lược mà các ngài đang toan tính?


Chúng tôi cũng mong ngài cũng như một số linh mục đọc kỹ bức thư Hòa thượng Thích Trung Hậu gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong bức thư đó không hề có chuyện đòi đất hay tranh giành với người Công giáo. Đó là bức thư nói lên sự thật lịch sử, công lý và hòa hợp dân tộc. Sự thật lịch sử là mảnh đất tọa lạc tòa Khâm sứ cũ và nhà thờ Lớn ngày nay đã từng có chùa và tháp Báo Thiên, và chùa Báo Thiên đã bị chính chính quyền thực dân Pháp và tay sai phá đi dâng cho giám mục Puginier xây nhà thờ Lớn.


Công lý ở đây là sự thực lịch sử phải được tất cả các bên liên quan tôn trọng, đất đai tòa Khâm sứ cũ là công thổ chứ không thể thuộc về riêng ai.


Hòa hợp dân tộc là không chỉ Nhà nước, Giáo hội Công giáo có quyền đứng ra thương thảo giải quyết, mà toàn thể dân tộc, trong đó Phật giáo (nay là Giáo hội Phật giáo) – bên đã từng là sở hữu chủ của mảnh đất phải cùng giải quyết. Một giải pháp hài hòa lợi ích của tất cả các bộ phận dân tộc mới là giải pháp trọn vẹn. Ngay cả khi Nhà nước giao quyền sử dụng mảnh đất 42 Nhà Chung về cho Giáo hội Công giáo, thì Phật giáo vẫn hoan hỷ đồng ý, vì nó đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận, dù nhỏ, dù thiểu số của Dân tộc. Nhưng nguyện vọng đó khó có thể đạt được nếu như Giáo hội Công giáo, ngài Kiệt, và cả ngài nữa không biết biết tôn trọng sự thật.


Cuối cùng, ngài hãy nhớ ý dạy của Chúa Giê-su: “Anh em đong đấu nào, sẽ bị đong lại đấu đó”. Mạo xưng mảnh đất 42 Nhà Chung là của tổ tiên mình (từ tổ tiên là lời của ngài) để xúi giục giáo dân xuống đường thắp nến cầu nguyện, phá cổng, bê tượng Mẹ sầu bi, cắm thánh giá đánh dấu chủ quyền trên mảnh đất đã từng có 1 trong tứ đại khí của dân tộc, đã từng là mảnh đất thiêng của Phật giáo (là bộ phận đa số của Dân tộc hiện nay) không phải là việc làm xứng đáng với người con Chúa, với dân tộc Việt Nam chút nào.


Một nhóm Phật tử độc giả của website Phật tử Việt Nam (www.phattuvietnam.net)


Nếu quý độc giả có ý kiến về các vấn đề xung quanh “Tòa khâm sứ” cũ, xin bấm vào đây hoặc gửi email về địa chỉ [email protected]


Xem thêm các bài liên quan: