Đạo tràng Chân Tịnh của chùa Hương là một đạo tràng thanh tịnh tinh tấn thường tu tập ở thiền thất tại gia số nhà 296 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội. Buổi tu tập & chia sẻ Phật pháp của đạo tràng Chân Tịnh chùa Hương được cung đón HT Daichi từ Nhật Bản cùng sự hiện diện của Thượng tọa Thích Vân Phong, Hòa Thượng Daichi là một vị Cao Tăng gắn bó và gần gũi với Phật Giáo Việt Nam, vì thế đạo tràng Chân Tịnh cũng như mọi Phật tử thường ngưỡng mong được nhận những lời đạo từ Pháp nhũ của HT để lấy đó tham khảo trong việc học và tu theo Phật.
Trước tình cảm ấm áp từ Phật tử Việt Nam, HT Daichi cùng chư Tăng Ni môn đồ lấy làm hoan hỷ và cảm động, HT chia sẻ sự tri ân từ đáy lòng mình đối với tấm tình ấy. Bên cạnh đó HT đánh giá cao sự phát triển hưng thịnh của nền Phật giáo nước Việt dựa vào những trải nghiệm trong những dịp đi Phật sự tại nước ta.
Đến với buổi chia sẻ Phật Pháp trong không gian thiền thất theo trường phái Thiền & Mật Tông, HT Daichi đã chia sẻ với quý đạo hữu đạo tràng Chân Tịnh những hiểu biết và trải nghiệm quý giá của Thầy về đạo lý tu hành qua câu chuyện có thật trong lịch sử Nhật Bản về một thiền sư tự thân thành Phật, và về nguồn gốc của sự giao thoa văn hóa Phật giáo giữa Nhật và Việt, về nét tương đồng của Phật giáo ở hai nước.
Về câu chuyện lịch sử nổi tiếng của Phật giáo Nhật Bản mà HT kể, chúng ta được biết, tại Nhật cách đây 1300 năm về trước, Thiên Hoàng Thánh Vũ đưa các vị cao tăng thạch đức bản quốc sang Trung Quốc học để mang kiến thức về kinh điển về nước. Trong những vị thiền sư có công lớn lao ấy, thiền sư Không Hải làm thông dịch viên đoàn tùy sứ viên đời Đường, sang Trung Quốc học chân ngôn Đà la ni của Trung Quốc đem về Nhật. HT được biết Phật giáo VN chia làm 3 môn phái Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông và các Phật tử luôn tinh tấn trì chú. Về nét đặc trưng của pháp tu trì chú chân ngôn mà thiền sư Không Hải truyền dạy cho Phật giáo Nhật là tầm quan trọng của việc giữ cho thân mật, khẩu mật, ý mật luôn thanh tịnh để thâm nhập vào thế giới của chân ngôn dù có sự khác biệt ngôn ngữ.
Tấm gương vĩ đại về quyết định của thiền sư Không Hải là sẵn sàng dấn thân tu khổ hạnh 7 năm trên dãy núi Cao Dã Sơn phía Bắc nước Nhật, nơi đây Ngài đã tinh tấn tu thiền định và trì chú từ đó đức độ từ bi mát mẻ lan tỏa vào núi rừng, và cũng nhờ ý chí sắt đá quyết đối đầu cùng khổ ải mà Ngài được chiêm nghiệm ra thế giới địa ngục trong lòng núi sâu thẳm có dòng nham thạch nóng bỏng sẵn sàng phun trào bất cứ lúc nào.
Nhờ có Ngài mở đường mà hậu thế nhận ra nếu người tu Phật không dấn thân vào khó khăn nguy hiểm thì họ không biết cái khổ đau của địa ngục để có thể hóa độ cảnh tỉnh nhân sinh. Đức độ tu hành thanh tịnh và tinh tấn, nghiêm mật của thiền sư Không Hải cũng tương đồng với tấm gương tu hành của 2 vị thiền sư đã để lại nhục thân xá lợi tại chùa Đậu là Ngài Tự Đạo Chân và Tự Đạo Tâm. Các vị Tổ đã nhập Niết Bàn để lại nhục thân xá lợi được coi là đã tự thân thành Phật, vì các Ngài tinh tấn tu hành từ trong khổ hạnh nan nguy.
Đó là tấm gương rạng ngời trí tuệ dành cho lớp hậu thế Phật tử noi theo phương pháp tu tập của các bậc cao Tăng Tổ Đức : Ngài Không Hải dạy hậu thế biết tín và biết nguyện khi hành pháp trì chú để thấu đạt đến Pháp thân Phật.
Tiếp đến, HT giảng giải về nguồn gốc của sự giao thoa văn hóa Phật giáo Việt Nhật bắt nguồn từ câu chuyện lịch sử từ thời Phật giáo Nara hưng thịnh, khi đó ngôi chùa Đông Đại được xây dựng với pho tượng Tỳ Lô Giá Na nặng 500 tấn đồng, khi đó vị thầy trụ trì cung thỉnh các bậc cao tăng trong khu vực Đông Á quang lâm dự lễ Lạc Thành, trong số các vị đó có vị cao tăng Việt Nam là Ngài Phật Triết A Nan. Nơi đây Ngài Phật Triết A Nan đã có công truyền thừa điệu múa Champa và cách tán tụng kinh điển của Phật giáo Việt Nam đến Nhật.
Qua đây, HT Daichi trân trọng bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với đất nước và nền Phật giáo Việt Nam đã để lại dấu ấn văn hóa đặc biệt trong Phật giáo Nhật Bản là điệu múa đặc sắc này. Ngày nay, Thiên Hoàng Nhật hay Bộ ngoại giao được đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và đại sứ Việt Nam thường tổ chức lễ nhã nhạc cung đình. Sự giao thoa văn hóa của Phật giáo giữa hai nước Á Đông đã giúp mối bang giao hữu nghị Nhật Việt được ấm áp như anh em một nhà trong 40 năm nay.
Đạt được thành tựu đó không chỉ nhờ sự giao thoa văn hóa, mà còn có điểm tương đồng về văn hóa Phật giáo hai nước đó là chế độ quân chủ của Việt Nam ngày trước và ở Nhật đến ngày nay vẫn ủng hộ truyền bá Phật giáo. Ở Nhật Bản có Thánh Đức Thái Tử tinh tấn tổ chức biên dịch Pháp Hoa Nghĩa Sớ, Duy Ma Cật Nghĩa Sớ và kinh điển được các bậc Tổ như Hoàng Pháp, Tố Trần, Không Hải truyền dạy. Tại Việt Nam có Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan, vua Lý Công Uẩn làm rạng ngời thiền tông và trang sử vàng đất nước.
Với tinh thần giao hảo và chia sẻ văn hóa Phật Pháp giữa hai nước anh em Nhật Bản – Việt Nam, HT Daichi nói về phương pháp tu thiền của Ngài Không Hải thiền sư Nhật Bản, đó là khả năng tự chiêm nghiệm ra nội tâm của chính mình bằng cách quán tưởng về âm thanh, hình tướng sắc thái của các Pháp. Đó là phương pháp thiền đặc sắc, vì pháp tu chọn hình ảnh quan trọng để tập trung vào, Thiền sư Không Hải đã coi tranh Thai tạng pháp giới Mandala và Kim Cang giới Mandala làm đối tượng để tập trung quán tưởng, từ đó Ngài đã thâm nhập và chứng ngộ trong vũ trụ quan Mandala.
Sự chia sẻ Phật Pháp của HT Daichi xuất phát từ tâm thanh tịnh, mỗi người Phật tử có thể cảm nhận được điều đó, khi bàn tay của Thầy nhẹ nhàng đặt lên đầu họ, dường như tâm từ mát dịu của Thầy đang lan tỏa trong đầu óc mình, nhắm mắt lại để cảm thấy ánh sáng của tâm từ và trí tuệ đang lan tỏa từ bàn tay Thầy vào trong tâm hồn họ.
Để bày tỏ lòng tri ân công đức thí Pháp cao cả của HT, Ban Văn hóa TW GHPGVN và đạo tràng Chân Tịnh đã cung kính cúng dàng lên HT tờ lịch in hình chùa Trường Sa của Việt Nam, đó là món quà ý nghĩa nói lên tâm nguyện của GHPGVN mong muốn góp phần gìn giữ biển đảo quê hương cùng ánh sáng trí tuệ và tâm từ của Phật đạo, ngưỡng mong Phật giáo và đất nước Nhật Bản cùng chung tay đồng lòng cùng Phật giáo VN.