Trang chủ Thời đại Chùa chiền và đô thị mới

Chùa chiền và đô thị mới

128

Ông Triệu Hà, một thương nhân ở Chợ Lớn, quyết định mua căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng khi khu đô thị này bắt đầu sầm uất. Ông kể, năm 2008, gia đình ông chuyển về khu đô thị “sang như nước ngoài” này sống.

Nhưng, chỉ được ba tháng, cả nhà lại “khăn gói” về lại căn nhà cũ ở quận 5.

“Tôi uống cà phê sáng vỉa hè mấy chục năm quen rồi, qua Phú Mỹ Hưng tìm không có; còn vợ tôi thì hay đi chùa, nhưng Phú Mỹ Hưng cũng không có… Vì vậy, tôi đã cho người ta thuê căn biệt thự ở đây sáu bảy năm nay rồi”, ông Hà nói.

Điều tra xã hội học về sự thay đổi của vùng đất Nam Sài Gòn sau 25 năm phát triển của TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, công bố mới đây cũng cho thấy: sự thiếu vắng cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và dịch vụ bình dân là khiếm khuyết lớn nhất của khu đô thị kiểu mẫu và hiện đại nhất nước – Phú Mỹ Hưng. TS. Hòa cho biết, cuộc điều tra được thực hiện bằng cách phỏng vấn trực tiếp trên 500 người – hộ dân (trong đó có 300 hộ dân sống tại Nam Sài Gòn và 200 chuyên gia thuộc các sở, ngành, viện khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp… có liên quan trực tiếp đến khu Nam Sài Gòn) để họ đánh giá về Phú Mỹ Hưng.

Với thang điểm 100, những người được hỏi đã “chấm” cho Phú Mỹ Hưng từ 81,6-94,5 điểm về cảnh quan, công trình kiến trúc và quy hoạch không gian hợp lý, vệ sinh công cộng, cây xanh, an ninh, giao thông, vui chơi giải trí, hoạt động xã hội…

Còn đánh giá về giá trị của Phú Mỹ Hưng, có đến 94% ý kiến cho rằng đây là “khu đô thị kiểu mẫu nhất Việt Nam”. Tuy nhiên, cũng có đến 29,6% nói Phú Mỹ hưng “chỉ phù hợp với người nước ngoài”. 28,6% đổ lỗi cho Phú Mỹ Hưng – “là một trong những nguyên nhân gây ngập nước ở các quận nội thành”. 59,6% ý kiến nhận xét Phú Mỹ Hưng là “điển hình về việc phân biệt khu ở của người giàu và người nghèo”; trong khi 38% nói Phú Mỹ Hưng “sang trọng nhưng lạnh lẽo, thiếu sự ấm áp”.

Đặc biệt, cuộc điều tra cũng cho thấy Phú Mỹ Hưng thiếu các dịch vụ bình dân (56,3% ý kiến) và cơ sở tôn giáo (60,6% ý kiến). Vì vậy, 28,3% số người được hỏi cho rằng, “chỉ nên phát triển một vài khu như Phú Mỹ Hưng chứ không nên phát triển rộng khắp”.

TS. Nguyễn Minh Hòa nói: “Nghiên cứu xã hội học này chỉ là bổ sung thêm một cứ liệu mang tính định lượng nhằm làm sáng tỏ hơn những nhận định trước đó”.

Nhận xét về kết quả điều tra xã hội học của TS. Hòa, ông Phan Chánh Dưỡng, người trực tiếp thực hiện dự án Phú Mỹ Hưng (giai đoạn đầu), cho biết khi thực hiện dự án Phú Mỹ Hưng ông rất muốn xây nhà thờ, chùa.

Nhưng lúc đó, hơn 20 năm trước, nói đến chuyện này là điều cấm kị – không ai muốn đề cập đến”, ông nói. Vì vậy, khi giải tỏa, thực hiện dự án ông cho biết đã hết sức cố gắng để dời một nhà nguyện nhỏ trong khu vực này về khu tái định cư Tân Mỹ và giữ lại được một cái chùa kế bên khu chế xuất Tân Thuận mà lẽ ra, theo quy hoạch, phải di dời.

Về chuyện thiếu các dịch vụ bình dân ở Phú Mỹ Hưng, ông Dưỡng cho biết, “khi thực hiện dự án cũng có tính toán nhưng thực tế lại khác”. Ông Dưỡng kể, khi quy hoạch Phú Mỹ Hưng, làm việc với các chuyên gia đến từ Mỹ ông chỉ yêu cầu “thiết kế một đô thị đặc trưng của Việt Nam”, nhưng chính ông cũng không biết đặc trưng là cái gì!

Các chuyên gia Mỹ đi khảo sát nhiều đô thị tại Việt Nam rồi đưa ra nhận xét dân Việt Nam “thích sống ngoài đường”, “ít ở trong nhà” (kiểu như thói quen cà phê vỉa hè của ông Triệu Hà nói trên). Thấy nhận xét này đúng, chúng tôi yêu cầu tư vấn thiết kế Phú Mỹ Hưng theo hướng này. Cụ thể, chúng tôi đã chừa không gian mở ở bờ sông lớn, vỉa hè rộng…

Tuy nhiên, có lẽ vì đa số cư dân ở Phú Mỹ Hưng thuộc tầng lớp giàu có, cộng với quan hệ cộng đồng không gắn bó nên những bức tường (bảo vệ) đã được xây lên và văn hóa “thích sống ngoài đường” đã không tồn tại ở khu đô thị giàu có này.