Trang chủ Đời sống Những người con Phật mừng 60 năm giải phóng thủ đô theo...

Những người con Phật mừng 60 năm giải phóng thủ đô theo cách riêng của mình

203

Chúng tôi mỉm cười thầm và chơt nghĩ “Ô hay, tu là tu cả đời chứ. Thiền là thiền mỗi ngày, mỗi phút giây chứ”.

60 năm giải phóng Thủ đô là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với Hà Nội mà là cái mốc rất đáng nhớ đối với cả nước. Anh Tô Văn Động, Giám đốc sở Văn hóa Thế thao và Du lịch cho biết, tổng thể Hà Nội có đến 22 cụm chương trình lớn chào mừng mốc lịch sử này. Các sự kiện lớn diễn ra trong và xung quanh ngày 10/10 quan trọng. Tuy nhiên không chỉ vậy.

Một trong 22 cụm sự kiện quan trọng là Hội Sách Hà Nội lần thứ nhất. Lần đầu tiên được tổ chức ở Thủ đô mà lại diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long nên nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là bạn đọc Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tôi thực sự ấn tượng với tâm Phật của các vị lãnh đạo thành phố đã thật sự quan tâm, thật sự hết mình cho sự kiện ý nghĩa và mag tính trí tuệ này.

Như một thành viên của Ban tổ chức, chúng tôi thành tâm biết ơn chị Nguyễn Thị Bích Ngọc – phó Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội, Chị Phan Lan Tú và anh  Nguyễn Minh Khánh – Giám đốc và Phó giám đốc sở Thông tin Truyền thông, anh Nguyễn Kiểm – phó chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, anh Tô Văn Động, Giám đốc sở Văn hóa, thể thao Du Lịch, …

Nếu không có tinh thần “phụng sự để dẫn đầu”, nếu không có tấm lòng Bồ tát và tinh thần “tinh tấn ba la mật” của các anh các chị thì không thể có được một Festival sách, một ngày hội của tri thức tuyệt vời đến vậy.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm đến những người con Phật đã góp lòng, góp sức cho sự kiện quan trọng của Hội Sách. Một trong những người mà tôi không thể không nhắc đến là cư sỹ Chính Trung – Thành viên Thành hội Phật giáo TP HCM. Ông đã cất công bay từ Sài Gòn, thành phố lớn nhất cả nước, nơi đã tổ chức thành công 8 Hội Sách, 4 Lễ Hội Đường Sách ra Thủ đô phục vụ Hội Sách Hà Nội.

Ông có mặt tất cả các ngày trong tuần lễ của Hội Sách để sáng tác những bức tâm thư pháp tặng bạn đọc Thủ đô. Hoàng thành Thăng Long đã chứng kiến và ghi nhận hàng trăm bức tâm thư pháp lớn nhỏ được ông thủ bút tặng cho bạn đọc.

Tôi nghĩ trong đầu “Có sách để đọc, có tâm thư pháp của 1 vị thầy từ TP HCM bay ra tặng để ngắm thì còn gì bằng”. Tôi biết rằng, nhờ tâm và lực của cư sỹ Chính Trung trong hơn một tuần lễ mà hiện này rất nhiều gia đình tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc đang được ngắm những tác phẩm lớn nhỏ tuyệt vời và ý nghĩa.

Cũng trong khuôn khổ Hội Sách Hà Nội lần thứ nhất diễn ra tại Thủ đô từ ngày 26/09 đến 02/10, Thái Hà Books có đến 09 tọa đàm, trong đó có chúng tôi có may mắn đứng trên sân khấu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long để diễn thuyết và sẻ chia trong 2 tọa đàm lớn với các chương trình “Tôi tự hào là người Viêt Nam” và “Tuổi trẻ Thủ đô và văn hóa đọc”.

Các chương trình này thu hút hàng trăm người con Thủ đô tham dự. Sao có thể không mừng vui khi những người con Phật cất lên tiếng nói của mình để kêu gọi 93 triệu dân Việt Nam đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, ứng xử với nhau và với thiên nhiên có trí tuệ. Làm sao mà không hạnh phúc khi thấy văn hóa đọc của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang được xây dựng và phát triển rực rỡ.

Tự nhiên tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng “Tu mà không đọc là tu mù. Đọc mà không tu là đẫy sách” Hàng trăm đầu sách Phật giáo đã được trưng bày rất đẹp và đã lan tỏa đến tay bạn đọc khắp mọi nơi. Vui lắm chứ. Đây là cách hoằng pháp rất đơn giản, hiệu quả và thiết thực chứ ạ.

Ngay sau khi Hội Sách Hà Nội kết thúc, một chuỗi các tọa đàm và các buổi giao lưu chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô đã liên tục diễn ra. Chỉ tính riêng tại Nhà sách Thái Hà ở địa chỉ 119 C5, phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã liên tục diễn ra  đến 11 tọa đàm và giao lưu vào 18h00 các tối. Tôi xin đơn cử nêu ra một số trong các chương trình rất ý nghĩa này. 

Tối ngày 05/10 có buổi giao lưu với  thầy Chính Trung – chuyên gia Tâm Thư Pháp số 1 Việt Nam. Thầy chia sẻ về ý nghĩa của tâm thư pháp, cách thưởng thức tâm thư pháp, tâm thư pháp trong nước và trên thế giới. Thây Chính Trung,  tác giả cuốn sách “Đắc nhân tâm trong tâm thư pháp” cũng tặng thư pháp cho tất cả những ai may mắn có mặt.

Tối ngày 08/10 thầy Huyền Diệu từ Ấn Độ và Nepal đã bay về. Thầy là Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới, người có công tái thiết Lâm Tỳ Ni, người lập nên 2 ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Lâm Tỳ Ni và Bồ Đề Đạo Tràng với tên gọi “Việt Nam Phật Quốc Tự”. Thầy cũng là tác giả của các cuốn sách “Sức mạnh của lòng tri ân”, “Khi hồng hạc bay về”, “Khi mặt trời lên”…. Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã chia sẻ với những ai may mắn có mặt về tình yêu thương đất nước, về niềm từ hào dân tộc, về tinh thần Việt và đặc biệt là về luật nhân quả. Ai cũng vui. Ai cũng xúc động. 

Tối ngày 09/10, buổi giao lưu với thầy Minh Niệm tác giả cuốn sách nổi tiếng “Hiểu về trái tim” đã diễn ra thu hút nhiều Phật tử. Trong buổi giao lưu này, thầy Minh Niệm cũng đã hướng dấn thiền cho những ai có mặt. Dù chỉ ít phút thôi nhưng ai ai cũng thấy an lạc, thấy  dễ chịu và có những hiểu biết đúng dắn và ban đầu về thiền..

Vào tối ngày 14/10/14 buổi gặp gỡ với bạn Thanh Nam và CLB Xuyên Việt và giao lưu với chủ đề “Đi dể mà đi”. Thanh Nam là một bạn thanh niên trẻ đã đi bộ hơn 1.800 km từ Sài Gòn về đến Hà Nội. Em đi một mình, đi để mà đi. 37 ngày đi bộ dọc theo chiều dài của đất nước như nhắn nhủ đến tất cả dân tộc Việt Nam, nhất là các bạn trẻ rằng không có gì là không làm được. Rằng thứ cần nhất là quyết tâm và sự chuẩn bị tốt. Thông điệp Thanh Nam và những bạn đã và đang đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy, chạy bộ,… xuyên Việt muốn gửi đến những ai có mặt và không có mặt tại buổi tọa đàm rằng đất nước Việt Nam ta rất đẹp, con người Việt Nam ta rất yêu thương đùm bọc lẫn nhau, rằng sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi chúng ta là vô cùng lớn.

Tối thứ 5 ngày 16/10/2014 có buổi giao lưu đặc biệt với Ni sư Thích Nữ Giác Liên, một vị sư có 2 dòng máu Việt – Ấn, tác giả của các cuốn sách như “Đường về xứ Ấn”, “Thế nào là giải thoát”, “”Thắp sáng đèn chơn lý”, “”Bờ giải thoát:. Sư bà Giác Liên kể chuyện về Bồ Đề Đạo Tràng, về Lâm Tỳ Ni và đất Phật. Sư bà hướng dẫn các bạn có mặt cách tu đúng, cách nhìn sâu vào bên trong để thấy được bản thân chính mình, để Phật tính hiển lộ. Sư bà Giác Liên cũng đã hát những bản đạo ca do chính sư bà sáng tác để tặng Phật tử Thủ đô Hà Nội.

Chúng tôi vui lắm. Vui vì đã kết duyên, tạo phước để Phật pháp đến với những ai đủ duyên. Vui vì mỗi ngày có thêm một số người, nhất là các doanh nhân và sinh viên biết đến đạo Phật. Vui bởi từng ngày chúng tôi thấy những người quanh mình  sống tốt hơn, vui hơn, ý nghĩa hơn.

Chúng tôi cũng may mắn có mặt trong 2 ngày 11 và 12/10 tại Học viện An ninh C500, Bộ Công an, để nói về 2 chủ đề “Tôi tự hào là người Việt Nam” và “Văn hóa đọc thời nay”. Vài ngàn cán bộ, sỹ quan và học viên của học viện An ninh lớn nhất cả nước đã có mặt để hiểu hơn về đất nước Việt Nam đáng tự hào của chúng ta, để hiểu về giá trị của sách và tri thức, để phám phá và phát huy khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người.  Thiếu tướng Lê Minh Hùng – Phó giám đốc Học viện An ninh, Đại tá Lê Hồng Thái – Phó giám đốc báo Công an Nhân dân đã rất vui mừng về kết quả của các chương trình. Những cái bắt tay thân mật, những lời cảm ơn chân thành của các anh làm chúng tôi rất vui. Những nụ cười hân hoan của hàng ngàn học viên và cán bộ nhà trường làm chúng tôi hạnh phúc lắm.

Chúng tôi cứ nghĩ mãi, Đức Phât đã dạy rằng “Ta là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành”.  Phật mà còn thành được thì chuyện thành Chủ tịch, thành Tổng giám đốc, thành tướng lĩnh anh hùng dĩ nhiên là được. Phật mà còn thành được cơ mà. Thôi thì, trước hết, hãy tập và nhắc nhau làm người tử tế.        

Chúng tôi khó có thể quên rằng ngay trong ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 chúng tôi đã có buổi nói chuyện với  lãnh đạo và cán bộ Tổng công ty Bia rượu và nước giải khát Hà Nội HABECO về chủ đề “Hạnh thúc thật giản đơn”. Hạnh phúc giản đơn vô cùng, giản đơn đến khó tin. Chỉ cần ngắm một bông hoa, tặng nhau 1 nụ cười, 1 cái nhìn ấm áp và trìu mến là hạnh phúc rồi. Hạnh phúc là khi ta vui với niềm vui của người khác, khi biết cảm thông với người xung quanh, khí giúp ai cái gì đó dù là rất nhỏ. Hạnh phúc là khi yêu quý đồng nghiệp của mình, khi giúp đỡ hàn xóm của mình. Và hạnh phúc là khi nhặt 1 chút rác bỏ vào thùng.

Chỉ cần nhìn nụ cười tươi của 2 anh Phong và Linh – Chủ tịch HĐQT và TGĐ HABECO và chị Hương – Chánh văn phòng khi ngồi nghe ngay trên hàng ghế đầu tiên là tôi hạnh phúc lắm rồi

Chúng tôi lại nhớ về quãng thời gian trước đó, trong 2 ngày 20 và 21 tháng 10 đã hướng dẫn khóa thiền 2 ngày “Tôi làm việc tôi hạnh phúc” tại Sóc Sơn cho gần 100 thiền sinh. Và sau đó không lâu, vào ngày chủ nhật ngày 5/10, chúng tôi cũng đã hướng dẫn các thiền sinh trong chương trình “Ngày an lạc” cho hơn 100 thiền sinh tại chùa Đình Quán, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Vui vô cùng khi tận mắt thấy sự đổi thay của từng thiền sinh sau mỗi phút giây hành thiền.

Chúng tôi hạnh phúc lắm khi cả một tập thể lớn cùng chúng tôi thiền tọa, thiền đi bộ, thiền hát, thiền uống trà, thiền nằm, thiền đứng, thiền lắng nghe, thiền sẻ chia và cả thiền ôm nữa. Hạnh phúc lắm. An lạc vô cùng.

Và bạn biết không, chúng ta tu mỗi ngày, tu cả đời. Ngươi tu là luôn nghĩ đến việc tu. Tu trong mỗi phút giây, trong từng việc làm. Ngay cả việc chúng tôi đang gõ những dòng chữ này cũng là một cách tu đấy ạ.

Thiền cũng vậy. Chúng ta luôn hành thiền, luôn tập sống trong tỉnh thức, trong chánh niệm.  Tôi tin rằng ngày càng có thêm nhiều người tu, nhiều người hành thiền. Tôi đang nhìn thấy kết quả mỗi ngày đấy thôi. Thật mà.

Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 đã qua, nhưng mỗi chúng ta vẫn đang bằng các cách khác nhau kỷ niệm ngày này. Sáng nay, vẫn như thường lệ, chúng tôi đã thiền tọa, thiền hành, thiên nhặt rác. Nếu bạn muốn thiền hành và thiền nhặt rác cùng chúng tôi, xin mời có mặt tại công viên Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Thủ đô Hà Nội vào 05h30 mỗi buổi sáng nhé.

Biết ơn các huynh đệ yêu kính của chúng tôi, những người con Phật tuyệt vời