Ngài là môn đồ trưởng tử của Tổ sư Thích Phước Tường, bậc danh Tăng thạc đức tỉnh Khánh Hòa, trụ trì tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu, thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Ngài cùng em thứ 6 là HT.Thích Nhơn Lực húy thượng Trừng hạ Hành và thứ 7 là HT. Thích Nhơn Vinh húy thượng Trừng hạ Lãnh, xả ba anh em đều phát tâm quy y và xuất gia đầu Phật với tổ sư Thích Phước Tường tại tổ đình sắc tứ Thiên Bửu, thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa.
Cuối năm Tân Dậu, (1921) Ngài vâng lệnh Bổn sư Tổ Phước Tường khai sơn kiến tạo chùa Phụng Sơn. Hai Thầy trò đã lao động tự mình dở miếu, cái tạo miếu Quan Thánh, xây chùa và an danh là Phụng Sơn, tại làng Phụng Cang, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Sau ba tháng xây dựng, ngôi chùa ban đầu chỉ là một ngôi nhà cấp 4, đủ làm nơi thờ Phật, thờ Thánh và thờ Tổ.
Sở dĩ Tổ Khai sơn an lành là Phụng Sơn: Chữ Phụng là chim phượng hoàng, một trong tứ linh, là loài chim quý. Chùa đối diện với núi Hòn Lớn nên Tổ Khai sơn ghép tên chữ Phụng của làng Phụng Cang với chữ Sơn (núi Hòn Lớn) mà thành.
Năm Bính Dần, (1926) Ngài chứng minh đúc đại hồng chung chùa Phụng Sơn.
Năm Canh Ngọ, (1930) Ngài được suy tôn làm Giáo Thọ A Xà Lê sư tại giới Đàn Chúc Thọ, tỉnh Phú Yên.
Năm Nhâm Thân, (1932) Bổn sư tổ Thích Phước Tường viên tịch. Môn phái cử Ngài là trưởng tử chánh chủ tang, hòa thượng Thích Nhơn Hưng, Chùa Khánh Long, Ba Ngòi phó chủ tang. Ngài trụ trì kế thế tổ đình sắc tứ Thiên Bửu, làng Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa rồi phân định cho chư huynh đệ luân phiên, mỗi lần nhiệm kỳ là 3 năm.
Chánh điện chùa Phụng Sơn – Di tích lịch sử Cách mạng
Tháng 7, năm Giáp Tuất, (1934) nhân tuần mãn tang của Hòa thượng bổn sư. Môn phái suy cử làm chánh chủ kỳ. Trường Kỳ tại tổ đình chùa Thiên Bửu. Cung thỉnh hòa thượng Thích Huệ Quang làm Đường Đầu Hòa thượng truyền giới; hòa thượng Thích Phúc Hộ, Chùa tổ đình Từ Quang, Tuy An, tỉnh Phú Yên làm Yết Ma A xà Lê sư; hòa thượng Thích Từ Nhãn, Chùa Sắc Tứ Long Sơn Bát Nhã, Tuy An, tỉnh Phú Yên làm Giáo Thọ A xã lê sư; hòa thượng Tăng cang Thích Trí Thắng, Chùa Sắc Tứ Thiên Hưng, Phan Rang, Ninh Thuận làm Tuyên Luật Sư …
Ngài Chứng minh khai sơn Chùa Hội Phước, thôn Tân Hưng, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Năm Nhâm Ngọ, (1942) Ngài được suy tôn Giáo thọ A Xà Lê sư tại Đại Giới Đàn Chùa Kim Long, Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Năm Giáp Thân, (1944) Ngài chứng minh Trai Đàn Chẩn tế ba ngày đêm tại Chùa Thạch Sơn, ” Chùa Hang ” Tiên Du, Ninh Hòa do Hòa thượng Thích Nhơn Hoằng, trụ trì.
Bàn thờ Tổ Khai sơn ngày Giỗ Tổ
Môn đồ đệ tử xuất gia:
– Hòa thượng Thích Bảo Hiển – Tâm Hoàn, trụ trì Chùa Phước Huệ và Chùa Bảo Hoa, dẩn thỉnh Đại Giới Đàn Chùa Thiên Bửu hạ (Bình Thành) năm Nhâm Thìn 1952.
– Đại sư Thích Bảo Long, Đại sư Thích Bảo Thông, trụ trì Chùa Hội Phước, thôn Tân Hưng, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, (Khánh Hòa)
– Hòa thượng Thích Tâm Linh – Thiện Chí, trụ trì Chùa Phước Thái, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Tháp Tổ Khai sơn chùa Phụng Sơn HT.Thích Nhơn Sanh
Thân quyến
Em thứ 6 là đại sư Thích Nhơn Lực và thứ 7 là đại sư Thích Nhơn Vinh. Anh em thúc bá với Hòa thượng Thích Nhơn Lý, chùa Hoa Quang, Vĩnh Điềm, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Sau hơn một phần tư thế kỷ hành đạo Ngài an tường viên tịch ngày mùng 5 tháng Chạp năm Canh Dần (1950). Trụ thế 55 năm, hạ lạp 29 năm. Môn đồ lập tháp tôn trí tại khuôn viên Chùa Phụng Sơn, Ninh Hưng, Ninh Hòa.
Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa Ân sư muôn kiếp khó đáp đền
Bia Tháp Tổ Khai sơn chùa Phụng Sơn Ninh Hòa
Chánh điện chùa Phụng Sơn – ngày Giỗ Tổ Khai sơn
Đệ tử Trí Bửu – Khể thủ tưởng niệm Húy nhật lần thứ 65 Tổ Nhơn Sanh (05/12/Canh Dần-1950 – 05/12/Giáp Ngọ-2014.