“Im re” và “im lặng như chính pháp”
“Im re” là từ dùng của HT Thích Như Niệm, Phó Trưởng ban Trường trực Ban Từ thiện xã hội Trung ương, Trưởng ban Từ thiện xã hội GHPGVN TPHCM dùng trong bài trả lời “Không nên thả nổi ngành từ thiện xã hội” đăng trên Báo Giác Ngộ số 762 (19/92014) chỉ tình trạng của cơ quan có trách nhiệm của Giáo hội trước vụ chùa Bồ Đề.
Thực ra, nói phía Giáo hội Phật giáo “im re” thì cũng không hẳn đúng. Đã có những chức sắc của Phật giáo lên tiếng, nhưng không đâu vào đâu trước dòng thác dư luận chảy ngược. Vì vậy, nói “im re” thì quả không sai. Bộ máy truyền thông của Giáo hội không phản ứng đúng mức, trừ những bài viết lẻ tẻ tự phát.
Sẽ có ý kiến rằng, đạo Phật vốn là đạo của im lặng, “im lặng như chính pháp”, “oan ức không cần bày tỏ”. Vì vậy, cơ quan chức năng của Giáo hội Phật giáo “im re” là chuyện đương nhiên, tất yếu, không có lựa chọn khác.
Nghĩ rằng đạo Phật là đạo im lặng dễ lấy đó mà“im re” là hiểu rất sai về Phật giáo.
Một trong Bát chính đạo, vốn là pháp tu chính của Phật giáo, có chánh ngữ, tức nói điều chân chánh. Đức Phật dạy chánh ngữ tức là dạy chúng ta không thây kệ, không bỏ mặc để người sai trái muốn làm gì thì làm, không được “im re” mà phải nói lời đúng đắn, lời chân chánh. Như thế, đức Phật dạy chúng ta cả 2 mặt nói năng và im lặng, tùy thuộc nhân duyên, hoàn cảnh. Nếu chỉ dạy mỗi im lặng, “im re” trong bất cứ trường hợp nào thì hóa ra đạo Phật là đạo câm trước mọi hoàn cảnh.
Hoàn cảnh cũng không phải luôn luôn cho phép người Phật giáo chọn sự im lặng. Mục tiêu của đợt tập kích truyền thông vào chùa Bồ Đề là đánh sập uy tín, danh dự Phật giáo Việt Nam, mà điều cụ thể mà người ta nhắm đến là buộc tội buôn người vào một khuôn mặt tiêu biểu của Phật giáo, cố đưa vị giáo phẩm đó vào tù. Nên nhiều bài báo đọc cứ nghe như cáo trạng. Trước hoàn cảnh như thế thì “oan ức không cần bày tỏ”, im lặng cho người ta thủ ác, vu vạ, hành sự hạ thủ Phật giáo.
Vì vậy, nguyên nhân của việc “im re” có thể là hiểu sai về Phật giáo, đánh đồng Phật giáo với sự tiêu cực, thụ động, mà biểu hiện là sự im lặng, “im re”, tự bịt tai, tự bịt miệng.
Từ đó, suy ra sự thụ động, bất lực, “không có giáo quyền” của Giáo hội Phật giáo có thể là do việc tiếp nhận Phật giáo một cách lệch lạc, mà tự bịt mắt, bịt tai, bịt miệng là tự phủ nhận sự tồn tại.
Hành vi “im re” là hành vi tự loại trừ chính mình
Trong vụ chùa Bồ Đề, khi người ta giáng thẳng cú tập kích và một trong những khuôn mặt tiêu biểu của Phật giáo, thì lại có ý kiến coi đó chẳng qua là một vụ “bắt chuột” làm vỡ đồ.
Với nhận thức như thế, thì có gì để mà lên tiếng.
Thật lòng mà nói, chính ra một số không ít người theo đạo Phật quá chất phác, đơn giản, dẫn đến “im re” như là sự lựa chọn bắt buộc. Điều này chúng ta có thể thấy trên diễn đàn phản hồi phía dưới các bản tin liên hệ đến vụ chùa Bồ Đề vừa qua. Những người bênh vực cho nhà chùa, tất nhiên là theo đạo Phật, thường lúng túng trong việc bày tỏ ý kiến, thất thế trước những lời buộc tội dữ dằn, hung hãn, mà có khi nhiều người chỉ biết niệm Phật.
Thử hỏi, năng lực không có, thì điều đó đồng nghĩa với không thể phản ứng, dù là chỉ bằng lời nói. Thế thì chỉ có… “im re” thôi, nào còn lựa chọn nào khác.
“Im re” có thể do nguyên nhân có thể diển tả một cách gợi hình là tư duy “đóng cửa chùa đi ngủ khỏe”. Ở đó, người có trách nhiệm có thể không cho là tu Phật thì phải im lặng, “im re”, tịnh khẩu là cấm khẩu, tiệt nhiên không nói, và cũng có thể vẫn có khả năng lên tiếng. Nhưng lựa chọn là tránh né sự khó khăn, phức tạp rắc rối, phiền nhiễu. Tôi nghĩ rằng kiểu lựa chọn như thế không phải là ít trong Phật giáo Việt Nam hiện nay. “Đóng cửa chùa đi ngủ khỏe” thì đương nhiên chỉ có thể “im re” thôi.
Việc tránh né như thế có thể không diễn ra một cách đơn lẻ, mà còn tạo một kết quả liên hoàn, tạo nên ảnh hưởng tiêu cực đối với tình hình chung của Phật giáo. Chẳng hạn, một số bài viết của tôi lên tiếng bênh vực chùa Bồ Đề dù gửi đi rộng rãi, vẫn có nhiều trang web không đăng. Người ta xem vụ chùa Bồ Đề như là của ai đó không liên quan, không dính vào, “đóng cửa chùa đi ngủ khỏe”. “Im re” đến đây không chỉ tự mình im mà tác động cho người khác cùng “im re” chung luôn thể.
“Im re” như vậy là một sự khuyến khích những kẻ bài Phật giáo làm tới, tập kích không từ một ai trong Phật giáo, kể cả những người muốn tránh rắc rối, phiền nhiễu. “Im re” trước mắt có vẻ như là cách tránh phiền nhiễu, nhưng về lâu về dài đó là một cách gọi phiền nhiễu đến, vì một vụ chùa Bồ Đề không được ngăn chặn sẽ là mở đường cho những vụ chùa Bồ Đề 2, chùa Bồ Đề 3 ở mọi đối tượng Phật giáo.
Tình trạng “im re” mà HT Thích Như Niệm nói cũng có thể do một trong số những nguyên nhân kể trên nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân cộng lại. Ba điều như trên cộng lại thì kết quả đương nhiên là “im re” tuyệt đối, “im re” triệt để, “im re” “hoàn toàn”, “im re” kéo dài và ở cấp độ cao nhất.
Kết quả là qua vụ chùa Bồ Đề vừa rồi ngoại trừ một số ít tờ báo thận trọng, dè dặt, bênh vực Phật giáo có mức độ, và một số bạn đọc Phật giáo lên tiếng yếu ớt, phát biểu thường sơ lược, non nớt về mặt lý luận, còn lại, xu thế bài Phật giáo, bêu xấu Phật giáo, công kích Phật giáo, làm nhục Phật giáo chiếm lĩnh không gian truyền thông lên đến hàng tháng trời, cả trong nước đến ngoài nước, cả cơ quan truyền thông người Việt lẫn cơ quan truyền thông của nước ngoài.
Trên mục phản hồi các tờ báo mạng, có thể thấy một số bạn đọc Phật giáo rất muốn lên tiếng bên vực chùa Bồ Đề, nhưng vì không có khả năng diễn đạt, không có kỹ năng ngữ văn cần thiết, nên lập luận sơ sài, kém sắc bén, thuyết phục, thua kém hẳn những ý kiến buộc tội nhà chùa, vốn rất thủ đoạn, tinh vi. Trong đó, thương nhất là nhiều bạn đọc chỉ có thể viết nên những câu niệm Phật. Niệm Phật thì dù sao cũng là một hình thức lên tiếng, cũng là chính ngữ, hơn hẳn việc “im re”.
Trước lời nhận xét của HT Thích Như Niệm với từ “im re”, thiết tưởng những người theo đạo Phật có lương tri đều phải tự vấn, không chỉ là những ban ngành đơn vị có trách nhiệm của Giáo hội.
“Im re” là vấn đề chung của Phật giáo. Đó là một kiểu phản ứng mang tính chất thụ động của Phật giáo Việt Nam, mà qua đó còn phản ánh được thực trạng của Phật giáo Việt Nam, thực trạng suy thoái, thiểu số, yếu ớt, nhu nhược, như một người khi bị bắt nạt, bị vu khống, bị làm nhục một cách tàn bạo, ác độc, mà vẫn “im re”.
Từ “im re” mà HT Thích Như Niệm sử dụng vừa gợi hình, gợi tả, vừa diễn đạt một cách chính xác thực tế hiện nay của Phật giáo Việt Nam.
So với các tôn giáo khác trên thế giới, sự phong phú của Kinh Phật là đứng đầu trên thế giới, vượt xa nhiều tôn giáo khác. Vậy mà làm sao lại có thể nghĩ đạo Phật là đạo im lặng, tu Phật là cấm khẩu.
So với các tôn giáo khác, đạo Phật là một tôn giáo đề cao trí tuệ chánh ngữ. Mà có trí tuệ chánh ngữ, thì không thể để tà ngữ mặc tình gieo rắc dối trá, lừa gạt.
So với các tôn giáo khác, đạo Phật là một tôn giáo đề cao trách nhiệm, với hạnh nguyện Bồ tát, với nguyên tắc chánh tinh tấn. Tu Phật theo kiểu gặp việc khó thì “đóng cửa chùa đi ngủ khỏe” là rơi vào đường giãi đãi, dễ duôi, “hôn trầm thụy miên” (từ trong kinh Phật).
Vụ chùa Bồ Đề và sự “im re” về phía những vị có trách nhiệm của Phật giáo Việt Nam là một thách thức lớn của Phật giáo Việt Nam cả về nhiều mặt. Những người phát động vụ tập kích truyền thông này đã thành công cơ bản khi làm lung lay hoạt động từ thiện của Phật giáo Việt Nam, làm méo mó diện mạo Phật giáo Việt Nam trên truyền thông, làm bộc lộ một Phật giáo Việt Nam suy thoái, nhu nhược.
“Im re” là tiền đề hết sức lý tưởng để tổ chức thắng lợi những vụ tập kích truyền thông tiếp theo mạnh mẽ hơn, dữ dội hơn, ác liệt hơn, hiểm độc hơn.
Tuy nhiên, với cái nhìn tích cực, vững tin vào đạo pháp, thì đây chính là dịp Phật giáo Việt Nam nhìn nhận lại mình.
Người Phật giáo hãy cùng nhau nhận thức rằng tu Phật không phải là câm lặng, tịnh khẩu không phải là cấm khẩu, vô cảm mà trái lại, tu Phật tịnh khẩu là chánh ngữ.
Đây cũng là cơ hội để giới lãnh đạo Phật giáo tìm kiếm những người tài trong số nhiều triệu tu sĩ tín đồ Phật giáo Việt Nam sử dụng họ một cách thích hợp vào hoạt động hộ pháp, lắng nghe, tạo thuận lợi cho họ lên tiếng, cũng như tiếp thu sử dụng những ý kiến của họ.
Đây cũng là cơ hội để Phật giáo Việt Nam xem xét lại những khuyết tật, những yếu kém đối với truyền thông Phật giáo, có những cải tiến hoàn thiện tương ứng, thích hợp, để truyền thông Phật giáo nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động đối phó có kết quả với những trường hợp tương tự như vụ chùa Bồ Đề, nói lên tiếng nói chánh ngữ, kịp thời dập tắt những luận điệu tà ngữ, vu vạ, hạ nhục Phật giáo.
Cần làm cho người Phật giáo thấy việc “im re” trước việc người ta vụ vạ, bêu xấu hạ nhục Phật giáo là điều không thể chấp nhận được chẳng những không phải là chuyện tu hành, mà trái lại còn gây hại cho đạo pháp. Nhận nhục không phải là “im re” và để cho người ta sử dụng khai thác việc “im re” đó để xúc phạm đạo Phật.
Phật tử chúng ta tán thán việc lên tiếng của HT Thích Như Niệm về thái độ “im re” tiêu cực trong Phật giáo Việt Nam đối với sự kiện chùa Bồ Đề vừa qua, tạo điểm tựa cho tu sĩ tín đồ Phật giáo chuyển dẫn sang tư duy tích cực hộ pháp, tiến đến đưa Phật giáo Việt Nam ra khỏi tình trạng suy thoái, tiến đến chấn hưng Phật giáo mạnh mẽ, toàn diện và triệt để.
MT