Trang chủ Tin tức Thăm chùa Bửu Phước trên đồi Núi Sạn

Thăm chùa Bửu Phước trên đồi Núi Sạn

111

 

BỬU sát trang nghiêm, phước huệ song tu, truyền chánh pháp.

PHƯỚC sơn cao quảng, tăng tín lục hòa, lợi nhân thiên.

Ngược dòng lịch sử, cách đây hơn nửa thế kỷ, chùa Bửu Phước do Đại đức Thích Tâm Vạn, Thế danh Lê Văn Hé, thuộc đời thứ 43 dòng Lâm Tế khai sơn. Đại đức cùng Phật tử Nguyễn Xót và Phan Tấn Trì, đều là người làng Cù Lao, xã Vĩnh Phước, Huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Ngày 04.5.1955 (năm Ất Mùi) đã xin khai phá vùng đất hoang núi Sạn (nay là phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) canh tác, trồng trọt trên diện tích chiều dài 220 mét, chiều rộng 140 mét, vùng đất của chùa Bửu Phước hiện nay.

Sau thời gian khai phá đất hoang hơn một năm, từ vùng đất đồi núi hoang vu, khô cằn, sỏi đá, cây rừng, cỏ dại, với bàn tay lao động cần mẫn của con người chăm sóc. Ngọn đồi sỏi đá đã nhường chỗ cho vườn cây ăn trái: me, xoài, mít, dừa…  chen chúc mọc lên.

          Đúng là:         Bàn tay ta làm nên tất cả.

                          Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Vì sớm có  nhân duyên với Phật pháp, nên ngày 18.9.1956 (Bính Thân) Đại đức Thích Tâm Vạn đã phát bồ đề tâm, xã bỏ sự nghiệp, xin phép chính quyền địa phương xây dựng ngôi chùa trên miếng đất với chiều dài 60 m, chiều rộng 60 m, Đại đức đã được Hội đồng hào lão trên 30 vị và Hội đồng hương chính  làng Cù Lao đồng thuận ủng hộ. Chẳng bao lâu, ngôi chùa BỬU PHƯỚC khiêm tốn, được xây cất cấp bốn, với mái ngói móc, vách gạch, đủ làm nơi thờ phượng, nhang khói và Phật tử quanh vùng sớm hôm  lui tới, tụng kinh, niệm  Phật, Nhưng người dân trong vùng vẫn gọi theo địa danh của ngọn núi là chùa Núi Sạn, cái tên dân giả gắn liền với bản chất hiền lành, chất phác và cũng rất kiên cường, anh dũng của nhân dân nơi đây.         

Thế rồi, ngày tháng dần dà, mọi vật cứ âm thầm theo định luật vô thường “thành, trụ, hoại, không” mà thay đổi. Ngôi chùa Bửu Phước cũng nằm trong quy luật vận hành ấy. Đại đức trụ trì khai sơn chùa Bửu Phước, sau 27 năm xây dựng, gắn bó với chùa, Ngài đã an tường viên tịch vào ngày 20 tháng 10 năm Qúy Hợi (năm 1983). Trụ thế 69 năm.

Ngôi chùa được truyền thừa trụ trì kế thế đời thứ hai là Sư cô Thích Nữ Tâm Lương, Thế danh Nguyễn Thị Như, thuộc đời thứ 46 dòng Lâm Tế tiếp tục nhang khói. Sau 10 năm thừa kế, vì tuổi già sức yếu, nhất Ni, nhất tự, Sư cô xét thấy không còn đủ sức khỏe và điều kiện để hoằng pháp lợi sanh, tấn dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Để ngôi Tam bảo không bị mai một, đáp ứng với lòng mong muốn của dân chúng và Phật tử địa phương,  Sư cô đã phát tâm thỉnh cầu Hòa Thượng Bổn sư Thích Trí Tâm, Phó Trưởng ban trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương kiêm nhiệm trụ trì. Đây là bước ngoặc mới, một nhân duyên hi hữu, đối với ngôi Tam bảo Bửu Phước.

Kể từ khi ngôi chùa Bửu Phước được Hòa thượng Thích Trí Tâm kiêm nhiệm Trụ trì, với tôn đức và uy tín của Ngài, như nắng hạn gặp mưa rào, chùa Bửu Phước từ nay trong những ngày lễ, vía, kỵ tổ… đều được Chư tôn thiền đức chấn tích quan lâm. Không khí vắng vẻ, cô liêu, của ngày xưa đã nhường chỗ cho Phật sự Bửu Phước ngày càng phát triển, Phật tử về chùa quy y ngày càng đông, nhiều người trong và ngoài tỉnh mỗi khi đến tham quan Thành phố biển Nha Trang văn minh, thân thiện đều dành thời gian đến thăm chùa Bửu Phước, lễ Phật, cầu nguyện an lành.

Bửu Phước, một ngôi chùa còn quá trẻ so với bề dày của những danh lam cổ  tự trong vùng, nhưng lại có dáng vẻ Phạm vũ huy hoàng, thiền môn thanh tịnh, trang nghiêm, thích hợp với mọi lứa tuổi muốn tìm nương về với cảnh Phật.

Để có người hành lễ, giáo hóa Phật tử, Hòa thượng Bổn sư đã cử Thượng tọa THÍCH THIỆN TẤN, lúc bầy giờ đang tu học tại Tổ đình Nghĩa Phương làm Giám tự thay mặt Hòa thượng truyền bá đạo pháp, giảng dạy giáo lý Phật đà, làm nền tảng cho Phật tử trên con đường tu học.

Với bản tính hiền hòa, cần cù, chịu khó, được Hòa thượng Bổn sư tin tưởng và chư tôn Thiền đức trong Ban trị sự tỉnh hội quan tâm tạo điều kiện. Duyên lành đã đến, nhân ngày Vía Đức Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát 30 tháng 7 năm Tân Sửu (1997) Thượng tọa Thích Thiện Tấn đã được Hòa thượng Bổn sư Thích Trí Tâm hứa khả và có ý kiến đồng thuận về việc bổ nhiệm Trụ trì theo công văn số 1827/UB ngày 23.12.1996 của UBND tỉnh Khánh Hòa. Hòa thượng Thích Thiện Bình, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định số: 01/QĐ/BTSKH ngày 07 tháng 4 năm 1997. (Phật lịch: 2541) bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thiện Tấn, Trụ trì chùa Bửu Phước.

Lễ nhập tự, truyền thừa Trụ trì đời thứ tư, chùa Bửu Phước được tổ chức  trong không khí giản dị, nhưng thật long trọng, trang nghiêm với sự chứng minh của Hòa thượng Thích Thiện Bình, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh  Khánh Hòa, Hòa thượng Thích Huệ Quang, Chứng minh Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, Viện chủ chùa Đông Phước, Hòa thượng Thích Trí Tâm, Phó ban trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, Viện chủ chùa Tổ đình Nghĩa Phương và chư vị tôn túc Tăng, Ni trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cũng như Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương.

          Thật là:

           Ơn pháp nhũ một đời nên huệ mạng.

          Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.               

Cùng trợ duyên Phật sự tại chùa Bửu Phước lúc bấy giờ có Trưởng ban  hộ tự Phật tử Nguyễn Văn Dễ, Pháp danh Nguyên Trí và những thiện nam, tín nữ Phật tử công đức đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Thương tọa trụ trì vừa tu học, vừa hành đạo.

Từ khi  nhận trọng trách trụ trì chùa Bửu Phước, tuân theo lời chỉ dạy của Bổn sư, theo bước chân hành đạo của Ngài, nhất y, nhất thuận, hết lòng vì Phật sự Giáo hội, và Tổ đình. Nhưng vì tài sơ, đức bạc, phước mỏng, nghiệp dày, nhưng với bản tính chất phát, hiền lành, thật thà, của  nông dân đã từng cày sâu cuốc bẩm, cần cù chăm chỉ, như con ong kiên nhẫn hút mật của từng nhụy hoa, để tạo nên những giọt mật ngọt ngào cho đời. Thượng tọa Thích Thiện Tấn đã cố gắng đem hết năng lực và trí tuệ của mình, lo lắng Phật sự xây dựng ngôi Tam Bảo  Bửu Phước ngày một trang nghiêm, rộng rãi.

Sau gần 50 năm xây dựng và phát triển, ngôi chùa Bửu Phước tuy đã được trùng tu, nhưng sau bao năm tháng, đã bị mưa nắng và sức bào mòn của thời gian làm hư hỏng.

Để bảo toàn cơ sở hoằng pháp, lợi sanh, tấn dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, được sự nhất trí của Hòa thượng Bổn sư Thích Trí Tâm và sự chấp thuận của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, cùng sự cho phép của các cấp chính quyền, nhân duyên hội đủ, ngày 20 tháng 10 năm Giáp Thìn, (năm 2000). Bổn tự tái thiết đại trùng tu ngôi Tam bảo Bửu Phước, do Hòa thượng Bổn sư Thích Trí Tâm Chứng minh làm lễ đặt đá khởi công xây cất, theo thiết kế của Kỹ sư Lê Đồng Thuyền. Thượng tọa Thích Thiện Tấn được Hòa thượng Bổn sư giao nhiệm vụ thay mặt Ngài làm Trưởng ban kiến thiết kiêm Trưởng ban vận động tài chính.

Suốt thời gian xây dựng, từ năm 2000 đến năm 2008, tám năm đối với một quá trình tu học của một con người thì chẳng là bao, nhưng 8 năm để xây dựng ngôi chùa Bửu Phước là một quá trình thử thách, cam go, vui có, buồn có. Mặc dù trong quá trình xây dựng đã gặp không ít khó khăn, lúc hết vật tư, khi tài chính khô cạn,  thời tiết lại đôi khi mưa, nắng bất thường. Đặc biệt thời điểm Sư cô Tâm Lương, Trụ trì đời thứ hai của Bửu Phước an tường xả bỏ báo thân ngày 24 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (2002).

Nhưng rồi: “Gắng công mài sắt có ngày nên kim” Nhờ hộ lực của Tam bảo, nhờ chủng đức của Hòa thượng Bổn sư, sự động viên khích lệ của chư Tôn đức, sự trợ duyên cả tinh thần lẩn vật chất, tài chính của quý Ngài và quý Phật tử gần xa. Đặc biệt, công đức vô lượng của Hòa thượng Bổn sư Thích Trí Tâm, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương, bao giờ, lúc nào, Ngài cũng ân cần nhắc nhở cố gắng xây dựng  hoàn thành ngôi Tam Bảo Bửu Phước.

Tổng thể công trình xây dựng toàn cảnh ngôi chùa Bửu Phước hiện nay, gồm có:

Ngôi chánh điện kiến trúc theo kiểu cổ lầu, mái cong, bốn góc có tứ giao long uốn lượn. Trên nóc có lưởng long chầu nguyệt. Hai bên, trước mặt chánh điện là lầu chuông, lầu trống, có cặp rồng lớn uốn chầu, trông thật hoành tráng, uy nghiêm. Phía trước sân chùa, bên trái là Các Quan Âm, Phật Bà tay cầm tịnh bình và nhành dương liễu, với gương mặt bao dung, hiền hậu, phóng tầm mắt xa xăm như theo dõi nổi thống khổ của người dân, nguyện cứu khổ, cứu nạn cho người dân phường Vĩnh Phước. Bên phải là Các Di Lặc, với nụ cười hoan hỹ, vị tha như nhắc nhở Phật tử hãy diệt trừ lục tặc, để thân tâm luôn luôn an lạc.

Trước chùa là Cống Tam quan, sừng sừng, uy nghi, với hai sư tử chầu hai bên, luôn luôn rộng mở,  như nhắc nhở mọi người :

Đi đến cửa chùa đem lòng hỹ xã.

Bước vào cảnh Phật giữ dạ Từ bị

Phía sau ngôi Chánh điện là Nhà Tổ, Tăng phòng, nhà khách, nhà trù, nhà Vãng sanh v.v…

Ngôi tam bảo Bửu Phước giờ đây đã đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt, lễ bái, tu học cho tăng chúng, Phật tử  và cũng sẵn sàng đón tiếp chư Tôn Thiền đức Tăng, Ni và Phật tử ngoài tỉnh hành hương, tham quan thành phố Nha Trang lưu trú tại chùa.

Đến thăm chùa Bửu Phước vào những ngày đầu tháng 9 nhuần Giáp Ngọ (2014), một tin vui nữa lại đến với Phật tử. Vừa qua,  ngày 04 tháng 9 nhuần Giáp Ngọ (28-10-2014) Thượng tọa Thích Thiện Tấn, trụ trì vừa khởi công mở móng xây dựng nhà Đông, giảng đường, và đạo tràng niệm Phật, ước tính kinh phí khoảng gần một tỷ rưỡi đồng.

Chùa Bửu Phước ngày nay không chỉ là nơi tăng chúng tu học, nơi Phật tử sớm tối đi về tụng kinh, niệm Phật, tu nhân hướng thiện mà còn là địa chỉ du lịch tâm linh của người dân thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa.     

 

          Thật đúng là:

BỬU sát trang nghiêm, phước huệ song tu, truyền chánh pháp.

PHƯỚC sơn cao quảng, tăng tín lục hòa, lợi nhân thiên.

Nghĩa:

Chùa Báu phạm vũ huy hoàng, tu phước, tu huệ song toàn, nhằm để hoằng dương chánh pháp.

Núi Phước rộng cao, tăng, tín đồ Phật tử, sống theo sáu phép hòa, lợi cả trời người.