Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Trang nghiêm Khóa tu Tịnh Độ tại chùa Bằng

Hà Nội: Trang nghiêm Khóa tu Tịnh Độ tại chùa Bằng

Hướng lòng thành kính về ngày vía Đức Phật A Di Đà, ngày 14 tháng 12 năm 2024, nhằm ngày 14 tháng 11 năm Giáp Thìn, tại chùa Bằng - Linh Tiên Tự (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã diễn ra khóa tu Tịnh Độ trong hai ngày với sự tham dự của đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.

4

Đúng 7h30′ sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN đã làm lễ niêm hương bạch Phật và đăng đàn truyền giới cho các hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.

Sau đó, toàn thể hội chúng đã trang nghiêm chắp tay búp sen cung đón Hòa thượng Thích Huệ Phước – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó Trưởng Ban thường trực Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế quang lâm và có thời pháp thoại về “Ý nghĩa của pháp môn Tịnh Độ”.

Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng nhắc nhở Phật tử phải nhất tâm giữ giới trọn vẹn trong ngày tu Bát Quan Trai này, bởi đây là tư lương, và là điều kiện cần thiết để hành giả đi vào cảnh giới an lạc, hạnh phúc.

Được biết, Đạo tràng Pháp Hoa đang bước vào mùa tu Gia Hạnh Phổ Hiền từ ngày vía Đức Phật A Di Đà đản sinh đến ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo (17/11 ÂL – 8/12 ÂL). Đây là thời điểm nhắc nhở cho hàng đệ tử của Đức Phật nói chung và hành giả Pháp Hoa nói riêng dành thời gian để quán chiếu lại trong một năm qua, việc tu tập đã thăng tiến hay thoái lui; đặc biệt là tuệ giác của mỗi hành giả tăng trưởng như thế nào. Từ đó, mỗi người ý thức hơn về việc tinh tấn dần lên qua mỗi ngày để đạt được kết quả tốt đẹp trong tu học.

Hướng về ngày vía Đức Phật A Di Đà đản sinh, Hòa thượng Giảng sư đã chia sẻ tới hàng Phật tử về ý nghĩa của Pháp môn Tịnh Độ qua việc dẫn chứng thực tế của một số bản kinh nói về Tịnh Độ như Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà.

“Tịnh Độ có nghĩa là Tây Phương, là cảnh giới mà Đức Phật A Di Đà đang làm Giáo chủ. Khác với Tịnh Độ của Đức Phật Dược Sư hay là các Tịnh Độ khác của mười phương chư Phật. Khi chúng ta chuyên tâm tu tập thì nơi đó chính là Tịnh Độ. A Di Đà là vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức. Đó là trí tuệ, thọ mạng và tu tập phúc đức. Đức Phật A Di Đà tiền thân là một vị Tỳ kheo tên là Pháp Tạng đã phát 48 lời nguyện để thành cảnh giới A Di Đà, cảnh giới Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta tu tập pháp môn Tịnh Độ thì tư lương chính là Tín – Hạnh – Nguyện, có nghĩa là sống đúng và thực hành theo niềm tin, bản nguyện đó. Đây là điều kiện để trở về cảnh giới Tây Phương Tịnh Độ” – Hòa thượng chia sẻ.

Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, có ba yếu tố quan trọng cần lưu ý: Thứ nhất là phải chu toàn bổn phận làm cha mẹ, làm con cháu… mỗi người cần phải chu toàn bổn phận của mình tương ứng với vai trò của mỗi người trong gia đình, xã hội. Thứ 2 là thọ trì Tam quy – Ngũ giới. Thứ 3 là tu tập Tứ Diệu Đế, đọc kinh Đại thừa để mở tâm với tất cả muôn loài chúng sinh. Bên cạnh đó, trong kinh lưu ý về 16 phép quán.

Riêng Kinh A Di Đà không ai hỏi Đức Phật, cũng không có nguyên do gì. Chỉ bởi thời cơ đã đến nên Đức Phật đã thuyết bản Kinh này, nhằm giúp cho chúng sinh được về cảnh giới tốt đẹp hơn, thoát khỏi khổ não. Hòa thượng chia sẻ sự đẹp đẽ của thế giới Tây Phương Cực Lạc được miêu tả trong Kinh điển, từ đó nhắc nhở người Phật tử hãy xây dựng Tịnh độ ngay tại thế giới này bằng cách thân cận Thầy hiền, bạn tốt và tu tập theo lời Đức Phật dạy.

Sau đó, Hòa thượng cũng nhấn mạnh 3 điểm người Phật tử tu Tịnh Độ cần phải thực hành, đó là: Tâm thanh tịnh, Tâm vô nhiễm, và đặc biệt là Niềm Tin chí thành, chí kính. Qua đây, mỗi hành giả cần nhìn lại hành động, việc làm, suy nghĩ trong đời sống và quán chiếu xem có sự hiện diện của 3 tâm này hay không. Hòa thượng Giảng sư chỉ dạy Pháp môn Tịnh Độ là pháp hành, không phải pháp học.

Cuối cùng, Hòa thượng chia sẻ điểm quan trọng nhất của Tịnh Độ. Tịnh Độ là thế giới của bản nguyện, chính là 48 lời nguyện căn bản của Pháp Tạng Tỳ kheo. Lấy Bồ Đề tâm, Bồ Đề Hạnh, Bồ Đề nguyện làm chính.

Bồ Đề Tâm chính là Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Trong Bồ đề Tâm có 5 điểm quan trọng là Tuệ tâm (tức là tâm trong sáng), Thanh tịnh tâm, Đại tâm (tâm không phân biệt), Chân tâm (tâm chân thật), Từ bi tâm. Bồ đề nguyện là từ bồ đề tâm trên và phát khởi tinh thần này rộng hơn ra để hóa độ chúng sinh. Bồ đề hạnh là hướng dẫn cho mọi người xung quanh, toàn thể chúng sinh tạo thành cảnh giới Tịnh độ.

Qua những chia sẻ trên, Hòa thượng nhấn mạnh Tịnh độ chính là việc chuyển hóa, để chúng ta chuyển hóa lên cảnh giới cao hơn, tốt đẹp hơn. Muốn làm được việc lớn, lợi ích cho nhiều người thì cần chuyển hóa tâm ích kỷ trở thành tâm bao dung. Niệm Phật để nhắc nhở hành giả khắc ghi việc nỗ lực trở thành một con người tốt hơn, thanh cao hơn, thiết thực hơn. Lý tưởng cao đẹp của Pháp môn Tịnh độ chính là để hóa độ chúng sinh, trước hết là cứu mình, sau cứu người, chuyển hóa mình và chuyển hóa xã hội.

Trong hai ngày tu tập này, đại chúng nhất tâm trì tụng Kinh A Di Đà, dưới sự chủ lễ của chư Tôn đức Tăng bản tự, thành kính cầu nguyện sự an lạc, yên vui trong cuộc sống và hòa bình cho tất cả chúng sinh.

Chiều ngày 15/12, trước khi khép lại Khóa tu Tịnh Độ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trụ trì chùa Bằng cũng có thời pháp thoại chia sẻ tới đại chúng.

Trước tiên, Hòa thượng đã tán thán và động viên tinh thần tu tập vô cùng trang nghiêm tinh tấn của Đạo tràng Pháp Hoa, không chỉ trong ngày tu này, mà trong suốt thời gian qua, thể hiện qua chất lượng tu học cũng như số lượng người tham gia Đạo tràng.

Nhân đây, Hòa thượng cũng chia sẻ tới đại chúng về những lời Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN đã chỉ dạy Hòa thượng trong chuyến Phật sự tại thành phố Hồ Chí Minh vào sáng nay.

Theo đó, Đức Pháp Chủ – Bậc Ân sư tôn kính của Đạo tràng Pháp Hoa đã chỉ dạy mỗi hành giả cần ghi nhớ: Mùa tu Gia Hạnh Phổ Hiền là mùa tu miên mật nhất, quan trọng nhất của người Phật tử bao gồm cả xuất gia và tại gia. Bởi vì, theo hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, trong 21 ngày “nếu ai mà tu miên mật, cẩn thận thì sẽ được gặp Phật. Nếu chưa gặp được Phật thì cũng được gặp Bồ Tát”. Bản thân Ngài và đại chúng cũng tu miên mật, và hôm nay đạo tràng Pháp Hoa toàn quốc cũng bắt đầu bước vào mùa tu miên mật.

Tiếp đến, Hòa thượng Trụ trì cũng đã giảng giải cho đại chúng về 10 hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, bao gồm:

– Nhất giả lễ kính chư Phật: Lễ Phật không phải để cầu danh, lễ Phật là bày tỏ lòng thành kính, niệm ân đức của Phật. Lễ Phật để trừ ngã mạn, tẩy đi tam độc tham sân si, lễ Phật để nguyện học theo Phật phụng sự chúng sinh.

– Nhị giả xưng tán Như Lai: Xưng tán, khen ngợi công đức của Như Lai. Như Lai có 3 thân bao gồm Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân. Hóa thân của Phật làm việc Phật, theo tư tưởng này, Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN cũng đã hướng cho Phật tử đạo tràng Pháp Hoa trở thành người hoằng pháp viên để gieo hạt giống Bồ đề rộng khắp nhân gian.

– Tam giả quảng tu cúng dàng: Cúng dàng có 2 nghĩa, tục đế và chân đế. Tục nghĩa là những việc như hỗ trợ Tăng ni, xây dựng chùa chiền, các công việc từ thiện giúp đỡ nhân dân. Cúng dàng chân đế là phụng sự chúng sinh, làm tất cả mọi việc. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Tôn giả A Nan đã có câu nói “Tương thử thâm tâm phụng trần sát, Thị tắc danh vi báo Phật ân.” Đại sư Tinh Vân cũng có câu “Trước khi thành rồng voi nơi cửa Phật, phải nguyện làm trâu ngựa cho chúng sinh”. Có nghĩa rằng, muốn làm người Phật tử chân chính thì phải có tâm phụng sự tha nhân, mang thân mình phục vụ tất cả mọi người thì đó là báo ân Phật.

– Tứ giả sám hối nghiệp chướng: Chúng ta còn trong vòng sinh tử, đã tạo ra nhiều nghiệp chướng. Sám hối 3 tội của thân, 4 tội của miệng, 3 tội của tâm. Ăn năn tội lỗi và hứa không tái phạm nữa.

– Ngũ giả tùy hỷ công đức: Hoan hỷ tán thán thiện pháp, công đức của hết thảy chư Phật, bao gồm hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Tùy hỷ với tất cả với sự tu tập và việc làm tốt đẹp của mọi người.

– Lục giả thỉnh Chuyển Pháp Luân: Cầu và có những hành động thiết thực để cho Phật Pháp luôn luôn được trường tồn, giáo pháp được tuyên dương. Phật tử phải nghe pháp để tăng trưởng trí tuệ, tụng kinh bái sám để tăng phúc đức.

– Thất giả thỉnh Phật trụ thế: Chúng ta phải thỉnh Phật trụ thế bằng chính việc tu tập để hiển lộ Phật tính, tuyên dương chính pháp của Đức Phật vì lợi ích của chúng sinh. Khi pháp Phật lan truyền thì đạo còn và Phật vẫn còn ở với chúng ta. Khi Phật pháp suy tàn, không còn ai nhắc nhở tới nữa thì đạo diệt và Phật cũng không còn.

– Bát giả thường tùy Phật học: Theo Phật, học Phật. Đạo Phật là đạo Trí Tuệ nên phải học. Chúng ta nên nghe bài giảng của đức Tôn Sư và các vị giảng sư, từ đó thể hiện những gì thấm nhuần từ những lời Đức Phật dạy qua chính bản thân mình.

– Cửu giả tùy thuận chúng sinh: Bồ tát tu cũng từ chúng sinh đi lên thành Chính Giác, nhưng cũng từ Chính Giác mà trở lại hữu tình. Cho nên hàng Bồ tát tu theo Phật phải nương theo tham – dục của chúng sinh để giáo hóa chúng sinh, luôn luôn phụng sự chúng sinh.

– Thập giả phổ giai hồi hướng: Hồi hướng về vô thượng Bồ đề, hồi hướng cho pháp giới chúng sinh. Hồi hướng về khắp tất cả là chuyển sự thành công của mình với lòng biết ơn tới tất cả mọi người. Hồi hướng về khắp tất cả là xả bỏ cái Ngã, là khiêm tốn, là chia sẻ niềm vui với tất cả mọi người. Hồi hướng về khắp tất cả là một hạnh vô cùng cao thượng của Phật Giáo.

Kết thúc thời pháp thoại, khép lại khóa tu Tịnh Độ, Hòa thượng sách tấn đại chúng cần nỗ lực tu học, cố gắng nghiền ngẫm để hiểu được 10 nguyện Phổ Hiền này thì việc tu tập mới đạt được thành tựu.

Diệu Tường