Vị bác sĩ lắc đầu: “Đứa trẻ này dị tật hiếm gặp, thầy nuôi được tới chừng nào hay chừng đó”. Sư thầy mất ngủ mấy đêm liền, hễ nhắm mắt là thấy hình ảnh con bé đỏ hỏn đang ngoi ngóp thở, đòi được sống. Ông quyết định cố nuôi nấng chăm sóc đứa trẻ bất hạnh.
Đã 6 năm từ buổi chiều năm 2008 đó, bé Lê Thị Minh Ngân giờ đã 6 tuổi, bước vào lớp 1, bắt đầu hành trình đi tìm những con chữ đầu tiên cho mình. Em tập đếm nhưng chỉ được từ một đến 10, viết nguệch ngoạc những con chữ vỡ lòng. Ngân ham học, ham đến trường bất chấp ánh nhìn xa lánh và sợ sệt của bạn bè, thầy cô, người lạ. Đằng sau khuôn mặt dị tật là tâm hồn trẻ con vui tươi, trong sáng và khát khao được đến trường.
Ngân hào hứng tham gia các trò chơi ngày Giáng sinh do một nhóm từ thiện tổ chức tại trung tâm. Ảnh: Khánh Ly. |
Ngân không biết quê hương hay đấng sinh thành, chùa Cẩm Phong và nay là Trung tâm bảo trợ trẻ em Mây Ngàn là gia đình, là tất cả những gì cô bé có trong cuộc sống này. Ở đây Ngân có các anh chị em không máu mủ ruột rà nhưng gắn bó, cùng đi học, cùng chơi và sẻ chia những bữa ăn đạm bạc mà nghĩa tình.
Một buổi trưa nắng nóng ở Tây Ninh, hình ảnh Ngân trên vai người phụ nữ đến làm công tác từ thiện đã được nhiếp ảnh gia Huỳnh Lê Tuấn chụp lại. Bức ảnh sau đó được gửi tham gia Cuộc thi Ảnh nghệ thuật VnExpress 2014 và nhận được sự đồng cảm của nhiều người xem.
Bức ảnh “Hơi ấm tâm hồn” của tác giả Huỳnh Lê Tuấn lay động nhiều trái tim độc giả VnExpress. |
Ngân là một trong vô vàn em nhỏ ở ngôi chùa này, nơi hình thành Trung tâm bảo trợ trẻ em Mây Ngàn. Cha đẻ của nơi cưu mang 140 cụ già, 68 số phận trẻ thơ này là Thượng tọa Thích Đình Tánh, 63 tuổi, quê quán Tây Ninh. Các tăng ni, phật tử quen gọi thầy với cái tên bình dân: “Hòa thượng chân đất”.
Nhà sư đi chân đất từ những ngày thơ bé tu tập, chân tay thoăn thoắt làm lụng. Nhiều phật tử thấy thế mua giày dép biếu thầy nhưng chỉ mang được vài hôm ông lại đi chân đất, cười bảo: “Thầy quen rồi”. Những người biết thầy đều đồng tình cái tên “Hòa thượng chân đất” cũng hợp với tính cách bình dân và phong thái đáng mến, gần gũi của vị chủ trì.
Vào chùa từ ngày 13 tuổi, sư thầy đã nuôi ước mơ giúp đỡ những người cơ nhỡ, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Quá trình tu tập giúp thầy nhận ra có vô vàn người khó khăn hơn mình, công việc nhà chùa không gói gọn trong việc gõ mõ, tụng kinh mà cần ra đời, thấu hiểu nỗi đau và giúp được họ chút nào hay chút đó. “Số phận các em nghiệt ngã không đồng nghĩa một tương lai xám xịt, tâm nguyện lớn nhất của tôi là trở thành điểm tựa, chắp đôi cánh nhỏ cho các em có phần đời tươi sáng hơn”, nhà sư chia sẻ.
* Ảnh: Những mảnh đời ở Trung tâm Mây Ngàn
Hòa thượng chân đất Thích Đình Tánh. Ảnh: Khánh Ly. |
Hai mươi năm ròng một tay thầy lèo lái mái ấm, làm đủ nghề: Lo tang lễ, làm dưa muối, mắm thái, đồ chay, kho đồ chua để gom góp, lo toan chi phí cho “đại gia đình”. Tiền điện mỗi tháng 11 triệu đồng, lượng gạo mỗi ngày 80 đến 90 kg, tiền lương trả cho nhân viên có tháng gần 50 triệu đồng là những con số không hề nhỏ. Thầy chủ trì vận động những tấm lòng hảo tâm và xoay sở bằng nhiều hình thức kinh doanh.
Những ngày đầu nhà sư muối dưa ra chợ ngồi bán từng túi nilon nhỏ. Năm 2005, chùa ký hợp đồng muối chua cho công ty Hàn Quốc, doanh thu mỗi năm lên cả nửa tỷ đồng. Không nề khó ngại khổ, sư thầy xắn tay vào thái bắp cải, phơi cải, đi thu mua, sắp đặt nhà bếp. Chẳng lúc nào ông ngơi tay, bàn chân trần vẫn thoăn thoắt trên gió cát Tây Ninh để kiếm thêm từng khoản nhỏ trang trải chi phí cho cuộc sống của hơn trăm con người. Những đợt cao điểm, sư thầy thu mua hàng tấn dưa cải, bắp cải về thức thâu đêm để chế biến, bỏ cho các mối quen.
Một ngày của sư thầy bắt đầu từ trước 4h, thực hành công phu, ngồi thiền, sau đó là xắn tay áo lo chu tất các công việc lớn nhỏ trong chùa, thoăn thoắt xuống bếp thái rau củ, làm bếp và mệt nhoài cho đến đêm khuya.
Những số phận người già vào chùa, có người đau nặng, tên tuổi chẳng nhớ, bệnh nặng ra đi, thầy lo ma chay chu đáo mọi bề. Duy có cái tên người mất được thay thế bằng “Lê Thị Hết”, “Lê Văn Bỏ”… khiến thầy bùi ngùi, không yên. Những cái tên day dứt tâm trạng người ở lại bởi một phận người đã về với cát bụi mà thậm chí chẳng còn một cái tên mang theo.
Thành lập được Trung tâm Mây Ngàn, thầy vẫn chưa dám tin là sự thật, nhờ tấm lòng sẻ chia của tăng ni, phật tử. Ông tâm sự: “Nếu không có tấm lòng của mọi người, một mình thầy không bao giờ hoàn thành được tâm nguyện, tôi biết ơn vô cùng”.
Mảnh đất 4 mẫu đầm lầy ven sông xã Cẩm Giang, Gò Dầu, được một doanh nghiệp hỗ trợ, tốn kém công sức vật lực để lấp đất lên cao 2 m và được gia đình ông Nguyễn Hữu Chinh ở quận 2, TP HCM, hỗ trợ thiết kế xây dựng. Tâm nguyện của thầy cũng tròn vẹn một phần khi các cụ, các em nhỏ có một chỗ ở cao ráo, đàng hoàng hơn trước.
Đã tiếp nhận không biết bao nhiêu hoàn cảnh, nhưng lúc có taxi hay xe ôm chở người già yếu đến viện dưỡng lão bỏ lại, thầy lại lo lắng. Thầy lo kinh phí của trung tâm rất có hạn, liệu có đảm bảo cho mọi người cuộc sống đủ đầy. Trẻ con thì nằm trong những bọc giấy, thùng các tông đặt trước cửa chùa, có trường hợp bé bị thả trôi sông được thầy cứu kịp thời đưa về nuôi, thấm thoắt nay em đã vào lớp 8.
Những đứa trẻ đầu tiên đến với thầy, có 3 em đang học đại học ở Sài Gòn. Nhà sư luôn mơ ước về tương lai tốt đẹp của những đứa nhỏ, chúng lớn lên, học thành tài, đóng góp cho xã hội. Sư thầy say sưa kể về những đứa học trò tuổi đôi mươi được nhận nuôi từ ngày còn đỏ hỏn trước cổng chùa: “Mỗi thành công của tụi nhỏ là một món quà”.