Trong ngày tu thứ hai, buổi sáng đại chúng trang nghiêm cung đón Thượng Tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng ban Điều hành Lớp Đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc quang lâm chia sẻ thời pháp thoại với chủ đề: “Ý NGHĨA 12 VỊ THẦN TƯỚNG TRONG PHÁP HỘI DƯỢC SƯ”.
Mở đầu thời pháp thoại, Thượng tọa Giảng sư đã nhắc đến Thập nhị Dược Xoa Thần Tướng được ghi trong Kinh Dược Sư gồm:
Ngài Cung Tỳ La – Cực Ủy: thân màu vàng, tay cầm bảo sử.
Ngài Phạt Chiết La (Hòa Kỳ La) – Kim Cương: thân màu trắng, tay cầm bảo kiếm.
Ngài Mê Súy La (Di Khư La) – Chấp Nghiêm: thân màu vàng, tay cầm bảo bổng hoặc độc cổ.
Ngài An Nể La hay An Nại La, An Đà La – Chấp Tinh: thân màu xanh lục, tay cầm bảo chùy, bảo châu.
Ngài Át Nể La – Chấp phong: thân màu đỏ, tay cầm bảo xoa hoặc mũi tên
Ngài San Để La (Bà Nể La) – Cư Ngoại: thân màu khói lam, tay cầm bảo kiếm hoặc loa bối.
Ngài Nhân Đạt La – Chấp Lực: thân màu đỏ, tay cầm bảo côn hoặc mâu
Ngài Ma Hổ La – Chấp Ngôn: thân màu trắng, tay cầm rìu báu
Ngài Chân Đạt La – Chấp Tưởng: thân màu vàng, tay cầm quyển sách hoặc bảo bổng
Ngài Chiêu Đổ La – Chấp Động: thân màu xanh, tay cầm bảo chùy
Ngài Tỳ Yết La – Viên Tác: thân màu đỏ, tay cầm bảo luân hoặc tam cổ.
Theo tinh thần Đại thừa, Chư Phật và chư vị Bồ tát hết lòng thương xót chúng sinh nên sau khi thành đạo, bằng thần thông và nguyện lực, các Ngài ứng thân thị hiện muôn hình muôn vẻ, thiết lập cảnh giới để hóa độ chúng sinh, tùy theo nghiệp lực, căn tính chúng sinh mà thuyết pháp, dìu dắt đưa chúng sinh tu tập đạt đến giải thoát, giác ngộ. Theo Thượng tọa, 12 Vị Thần Dược Xoa là những vị thần hộ pháp, hộ trì cho các hành giả tu tập Dược Sư pháp, hành trì pháp hội.
Theo quan niệm người phương Đông, người Trung Hoa có thuyết cho rằng 12 vị Thần tướng ứng với 12 giờ trong ngày, tương ứng với 12 con Giáp.
Thượng tọa chia sẻ: Đức Phật Thích Ca giới thiệu về cõi nước phương Đông có Đức Phật Dược Sư với tâm nguyện hóa độ chúng sinh bằng 12 nguyện. Thập nhị Thần tướng Dược Xoa cũng là một cách thị hiện của chư Phật, chư Bồ tát. Là những vị thiện thần, hết lòng hộ trì Phật pháp. Có 4 vị thiên vương hướng với 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Trong đó, Tỳ Sa Môn Thiên Vương ở phương Đông, thống nhiếp lãnh đạo rất nhiều bộ chúng nên gọi là Đại tướng Cung Tỳ La. 12 vị Dược Xoa ở cung trời của Đức Tỳ Sa Môn Thiên Vương.
Thượng tọa nhấn mạnh 12 vị Đại tướng Dược Xoa cũng tượng trưng cho 12 nguyện của Đức Phật Dược Sư. Như vậy, 12 vị Đại tướng là hóa thân của Đức Phật Dược Sư, hàng phục tính cang cường của chúng sinh, phá trừ tà ma ngoại đạo, hộ trì hành giả tu tập Dược Sư. 12 vị cũng hiển thị sức mạnh dũng cảm, dám dấn thân, không bị điều gì khuất phục. 12 vị chia làm ba hành: Thiên hành – Không hành – Địa hành Dược Xoa, có thần thông oai đức tự tại, qua lại rất nhanh trong cõi người và cõi trời. Các ngài có đầy đủ những thiện nguyện, sâu rộng hộ trì Phật pháp.
Kết thúc thời pháp, Thượng Tọa sách tấn đại chúng “khi tham dự Pháp hội, tụng kinh Dược Sư, suy nghĩ về 12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư có thể thấy, nguyện nào của Ngài cũng vì chúng sinh, thương chúng sinh như mẹ thương con. Vì vậy, người Phật tử nếu khởi tâm thực hành theo 12 đại nguyện ấy thì hãy phát khởi tình thương chúng sinh. Từ đó, người tu sẽ nhận được sự gia trì của Đức Phật Dược Sư và 12 vị hộ pháp, cuộc sống được bình an, thoát khỏi khổ đau, thăng hoa phúc đức, thành tựu quả tu của mình. Quả tu, quả phúc phụ thuộc vào tâm lượng của mỗi người. Cho nên ta cần lập nguyện, lập hạnh và tu tập cần mẫn mỗi ngày. Nguyện hạnh thành tựu thì quả Phật thành. Tâm tịnh thì Quốc độ tịnh. Mong tất cả hành giả tham dự Pháp hội, làm sao thâm nhập được cảnh giới của Đức Phật Dược Sư, biến nơi đây thành thế giới Tịnh Lưu Ly, có Đức Phật Dược Sư hiện hữu ở trong ta, có 12 vị Đại tướng, 82 Bồ tát đang ở nơi đây hộ trì người tu tập. Ta thực hành theo lời Phật dạy, thực hành đúng pháp tu của Pháp hội Dược Sư để thân tâm luôn được bình an, trí sáng suốt, gặt hái được những điều tốt đẹp trong cuộc sống hiện tại và mai sau”.
Đầu giờ chiều, đại chúng vân tập tại nhà giảng lớn, trang nghiêm cung đón chư Tôn đức Tăng Ni đến từ lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc quang lâm pháp tòa. Tại đây, Sư cô Thích Nữ Liên Trân đã giảng cho đại chúng bài pháp với chủ đề: “ỨNG DỤNG TINH THẦN KINH DƯỢC SƯ TRONG ĐỜI SỐNG TU TẬP CỦA NGƯỜI CON PHẬT”.
Trong bài giảng, Sư cô Giảng sư nhấn mạnh, trước khi hành trì tu tập, người con Phật cần chuẩn bị cho mình tín tâm và niềm tin kiên cố đối với Đức Thế Tôn, với hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư, với thế giới Tịnh Lưu Ly của Đức Phật Dược Sư. Sau đó, các Phật tử Hành trì miên mật, niệm Phật, trì chú, tụng kinh trong suốt 07 ngày trong Pháp hội. Kết thúc Pháp hội, mỗi ngày các Phật tử duy trì 1-2 thời khóa tụng kinh Dược Sư. Khi đọc kinh Dược Sư, hiểu được tinh thần cao quý trong 12 hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư, ta học theo nguyện từ bi của Ngài mà phát tâm hành Bồ tát đạo.
Qua đó, Sư cô Giảng sư đã hướng dẫn các Phật tử cách thực tập Bồ tát Hạnh, đó là Sống với trái tim vị tha, vì mọi người, mọi loài bằng trái tim hiểu và thương. Trong gia đình, mình là Bồ tát trước, gửi tâm từ, tình yêu thương vào mái nhà đó. Mình là bờ vai vững chãi, lắng nghe, thấu hiểu mọi người trong gia đình; chia sẻ với quyến thuộc bằng tấm lòng vị tha. Người thân hay nóng giận, khó chịu, mình là vị Bồ tát thiện tri thức, dùng tâm yêu thương, an ủi dẫn dắt người thân đến với Phật pháp. Nguyện cho gia đình mình được thân khỏe tâm an, đời đời kiếp kiếp gặp được Tam Bảo. Với mọi người xung quanh, ta hiểu rằng lời nói – hành động – suy nghĩ của mình làm lợi lạc cho mình và cho người. Ta biết bố thí cúng dàng và lợi tha giúp đời, cống hiến vì đạo, vì đời, vì người. Làm nhiều việc lợi ích cho chúng sinh nhưng không thấy mình làm, không cần ai biết mình làm, không cần người biết ơn việc mình làm. Ta đưa đạo vào đời, là một vị Bồ tát Hạnh, chuyển hóa lòng người, khuyên mọi người quay về nương tựa ba ngôi Phật – Pháp – Tăng.
Sư cô Giảng sư chia sẻ Đức Phật Dược Sư là một vị Thầy thuốc cứu khổ cho chúng sinh những căn bệnh cả về thân, tâm. Vì vậy, người Phật tử tu tập cần làm vị thầy thuốc cho chính mình, đẩy lùi tham – sân – si trong tự thân mỗi người, để sau đó có thể làm vị thầy thuốc chữa bệnh cho mọi người. Hãy chuyển hóa nội tâm mình cho thanh tịnh, thân trong sạch. Chữa bệnh cho mình bằng pháp Phật, pháp học và pháp hành.
Sau cùng, Sư cô mong đại chúng củng cố niềm tin vững chãi vào tự lực và tha lực của Đức Phật Dược Sư, thực tập và tiếp nối tinh thần Bồ tát Hạnh, lợi tha, yêu thương mọi người, mọi loài; Một người chuyển hóa được nhiều người, thay đổi được biệt nghiệp, thì thế giới này sẽ đầy yêu thương, hạnh phúc, an lành và bớt đi nỗi khổ niềm đau.
Bước sang ngày tu tập thứ ba, buổi sáng đại chúng đã được lắng nghe Thượng tọa Thích Tâm Hoan – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Kinh tế tài chính TW, Ủy viên thường trực Ban Hoằng pháp TW chia sẻ về “Ý nghĩa của việc tụng Kinh Dược Sư”.
Theo Thượng tọa Giảng sư, tụng Kinh là đọc lại lời Đức Phật dạy một cách có thành kính, âm điệu để những lời dạy đó ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta, ngăn chặn không cho những điều xấu ác xâm nhập thân – khẩu – ý, từ đó đẩy lùi những phiền não khổ đau mà chúng ta đã huân tập từ trước, để quay trở về với thân tâm Phật tính, bản tâm thanh tịnh của mỗi người.
Đức Phật dạy, khi tụng Kinh, mắt nhìn văn Kinh, miệng đọc Kinh, tai nghe giọng đọc Kinh, tâm tập trung vào việc tụng Kinh, không để duyên trần lôi kéo sinh tâm vọng tưởng, sẽ ngăn được ngoại cảnh chi phối, lôi kéo.
Kinh Dược Sư nói về công đức bản nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, từ khi Ngài còn hành Bồ tát đạo đã phát 12 nguyện lớn, nương vào đó tu tập, hóa độ chúng sinh, thành Phật ở cõi nước Tịnh Lưu Ly.
Chữ “Như” nói lên tri kiến “chân tâm Phật tính”, “bản lai diện mục” mà Đức Phật Dược Sư trải qua vô lượng kiếp tu tập, hóa độ chúng sinh, công đức viên mãn thành tựu quả Phật. Chân Như này thanh tịnh trong sáng như ngọc lưu ly quang, không bị thời gian, ngoại cảnh làm thay đổi, như chân tâm của mười Phương chư Phật Bồ tát Thánh tăng. Khi sống với chân tâm Phật tính của mình, Đức Phật khởi lên tâm yêu thương với muôn loài chúng sinh còn đang chìm đắm trong đau khổ, như một vị thầy thuốc giỏi, tùy theo căn cơ trình độ nhận thức mà nói ra vô lượng pháp môn tu khác nhau để chúng sinh nương vào đó để tu tập.
Như vậy, các pháp môn tu có khác nhau nhưng điểm đến là một, chính là loại bỏ phiền não khổ đau để quay về với chân tâm Phật tính của mình. Trong điều kiện hoàn cảnh nào, ta cũng có thể hòa nhập được mà tâm không bị dao động, bị phiền não chi phối. Đức Phật dạy, thế giới này trong vòng đối đãi, có buồn có vui, khen chê…người tu tập hiểu lời Phật dạy, tự tại trước lời khen chê.
Sau cùng, Thượng tọa Giảng sư mong các Phật tử khi Tham dự Pháp hội Dược Sư, được nghe pháp, tụng Kinh, niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư cùng quý Thầy và các đạo hữu đồng tu, các Phật tử sẽ được quay trở về sống với Phật tính trong tâm của mình; từ đó chuyển hóa thân tâm để cuộc sống được an vui, giải thoát.
Đầu giờ chiều, đạo tràng trang nghiêm cung đón Đại Đức Giảng Sư Thích Giác Ấn đến từ Lớp cao cấp Giảng sư khóa II khu vực phía Bắc giảng pháp cho đại chúng với chủ đề: NĂNG LƯỢNG BÌNH AN THEO TINH THẦN KINH DƯỢC SƯ.
Năng lượng bình an theo quan điểm Phật giáo là những chất liệu, yếu tố khiến tâm ta được thanh tịnh, trí tuệ sáng ngời. Năng lượng bình an này theo dạng năng lượng cảm xúc tinh thần. Khi ta tụng kinh Dược Sư, Đức Phật Thích Ca giới thiệu về Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Như Lai Bản Nguyện Công Đức chữa được cả bệnh thân và tâm cho chúng sinh. Ngài có thể trị hết tất cả các bệnh khổ như vọng tưởng, điên đảo, tham sân si, phiền não gây ra nếu chúng sinh trì tụng kinh Dược Sư, nỗ lực tu tập, chuyển hóa nghiệp chướng, thành tựu quả giác ngộ vô thượng.
Qua đó, Đại đức Giảng sư đã chia sẻ những chất liệu để con người được bình an. Trong kinh Dược Sư, Đức Phật Dược Sư khi còn tu hạnh Bồ tát có phát 12 đại nguyện vì chúng sinh, trong đó có ta. Khi đọc 12 lời nguyện đó ta có sự rung động, cảm thấy năng lượng yêu thương vô điều kiện của Ngài tràn ngập trong trái tim ta. Nên ta thấy bình an. Từ bi và trí tuệ là những chất liệu bình an đầu tiên. Ngài cầu cho chúng sinh đạt được trí tuệ vô thượng như Ngài. Ta cũng có thể đem niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều người nếu ta có từ bi và trí tuệ. Ta hãy lấy điều này làm động lực để tu tập. Từ bi và trí tuệ được thể hiện qua sự giữ Giới, nhẫn nhục, buông xả và nhìn đời bằng con mắt yêu thương.
Chất liệu tiếp theo đó là Hạnh buông xả. Dù cho chúng sinh thọ giới pháp rồi, lại phạm giới, có tâm si mê theo tà kiến, làm cho vô số người khác đau khổ thì Đức Phật Dược Sư vẫn phát nguyện để họ về nơi chính kiến. Khi bước đến cuộc đời này, không ai là không phạm lỗi lầm. Chúng ta đều cần sự tha thứ cho nhau, cho chính mình. Ta muốn bình an, ta phải tha thứ cho người, cũng là hóa giải oan gia trái chủ nhiều đời nhiều kiếp. Khi ta tha thứ, ta có chất liệu của từ bi và buông xả. Ta khổ vì nắm chặt quá nhiều. Nắm chặt chừng nào thì khổ đau chừng đó. Mỗi ngày ta hãy học chữ buông để được nhẹ nhàng, thảnh thơi. Hãy học nhìn cuộc đời bằng con mắt yêu thương, nhìn mọi người ở những điều tích cực nhất, những điểm tốt nhất.
Hạnh hoan hỷ trì chú và trì kinh Dược Sư là hạnh thứ ba. Khi tụng niệm, trì chú kinh Dược Sư, ta cảm thấy hạnh phúc, bình yên bởi ta có được tha lực của Ngài. Sự tha lực này đưa tâm chúng ta trở về bình yên. Muốn trì tụng niệm có lợi ích thì thân – khẩu – ý của ta phải thanh tịnh, trang nghiêm, không tạo ác nghiệp mà tạo thiện nghiệp. Phật là không tham, sân giận, si mê mà luôn yêu thương tất cả chúng ta. Ta niệm tức ta luôn nhớ nghĩ hạnh của Đức Phật Dược Sư, nguyện cho tất cả chúng sinh không có bệnh tật về thân tâm, nguyện chúng sinh đạt quả vô thượng chính đẳng chính giác không còn khổ đau. Như vậy, tâm của ta giao thoa với tha lực, với tâm của Phật. Đức Phật sẽ hộ trì cho ta được bình an.
Khép lại bài giảng, Đại đức Giảng sư mong các Phật tử hãy luôn duy trì năng lượng bình an ngập tràn bằng sự tinh tiến. Hãy luôn siêng năng, tinh tiến, chính niệm, tỉnh giác, giữ giới đức và phát nguyện từng phút, từng giây, từng giờ, từng ngày. Hãy luôn luôn phát nguyện hoan hỷ, rà soát tâm của mình, để tâm luôn có sự tha thứ, nhìn người khác bằng con mắt yêu thương, không làm tổn hại đến chúng sinh. “Mong rằng, mỗi ngày các Phật tử nạp năng lượng từ bi và trí tuệ, giữ Giới, buông xả, tha thứ, nhẫn nhục, siêng năng tinh tiến tu tập trì niệm danh hiệu – tụng Kinh Đức Phật Dược Sư để lan tỏa tinh thần từ bi và trái tim bình an ấy trải khắp thế gian”.
Diệu Tường – Ban TTTT Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc