Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Kiến trúc Phật giáo Champa ở Bắc Tây Nguyên: Dấu ấn ngàn...

Kiến trúc Phật giáo Champa ở Bắc Tây Nguyên: Dấu ấn ngàn năm

Từ hơn ngàn năm trước, Tây Nguyên-vùng đất mà nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes gọi là Champa-Thượng (Le Haut Champa) từng tồn tại, chịu ảnh hưởng của văn hóa Champa và để lại nhiều dấu ấn, trong đó nổi bật là di tích An Phú thuộc thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku.

5

Di tích An Phú với các đặc điểm mang đậm nét Phật giáo Champa từ khoảng thế kỷ IX-X. Di tích này được biết đến từ đầu thế kỷ XX bởi những thông tin mô tả về kiến trúc đền tháp bị sụp đổ của các linh mục, học giả người Pháp. Sau năm 1975, khu vực này tiếp tục bị đào lấy gạch, lấy đất làm đường cũng như bị những người săn tìm cổ vật đào bới trước khi được lấp đất tái tạo mặt bằng để trồng hoa màu như ngày nay.

Năm 2023 và 2024, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Khảo cổ (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) và các chuyên gia nghiên cứu văn hóa Champa tiến hành thăm dò, khai quật và xác định nhiều dấu tích quan trọng về một kiến trúc mang dấu ấn Phật giáo Champa.

Kết quả khai quật đã làm xuất lộ toàn bộ phần còn lại của di tích gồm vòng tường bao và kiến trúc chính ở trung tâm. Vòng tường bao được xác định các cạnh ở phía Bắc, Tây và Nam. Riêng cạnh phía Đông đã bị phá hủy gần như toàn bộ. Cấu trúc các cạnh khá thống nhất với đặc điểm ở khoảng giữa các cạnh tường bao được làm bẻ góc vuông nhô ra ngoài 1,2-1,3 m và dài khoảng 7 m, thẳng tâm với các trục theo hướng chính của kiến trúc trung tâm. Nền móng tường bao được kè một lớp đá bazan có kích thước khoảng 0,15×0,2×0,6 m xếp dày kết hợp với cát thô nện chặt tạo thành mặt tương đối bằng phẳng. Chiều rộng của nền móng tường bao khoảng 1,4-1,45 m. Các viên gạch có kích thước khoảng 40x20x7 cm được xếp lên trên móng đá tương ứng với diện tích nền móng.

Vị trí còn lại nguyên dạng nhất của vòng tường bao là khu vực góc Tây-Nam còn lại từ 5 đến 7 lớp gạch, thể hiện được khá rõ đặc điểm cấu trúc chân tường, từ dưới lên có 2 tầng, tầng trên giật cấp vào so với tầng dưới. Như vậy, về cơ bản, đặc điểm cấu trúc nền móng tường bao đã được xác định rõ vòng tường bao có bình diện hình vuông với chiều dài mỗi cạnh khoảng 32-33 m, chiều rộng của cạnh khoảng 1,4-1,45 m.

Ở khu vực trung tâm, nền móng kiến trúc chính thấp hơn nền móng tường bao khoảng 0,6 m, chỉ còn lại 2 lớp đá ngăn cách và liên kết với nhau qua một lớp đất nện dày, cứng. Lớp đá phía dưới với kích thước những viên đá nhỏ hơn, xen lẫn nhiều cát thô, được xếp tạo hình bẻ góc vuông.

Cấu trúc nền móng đá của kiến trúc trung tâm được xác định có quy mô hình vuông, khoảng 7 m mỗi cạnh. Quy chiếu với tường bao cho thấy, kích thước mỗi cạnh kiến trúc trung tâm tương đồng với kích thước các đoạn bẻ góc vuông nhô ra ngoài ở tường bao phản ánh quy ước “đồng trục, đồng tâm” trong kiến trúc Champa.

2.jpg
Nhà Nghiên cứu Champa Trần Kỳ Phương (phải) và TS. Nguyễn Quốc Mạnh (giữa) thảo luận về 2 hiện vật liên quan đến di tích An Phú trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Xuân Toản

Việc phát hiện kho thiêng tại di tích An Phú là một trong những phát hiện nổi bật, mang ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu văn hóa Champa ở Tây Nguyên nói riêng, cả nước và khu vực Đông Nam Á nói chung. Kho thiêng là phần cấu trúc nằm bên dưới nền móng kiến trúc chính, cấu trúc đặc biệt này là một trong những cấu phần quan trọng nhất của một kiến trúc đền thờ, được thực hiện các bước nghi lễ-nghi thức quan trọng khi bắt đầu tạo dựng nên ngôi đền.

Trung tâm của kho thiêng là nơi đặt cấu trúc hình chữ “vạn” được xếp ở giữa trên mặt đáy bằng 8 viên gạch, trên bề mặt lớp gạch đặt các lá vàng nhỏ hình chữ nhật có khắc ký tự cổ. Trung tâm của cấu trúc 8 viên gạch có một viên gạch nhỏ, trên đó đặt một đóa hoa 8 cánh và một chiếc bình nhỏ bằng vàng; bên dưới có một ngăn nhỏ được đậy kín bởi một lá vàng hình chữ nhật (10×5,5×0,01 cm) có khắc ký tự cổ; bên trong ngăn nhỏ này có đặt hàng chục hiện vật bằng thủy tinh, đá quý nhiều màu sắc khác nhau, ngoài ra còn có 1 mảnh vàng nhỏ.

Theo các nhà nghiên cứu thì cấu trúc trung tâm hố thiêng với 8 viên gạch được xây dựng theo quy chuẩn được quy định trong kinh sách của Ấn Độ bằng tiếng Sanskrit.

Trong quá trình điều tra, khảo cứu, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm 2 khối đá được cho là kết cấu của một bệ thờ gồm 3 khối đá. Khối đá còn lại đang lưu giữ tại nhà bà Lương Thị Yến (thôn 4, xã An Phú) với điểm nổi bật là có vòi và rãnh dẫn nước, dấu khớp gắn tượng trên mặt giống với 2 bàn chân, bên dưới là lỗ chốt.

Các thông số trên 3 khối đá này khá khớp khi chúng được xếp chồng lên nhau. Điều này tương đồng với những thông tin được H. Maspéro mô tả chi tiết vào năm 1919. Do đó, nhiều khả năng hiện vật này chính là “chậu thánh tẩy” (chậu tẩy thể) đã được nhắc đến và trên đó được gắn một tượng Phật bằng đồng có 2 bàn chân với các ngón chân dài bằng nhau.

3.jpg
Bình Kamandalu đặt trên đóa hoa 8 cánh – pháp khí của thần Brahma. Ảnh: Xuân Toản

Đặc biệt, nhóm hiện vật là vật ký cúng phát hiện ở trung tâm, đáng chú ý là mảnh vàng đậy ngăn/hộc nhỏ ở trung tâm của kho thiêng được tạo hình chữ nhật có khắc ký tự cổ Sanskrit, nội dung đề cập đến bài kệ “Duyên khởi” của Phật giáo; chiếc bình Kamandalu đặt trên đóa hoa 8 cánh bằng vàng là pháp khí của thần Brahma và hàng chục hiện vật bằng thủy tinh, đá quý gồm: mặt nhẫn, mặt có xỏ dây đeo, hạt chuỗi chứa trong ngăn nhỏ ở đáy trung tâm hố thiêng đều mang đậm dấu ấn nghi lễ tôn giáo ở Ấn Độ.

4.jpg
Hiện vật bằng thủy tinh, đá quý tại di tích An Phú. Ảnh: Xuân Toản

Như vậy, di tích An Phú được xác định gồm 1 đền thờ chính ở trung tâm quy mô kiến trúc rộng khoảng 7 m mỗi cạnh và vòng tường bao quanh quy mô khoảng 32-33 m có cấu trúc xây nhô ra ngoài ở giữa các cạnh đồng trục và đồng tâm với kiến trúc trung tâm, tạo nên một tổng thể kiến trúc thống nhất với nhau. Kho thiêng với cấu trúc hình chữ “vạn” được xếp bằng gạch cùng các vật ký cúng phản ánh nội dung Phật giáo rất rõ nét. Đây là một trong những tư liệu đầu tiên và đầy đủ nhất về nghi lễ đặt viên gạch đầu tiên, bao gồm các bước khác nhau nhằm linh thiêng hóa cho vùng đất-nơi được chọn để xây dựng lên ngôi đền thờ mang đậm dấu ấn nghi lễ tôn giáo có nguồn gốc Ấn Độ.

Từ các minh chứng trên cho thấy, di tích An Phú mang những yếu tố đặc trưng của Phật giáo, vốn đã từng phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần cư dân Champa trên vùng đất này. Về niên đại của di tích An Phú được xây dựng khoảng thế kỷ IX-X.

Có thể nói, sự ảnh hưởng của Phật giáo Champa vào Bắc Tây Nguyên là rất sớm. Nội dung của các ký tự khắc trên phù điêu Phật cũng như lá vàng tại di tích An Phú đều đề cập đến bài kệ “Duyên khởi”.

Hơn ngàn năm trước, Phật giáo gần như trở thành tôn giáo chính của vương triều Indrapura và vươn tầm ảnh hưởng lên đến Tây Nguyên ngày nay, mà phù điêu Phật ở Bảo tàng Gia Lai, bia Kon Klor ở Kon Tum, tượng Liên hoa thủ Bồ tát-Padmapani Lokesvara tại chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh) và đặc biệt là di tích An Phú đã chứng minh điều đó.