Trang chủ Văn học Tùy bút Những ngọn lá theo thời gian tồn tại

Những ngọn lá theo thời gian tồn tại

78

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”…


Màu ngọc trúc trong thơ Hàn Mặc Tử sẽ còn xanh biếc đến muôn đời… Vâng, “ngọc trúc” theo cách gọi của tổ tiên người Huế. “Màu nền” nguyên sơ của những khu vườn – hiếm hoi dần theo nhịp sống xô bồ – vẫn phần nào còn lưu dấu đến ngày nay.


Trong quán tính thưởng ngoạn đơn giản của người đời, biên giới giữa hoa và lá tưởng như không phải cần phân biệt. Rất lắm khi, “hoa lá” đã trở thành chung nhất. Lá, khiêm tốn nhường cho hoa mọi ưu ái nâng niu và ngợi ca huyền thoại… Những huyền thoại chỉ để dành múa bút làm văn, lắm khi vượt xa ngoài thực tiễn.


“Miếng trầu là đầu câu chuyện”


Có thể nói, vườn Huế truyền thống không thể thiếu dáng đứng của dăm ba ngọn cau và một đôi khóm trầu xanh ẩn khuất. Mọi nghi lễ cổ truyền đòi hỏi sự hiện diện của những ngọn lá nồng nàn kia. Hoa có thể thiếu vắng hoặc tuỳ tiện, bất kỳ.


Nhưng ngược lại, trầu và cau – một mâm trầu, phẩm vật tối thiểu đủ để hai gia đình từ chỗ xa lạ nhau trở thành cật ruột, thông gia. Đấy là lúc sự tồn tại mọi loài hoa, dù cao sang đến đâu cũng cầm bằng vô vị. Lá – thật bất ngờ – trở thành giá trị của ấn chứng tối cao không gì thay thế nổi. Những ngọn lá trầu đơn sơ ấy đã ấn chứng cho biết bao giềng mối tình thân trong cộng đồng xã hội…


Điển tích “trầu cau” từ ngàn xưa khiến những ngọn lá dường như tầm thường ấy – như một thông điệp bất thành văn – lưu giữ mãi bài học cổ điển suốt mấy ngàn năm chưa dễ đã phai nhoà. Bài học làm người luôn được “nhẩm lại” trên cửa miệng người đời khi giao tiếp cùng nhau: đạo nghĩa.


“Dĩ thực vi tiên”. Lấy ăn làm đầu ư? Câu chữ xưa để lại vẫn còn đây song có khi, ta chưa hẳn đã đi sâu vào thâm ý của tiền nhân. Khi “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì lời khuyên “Dĩ thực vi tiên” kia bỗng nhiên thành sâu sắc…


Ăn miếng trầu và mời nhau thứ phẩm vật đơn sơ ấy chắc hẳn không phải để no lòng. Đấy là cách tỏ bày thuận thảo, hoà đồng một cách lặng thầm và đơn giản. Thông điệp bình dân đề cao đạo nghĩa và thuỷ chung như nhất. Sự sẵn sàng cho những mối chân tình trao gởi, sẻ chia…


Phải chăng? Để thật sự “Cái ăn làm đầu” ấy được tựu thành mặt ý nghĩa sâu xa, tưởng không dễ trong cuộc sống đa đoan đầy phức tạp. Từ đó, nghĩa lý “ăn” đã không còn dung tục, hẹp hòi…


Để biết “têm, gói” đúng nghĩa một miếng trầu, người xưa còn nghiêm túc bảo nhau “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Vâng, cái học về đạo nghĩa, ân tình thật mênh mông chẳng ai tự cho mình đã tinh thông, hoàn mãn.


Lá bồ đề


Những gốc cây cổ thụ ẩn mình bên biết bao mái chùa rêu phong xứ Huế. Có ai đứng thật lâu dưới một tán lá đặc biệt kia nghe muôn chim ríu rít? Đấy cũng là lúc thực sự thấy cõi lòng đầy thanh thản, bình an. Không tán lá nào xanh, đẹp đầy đặn như tán lá bồ đề. Cảm nhận thật nhiều, ta mới nhận ra rằng dẫu với biết bao hoa kiềng đi nữa thì không gian vườn chùa vẫn không thể thiếu một gốc bồ đề cổ thụ.


Nhà thiền chuyên giải trừ thanh, hương, vị… đem chúng sinh thoát ra khỏi quấy nhiễu của căn trần, phiền não. Bồ đề, không hương hoa và là loài cây từng được Bậc Đại giác chọn làm nơi gần gũi.


Những ngọn lá kỳ lạ, không khác hình quả tim mang ấn tượng siêu thoát từ hơn 25 thế kỷ đến ngày nay. “Tâm bồ đề”. Sự tôn quý không biểu hiện qua hương hoa rực rỡ. Những ngọn lá tượng trưng thanh tịnh và đức từ bi bát ngát. Hình ảnh nhà sư thong thả quét lá cội bồ đề bên triền đồi, dốc núi từ lâu đã nằm trong tiềm thức của Huế…


Liên diệp. Lá sen…


Hồ Tịnh Tâm trong Thành Nội vào những tháng mùa hè, khi hoa đã biến thành từng đài gương đơm hạt. Lá sen bây giờ không non màu như trong tháng giêng, hai. Lá sen già, đẹp thứ màu sắc chỉ tìm ra trên nước men xưa, đồ cổ… Nhạt và bóng mịn hơn sắc “vỏ cua” nhưng đậm và nhuận trơn hơn màu xanh “lá mạ”. Đấy là thứ màu xanh “lục hà” hơi đậm, cho cảm giác hiền hoà, hết sức an nhiên.


Một ngọn gió lướt qua hồ, phả vào tận linh hồn ta hơi mát đẫm đầy hương vị từng ngọn lá sen kia… Thứ cảm giác chưa từng nghe diễn tả nên lời. Ta chợt hiểu, vì sao các bậc đế vương trước đây rời hoàng cung để lặng lẽ đến đây, tìm ổn định tâm hồn? Vâng, hoa chỉ nở định kỳ nhưng sắc “lục hà” lá sen không mấy khi thiếu vắng nơi này.


Những chiếc lá sen tròn, to “ngưỡng nhiên” đọng lại không ít những hạt sương tinh khiết của đêm trường. Dưới nước, trên trời. Một chòi nhỏ nhô lên giữa ngàn sen và chiếc ghe nan thả lững mặt hồ… Lão già canh hồ với ngọn đèn và bếp dầu leo lét trong sương. Đun trà bằng thứ nước được thu gom từ những chiếc lá “ngưỡng thiên” kia, người độc ẩm giữa trăng sao khi bình minh vẫn còn chưa hé lộ.


Không một ngọn lá nào như sen, đủ lớn để tự gói lấy những bông hoa chính nó. Người ta ngắt hoa, thêm ngọn lá úp xuống và rồi buộc túm lại tất cả bằng lạt tre chuốt nhỏ. Chục hoa cúng Phật đã sẵn sàng cho quý khách ghé qua…


Gần gũi hơn hết, phải chăng là lá chuối trong vườn.


Bao nhiêu hình ảnh quê hương là cũng bấy nhiêu lần sắc lá kia ẩn hiện… “Gió lay bụi chuối sau hè/ Mẹ già tựa cửa nghe ve kêu sầu”. Người phụ nữ Huế đi làm dâu xứ người, trọn một đời tận tuỵ chồng con. Để rồi trong cuộc sống ngô khoai, dẫu có lúc “Cắn tàu lá chuối che mưa/ Hai ta có cực cũng chưa ướt đầu”. Quả thực không còn lời khuyến khích, động viên nào cụ thẻ mà thiết tha yêu thương hơn thế…


Khi Tết đến Xuân về cũng là lúc những tàu lá chuối được bàn tay người phụ nữ công phu gom góp khắp vườn. Lá bồ ngót giã nhừ, chắt lấy nước màu xanh, dịu và đượm mùi vườn tược…Gạo nếp thơm đem nhuộm.


Đêm trừ tịch, những đòn bánh cổ truyền dân tộc và ánh lửa lung linh khắp mọi nhà, đây đó… Phải chăng? Khi khai mở chính thứ lá ấy vào giờ phút thiêng liêng, đầy cảm xúc Xuân về. Những đòn bánh mang quá nhiều ý nghĩa thân thương… Từ mỗi hạt nếp thơm tho cho đến tàu lá chuối trong vườn.


Phải chăng? Duy nhất những tàu lá chuối mộc mạc hiền lành ấy mới là thứ lá ta tiếp xúc đến hai lần… Kết thúc năm cũ và ngay cả khi bắt đầu một năm mới an lành, thịnh vượng. Ngọn lá ấy trao gửi đến mọi nhà lời chúc xuân thầm lặng: Có trước, có sau “thuỷ chung như nhất”.