Hình thức và nghi lễ trong bầu không khí linh thiêng này đã mở ra không gian văn hóa đậm bản sắc của người Việt và ngày càng được đông đảo lứa đôi hưởng ứng. Lý do gì để bước ngoặt quan trọng nhất của đời người, nhiều người đã chọn lễ Hằng Thuận?
GS – KTS Hoàng Đạo Kính – thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam:
Xã hội tự nó quyết định còn do nhận thức và điều kiện hoàn cảnh của mỗi người. Khi con người ta có điều kiện kinh tế, sẽ phú quý sinh lễ nghĩa, còn với nhiều người thì đám cưới chỉ đơn giản với những thủ tục gọn nhẹ sơ đẳng thôi, thậm chí trong mấy năm trở lại đây nhiều nơi ở nước ta người ta làm đám cưới tập thể. Vài chục đến cả trăm đôi vợ chồng cùng tổ chức hôn lễ. Nhưng cũng có những đám cưới nghi lễ rất cầu kỳ và rất kỹ lưỡng.
Xã hội hiện nay đang giai tầng hóa, mà một xã hội giai tầng hóa là biểu hiện của một xã hội sung túc, một xã hội khá giả. Điều đấy cũng nên khuyến khích bởi vì một xã hội tất cả mọi người đều như nhau thì chả bao giờ xã hội ấy phát triển được. Ở đó sẽ không có sự ganh đua, sẽ không có sự giai tầng hóa, không có sự tinh lọc văn hóa. Chúng ta thấy độ chênh về văn hóa của những con người trong xã hội. Văn hóa của những người hàn lâm thì cao còn văn hóa của mọi người khác thì phải phân tầng. Phân tầng phụ thuộc ở vị trí xã hội, vốn liếng, tài sản, tri thức, hoàn cảnh xuất thân…
Trở lại với lễ Hằng Thuận được tổ chức ở trong chùa là một nghi thức khởi đầu cho hạnh phúc hôn nhân của một đời người dưới sự chứng giám của Phật pháp và các chư tăng, chư ni.
Lễ Hằng Thuận đòi hỏi công phu, vốn hiểu biết về văn hóa sâu và để trang trọng thì chi phí cũng không phải là nhỏ, có những người có điều kiện kinh tế mới có thể làm một lễ Hằng Thuận quy mô, hoành tráng.
Khi con người ta có nghi thức thì cũng biết tôn ti trật tự và ít nhất trong hôn nhân, sự tham gia của tín ngưỡng góp vai trò to lớn trong sự củng cố niềm tin, khát vọng.
Sự tuân thủ khuôn phép giúp cho xã hội cân bằng ít nhất là với cả xã hội nói chung và với từng nhóm cộng đồng cũng cần có niềm tin, niềm tin sẽ dẫn con người không lầm đường, lạc lối, sống có ý nghĩa và mục đích. Nếu một xã hội không có khuôn phép, tôn ti trật tự thì làm sao một xã hội tự điều tiết được và họ cứ bản năng, thả phanh, tùy tiện.
Nghi thức lễ Hằng Thuận này không phải dành cho tất cả mọi người nhưng dành cho một nhóm người có khả năng, có điều kiện và có nhu cầu thì chính sự đa dạng hóa đáp ứng nhu cầu mà nhu cầu không chỉ thuần túy văn học nghệ thuật mà nhu cầu về chỗ dựa về tinh thần. Và hiểu theo góc độ văn hóa thì đây là văn hóa tâm linh tín ngưỡng. Lễ Hằng Thuận được tổ chức trong chùa trước ban Tam Bảo, vừa thể hiện sự trang nghiêm, kính cẩn, vừa như suối nguồn trong trẻo gột rửa những bụi bặm trần tục để hướng đến sự thanh tịnh, an lành.
Nhà văn – sử gia Hoàng Quốc Hải:
Hôn lễ không chỉ là phong tục mà còn thể hiện nét đặc trưng văn hóa mỗi dân tộc, mỗi thời đại. Nhưng phong tục và văn hóa bao giờ cũng có tính kế thừa. Đôi bạn trẻ, cô dâu và chú rể làm nghi thức lễ Hằng Thuận trong chùa thấm nhuần đạo đức Phật giáo. Trong lễ Hằng Thuận đưa con người về với văn hóa lịch sử của cha ông như những họa tiết trang trí hoa cúc, hoa sen, lá đề, rồng, nghê, hạc, phượng được sử dụng trong kiến trúc đình chùa, mỹ thuật của một thời đại lịch sử huy hoàng của dân tộc. Những đồ gốm men nâu, men ngà, men rạn với các lực sĩ ném lao, múa khiên…
Ngay cả những hoa văn mềm mại như hoa cúc, cánh sen… nét văn hóa đặc trưng cho dân tộc qua từng thời đại trong lịch sử đều được tinh tế tái hiện và chuyền tải qua cánh thiệp mời, thiệp chúc, các nghi thức truyền thống, từng đường nét, màu sắc, trang trí khánh tiết tới y phục của cô dâu chú rể trong lễ Hằng Thuận. Từ trang phục, diện mạo cho đến tinh thần lễ Hằng Thuận đấy là thế hệ trẻ hôm nay yêu quê hương đất nước, trân trọng gìn giữ truyền thống lịch sử, tôn vinh nét đẹp văn hóa và niềm tự hào của họ tộc và đạo lý ngàn đời: “Uống nước nhớ nguồn”.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
Hôn nhân là một sự kiện cực kỳ quan trọng trong đời sống lứa đôi, là bước ngoặt của sự trưởng thành. Phật tử thuần thành thấm nhuần đạo đức lễ nghi Phật giáo tìm đến niềm an vui trong chánh pháp, xây dựng gia đình hạnh phúc trong chánh pháp. Ngoài những nghi lễ theo truyền thống dân tộc, là phật tử chúng ta nên tổ chức thêm lễ Hằng Thuận ở chùa để kiến tạo cho mình một đời sống an lạc trong hiện tại và một số vốn tối thiểu trong kiếp lai sinh.
Quý phật tử tự nguyện giữ gìn ngũ giới, tiến đến tu hành thập thiện, đồng thời trau dồi bốn đức hạnh từ – bi – hỷ – xả, sống một đời sống thiện lành, đạo đức vị tha, nghiêm khắc với mình, khoan dung độ lượng với người, suy nghĩ điều chánh đáng, nói lời chánh ngữ, hành nghiệp chánh nghiệp.
Lễ Hằng Thuận của Phật giáo là nét văn hóa mang bản sắc dân tộc và phát huy nền tảng trí tuệ, đạo đức tâm linh, định hướng con người sống hữu ích trong đời sống gia đình, xã hội. Lễ Hằng Thuận là cây cầu nối giữa đạo và đời, là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống, đạo đức dân tộc và văn hóa tâm linh của Phật giáo, là nét đẹp văn hóa đặc thù của Phật giáo trong lĩnh vực hôn nhân gia đình đối với phật tử.
Khởi đầu cho một bước ngoặt lớn trong đời người mà được tổ chức tại chốn thiền môn nghiêm tịnh thì quả là phước duyên lớn lao cho đôi vợ chồng, sẽ không có một đại tiệc nào có thể sánh bằng lễ Hằng Thuận trang nghiêm thanh tịnh như ở chùa. Từ sự khởi đầu tốt đẹp này, quý phật tử lại được nghe những lời giáo huấn quý báu do thầy chủ lễ giảng giải về nền tảng quan trọng để đảm bảo xây dựng nên một cuộc sống hạnh phúc lâu dài bền vững cho gia đình và cho cả con cháu sau này. Cùng những lời chúc phúc của chư tăng, chư ni trong ngày trọng đại ấy, lương duyên của lứa đôi được mỹ mãn, hạnh phúc được miên trường.
Lễ Hằng Thuận do vậy được xem là dấu ấn sinh động, một kỷ niệm tâm linh vô cùng ý nghĩa trong ngày cưới. Điều này không chỉ tác động mạnh mẽ đến đời sống tâm linh của đôi lứa trong những ngày chung sống bên nhau, mà còn ảnh hưởng tích cực đến những người thân. Nó mang lại nguồn cảm hứng “sống đạo” rất sâu lắng giữa đời thường mà đôi vợ chồng dễ dàng cảm nhận được và cho tất cả những ai tham dự lễ Hằng Thuận một luồng sinh khí tươi sáng lành mạnh và thánh thiện.
Lễ Hằng Thuận có ý nghĩa tiêu biểu bao hàm trong ý thơ: “Bách niên giai lão/ Sắt cầm hòa hợp/ Loan phượng trình tường/ Công danh thành đạt/ gia đình bình an/ Cát tường như ý”.
Thượng tọa Thích Huệ Thông – Trưởng Ban trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương:
Có tình trạng phổ biến đang diễn ra trong đời sống hôn nhân gia đình của xã hội ta hiện nay là do yêu thương mà không có chuẩn bị cho nền tảng hạnh phúc gia đình lâu dài nên dẫn đến xung khắc, đổ vỡ sau khi lập gia đình. Trong đời sống thế gian, sở dĩ gia đình không hạnh phúc, cuộc sống không hòa hợp là do sự bộc phát của lòng ham muốn nhất thời, có thể gọi đó là sự luyến ái nhau và cũng có thể gọi là tình yêu thương nhất thời giữa nam và nữ. Đứng trước nguy cơ và đổ vỡ như vậy, Phập giáo có vai trò trợ duyên cho các gia đình phật tử.
Lễ Hằng Thuận là nghi thức tương đối đặc biệt dành riêng cho lễ cưới được tổ chức trang nghiêm trọng thể trong chùa. Nghi thức Hằng Thuận trong ngày cưới mang đậm dấu ấn đạo đức tâm linh và trí tuệ của đạo Phật, cùng với những định hướng rất cụ thể giúp cho đôi vợ chồng có được một tương lai lạc quan tươi sáng trên tinh thần giác ngộ giải thoát.
Mục đích chính của lễ Hằng Thuận là làm thế nào để cho đôi vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống gia đình, để từ đó hướng đến đời sống hôn nhân thật sự an lạc hạnh phúc. Để thực hiện được điều này, trước hết đôi vợ chồng phải hết lòng yêu thương nhau, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau và luôn luôn hòa thuận với nhau và cùng nhau hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống như hàm nghĩa của hai từ Hằng Thuận toát lên.
Lễ Hằng Thuận đã tạo điều kiện cho cô dâu chú rể được đảnh lễ chư Phật, được quy y Tam Bảo, được chư tăng đứng ra chứng minh hôn sự trong bầu không khí linh thiêng nơi chánh điện, được quý thầy tận tình hướng dẫn đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân như lời đức Phật đã dạy trong kinh Thiện Sanh hay kinh Ca Thi La Việt… chủ yếu xoay quanh đạo nghĩa vợ chồng.
Nếu quý phật tử triển khai thực hành những lời dạy của đức Phật xây dựng một đời sống bình đẳng, tôn trọng, thủy chung, cảm thông, chia sẻ yêu thương gắn bó cùng hướng đến một chân trời thánh thiện thì chắc chắn hạnh phúc sẽ ở trong tầm tay của mỗi gia đình, khi đó đời sống gia đình sẽ không có sự xung khắc, không còn đau thương và sẽ không còn cảnh tan đàn xẻ nghé, cha mẹ xa lìa con cái, quý phật tử sẽ đạt được một đời sống an lạc hạnh phúc, đấy chính là lợi ích lớn lao từ lễ Hằng Thuận mang lại.