Trang chủ Nghiên cứu "Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 23)

"Phật giáo ở đâu…": Câu hỏi muộn màng (Bài 23)

204

1)    Dẫn nhập: Mục tiêu của loạt bài ““Phật giáo ở đâu?”: Câu hỏi muộn màng” là giới thiệu đến bạn đọc những bài báo, bài nghiên cứu, trích đoạn từ báo, tạp chí, sách in, tư liệu trên mạng ghi nhận tình trạng thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh phát triển của các tôn giáo, giúp quý tăng ni Phật tử có thêm thông tin trên bước đường hoằng pháp.
Tư liệu được giới thiệu dưới đây cung cấp cho tăng ni Phật tử phát nguyện hoằng pháp ở Tây Nguyên thông tin quan trọng về bức tranh tôn giáo ở đây.

2)    Tư liệu, tác giả, xuất xứ:
2.1. Tên tưi liệu: Sự biến đổi tâm thức tôn giáo truyền thống của người Tây Nguyên hiện nay.
2.2. Tác giả: TS Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
2.3. Xuất xứ: Tap chí Nghiên cứu Tôn giáo số 04 (130), 2014, trang 3-18: “Bài viết phục vụ Đề tài cấp Nhà nước “Vai trò của văn hóa và lối sống trong phát triển bền vững Tây Nguyên”, mã số TN 3/X04, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3).

3) Giới thiệu sơ nét:
Tư liệu giới thiệu chung là Tây Nguyên có 3 tôn giáo lớn là đạo Ca tô La Mã, Tin Lành và Phật giáo (Phật giáo được kể sau cùng). Thế nhưng khi đi vào nội dung phân tích cụ thể, thì không thấy Phật giáo ở đâu cả, mà thay vào đó là các tôn giáo mới.
Tư liệu ghi nhận bước phát triển mạnh của đạo Tin Lành, đồng thời với một số thống kê tư liệu cũng cho thấy tác động mạnh mẽ của đạo Tin Lành đến đời sống văn hóa Tây Nguyên.
Đọc xong tư liệu nghiên cứu này, người đọc sẽ tự hỏi, trên Tây Nguyên “Phật giáo ở đâu?”.
Tư liệu đặt ra cho Phật giáo Việt Nam vấn đề lớn, hoặc bây giờ hoằng pháp ở Tây Nguyên với sự muộn màng, hoặc sẽ không bao giờ.

4. Giới thiệu trích dẫn:
“3.2. Sự xâm nhập của các tôn giáo mới
Sự xâm nhập của các tôn giáo lớn như Công giáo, Tin Lành và Phật giáo có tác động to lớn đến việc giảm đi những nỗi ám ảnh trong tâm thức tôn giáo của người dân Tây Nguyên. Những nỗi ám ảnh gắn liền với nhiều nghi lễ cúng bái bị xem là ma quỷ, hủ tục, tốm kém và cần phải loại bỏ. Tục đánh cồng chiêng cũng bị xem là gắn với ma quỷ, bởi trong tâm thức của người dân Tây Nguyên, về cơ bản, cồng chiêng không phải nhạc cụ giải trí mà là một nhạc cụ nghi lễ. Người Tây Nguyên hiểu rằng, phía sau mỗi chiếc chiêng là một vị thần, chiêng càng cổ thì uy lực của vị thần càng cao. Theo tư liệu của Henri Maitre, một chiếc chiêng cổ, với ý nghĩa đó, có thể đổi được 15 con trâu18. Tùy theo mỗi loại thể thức: mừng nhà mới, cúng bến nước, cầu xuống giống, cầu mưa, lễ hiến sinh hay lễ thổi tai, lễ tang,… người ta sẽ thực hiện một kiểu diễn xướng cồng chiêng. Nói cách khác, âm nhạc, cồng chiêng là nghệ thuật hóa lời thỉnh cầu, lời tạ ơn của con người cũng như lời nhắc nhở, lời chấp thuận của các vị thần. Người Ê Đê vốn có chiêng K nă, chiêng Kram (chiêng tre), người Gia Rai có chiêng Arap. Do việc đánh chiêng bị xem là gọi ma quỷ, nên nhìn chung, chức săc Tin Lành không cho phép tín đồ của mình thực hiện. Vì thế, nhiều người khi quyết định theo tôn giáo này đã bán chiêng ché cho các làng khác như một thứ hàng hóa đơn thuần.
Tuy nhiên, thực tế ở Tây Nguyên hiện nay vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, như buôn Ea Sang, xã Ea H đing, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc, tuy theo Tin Lành nhưng mục sư ở đây vẫn cho phép đánh chiêng: “Họ nói, đây là nhạc cụ truyền thống, tại sao lại không cho đánh, không cho giữ gìn, không cho con em tập, không cho người già truyền lại. Đánh cồng chiêng không phải là xấu… Mục sư ở đây nói, nếu mục sư trong buôn khác mà không cho đánh cồng chiêng là không đúng”19. Chiêng Arap vốn chỉ được dùng trong đám tang, lễ bỏ mả, cũng được chức sắc, chức việc Giáo xứ Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc, cho phép đánh vào những ngày lễ của Công giáo. Một tín đồ Công giáo người Gia Rai ở giáo xứ này cho biết, chiêng Arap còn được khuyến khích đánh kết hợp với đàn organ: “Ngày lễ Chủ nhật, chiêng được đánh bè với nhạc hiện đại. Khi cha xứ làm lễ, ca đoàn hát tạ ơn, tạ ơn Chúa thì đánh chiêng thôi. Ở đây, cha xứ muốn mình là người dân tộc thiểu số, truyền thống của mình thì không nên bỏ đi, đi lễ phải mặc áo Ê Đê, nhà thờ cấp cho người trong ca đoàn, cha xứ muốn khi đi lễ phải mặc”20. Tuy nhiên, việc người theo Công giáo và Tin Lành tiếp tục sử dụng cồng chiêng trong đời sống của họ mang những ý nghĩa văn hóa nhiều hơn là tâm linh, vì thế không có nghĩa là những nỗi ám ảnh ngày xưa vẫn còn tồn tại.
Đi đôi với sự phát triển của Công giáo, Tin Lành và Phật giáo, đặc biệt là Tin Lành với trên 30 hệ phái, tiêu biểu như Liên Hữu Cơ Đốc, Ngũ Tuần, Báp Tít21, người dân càng ít tin vào những thế lực thần linh ma quỷ từng tồn tại một thời trong nỗi ám ảnh của họ. Ở Lâm Đồng, tổng số người Cơ Ho, tộc người thiểu số đông nhất (130.000 người) trong địa phương này, theo Tin Lành là 50.000 người, theo Công giáo là 80.000 người22. Họ không còn cúng thần lúa, cũng không còn thường xuyên tổ chức lễ đâm trâu. Ở Kon Tum, tính đến năm 2011, 35% dân số toàn tỉnh theo Công giáo, trong đó giáo dân là người dân tộc thiểu số chiếm 78% tổng số giáo dân của toàn tỉnh23. Theo đánh giá của ngành văn hóa tỉnh Đắc Nông: “Tư tưởng vô thần đã chinh phục được một bộ phận quan trọng trong lớp trí thức người Thượng”24. Tổng số tín đồ theo Công giáo trong tỉnh Đắc Nông là 103.014 người, chiếm hơn 20% dân số, trong đó tín đồ người dân tộc thiểu số 8.746 người; Tin Lành có tổng số tín đồ là 47.065 người, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số với 37.669 người.
Như vậy, các tôn giáo ngoại nhập đã có sự phát triển mạnh mẽ ở vùng đất Tây Nguyên vốn một thời là không gian văn hóa – xã hội của thế giới tâm linh gắn với rừng và thần linh tự nhiên. Đặc biệt, Tin Lành phát triển mạnh từ những năm 1990 trở lại đây, số lượng tín đồ tăng theo từng năm. Năm 2006, gần 345.000 tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên là tộc người thiểu số ở 1.720 buôn, thì chỉ 3 năm sau, đến 2009, con số này đã tăng lên 400.000 tín đồ25. Đó là chưa kể sự xuất hiện của một loạt các hiện tượng tôn giáo mới gây lo lắng cho chính quyền, ví dụ như Pháp Luân Công, Hà Mòn, Niệm Phật Vãng Sinh, Canh Tân Đặc Sủng, Thanh Hải Vô Thượng Sư,… hay sự gia tăng các hình thức tín ngưỡng của người Kinh chủ yếu mới nhập cư trong vài thập kỷ gần đây. Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, chỉ riêng tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, có trên 40 đền thờ Đức Thánh Trần và Tứ Phủ. Theo kể lại, trước đây người Miền Bắc ở Tây Nguyên rất đông. Nhưng theo chính sách của Chính quyền Ngô Đình Diệm đưa nhiều người Miền Bắc đi kinh tế mới ở các vùng xa. Sau này, người Miền Trung (Quảng Ngãi, Bình Định,…) lên Tây Nguyên nhiều hơn người Miền Bắc. Tín ngưỡng của người Kinh phổ biến là chùa thờ Phật, đền thờ Đức Thánh Trần và Tứ Phủ, và điện thờ tại gia. Mặc dù các hình thức nghi lễ này thu hút chủ yếu người Kinh, nhưng đôi khi cũng có sự tham dự của người dân tộc thiểu số: “Ở đây cũng có người Ê Đê đến lễ, vì tôi giải thích là mẹ Âu Cơ ở trên núi, thế là họ cũng lễ thế”26.
CHÚ THÍCH:
18. Henri Maitre (2008), Rừng người Thượng: vùng rừng núi cao nguyên Miền Trung Việt Nam, Nxb. Tri Thức, Hà Nội:284.
19. Phỏng vấn Y. T., theo Tin Lành, xã Ea Yông, huyện Krông Păk, tỉnh Đắc Lắc.
20. Phỏng vấn S. W., buôn Tring, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc.
21. Ngô Văn Minh (2011), “Về phương pháp truyền giáo và phát triển tín đồ của các tôn giáo ở Tây Nguyên”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 6.
22. Lê Minh Quang (2011), “Vài nét về tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Cơ Ho ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 8.
23. Đặng Luận (2012), Truyền giáo và phát triển đạo Công giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum, Luận án Tiến sĩ Tôn giáo học, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.
24. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Đắc Nông (2011), Tổng hợp điều tra văn hóa phi vật thể của dân tộc Mnông tỉnh Đắc Nông (tính đến tháng 07/2011).
25. Lê Tâm Đắc (2013), “Xu thế tôn giáo trên thế giới và tác động của chúng đối với các tôn giáo ở Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 9:8.
26. Phỏng vấn tại đền Vạn Kiếp (102 Nguyễn Du, phường Tự An) và đền Bắc Lệ (suối Bà Hoàng, 798 Đoàn Thị Điểm), thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc.
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.