Bulguksa, ngôi chùa lớn nhất Hàn Quốc được xây dựng năm 528 vào lúc triều đại Silla, năm thứ 15 vua Beop-heung trị vì (514-540). Khi đó, chùa có tên là Hwaeom Bulguksa hay Beopryusa. Năm 751, dưới thời Vua Gyeong-deok, Kim Dae-seong bắt đầu tái thiết lại ngôi chùa và hoàn thành năm 774, dưới thời vua Hye-gong.
Sau 17 năm xây dựng, cuối cùng ngôi chùa được mang tên Bulguksa như hiện nay.Tên gọi Bukgulsa được duy trì qua vô số lần tu sửa từ triều đại Goryeo (918-1392) cho đến triều đại Joseon (1392-1910).
Trong thời chiến tranh Imjinwaeran (chiến tranh do Nhật xâm lấn từ 1592-1598), ngôi chùa gỗ đã bị cháy rụi, 819 năm sau thời gian đầu xây dựng.Từ năm 1604, trong triều đại Joseon – vua Seon-jo năm thứ 37, ngôi chùa được tái thiết lại lần nữa và tu sửa khoảng 40 lần cho đến tận năm 1805, dưới triều đại vua Sun-jo (1790-1834). Nhưng sau đó ngôi chùa vẫn phải trải qua nhiều lần hư hại và cướp bóc.
Năm 1969, Hội đồng trùng tu Bulguksa tự được thành lập và Mulseoljeon, Gwaneumjeon, Birojeon, Gyeongru và Hoerang – những khu đất mà ngôi chùa gốc tồn tại đã được tái dựng năm 1973. Những khu vực cũ hay hư hại như Daewungjeon, Geukrakjeon và Beommyeongru, Jahamun được tu sửa lại. Chùa Bulguksa ngày nay có rất nhiều di chỉ văn hóa được bảo tồn, như Dabo-tap – Quốc bảo số 20, Sukga-tap – Quốc bảo số 21, Yeonhwa-gyo Chilbo-gyo – Quốc bảo số 22, Tượng Phật thiền định bằng vàng – Quốc bảo số 26… cùng nhiều quốc bảo khác.
Dabo-tap hay còn gọi là Tháp Đại Bảo và Seokga-tap (Tháp Thích Ca Mâu Ni) được tấn phong Quốc Bảo Hàn Quốc năm 1962, hai ngôi bảo tháp có diện tích 10,4 mét và 8,2 mét, đứng trên sân phía Đông và sân phía Tây chia cắt Daeungjeon (Đền thờ tượng Phật Thích ca) và Jahamun.
Tháp Seokga-tap nằm phía Đông gồm 3 tầng, có hai nền nhà và xây theo phong cách truyền thống xứ Hàn. Dabo-tap là ngôi tháp bát giác đứng trên chân đế chữ thập với hai cầu thang đá ở tất cả 4 phía và một rào chắn. Công trình này được chạm khắc khéo đến nỗi thật khó tưởng tượng tất cả đều làm bằng đá. Không như Seokga-tap, Dabo-tap tồn tại vượt thời gian, tất cả đều còn nguyên vẹn không hề sứt mẻ. Cả hai đều là những hình mẫu tuyệt vời cho kiến trúc của Shilla thế kỷ 8 với cấu trúc vuông cân bằng, bát giác và tròn vào cùng trong một thiết kế.
Giữa hai chánh điện phục vụ cho việc cầu kinh Daeungjeon và Geungnakjeon, du khách băng qua Cheongungyo (Thanh Vân Kiều) và Baejungyo (Bạch Vân Kiều) đến phía Đông, và Yeonhwayo (Liên Hoa Kiều) và Chilbogyo (Thất Bảo Kiều) đến phía Tây. Cheongungyo và Baejungyo thật ra là hai cầu thang, không phải cầu. Phần thấp nhất, Cheongungyo, có 17 bậc thang và phần cao hơn là Baegungyo có 16 bậc. Những bậc thang này dẫn đến Jahamun – cổng dẫn đến Daeungjeon – Điện thờ Thích Ca Mâu Ni Phật. Những cầu thang giống như những cây cầu này tượng trưng cho sự kết nối giữa thế giới trần tục bên dưới và Phật giới bên trên. Có một số ý kiến cho rằng, những cầu thang này tượng trưng cho cuộc sống của một thanh niên và một lão già. Những cầu thang được xây dựng theo hình dáng cây cầu rất độc đáo, và những quốc bảo này là những công trình duy nhất còn nguyên vẹn từ thời đại Shilla đến nay.
Ở phía Tây, cầu thang đá 18 bậc dẫn đến Anyangmun. Phần thấp 10 bậc của cầu thang này là Yeonhwagyo, còn phần cao hơn có 8 bậc gọi là Chilbogyo.Tương truyền rằng chỉ có những ai thật sự giác ngộ mới có thể đặt chân lên những bậc thang này.Cả hai công trình này đều nhỏ hơn Cheongungyo và Baegungyo nhưng kiểu mẫu và kết cấu khá tương đồng. Phần lớn những hình khắc hoa sen nở tô điểm Yeonghwagyo đã phai nhạt theo thời gian, lối đi này hiện nay cũng hạn chế du khách vào tham quan.
Ngay trước Cheongungyo và Baegungyo là Beomyeongnu – Ngôi đình trên núi Meru. Được xây dựng từ năm 751, ngôi đình này đã thiệt hại hoàn toàn năm 1593 trong thời gian chiến tranh Nhật Bản và được tu bổ lại 2 lần vào thời kỳ Joseon. Ngôi đình có phần phía dưới rộng lớn, phần chính giữa là những cột đá hẹp và phần trên rộng bằng phần dưới thấp. Điểm độc đáo nhất của Beomyeongnu là những cột đá sử dụng 8 hình dạng đá khác nhau, được sắp xếp đối mặt nhau từ 4 hướng.
Du khách có thể đến tham quan chùa để cảm nhận được sự yên bình, rời xa mọi lo toan của cuộc sống hàng ngày và còn là dịp để khám phá, chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo với những nền văn hóa khác nhau qua thời gian của Hàn Quốc.